2017-09-27 08:35:39

Chuyện giấy tờ cư trú và quốc tịch tại Ba Lan


Như nhiều độc giả đã biết, sau khi thay đổi thể chế vào năm 1989, Ba Lan là một miền đất hứa đối với người Việt. Khi ở Ba Lan xuất hiện một khu buôn bán lớn nhất Đông Âu, gọi là chợ trời Sân vận động Mười năm, con số người Việt sang Ba Lan sinh sống lên tới vài chục ngàn người, có nguồn báo chí còn đưa tin là có khoảng 100 ngàn người Việt sinh sống ở Ba Lan. Nhưng do tình thế thay đổi, con số này đã khác trước, người ta đã nghiên cứu và ước tính hiện nay tổng số người Việt sinh sống ở Ba Lan cũng chỉ còn khoảng 30 ngàn người.

Gần đây có một số lượng khá đông người Việt lại sang Ba Lan xin giấy tờ cư trú. Những người có visa Schengen được vào Ba Lan tự do, nếu xin được việc làm ở một công ty nào đó thì những người này được quốc gia này cấp cho giấy phép lao động và thẻ cư trú từ 1 đến 3 năm. Sau 5 năm làm việc đàng hoàng, có đóng thuế và bảo hiểm đầy đủ và liên tục, người nước ngoài được cấp thẻ cư trú lâu dài, gọi là thẻ định cư. Rồi có thể đón thêm người thân sang đoàn tụ hay học tập.

Vậy chúng ta hãy thử tổng kết xem trong gần 30 chục năm qua, ngoài chuyện phải suốt ngày suốt năm miệt mài vất vả làm ăn kinh tế, người Việt ở Ba Lan đã giải quyết vấn đề hợp pháp hóa cư trú cho bản thân mình như thế nào và đã có những khó khăn gì trong chuyện xin visa cho người thân trong gia đình mình, để được đi từ Việt Nam sang quốc gia này đoàn tụ cùng sinh sống?

Được sinh sống ở một quốc gia chuyển mình sang chế độ dân chủ và tự do thực sự, quyền con người ở Ba Lan quả là ngày càng được cải thiện. Ba Lan đã thay đổi vài lần nhiều điều khoản cụ thể trong Bộ luật về người nước ngoài hay là kiểm tra kỹ lại những cách nhìn nhận (interpretacja) Bộ luật về quốc tịch Ba Lan ra từ năm 1962, có thể khó khăn hơn phần nào, nhưng nói chung số lượng người Việt xin được cấp thẻ cư trú hay quốc tịch Ba Lan mỗi năm vẫn luôn khá cao.

Có thể nói là người Việt chưa có điều kiện thực sự tìm tòi và thông hiểu thật kỹ về những Bộ luật của Ba Lan liên quan đến người nước ngoài. Thường là những người Ba Lan vẫn „bày cách” cho người Việt để áp dụng những điều khoản của các Bộ luật. Bởi vì là từ xưa tới nay người dân Ba Lan rời bỏ quê hương đi ra nước ngoài sinh sống vẫn khá đông, cho nên có thể nói là người ta đã có nhiều kinh nghiệm trong những chuyện hợp pháp hóa cư trú ở những quốc gia sở tại.

Việc người Việt chưa thể hiểu kỹ về pháp luật, cũng do là có nhiều rào cản ngôn ngữ, vì tiếng Ba Lan phổ thông được cho là đã rất khó, vậy ngôn ngữ pháp luật lại càng khó hơn đối với người nước ngoài nói chung và đối với người Việt nói riêng. Hiện nay trong cả cộng đồng người Việt mới chỉ mới xuất hiện một hai người gốc Việt, mà đang bắt đầu muốn trở thành những luật sư với trình độ cao ở Ba Lan, để có thể sát cánh với người Việt cùng giải quyết những vấn đề khó khăn, đặc biệt là trong những chuyện liên quan đến giấy tờ cư trú, nơi thường xảy ra rất nhiều tranh cãi hay kiện tụng.

Bởi vì là chuyện ứng dụng từng nguyên tắc của mỗi Bộ luật đều có thể ví von như chuyện nhìn vào một chiếc cốc với một nửa dung tích đang có nước. Một phe thì cho là chiếc cốc đang đầy đến một nửa, phe kia cho là chiếc cốc đang có ít nước, bị vơi, chỉ còn một phần hai. Vậy nên chuyện người nước ngoài có mức thu nhập như thế nào cho đủ sống và trong thực tế cần phải chi phí bao nhiêu cho cuộc sống vẫn luôn là vấn đề tranh cãi, mặc dù người ta đã đặt ra mức tiền tối thiểu cho mỗi cá nhân đủ sinh sống ở Ba Lan là khoảng 600-700 zloty (con số này hoặc mức lương tối thiểu luôn thay đổi).

