2016-10-12 00:13:52

Ba người chi phối quá trình rời EU của Anh

" Brexit có nghĩa là Brexit,” Thủ tướng mới của nước Anh, bà Theresa May, đã tuyên bố như vậy. Vậy hẳn là: những mong ước của cử tri, thể hiện bởi sự chênh lệnh trong cuộc bỏ phiếu dù có nhỏ như thế nào đi nữa, cũng phải được tôn trọng, mặc dù các cuộc trưng cầu dân ý không có chỗ trong bản hiến pháp bất văn bản của nước Anh mà lại, rất sáng suốt, được dựa trên nền dân chủ nghị viện mang tính đại diện.

Nguyên Thủ tướng David Cameron, người kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý này nhằm ngăn chặn một cuộc nổi loạn trong Đảng Bảo thủ của ông, đã tính toán sai đến mức chính phủ của ông không lên kế hoạch cho trường hợp kết quả cuộc bỏ phiếu ủng hộ rời Liên minh châu Âu. Hai tháng sau, sương mù tan dần và một lối thoát cho mê cung Brexit có thể được nhìn thấy.

Hóa ra Brexit không phải là “Bruicide” (khiến nước Anh đi vào đường cùng – ND). Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ít có tác động lên bối cảnh lớn toàn cầu, và tác động lên các định chế của Liên minh châu Âu cũng chỉ là một cuộc khủng hoảng khác cần phải được xử lý, chứ không phải là sự đổ vỡ mang tính sống còn từ bên trong như các tờ báo Anh thiên về London (nơi ủng hộ ở lại EU) tưởng tượng. Bà May không cần vội vàng hành động; và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng vậy (tuy nhiên, Tổng thống Pháp François Hollande vốn đang ngày một rối trí khi phải đối mặt với cuộc bầu cử năm tới lại nói rằng ông sẽ hành động sớm).

Bà May, người mà mức độ kín tiếng tương đương với sự cởi mở (nhưng khá nông cạn) của ông Cameron, đã hình thành một khung các thể chế của một chiến lược chính trị. Chính phủ của bà đã thiết lập một bộ về thương mại quốc tế, chịu trách nhiệm hình thành các thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu và các nước còn lại trên thế giới (trước đây Ủy ban châu Âu chịu trách nhiệm giải quyết phần này). Một cơ quan khác, được gọi là Bộ Brexit, sẽ xử lý các đàm phán về chính trị, pháp luật và hiến pháp.

Việc hình thành các bộ mới này đã thu nhỏ Bộ Ngoại giao Anh lẫy lừng một thời thành một cơ quan giống như một viện tư vấn chính sách về quan hệ quốc tế, chịu trách nhiệm duy trì các quan hệ thương mại và công chúng trên khắp thế giới cho đến khi mọi việc ổn định lại.

Cách tiếp cận của bà May là đưa những người chống châu Âu lại gần sát mình, trao cơ quan thương mại mới cho một người ủng hộ Brexit hàng đầu, Liam Fox, và bổ nhiệm một người khác, David Davis, vào vị trí bộ trưởng Brexit (tên gọi chính thức là Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách việc tách khỏi Liên minh châu Âu). Bộ trưởng ngoại giao mới, Boris Johnson, cũng là một nhà lãnh đạo trong chiến dịch “Rời khỏi” Liên minh châu Âu.

Ý tưởng của bà May là bộ ba những người không bao giờ chỉ ra cặn kẽ (hoặc cũng có thể là do không biết) những hậu quả của Brexit trong suốt chiến dịch của họ, giờ đây lại phải gánh trách nhiệm. Việc cả ba người đều có những suy nghĩ khác nhau về Brexit, và không ai thích ai cả, lại càng tăng thêm sự hài lòng.

Một khi bộ máy công chức và các tham số tổng quan cho các cuộc thương lượng được thiết lập vào đầu năm sau, bà May sẽ chính thức khởi động quá trình rút khỏi liên minh châu Âu bằng việc viện dẫn Điều 50 Hiệp định Lisbon. Hai năm đàm phán (có thể dài hơn nếu EU đồng ý) sẽ diễn ra sau đó.

Bộ ba ủng hộ Brexit, sau khi chiến đấu với nhau như ba con chuột trong bao gạo, rồi cũng sẽ phải đưa ra một gói chính sách. Cho đến lúc đó, cuộc tổng tuyển cử tiếp theo sẽ không còn xa, và sẽ đem đến một con dấu chấp thuận thứ hai cho Brexit.

Ít nhất thì đó cũng là kế hoạch chính thức. Nhưng trong nhiều lĩnh vực, chính trị là nghệ thuật quản lý những điều không lường trước, điều mà bà May và các cố vấn của bà có thể đã bỏ qua. Viện Thứ dân (Hạ viện) gần như chắc chắn sẽ được yêu cầu phải chấp thuận việc áp dụng Điều 50. Một vài Nghị sĩ Đảng Bảo thủ ủng hộ Liên minh châu Âu có thể sẽ bỏ phiếu chống lại nó, gây nguy hiểm cho tỉ lệ đa số khá mong manh của chính phủ, mặc dù đại đa số sẽ tôn trọng các nguyện vọng của cử tri. Viện Quý tộc (Thượng viện) sẽ gần như chắc chắn bỏ phiếu phản đối, nhưng chỉ có thể trì hoãn (tiến trình rời EU).

