2016-12-15 23:35:53

Đi trên đường cao tốc như thế nào cho an toàn? 10 quy tắc cơ bản.

Quy tắc 1 – sử dụng làn đường khởi động

Khi vào cao tốc, phải tăng tốc khéo léo trên làn nhập đường. Nói thì dễ nhưng không phải ai cũng làm đúng. Ta hay thấy một số lái xe cứ dừng cuối làn đường khởi động và đợi có vắng xe để vào. Một số khác thì chả nghĩ gì và không quan sát gương, cứ thế lao vào.

Làn khởi động dùng để tăng tốc nhanh, khi ta đi xe đúng tốc độ ta sẽ dễ dàng chuyển làn và không bắt những người khác phải phanh. Tất nhiên là bạn không được vào liều, nếu thấy không có khả năng chuyển làn thì phải đi chậm lại chờ cơ hội. Việc dùng xe trên làn này chỉ trong trường hợp bất đắc dĩ mà thôi!

Quy tắc 2 – tránh các thao tác đột ngột

Cần tránh các thao tác đột ngột hay chẹn đường người khác. Đi xe trên cao tốc đòi hỏi lái xe phải tập trung chú ý hơn. Trên cao tốc các xe đều có tốc độ cao và nếu bạn phạm lỗi, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Một giây không chú ý với tốc độ chạy 140 km/h có nghĩa là bạn đi được 39 mét không có theo dõi gì, và nếu thời gian lâu hơn ta có thể đâm vào xe trước nếu họ dừng vì tắc đường.

Nếu do một thao tác không có lý do bạn buộc một lái xe khác phải phanh thì cảnh sát có thể đánh giá việc đó là phạm luật, còn nếu người lái xe kia phải phanh gấp thì bạn bị coi là gây ra nguy hiểm trên đường và bạn sẽ có vé phạt 500 zł và 6 điểm phạt. Nếu vì thế mà bạn gây ra tai nạn nghiêm trọng thì mọi thứ còn tệ hơn.

Quy tắc 3 – giữ khoảng cách giữa các xe

Nhớ giữ khoảng cách với xe trước! Khi đi xe trong phố bạn hay có thói quen đi sát vào xe trước. Nhiều lái xe đem thói quen này áp dụng trên xa lộ và đi khá sát xe trước. Họ quên là với tốc độ cao đoạn đường xe đi thêm khi phanh là dài hơn và đi sát như thế bạn không đủ thời gian để phản ứng khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

Ở Đức người ta nhắc lái xe áp dung nguyên tắc „halber Tacho”, tức là „một nửa của đồng hồ chỉ tốc độ”: khoảng cách an toàn với xe đi trước tính bằng mét là một nửa tốc độ xe chạy, ví dụ khi xe chạy 100 km/h thì phải đi cách 50 mét, tốc độ 150 km/h – 75 mét.

Quy tắc 4 – tránh đi liên tục ở làn trái

Phải tránh đi liên tục ở làn trái. Rất nhiều lái xe Ba Lan hay đi như vậy tới vài kilomet, bắt các xe đi sau phải vượt bên phải. Các „lái xe chuyên đi làn trái” cứ nghĩ là nếu họ đi với tốc độ cao nhất cho phép rồi thì không thể vượt họ.

Bạn nên nhớ là việc bạn đi với tốc độ cao nhất cho phép không có ý nghĩa gì! Làn bên trái chỉ dùng khi VƯỢT – sau khi vượt xong bạn phải chuyển sang làn bên phải của mình. Trước khi vào làn vượt này bạn phải quan sát xem có lấn đường của lái xe khác hay không. Trên đường cao tốc bạn có thể bị vé phạt nếu đi quá chậm. Nếu bạn cản trở xe khác, thì tiền phạt sẽ từ 50 đến 200 zł cùng 2 điểm phạt. Còn việc đi lâu không có lý do ở làn trái thì có thể bị phạt 150 zł, cũng với 2 điểm phạt nữa.

Quy tắc 5 – đi với tốc độ phù hợp với tình hình trên đường

Bạn phải đi phù hợp tốc độ với tình hình thực tế trên đường. Theo các nghiên cứu, có đến hơn một nửa lái xe đi quá tốc độ quy định tức họ chạy hơn 140 km/h. Nhưng những người đi chậm hơn, phù hợp với tốc độ cho phép cần biết rằng luật cho phép chạy 140 km/h trên đường cao tốc không có nghĩa là lúc nào cũng có thể chạy như vậy. Trời mưa, tuyết rơi hay có sương mù…là các yếu tố buộc chúng ta phải đi chậm hơn. Cũng vậy, nếu đường quá đông thì đi với tốc độ cho phép trên có thể rất nguy hiểm.

Quy tắc 6 – chú ý lúc rời đường cao tốc

Cần chú ý khi rời cao tốc. Tốc độ cao ở các đường gần cao tốc thường là nguyên nhân của các tai nạn giao thông. Sau khi đi lâu với tốc độ gần 140 km/h, khi giảm tốc độ về 70 km/h, bạn có thể có cảm giác là mình đi quá chậm. Các nhà tâm lý học giao thông giải thích là não người cần thời gian để giảm tốc độ làm việc. Đấy là một hội chứng của đường cao tốc. Nó có thể là nguyên nhân cho nhiều sự kiện nguy hiểm.

