2019-07-10 08:13:56

Sự bí ẩn của nàng ‘Hannah Hà Nội’

Bà Trịnh Thị Ngọ - Hannah Hà Nội

Tên thật là Trịnh Thị Ngọ, nhưng cô tự gọi mình là Thu Hương, “Hương của mùa Thu.” Còn chúng tôi gọi cô là Hannah Hà Nội – giọng nữ chính trong chương trình tuyên truyền của Bắc Việt qua làn sóng phát thanh nhắm vào quân nhân Mỹ trên khắp miền Nam Việt Nam, cố gắng thuyết phục họ rằng chiến tranh là trái đạo đức và hãy buông bỏ vũ khí mà trở về quê nhà.

Công việc của Hannah là khiến người ta thư giãn pha chút lo lắng, chứ không phải dụ dỗ hay quyến rũ. Tiếng Anh của cô gần như hoàn hảo và bất cứ gã đàn ông nào cũng sẽ “sa ngã” khi nghe tiếng cô qua radio và chẳng thể nào quay đi. “Các anh có khỏe không, chàng lính Mỹ vô danh?”- cô hỏi trong một chương trình phát sóng tháng 06/1967. “Tôi thấy rằng hầu hết các anh đều không được biết nhiều về diễn biến của cuộc chiến, chẳng một ai cho các anh lời giải thích rành rọt cho sự hiện diện của các anh ở đây. Không gì khó hiểu hơn là bị ra lệnh bước vào một cuộc chiến để rồi phải mất mạng hay thương tật cả đời mà chẳng có lấy một ý niệm, dù là mờ nhạt nhất, về những chuyện đang xảy ra.”

Hannah sinh tại Hà Nội vào năm 1931. Cha cô là ông chủ nhà máy thủy tinh lớn nhất Việt Nam. Cô mê phim Mỹ. Cuốn phim ưa thích của cô là Cuốn theo chiều gió, mà cô xem đến tận năm lần. Điều cô muốn là thưởng thức phim mà không cần phụ đề tiếng Pháp hoặc tiếng Việt, vậy nên phụ mẫu đã quyết định thuê gia sư riêng dạy cô tiếng Anh.

Năm 1955, Hannah gia nhập Đài Tiếng nói Việt Nam (V.O.V.), đài phát thanh lớn nhất đất nước, với tư cách là một tình nguyện viên. Giọng Anh chuẩn không pha, ngữ điệu chính xác và vốn từ vựng phong phú sớm giúp cô nhận được chiếc ghế phát thanh viên đọc tin tức đến các quốc gia nói tiếng Anh ở châu Á.

Năm 1965, khi lực lượng mặt đất đầu tiên của Mỹ, lính Thủy quân Lục chiến, đổ bộ vào Đà Nẵng thì V.O.V., vốn có trụ sở ở phía Bắc, cũng bắt đầu chương trình tuyên truyền phát thanh nhắm vào lính Mỹ.

Đến thời điểm đó, làn sóng phát thanh trên khắp hai miền Nam, Bắc Việt Nam đã trở thành chiến trường gây bối rối với những giọng nói tuyên truyền mâu thuẫn nhau. “Chiếm giữ tâm trí người khác và trái tim của họ sẽ theo sau,” cả hai phe đều có hàng chục đài phát thanh tuyên truyền những lời ác ý và những thông tin sai lệch về nhau suốt 24/7. Về phần mình, kịch bản của Hannah được viết bởi các chuyên gia tuyên truyền của Quân đội Bắc Việt cùng với các cố vấn người Cuba. Chương trình của cô sớm được kéo dài đến 30 phút và phát sóng ba lần một ngày.

Cô ấy thật ra cũng là một nguồn tin tức. Hannah Hà Nội là người đưa tin về một trong những câu chuyện gây sốc nhất trong Chiến tranh Việt Nam – vụ thảm sát hàng trăm dân thường ở làng Mỹ Lai năm 1968. Chỉ vài tuần sau vụ việc, Hannah đã nêu chính xác tên địa điểm và ước tính số thường dân thiệt mạng, nhưng cô đã xác định nhầm đơn vị Quân đội Mỹ tham gia, nhờ thế mà người Mỹ có thể phủ nhận tin tức và coi nó như một ví dụ khác về việc Bắc Việt bóp méo thông tin.