Nhưng kể cả giả sử rằng Điều 50 được khởi động một cách thuận lợi, những cuộc đàm phán sẽ khó khăn hơn nhiều. Fox có thể thấy khá dễ dàng đạt được một số điều khoản có lợi với những “quốc gia thuộc khối Thịnh vượng Chung thân cận” như Canada, châu Úc, một số quốc gia châu Phi, v.v… Nhưng những cuộc đàm phán của ông với Ấn Độ sẽ khó khăn hơn, và sẽ cực kỳ khó khăn đối với Trung Quốc (mặc dù có thể sẽ không quá khó với nước Nga, một nước đang rất sẵn sàng chơi xấu với Liên minh châu Âu). Những nước này chiếm khoảng một phần ba thương mại của Anh. Nước Mỹ nhiều khả năng sẽ rất tỉnh táo trong các đàm phán thương mại với Anh, nhưng không gây khó khăn, đặt nước Anh vào nhóm giữa, chứ không phải nhóm cuối như Tổng thống Barack Obama đã từng đe dọa.

Nửa còn lại của thương mại của Anh, đó là với Liên minh châu Âu, sẽ phụ thuộc vào điều mà bà May, ông Davis, và ông Fox có thể thỏa thuận được. Bà May đã lên tiếng thể hiện quan điểm không ưa gì “những dàn xếp đã có sẵn”, nhưng một vài thỏa thuận giống như giữa Na Uy và Khu vực kinh tế châu Âu (EEA), với một vài điểm khác biệt được thiết kế riêng, dường như là lựa chọn tốt nhất của nước Anh: được tiếp cận thị trường chung châu Âu, nhưng không tham gia vào các thể chế pháp luật và chính trị.

Một điểm mấu chốt là có vị thế trong EEA sẽ đem đến một “chiếc phanh khẩn cấp” (hình thức mà Liên minh châu Âu đã từ chối đối với ông Cameron vào tháng 2) cho vấn đề tự do di cư. Theo như Thỏa thuận Na Uy – EEA, “nếu những khó khăn kéo dài về kinh tế, xã hội hay môi trường nghiêm trọng mang tính chất ngành hay khu vực tăng lên,” thì những hạn chế về tự do di cư sẽ có thể được áp dụng.

Với việc tham gia EEA, nước Anh có thể giữ lại “chủ quyền” (thật ra đồng nghĩa với sự mất ảnh hưởng lên quá trình ra quyết định trong EU) và “kiểm soát biên giới”, hai lời hứa chủ chốt (và bị bóp méo khá nhiều) đưa ra bởi những người tham gia chiến dịch “Rời khỏi EU”. Nhưng nước Anh sẽ vẫn phải tuân theo những tiêu chuẩn điều tiết cặn kẽ của châu Âu. Và nếu nước Anh muốn lôi kéo các công ty đa quốc gia như là một bàn đẩy để xâm nhập thị trường châu Âu, nó sẽ phải tuân thủ các luật lệ của Liên minh châu Âu về cạnh tranh và nhiều vấn đề khác. Nếu không thì theo như thỏa thuận WTO (được Fox ưu ái hơn), nước Anh sẽ đối mặt với các hàng rào thuế quan châu Âu và đánh mất nguồn đầu tư.

Một khi đã đạt được thỏa thuận với EU, việc thông qua ở Nghị viện sẽ phụ thuộc vào bà May. Điều này sẽ tạo ra những cơ hội đáng kể cho sự phản đối và trì hoãn từ phía đại đa số chống lại Brexit ở Nghị viện, vào một thời điểm khi mà sự chậm lại của nền kinh tế – kết quả trực tiếp của cuộc bỏ phiếu Brexit – sẽ làm mất dần sự ủng hộ của người dân dành cho chính phủ.

Đây là lý do tại sao một cuộc bỏ phiếu Brexit lần thứ hai về những điều khoản cụ thể cho sự rời khỏi EU (được ủng hộ bởi Johnson) nên diễn ra. Bạn có ủng hộ các điều khoản này không, bà May sẽ hỏi các cử tri, hay bạn muốn ở lại? Đối mặt với sự lạnh lùng của thực tế, cuộc bỏ phiếu có thể diễn ra khác đi, giống như đã từng xảy ra ở Ai-len và Đan Mạch buổi sáng ngay sau khi cuộc trưng cầu dân ý về EU của họ diễn ra.

Khi đó một lần nữa, nếu Công Đảng tiếp tục chia rẽ nội bộ và sự ủng hộ hiện thời của người dân dành cho bà May được giữ vững, bà có thể kêu gọi một cuộc bầu cử sớm. Dù bà có nói gì vào lúc này, thì các Thủ tướng Anh vẫn thường tìm kiếm một sứ mệnh riêng từ cử tri cho chính mình (thông qua bầu cử chứ không phải thông qua tiếp quản chính quyền từ một người tiền nhiệm từ chức – NBT), giống như Harold Macmillan đã từng làm khi ông nắm quyền sau sự từ nhiệm của Anthony Eden năm 1957, và khi Harold Wilson đã từng làm năm 1966 sau khi nhận được sự ủng hộ mong manh năm 1964. Nếu bà có được điều đó, dư địa để bà có thể điều khiển quá trình Brexit sẽ được nới rộng rất nhiều.

Robert Harvey, cựu thành viên Hội đồng Ngoại giao Hạ viện Anh, là tác giả cuốn Global Disorder and A Few Bloody Noses: The Realities and Mythologies of the American Revolution.

Hình: Từ trái qua: Boris Johnson, David Davis và Liam Fox. Nguồn: The Guardian.

Nguồn: Robert Harvey, “Theresa May and the Three Brexiteers”, Project Syndicate, 25/08/2016.

Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi  (Theo nghiencuuquocte.org)

Sửa lần cuối 2016-10-11 22:22:05

Bình luận

Bình luận qua Facebook