Vậy khi chưa có những luật sư cứng cỏi và danh giá, người Việt có thể đặt mọi hy vọng vào đâu, để có thể an tâm lập nghiệp ở nới đất khách quê người, còn chuyện thủ tục giấy tờ thì đã có người khác „lo hộ”? Tức là tìm đâu ra được một vài người hay một vài công ly tư vấn chuyên làm dịch vụ giúp đỡ người nước ngoài, mà có uy tín cao?

Đó là một câu hỏi rất khó! Bởi vì là chính bản thân người Việt chúng ta còn quá „ngây thơ” hay là vẫn luôn muốn ứng xử theo những thời xa xưa, tìm cách „chạy chọt”, như trong thời chế độ cũ, mà người ta vẫn thường làm. Có vẻ nhiều người không muốn hiểu là thời buổi đã khác xa trước, khi ở Ba Lan người ta đang chống tham nhũng rất tốt. Những bộ luật luôn được sửa đổi, các điều khoản đều mang tính chất có lôgíc cao, rất chặt chẽ, để nhân viên xem xét hồ sơ có thể cứ theo thủ tục mà làm, tức là làm gì, cho ra quyết định như thế nào cũng phải theo đúng từng điều luật.

Để thông hiểu và chấp hành đúng pháp luật, điều hiển nhiên là cần phải biết tiếng Ba Lan. Cứ cho là người Việt cần cù chăm chỉ làm ăn, không có thời gian học ngôn ngữ, do vậy có thể còn nhiều hạn chế về vấn đề này, nhưng khi bạn đưa cuốn hộ chiếu của mình cho ai đó, để họ làm những công việc thủ tục hành chính cho bạn, ít ra cũng phải tìm hiểu xem người đó có thông thạo ngôn ngữ Ba Lan và có đáng tin cậy hay không.

Ở Ba Lan, quyền tự do của con người ngày càng cao, do vậy ai cũng có quyền chọn cho mình một người được ủy quyền, để người đó có thể đi đến các công sở làm đại diện và làm thay cho bạn một số công việc mà bạn cần. Nhưng đúng là bạn cũng phải có trách nhiệm chọn lựa, tìm được đúng những người mà trong khi giải quyết những công việc nào đó cho bạn, không để bạn phải nhận những hậu quả xấu về sau này.

Trước đây, có những trường hợp người Việt đi cùng một người dịch vụ đến phòng công chứng để ký văn bản giấy tờ gì đó, thí dụ như một hợp đồng thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn (hoặc khi chỉ ký một trang giấy ủy quyền). Thành lập công ty là một thủ tục phức tạp, vì hợp đồng có vài trang hoặc thậm chí có hơn chục trang với những điều khoản rất khó mà cần phải đọc kỹ. Vậy mà có người Việt không biết sõi tiếng Ba Lan, tiết kiệm chi phí không gọi phiên dịch, thuyết phục được nhân viên công chứng là người đó hiểu rõ tiếng Ba Lan, nghiễm nhiên đặt bút ký vào mọi văn bản, để trở thành một giám đốc một công ty, rồi sau này sẽ phải ngạc nhiên là công ty có vấn đề về chuyện thuế hải quan hay thuế VAT, với những thất thoát hàng triệu zloty, mặc dù đó là công ty trách nhiệm hữu hạn. Có nhân viên công chứng đã bị ảnh hưởng, vì đã quá dễ dãi với người Việt, chấp nhận trình độ tiếng của họ, coi là đã đủ để hiểu cả một hợp đồng lớn. Hiện nay mọi chuyện đã khác hẳn xưa.

Do vậy, nhiều khi người Việt gặp vấn đề là do chính bản thân mình quá „dễ dãi” hay cố tình muốn dễ dãi khi giải quyết những công việc liên quan đến giấy tờ. Như đã đề cập, ở Châu Âu quyền tự do của con người rất cao, ai cũng có thể đi sang những quốc gia khác để giải quyết những công việc liên quan đến cuộc sống của bản thân. Có bạn nữ người Việt đang sinh sống ở Ba Lan nhưng đã kiên trì nhờ ai đó ở bên CH Séc tìm cho mình một người bạn đời, để sang bên đó làm thủ tục cưới xin. Tất nhiên, là người tự do, bạn có thể đăng ký kết hôn mọi nơi, nhưng ít ra khi sang bên CH Séc, ít ra bạn cũng nên tìm cho mình một phiên dịch đàng hoàng, để khi có được tờ giấy đăng ký kết hôn thì mọi số liệu tên tuổi của bạn phải được ghi khớp theo đúng thực tế, tránh hậu quả nặng nề về sau này.