Lần đầu tiên tôi nghe giọng nói mượt như nhung của Hannah Hà Nội là vào tháng 09/1965, tại một căn cứ của lực lượng Đặc Nhiệm ở An Lạc, khoảng một trăm dặm về phía tây Nha Trang. Là phóng viên tin tức, tôi thường đi tuần với nhiều nhóm dân quân người Thượng và các cố vấn người Mỹ của họ. Lúc ấy, trời đã mưa rền rĩ suốt một tuần, khiến chiếc máy bay chở hàng tiếp viện, phương thức giúp tôi rời khỏi đây, không thể hạ cánh. Mỗi tối, sau khi tuần tra khu vực xung quanh, chẳng còn gì để làm ngoài chơi vài ván bài, đọc sách, uống bia 333 và nghe đài. Ở Tây Nguyên, sóng V.O.V. rất to và rõ.

Đêm đó, Hannah cho phát xen kẽ nhạc rock phương Tây với bản tin của mình. Bản We Gotta Get out of This Place của The Animals vang lên, theo sau là giọng Hannah: “Và sau đây là phần tin chiến tranh. Điểm qua thương vong của người Mỹ ở Việt Nam. Hạ sĩ Larry J. Samples, Canada, Alabama, … Trung sĩ Charles R. Miller, Tucson, Arizona, … Thượng sĩ Frank Hererra, Coolige, Arizona.”

Chương trình phát sóng của cô gần như chỉ toàn những tin tức chiến tranh được thổi phồng, cổ động việc ám sát cấp trên (frag) hay đào ngũ (AWOL), hoặc ẩn ý rằng vợ/bạn gái của những người lính đang lừa dối họ. Hannah luôn được chào đón với tiếng cười, trong khi bài phỏng vấn các phi công bị bắn hạ hoặc những người Mỹ chống chiến tranh như Jane Fonda lại được đón nhận bằng sự tức giận.

Đối với lính Mỹ đang chán chường, chương trình của Hannah là một nguồn giải trí hiếm hoi. Radio là tài sản quý giá nhất của một người lính, chỉ sau khẩu súng của anh ta. Giống như báng súng, radio cũng được bảo vệ bằng cách bọc trong những dải băng đen đeo cạnh sườn. Lính Mỹ chỉ cười nhạo những nỗ lực của Hannah nhằm hù dọa họ, kêu gọi đào ngũ, hay đề nghị sát hại một sĩ quan. Nhưng họ vẫn luôn tự hỏi liệu cô ấy trông có đáng yêu như chất giọng của mình, và nhiều người thậm chí coi cô ấy là kẻ thù lớn nhất, sau Hồ Chí Minh.

Hannah thường xuyên nói về những lính Mỹ da đen. Trong một lần phát sóng, cô nói rằng “Một lính Mỹ da đen tại Việt Nam vừa từ chối trở thành nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc là Billy Smith. Sáng ngày 15/03, một trái lựu đạn quả dứa đã phát nổ trong một doanh trại sĩ quan ở Biên Hòa, giết chết hai trung úy. Smith bị truy nã trái phép, bị bắt và tống vào nhà tù Long Bình và mang về xét xử tại Mỹ. Bằng chứng cho thấy anh có tội bao gồm: là người da đen, nghèo, phản đối chiến tranh và từ chối trở thành nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc.”

Khi bạo lực nổ ra ở Detroit vào ngày 23/07/1967, Hannah ngay lập tức đưa tin. Mọi căn cứ quân sự của Mỹ đều lặng im khi cô cho phát sóng mọi chi tiết mình có.

