2015-04-06 06:07:26

Anne - Nữ hoàng đầu tiên của Vương quốc Anh.

Anne (1665-1714) là quân vương cuối cùng của triều đại Stuart[1], và là nữ hoàng đầu tiên của Vương quốc Anh.

Anne sinh ngày 6 tháng 2 năm 1665 tại Luân Đôn, là con gái thứ hai của James – Công tước xứ York, anh trai của Vua Charles đệ nhị. Thời thiếu nữ bà sống tại Pháp với dì và bà của mình. Mặc dù cha của Anne là một tín đồ Công giáo, ông đã hướng hai con gái là Anne và Mary theo đạo Tin lành. Năm 1683, Anne kết hôn với Hoàng tử George của Đan Mạch. Đó là một cuộc hôn nhân tốt đẹp, cho dù Anne bị sảy thai thường xuyên, thai chết lưu và con chết khi còn sơ sinh.

Năm 1685, James lên ngôi vua (James đệ nhị). Ông bị phế truất vào năm 1688, và chị của Anne là công nương Mary cùng với chồng William (người Hà Lan) đồng kế thừa ngôi báu, Anne trở thành người kế vị. Sau khi Mary rồi William qua đời (1694 và 1702), do họ không có con cái, Anne lên ngôi nữ hoàng. Chỉ trong vòng vài tháng, cuộc Chiến tranh kế vị Tây Ban Nha[2] nổ ra. Một chuỗi những chiến thắng quân sự của John Churchill (Công tước xứ Marlborough), bao gồm cả Trận Blenheim,[3] đã củng cố thêm vị thế của nước Anh trên bàn đàm phán khi cuộc chiến đi đến hồi kết. Theo Hòa ước Utrecht 1713, Pháp công nhận tước hiệu của Anne, xóa bỏ tước hiệu của James Stuart – người con trai theo Thiên chúa giáo La Mã của Vua James đệ nhị, đồng thời xác nhận quyền chiếm hữu của nước Anh đối với lãnh thổ Gibraltar.

Vào những năm cuối thế kỷ 17, các nghị viện của Anh và Scotland theo đuổi các chính sách khác nhau, trong đó có cả những bất đồng về việc kế vị. Giải pháp đưa ra là sự thống nhất lãnh thổ. Bởi thế vào ngày 1 tháng 5 năm 1707, Anh và Scotland hợp nhất thành một vương quốc, và Anne trở thành người trị vì đầu tiên của Vương quốc Anh. Một nghị viện Anh duy nhất sẽ họp tại Điện Westminster và hai nước sẽ có một lá cờ và đồng tiền chung, nhưng Scotland sẽ giữ lại hệ thống Nhà thờ riêng cũng như hệ thống luật pháp và giáo dục của mình.

Về mặt chính trị, thời kỳ trị vì của Anne được đánh dấu bởi sự phát triển của hệ thống hai đảng, với Đảng Whig [nay là Đảng Dân chủ tự do – ND] và Đảng Tory [nay là Đảng Bảo thủ – ND] cùng cạnh tranh quyền lực. Anne hy vọng đất nước được trị vì thông qua các bộ khác nhau, nhưng đến năm 1708, quyền lực của Đảng Whig trở nên vượt trội. Năm 1710, Đảng Tory trải qua một sự thay đổi lớn – và nó kéo dài cho tới khi Anne băng hà: những quyết định của Anne chịu tác động lớn từ các bộ trưởng và những người bà sủng ái, như người bạn Sarah Churchill, phu nhân của công tước xứ Marlborough.

Anne qua đời vào ngày 1 tháng 8 năm 1714. Người con duy nhất của bà là William đã chết năm 1700, thúc đẩy nghị viện thông qua Đạo luật kế vị (1701) để đảm bảo chọn được người kế vị theo đạo Tin lành. Theo đó người thừa kế ngôi vị của Anne là Hoàng tử George, Vương Hầu của Nhà Hanover, là một người Đức theo đạo Tin lành.

————–

[1] Nhà Stuart (hay còn gọi là Stewart theo tiếng Scotland) là một hoàng tộc châu Âu. Những người mang họ Stuart lần đầu trở thành quốc vương của Vương quốc Scotland vào thế kỷ thứ 14, rồi thừa hưởng vương quốc Anh (bao gồm cả xứ Wales) và Vương quốc Ireland vào thế kỷ thứ 17. [ND]

[2] Cuộc chiến tranh kế vị Tây Ban Nha (War of the Spanish Succession) diễn ra từ 1701 đến 1714, sau khi vua Tây Ban Nha là Carlos đệ nhị qua đời và di chúc toàn bộ tài sản của ông lại cho Công tước Philippe – cháu của vua Pháp Louis XIV. Một số cường quốc ở Châu Âu đã liên minh với nhau để ngăn khả năng hợp nhất hai vương quốc hùng mạnh là Pháp và Tây Ban Nha dưới sự cai trị của một quân vương duy nhất, ảnh hưởng tới cân bằng quyền lực ở châu Âu. [ND]

[3] Trận Blenheim (hay còn gọi là trận Höchstädt) diễn ra vào ngày 13/8/1704, là một trận đánh lớn trong cuộc chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha. Bối cảnh: Vua Pháp Louis XIV muốn triệt phá Viên – kinh sư của triều đình Hapsburg (Áo). Người Áo đã liên minh với Anh, Rome và Phổ tạo thành “Liên minh vĩ đại”. Quân đội hai bên gặp nhau tại thị trấn Blenheim – nơi người Anh (dưới sự chỉ huy của John Churchill) bắt đầu một cuộc vây hãm kẻ thù. Kết quả là quân Pháp thảm bại, còn chiến thắng Blenheim được xem là thắng lợi bảo tồn quyền tự do của các quốc gia châu Âu, đồng thời mở đầu cho sự phát triển hùng mạnh của nước Anh. Đây còn là trận chiến quyết định nhất của Anh Quốc tại châu Âu lục địa trước thế kỷ thứ 20. [ND]

NguồnHistoric figures, BBC ,)Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Sửa lần cuối 2015-04-06 04:07:26

Bình luận

Bình luận qua Facebook