2014-12-04 09:00:04

Hội thảo khoa học về kinh tế Việt Nam tại Vác-sa-va

TS Lã Đức Trung khai mạc hội thảo


Ngày 2 tháng 12 năm 2014, tại khuôn viên trường Đại học Almamer Warszawa - ul. Wolska 43, Viện Khoa học và Văn hóa Việt Nam của trường đã tổ chức hội thảo về đề tài „ Kinh tế Việt Nam trong mối quan hệ Ba Lan-Việt Nam”.

Đây là một hoạt động của Viện Khoa học và Văn hóa Việt Nam trường Alamamer Warszawa trong chuỗi các hoạt động kỉ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Ba Lan.

Trong bối cảnh kinh tế hội nhập toàn cầu ngày càng mở rộng, Việt Nam đã ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Quan hệ giữa hai nước Ba Lan-Việt Nam trong gần 65 năm qua luôn bền vững và phát triển. Nhưng các nhà đầu tư của Ba Lan đã thực sự chú ý tới Việt Nam chưa?. Những chính sách của hai nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Ba Lan tại Việt Nam và ngược lại cho các công ty Việt Nam tại Ba Lan chưa?. Đó là những lí do để các nhà khoa học trình bày những báo cáo của mình trong hội thảo này.

Tới dự hội thảo có hơn 50 khách mời đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức xã hội và cơ quan truyền thông của Ba Lan. Tiến sỹ Kinh tế Lã Đức Trung, phó chủ tịch Hội đồng chương trình của Viện đã khai mạc hội nghị.


Trong báo cáo mở đầu, TS Nguyễn Đức Thanh, tham tán thương mại Việt Nam tại Ba Lan đã trình bày những nét chung về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua, đặc biệt là từ khi Việt Nam ra nhập tổ chức ASEAN, tổ chức thương mại quốc tế WTO và tham gia các hiệp ước thương mại Việt-Mỹ. Trong năm 2013, GDP của Việt Nam tăng gần 6%, trao đổi thương mại trong 20 năm gần đây tăng trung bình khoảng 15-20% hàng năm. Báo cáo cho thấy thị trường Việt Nam tăng trưởng liên tục và rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có các cường quốc Kinh tế như Mỹ, Nhật và Hàn Quốc.

Báo cáo của ông Rafał Tomański, nhà Nhật học, nhà văn và biên tập viên báo „Rzeczpospolita” đã có những so sánh sự phát triển kinh tế Việt Nam với phát triển kinh tế của các nước trong khu vực châu Á và Đông-Nam Á. Ông cũng cho thấy các nhà đầu tư Nhật đã thấy rõ tiềm lực kinh tế của Việt Nam trong thời kì đổi mới và có những quyết định đúng đắn. Giáo sư Małgorzata Pietrasiak, trường Đại học Tổng hợp £ódź cũng đã phân tích rất kĩ quan hệ nhiều năm giữa hai nước Việt Nam và Ba Lan. Trong thời kì trước đây, khi Việt Nam còn chiến tranh, hai nước chưa có nhiều trao đổi thương mại hai chiều. Nhưng trong thời kì từ khi hai nước mở cửa thị trường (khoảng 25 năm nay), trao đổi kinh tế, thương mại vẫn chưa xứng tầm với khả năng của hai nước. Trong báo cáo của mình, TS Stanisław Lipski từ Học Viện Kĩ thuật Quân sự Vác-sa-va đã dẫn những số liệu về đầu tư của các công ty Ba Lan tại Việt Nam và các công ty Việt Nam tại Ba Lan. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến việc tổ chức kinh doanh của các doanh nhân người Việt Nam tại Ba Lan. Phần lớn các công ty người Việt vẫn chỉ sử dụng nguồn vốn của riêng mình, chưa mạnh dạn vay vốn từ các ngân hàng của Ba Lan. Các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam chưa được đầu tư để có mặt tại thị trường Ba Lan. Ông Piotr Gadzinowski – cựu đại biểu quốc hội, nhà báo Ba Lan đã phân tích môi trường đầu tư và nguồn lực lao động tại Việt Nam. Ông cũng đề nghị nhà nước Ba lan cần có những chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp Ba Lan và Việt Nam.

Lần đầu tiên, một hội thảo sử dụng tiếng Ba Lan từ đầu đến cuối và do người Ba Lan gốc Việt chủ trì đã tạo nên sự chú ý đặc biệt của các khách mời. Trong phần thảo luận, nhiều câu hỏi được đặt ra không chỉ yêu cầu các báo cáo viên phải giải thích cụ thể mà còn gây sự tranh luận nghiêm túc trong thính giả. Một câu hỏi được ông Ngô Hoàng Minh nêu ra, đặt vấn đề liệu các cơ quan truyền thông và chính quyền Ba Lan có chú ý tới hậu quả của những phát ngôn và bài viết không chính xác về cộng đồng người Việt Nam trên báo của mình? Theo ông Minh, một vài cơ quan truyền thông của Ba Lan trong tuần qua đã tạo nên sự nghi ngờ về việc kinh doanh của người Việt tại Ba Lan, làm hại các công ty của họ. Bàn luận về câu hỏi này, nhà báo Gadzinowski cùng nhiều đại biểu khác đã tranh luận sôi nổi, khảng định vấn đề dùng thịt chó đưa vào các quán Bar của người Việt tại Ba Lan là không thể. Các đại biểu cũng cho rằng việc phát ngôn của một số người và báo chí đã không có căn cứ và gây tổn hại đến việc kinh doanh của người Việt. Những vấn đề vi phạm vệ sinh thực phẩm của một số cửa hàng châu Á hay quán bar cần được các cơ quan Vệ sinh dịch tễ công bố công khai trên báo chí để người dân Ba Lan biết, không thể đánh đồng tất cả.


(Kết thúc hội thảo vào khoảng 14h00, các đại biểu được mời cơm trưa, thưởng thức ẩm thực Việt Nam do nhà hàng Vân Bỉnh phục vụ. Các đại biểu nói đùa với nhau: Mời các vị xơi „món nem thịt chó” xem có ngon không).


Một số hình ảnh trong hội thảo


Báo cáo viên Nguyễn Đức Thanh


Báo cáo viên Rafał Tomański 


Báo cáo viên  Piotr Gadzinowski 


Bài và ảnh: Xuân Nguyên




Sửa lần cuối 2014-12-04 08:00:04

Bình luận

Bình luận qua Facebook