2015-12-08 14:41:10

Cấp bậc khoa học và chức danh khoa học tại Ba Lan (Phần 2)

Ảnh có tính minh họa


Nguyễn Quỳnh Giao (Tổng hợp)


2. Chức danh khoa học (học hàm)

Về chức danh khoa học, ở Ba Lan đến nay chỉ còn một chức danh duy nhất, đó là Giáo sư. Tuy nhiên, ở Ba Lan danh hiệu Giáo sư đang tồn tại dưới bốn hình thức: Giáo sư cấp nhà nước, giáo sư trường đại học, Giáo sư giáo dục và Giáo sư tập quán.

1) Giáo sư cấp nhà nước (Giáo sư, Giáo sư khoa học, Giáo sư nghệ thuật)

Đó là chức danh khoa học Giáo sư, đã được nhắc đến trên đây. Chức danh này chỉ dành cho người có cấp bậc khoa học Tiến sỹ cao cấp, đã thể hiên là cán bộ khoa học tự lập, có thành tựu khoa học hoặc nghệ thuật vượt trội đáng kể, so với những yêu cầu đã được đặt ra trong quá trình thăng cấp và có những thành quả đáng kể về giáo học pháp trong đào tạo cán bộ khoa học, và do Tổng thống xét trao, theo đơn của Trường Đại học khởi nguồn hoăc Đơn vi Tổ chức xuất xứ có thẩm quyền đệ trình, sau sự kiểm tra lại của Ủy ban Trung ương về Các vấn đề Cấp bậc và Chức danh.

Vì vậy chức danh này còn được gọi là „Giáo sư tổng thống”, hay „Giáo sư Bel-we-der”, vì thường được Tổng thống trao tại lâu đài xưa Belweder của Phủ tổng thống. Ở Ba Lan chức danh này được công nhận suốt đời.

2) Giáo sư trường đại học (Giáo sư chức vụ, Giáo sư cấp trường, Giáo sư được tuyển).

Các quy định bắt buộc về giáo dục đại học đã giới thiệu các chức vụ Giáo sư trong các trường đại học. Đó là ba chức vụ:

  • Giáo sư chính thức – Profesor zwyczajny,

  • Giáo sư đặc biệt – Profesor nadzwyczajny,

  • Giáo sư thỉnh giảng – Profesor wizytujący.

Ba chức vụ này thường được gọi chung là „Giáo sư trường đại học”, do Hiệu trưởng bổ nhiệm.

Ngoài ra cũng xuất hiện chức vụ thứ tư: Giáo sư lão thành – Profesor emeritus, là chức Giáo sư danh dự khi nói về hai chức vụ đầu đã về hưu.

Vào chức vụ „Giáo sư chính thức”, có thể được tuyển duy chỉ các Nhà giáo Đại học có chức danh Giáo sư khoa học.

Vào chức vụ „Giáo sư đặc biệt” có thể được tuyển các Nhà giáo Đại học có cấp bậc Tiến sỹ cao cấp hoặc Giáo sư khoa học.

Nhà lập pháp cũng cho phép tuyển vào chức vụ Giáo sư đặc biệt những người chỉ có cấp bậc khoa học Tiến sỹ, nhưng có nhiều thành quả sáng tạo và lớn lao trong công tác khoa học, song chỉ trên cơ sở hợp đồng lao động.

Chức vụ Giáo sư đặc biệt thấp hạng hơn chức vụ Giáo sư chính thức.

Trong các Trường đại học hàng hải, vào chức vụ Giáo sư đặc biệt có thể tuyển Tiến sỹ có thêm văn bằng hàng hải bậc cao nhất, như Thuyền trưởng giao thông đường thủy cỡ lớn hoặc Thợ cơ khí lâu năm.

Một người nào đó có thể làm việc trong hai hoặc nhiều chức vụ hơn trong các cơ sở khác nhau, ở nơi này là „Giáo sư chính thức”, còn ở nơi khác là „Giáo sư đặc biệt”.

Còn chức vụ „Giáo sư thỉnh giảng”, đó là chức vụ ở Trường đại học, được dự định cho cán bộ khoa học hoặc khoa học-giáo học pháp, có cấp bậc khoa học Tiến sỹ cao cấp hoặc Giáo sư khoa học, giảng dạy với tư cách khách mời tạm thời, vì đang là cán bộ trong biên chế của một Trường đại học khác.