Mike Roberts, một người lính từ Detroit đến đóng quân tại Đà Nẵng, nhớ rất rõ tuần lễ đó. “Hannah tiếp tục và cô ấy biết rõ đơn vị nào đã được điều động và loại vũ khí nào được sử dụng,” anh nói. “Từ lúc đó, chúng tôi bắt đầu hướng về quê nhà. Chúng tôi biết về loại vũ khí ấy và sự tàn phá mà chúng có thể gây ra cho con người, và bây giờ những vũ khí tương tự đang chĩa vào người dân chúng ta, anh biết đấy, quân đội của chúng ta đang giết chết chính người dân của chúng ta. Chúng ta cũng như Việt Cộng mà thôi. Hannah đã chọn chủ đề này và nói về nó.”

Hannah Hà Nội có thể yên tâm rằng sẽ luôn có thính giả người Mỹ lắng nghe chương trình phát sóng của cô – chính là các tù nhân chiến tranh ở những nơi như Trại giam Hỏa Lò, mà lính Mỹ gọi là “Khách sạn Hilton Hà Nội.” John McCain, một tù nhân ở đó suốt hơn 5 năm, gần đây đã nhận xét: “Tôi nghe Hannah mỗi ngày. Cô ấy là một nghệ sĩ giải trí tuyệt vời. Tôi lấy làm ngạc nhiên khi cô không đến được Hollywood.”

Thiếu tá Ray Voden, bị bắn hạ tại Hà Nội vào ngày 03/04/1965, đã nghe chương trình của Hannah trong 8 năm. “Hannah thường khuấy động tranh luận giữa các tù nhân chiến tranh. Đã có lần chúng tôi suýt nữa đánh nhau vì cô. Một số kẻ muốn nghe cô ấy, trong khi những người khác cố gắng phớt lờ. Cá nhân tôi chọn lắng nghe vì tôi thường lượm lặt thông tin, cố gắng tìm ra sự thật.”

Trong vòng 5 năm sau khi tôi trở thành phóng viên của ABC News, gần như ngày nào tôi cũng thu âm lại các chương trình phát sóng của Hannah, phòng khi cô ấy có vài mẩu tin đáng giá, hay có bài phỏng vấn một phi công Mỹ bị bắt. Với tôi, cô đơn giản chỉ là một nguồn thông tin cần được kiểm tra và phân loại trong hàng loạt các nguồn tin về Chiến tranh Việt Nam.

Tháng 05/1978, tôi quay lại Việt Nam và đề nghị Bộ Ngoại giao sắp xếp một cuộc phỏng vấn với Trịnh Thị Ngọ. Lúc ấy, Hannah Hà Nội đã rời Hà Nội yêu dấu của mình và chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh, vốn được đổi tên từ Sài Gòn, cùng chồng là một người miền nam và là một sĩ quan Quân đội Việt Nam. Điểm hẹn là quán bar trên tầng thượng Khách sạn Rex, nơi tôi chờ đợi cùng với Ken Watkins, từng là lính Thủy quân Lục chiến và là thính giả quen thuộc của Hannah.

Trong khi chờ đợi, Ken hồi tưởng những ký ức của mình về Hannah. “Sóng radio khá tốt ở Đà Nẵng, và thường thì một hoặc hai lần mỗi tuần, chúng tôi bật đài để nghe cô ấy nói về cuộc chiến,” ông nói. “Kịch bản của Hannah không hẳn là có ý nghĩa; cô ấy sử dụng tiếng Anh-Mỹ, nhưng không thực sự nói thứ ngôn ngữ của chúng ta, bất chấp biểu cảm và ngữ điệu có chuẩn đến đâu, thậm chí còn dùng cả những bài hát bị cấm trên đài phát thanh của quân đội Mỹ. Điều tuyệt vời nhất ở Hannah đó là: cô là phụ nữ, với chất giọng nhẹ nhàng.”

Tôi hỏi ông có còn giận cô không. “Chắc chắn,” ông nói, “một kiểu thù ghét, một dòng trong ‘danh sách Việt Nam’ của tôi. Nhưng lần trở lại này là để hiểu rõ hơn về rất nhiều điều, và cô ấy là một giọng nói từ quá khứ tôi muốn trò chuyện trực tiếp.”