Quy tắc 7 – không bao giờ được lùi xe hay quay đầu trên đường cao tốc

Không bao giờ được lùi xe hay quay đầu trên đường cao tốc. Trên internet có thể xem nhiều phim về đi ngược chiều trên cao tốc. Lái xe không hiểu hậu quả nghiêm trọng của nó, điều gì sẽ xảy ra nếu các xe va đối đầu nhau? Nếu bạn lỡ đi quá chỗ ra thì phải chịu thôi – hãy đi tiếp đến chỗ ra sau và bạn quay đầu ở đó. Việc lùi xe cả trên làn xe hỏng cũng không được phép và là một thao tác rất nguy hiểm!

Quy tắc 8 – không được dừng xe trên cao tốc

Không được phép dừng xe trên đường. Thỉnh thoảng trên đường cao tốc ta thấy các xe đèn báo hỏng đỗ mà không có lái xe, ví dụ lái xe đi mua xăng. Cảnh sát ghi nhận nhiều trường hợp như vậy, khi lái xe đi bộ hay có ai chở đi kiếm xăng. Thông thường khi đó cảnh sát sẽ cho xe kéo đến và chở xe này vào bãi đỗ; lái xe trước khi lấy lại xe sẽ phải chi khá nhiều: vài trăm zl tiền phạt, giá kéo xe và giá đỗ xe – tổng có thể lên đến vài ngàn złoty. Nếu xe để ở đó gây tai nạn thì lái xe có thể bị ra tòa hay đi tù.

Khi xe bị hỏng hay có lý do ngẫu nhiên nào đó buộc phải dừng xe thì bạn phải xử trí đúng quy định. Rẽ vào làn xe hỏng, không bao giờ đứng trên mép trái của đường! Mặc áo phản quang và đặt tam giác báo hiệu cách xe 100 mét và gọi cứu hộ. Tùy tình hình trên đường bạn cho hành khách ra khỏi xe và đứng ra ngoài thanh chắn đường (barier). Ngay cả khi đi đặt hình tam giác báo hỏng – nếu có thể – cũng nên đi bên ngoài barier.

Chú ý! Nếu đường cao tốc có tường chắn âm thì bạn nên biết là các cửa ra ở đó chỉ có một chiều, nó chỉ mở được ở phía bên xa lộ – còn ra ngoài tường rồi thì bạn không quay lại xe được đâu! Vì thế nếu khách trên xe có nhu cầu giải quyết sinh lý ngay bạn cũng phải đi tiếp đến nơi ra khỏi xa lộ, chỗ đỗ hay trạm xăng – thà bỏ tiền giặt quần áo hay rửa xe còn hơn bị tai nạn do xe khác chẹt.

Khi ô tô bị hỏng trên xa lộ, bạn nên nhớ là chỉ xe cứu hộ mới có quyền kéo xe đó!

Quy tắc 9 – chỉ được dùng đèn báo hỏng để báo nguy hiểm mà thôi

Đèn báo hỏng chỉ dùng để báo khi có nguy hiểm. Lái xe ở Ba Lan hay có thói quen dùng đèn này để cảm ơn các lái xe khác, trong khi việc dùng đèn đó có nghĩa là có tình huống hỏng. Vì vậy nên tìm cách cảm ơn khác, không lạm dụng đèn trên. Hãy bật đèn này khi đi đến gần đoạn tắc đường để báo cho xe đi sau, họ sẽ có cơ hội lại dừng an toàn.

Nếu bạn phát hiện trên đường có vật nguy hiểm như một phận của xe hỏng, mảnh lốp nổ – hãy báo cho cảnh sát.

Quy tắc 10 – hành lang cứu hộ

Khi chúng ta bị tắc xe trên xa lộ và nghe thấy còi hú của xe cứu hộ ở phía sau, ta có thể chứng kiến một sự hỗn độn. Rất nhiều lái xe không biết khi đó phải xử trí ra sao, xe tạt vào đâu. Cảnh sát xa lộ từ hai năm nay khuyên tạo ra hành lang cho xe cấp cứu ở giữa đường.

Vì làn xe hỏng thường hẹp, trên đó hay có các mảnh lốp vỡ, thủy tinh hay đá sỏi, nên không thể đi xe tốc độ cao ở đó được. Bạn cũng nên nhớ là xe cứu hỏa và xe cấp cứu hay to và cần nhiều chỗ. Vì vậy cảnh sát kêu gọi: lái xe ở làn ngoài cùng bên trái tạt về mép trái của đường, lên chỗ cỏ hay vỉa hè…Còn lái xe ở các làn khác, bất kể trên đường có một hay bao nhiêu làn xe đều tạt xe về bên phải, vào làn xe hỏng, vệ đường hay vỉa hè…

Nếu tất cả mọi người đều biết cách làm này thì trên đường sẽ an toàn hơn.

NHV (theo Onet.pl)

Sửa lần cuối 2016-12-15 22:38:09
  • Anh Đây Anh Đây Chú em dịch bài này bậy bạ khi dùng từ "nhu cầu sinh lý". Và cũng nên nói thêm vè luật nhường đường cho xe ưu tiên là, xe ưu tiên luôn chạy giữa xe làn ngoài cùng và làn kế tiếp tính từ ngoài. Nghĩa là nếu đường có 02 làn xe thì xe ưu tiên chạy giữa- lái xe trên đường tách ra hai phía: trái và phải. Nếu đường có 03 làn trở lên thì xe ưu tiên chạy giữa hai làn ngoài cùng. 2016-12-16 11:43:45

Bình luận

Bình luận qua Facebook