Nhà lập pháp Ba Lan cho phép tuyển vào chức vụ Giáo sư thỉnh giảng người chỉ có cấp bậc khoa học Tiến sỹ, nhưng có nhiều thành quả sáng tạo và đáng kể trong công tác khoa học, song chỉ trên cơ sở hợp đồng lao động. Tuy nhiên, những nới rộng này không quan hệ đến những người nước ngoài có có cấp bậc khoa học Tiến sỹ.

Cũng có thể tuyển cấp Tướng hoặc Đô đốc thủy quân vào chức vụ Giáo sư thỉnh giảng trong các Trường đại học quân sự.

Thông thường, ở cấp trường đại học, thuật ngữ „Giáo sư” là đồng nhất với chức vụ Giáo sư chính thức.

Để phân biệt người có chức danh khoa học Giáo sư với người được tuyển vào chức vụ có danh hiệu này, trong cách viết, thường phải theo quy định:

  • Đối với người có chức danh Giáo sư khoa học, thì chức danh và cấp bậc khoa học được viết trước họ tên. Td, Ô. Jan Kowalski, Giáo sư Tiến sỹ cao cấp, khoa hoc y, trong cách viết tắt là prof. dr hab. n. med. Jan Kowalski.

  • Còn đối với người có chức vụ Giáo sư đặc biệt, thì chức vụ Giáo sư được viết sau họ tên cùng với tên viết tắt của trường đại học.Td, Bà Maria Jankowska, Tiến sỹ cao cấp, khoa học luật, Giáo sư đặc biệt của Trường đại học Tổng hợp Vác-sa-va, được viết là dr hab. n. praw. Maria Jankowska, prof. nadzw. UW.

3) Giáo sư giáo dục

Đây là chức danh danh dự, được quy định trong hệ thống thăng tiến nghề nghiệp đối với các Nhà giáo Ba Lan ở các trường cơ sở, trường trung học và các trường trên trung học, như các trường trung học phổ thông, các trường kỹ thuật và các trường nghề cơ sở (xem Quê Việt, trang Giáo dục: Giáo dục tại Ba Lan – Phần thứ nhất). Chức danh Giáo sư giáo dục do Bô trưởng có thẩm quyền về giáo dục trao.

Ở Ba Lan con đường thăng tiến nghề nghiệp của Nhà giáo gồm các bậc:

  • Nhà giáo tập sự – sau 9 tháng thử thách, được xét lên Nhà giáo hợp đồng,

  • Nhà giáo hợp đồng – sau 2 năm thử thách, phải thi lên Nhà giáo được bổ dụng,

  • Nhà giáo đươc bổ dụng – sau 1 năm thử thách, có thể nộp đơn đề nghị xét lên Nhà giáo có bằng, nhưng thường phải trải qua 2 năm 9 tháng, hoặc 1 năm 9 tháng đối với Nhà giáo có cấp bậc khoa học Tiến sỹ, mới được xét lên Nhà giáo có bằng. Tuy vậy, để nhận được cấp bậc Nhà giáo có bằng, cũng phải làm việc trong nghề từ 10 đến 20 năm (hiện nay khoảng 11 năm),

  • Nhà giáo có bằng,

  • Giáo sư giáo dục

Ứng viên vào chức danh Giáo sư giáo dục có thể là Nhà giáo đã có bằng, có ít nhất 20 năm làm việc trong nghề nhà giáo, trong đó có ít nhất 10 năm làm việc với tư cách Nhà giáo có bằng cùng với tài sản nghề nghiệp đáng kể được công nhận. Chức danh này được trao theo đơn của Cơ quan Phụ trách Các vấn đề Giáo sư giáo dục. Đơn gửi đến Cơ quan này phải qua cơ quan nắm quyền giám sát giáo dục.

4) Giáo sư tập quán

Ở Ba Lan trong các trường trung học, nhất là trong các trường trung học phổ thông, theo truyền thống, người ta gọi tất cả các Nhà giáo là Giáo sư, mặc dù đúng ra họ chỉ có chức danh nghề nghiệp là Thạc sỹ.

Danh hiệu Giáo sư, theo tập quán cũng được dùng trong quan hệ đối với các Nhà giáo đại học, đặc biệt là ở các nước nói tiếng Anh (td. Mỹ và các nước thuộc địa cũ của Anh, như Ấn Độ).

NQG

Sửa lần cuối 2015-12-08 15:59:34

Bình luận

Bình luận qua Facebook