Thế là, một cựu lính thủy đánh bộ và một cựu phóng viên chiến trường đã dành buổi sáng đầy nắng đó để chờ đợi Hannah Hà Nội xuất hiện, mong rằng thực tế sẽ quét sạch những năm tháng đầy hình ảnh cay đắng trong tâm trí của chúng tôi. Một Bà Rồng? Chuyên gia về chiến tranh tâm lý? Nhà tiên tri? Hay thứ gì đó khác?

Nhưng cũng như những bóng ma khác của cuộc chiến, Hannah không như chúng tôi tưởng tượng. Cô chẳng có chút gì của Bà Rồng trong Terry and the Pirates. Thanh lịch và quyến rũ trong chiếc áo dài màu vàng nổi bật, trang phục truyền thống của Việt Nam, Hannah xuất hiện vui vẻ trả lời câu hỏi của chúng tôi.

Sau khi cô ngồi xuống, tôi hỏi cô ấy lấy tin tức ở đâu.

“Tờ Stars and Stripes,” cô trả lời, đề cập đến tờ báo quân sự chính của Quân đội Mỹ. “Chúng tôi đọc tin tức từ nó. Chúng tôi có báo mới mỗi ngày. Chúng tôi cũng đọc cả Newsweek, Times và một số tờ báo khác. Chúng tôi xem nhận xét của các nhà báo Mỹ và đưa chúng vào chương trình phát sóng của mình, đặc biệt là về thương vong.”

Cô đã bao giờ cảm thấy tức giận quân đội Mỹ chưa?

“Khi bom rơi xuống Hà Nội, tôi có cảm thấy tức giận,” cô nói. “Với người Việt, Hà Nội là một mảnh đất thiêng liêng. Nhưng ngay cả có thế thì lúc nói chuyện với lính G.I.s, tôi vẫn luôn cố gắng bình tĩnh. Tôi chưa bao giờ thấy muốn gây hấn với người Mỹ. Tôi chưa bao giờ gọi họ là kẻ thù, chỉ là đối thủ.”

Chúng tôi trò chuyện một lúc, về mục tiêu của cô, những thành công và cả những nuối tiếc của cô. Sau đó, tôi hỏi thêm một câu – Hannah sẽ nói gì, nếu cô ấy có một chương trình phát sóng cuối cùng cho lính Mỹ?

“Hãy để cho quá khứ được là quá khứ,” cô đáp. “Hãy để mọi chuyện qua đi và trở thành bạn bè. Sẽ có lợi hơn nếu chúng ta có thể làm bạn với nhau. Chẳng có lý do gì để trở thành kẻ thù.”

Gặp gỡ và phỏng vấn Hannah Hà Nội, đối với tôi, giống như việc trở thành Dorothy gỡ bỏ tấm màn che giấu Phù thủy xứ Oz. Cô Hannah khủng khiếp mà chúng tôi tưởng tượng, hóa ra là một phát thanh viên ôn hòa, nói tiếng Anh trôi chảy và đọc tờ Stars and Stripes.

Trịnh Thị Ngọ mất ngày 30/09/2016 ở tuổi 85. Bà được an táng tại Long Tri, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, theo phong tục chôn cất của người Việt bên cạnh chồng và gia đình ông. Con trai duy nhất của bà đã rời Việt Nam vào năm 1973 và hiện đang sống ở San Francisco.

Don North, trong giai đoạn 1965 -1973, là phóng viên thời sự chuyên đưa tin về Việt Nam. Ông là tác giả cuốn “Inappropriate Conduct: Mystery of a Disgraced War Correspondent,” đồng thời còn là thành viên của Vietnam Old Hacks, một tổ chức gồm các nhà báo kỳ cựu từng làm việc tại Việt Nam.

Nguồn: Don North, “The Mystery of Hanoi Hannah”, The New York Times, 28/02/2018.Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Theo http://nghiencuuquocte.org

Sửa lần cuối 2019-07-10 06:10:56

Bình luận

Bình luận qua Facebook