Đẵ có trường hợp có bạn có họ tên thí dụ là Hoàng Thị La, mang tờ giấy đăng ký kết hôn về Ba Lan với số liệu ghi tên là Hoang Thi, họ là La, vì ở Tây thường ghi tên trước (dòng trên trong giấy kết hôn), họ ghi sau (dòng dưới). Hai vợ chồng thống nhất là con cái sinh ra sẽ mang họ mẹ, vậy là họ La. Không khớp như vậy mà cũng không chịu nhờ ai đó biết tiếng kiểm tra. Vậy gây ra hậu quả là con cái sinh ra sẽ mang họ La.

Bây giờ cứ cho là bạn đã ly thân với ông chồng Séc kia, nhưng theo lý thuyết, cháu bé vẫn là con của ông chồng cũ. Khi có giấy khai sinh, bạn phải nộp đơn cho tòa, xin làm lại giấy khai sinh theo đúng tình trạng thực tế, tức là đứa con không phải của người chồng cũ, mà là con đẻ của người bạn đời đang sinh sống cùng bạn ở Ba Lan. Có được tuyên án của tòa thì mới thay đổi được tên của (hai) người cha trong giấy khai sinh của cháu bé.

Có một thủ tục rất cứng nhắc nữa là khi bạn sinh con, trong vòng 3 tuần bạn phải ra Ủy ban đặt tên cho con và làm giấy khai sinh cho bé. Nếu muộn, Ủy ban sẽ tự đặt tên Ba Lan cho cháu bé. Nếu là công dân Ba Lan, chỉ cần 1 trong 2 vợ chồng ra Ủy ban có thể xin đặt lại tên cho cháu bé. Nhưng khi cả 2 cha mẹ lại là người nước ngoài thì chuyện đổi tên như vậy lại cần phải có sự có mặt của cả hai người, điều này không hề dễ dàng khi người cha đang ở sinh sống ở bên Séc hoặc đã đi nước khác làm việc, vì các bạn không còn liên lạc, đã ly thân với nhau từ lâu.

Còn khá nhiều vấn đề khác, như chuyện thủ tục nhận con, khi người mẹ độc thân, chuyện cưới xin và ly hôn, chuyện thành lập công ty xong mà không hoạt động, không nộp thuế má gì, hay là xin được giấy phép lao động và thẻ cư trú rồi mà „mất hút”, không chịu nộp thuế và bảo hiểm ở Ba Lan.

Thành thực mà nói thì trước đây nhân viên Ủy ban Ba Lan trước đây khá „dễ dãi” với người Việt, trong những chuyện giải quyết giấy tờ cư trú hay cưới xin, nhưng đã có nhiều những trường hợp người Việt „quá đà”, nỡ để xảy ra những chuyện quá phi lý, không thể tin nổi. Hậu quả là có vài người Việt cùng với một số người Ba Lan đã bị các cơ quan an ninh điều tra và tòa đã tuyên án phạt tội họ, trong những vụ án liên quan giấy tờ cư trú. Do vậy Ba Lan tuy không phải quá dè dặt với cộng đồng người Việt như họ thường lo lắng trong trường hợp nếu có nhiều người dân theo đạo Hồi sang Ba Lan sinh sống, nhưng người ta đã ngày càng phải xem xét thật kỹ hơn về những đơn xin cư trú của người Việt.

Chúng ta có thể bàn bạc tiếp về những chuyện này trong những bài sau, để cùng khuyên bảo nhau cố gắng chấp hành pháp luật thật tốt, để sao cho chính quyền nước sở tại có thể tin tưởng vào cộng đồng người Việt, giữ mãi tiếng đồn đây là một cộng đồng khá thuần, hiền lành và chăm chỉ, hội nhập tốt, ngoài ra tỷ lệ tội phạm của cộng đồng này chưa bao giò là một con số đáng quan ngại.
Tức là để Ba Lan vẫn có thể cứ dễ dàng cấp thẻ cư trú hay quốc tịch Ba Lan cho những người Việt có nhu cầu sang Ba Lan sinh sống, điều mà tất cả chúng ta đang cần.

Ngô Hoàng Minh.

Sửa lần cuối 2017-09-28 04:37:13

Bình luận

Bình luận qua Facebook