2014-07-28 11:13:30

Nồi lẩu châu Á.

Maciej Legutko (báo Do Rzeczy)

Tình hình vùng Đông Nam Á tưởng như y hệt Châu Âu ở cuối thế kỷ 19, tức là trước lúc xảy ra Cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất.

Vậy là chúng ta đang có những liên minh các cường quốc cạnh tranh với nhau ác liệt, tưởng như không thể dàn hòa được nữa. Chúng ta có cuộc chạy đua vũ trang, trước hết là có một vùng chiến sự nóng bỏng ở Châu Á. Đó là những hòn đảo nhỏ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Những người tham gia cuộc chạy đua là những quốc gia có tiếng ở khu vực này: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Philippines. Từ phía xa xa tất nhiên là có bóng dáng của Mỹ và Nga. Gần đây, sự xung đột này đã bước vào giai đoạn cực kỳ nguy hiểm. Trung Quốc bắt đầu khai thác dầu mỏ ở vùng biển đang có tranh chấp với Việt Nam. Để trả lời cho sự kiện này, đã có xảy ra những cuộc bạo loạn đẫm máu chống Trung Quốc. Mắt khác, Nhật Bản muốn thay đổi Hiến pháp có từ sau chiến tranh, mà hiến pháp đó chỉ nhấn mạnh chuyện canh giữ bình định và nhất quyết không được dùng bạo lực.

Chưa bao giờ tình hình xấu đến thế

Trung Quốc và Việt Nam tranh nhau vùng thềm lãnh thổ ở Biển Đông từ hàng chục năm nay. Những tháng trước đây thì cuộc tranh chấp Trung Quốc - Nhật Bản nóng hơn. Nhưng từ sau ngày 01.05.2014, khi Trung Quốc tự quyết định về việc thăm dò tìm kiếm nguồn dầu mỏ đầy hứa hẹn ở vùng biển cách bờ biển của Việt Nam có 240 km, thì chính quyền quốc gia này tất nhiên là công nhận ngay đó là hành động vi phạm vào chủ quyền lãnh thổ của mình. Đã có xảy ra những cuộc va chạm khá mãnh liệt với sự tham gia của những con tàu của hai bên đang có mặt ở đó. Chưa sử dụng vũ khí, nhưng các cuộc chiến đấu giằng co đã xảy ra khá mãnh liệt – những chiếc vòi rồng phun nước đã được đưa vào sử dụng.

Sự phản đối cương quyết nói trên không hề làm cho Trung Quốc nản chí trong công việc khoan dò. Để trả thù, chính quyền Hà Nội đã áp dụng phương pháp đã được chứng minh là rất có hiệu quả ở Châu Á: xúi giục xã hội biểu tình phản đối ở trước các cơ quan ngoại giao và thương mại. Bắc Kinh cũng đã từng thành công áp dụng phương pháp y hệt như thế để chống lại Nhật Bản: họ biểu tình và tẩy chay hàng hóa của Nhật Bản và những công việc đó đã gây ra khá nhiều hậu quả xấu cho Nhật Bản. Nhưng sau khi biểu tình thì chính quyền Việt Nam đã không kiểm soát được tình hình: ngày 15.05.2014 vài nghìn người ở Hà Tĩnh đã xông vào vùng mỏ và tấn công các công nhân Trung Quốc đang làm việc ở đó. Trong Miền Nam thì cũng có những cuộc bạo loạn, người ta phá hủy và ăn cướp các nhà máy và kho bãi, mà chủ nhân là những người Trung Quốc. Tổng cộng đã có 21 công nhân Trung Quốc thiệt mạng trong các cuộc bạo loạn này. Chính quyền Trung Quốc rất coi trong sự kiện này và đã quyết định đưa được hơn 4 ngàn công nhân của mình chạy ra khỏi Việt Nam để trở về Tổ quốc.

Không còn một chút nghi ngờ nào nữa là chính Bắc Kinh đang chuẩn bị một câu trả lời thật ác hại cho người hàng xóm phía nam của mình. Chắc chắn là chuyện làm ăn buôn bán ước tính tổng giá trị khoảng 50 tỷ USD hàng năm sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Tất nhiên là sự thiệt hại sẽ gây cho Hà Nội cảm thấy đau đớn hơn. Mặc dù vẫn có một sự ủng hộ âm thầm của các quốc gia trong khu vực trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc, nhưng hình ảnh của Việt Nam coi như là một quốc gia thân thiện cho mọi sự đầu tư cũng đã bị xấu đi nhiều sau những cuộc bạo loạn đó. Người ta không chỉ ăn cướp các nhà máy Trung Quốc, mà nhiều nhà máy của Đài Loan và Hàn Quốc cũng bị thiệt hại.

Trung Quốc và Việt Nam cùng có chung một mô hình chính trị, đó là một kiểu chắp ghép dị dạng của hai chủ nghĩa cộng sản và tư bản gộp lại. Nhưng hai quốc gia này có luôn khoảng cách ngàn đời trong lịch sử. Người Việt Nam phải chịu sự bóc lột của người hàng xóm phương bắc hầu như suốt cả nghìn năm đầu trong các thiên niên kỷ trước. Ngược lại, Trung Quốc cũng chưa thể nguôi cơn giận, sau khi Quân giải phóng Nhân dân bị thất bại nặng nề vào năm 1979 trong cuộc chiến tranh được gọi là cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ 3. Quân đội Việt Nam đầy kinh nghiệm trong chiến tranh, đã cho phép quân xâm lược lớn mạnh gấp nhiều lần so với mình được tiến công vào lãnh thổ Việt Nam không quá 30 km, rồi nện cho chúng những đòn thất bại nặng nề.

Chủ nghĩa bình định đã hết?

Câu trả lời đanh thép của phía Việt Nam về sự xâm lược của quân Trung Quốc đã làm cho cả bán đảo Đông Dương phải lo ngại, nhưng chắc chắn làm cho người Nhật hài lòng. Từ hàng chục năm nay họ đang tranh chấp với Trung Quốc về quần đảo nho nhỏ không dân cư Senkaku. Nguyên nhân xung đột cũng giống như trườg hợp tranh chấp những hòn đảo ở Biển Đông – hy vọng là được quyền khai thác dầu mỏ xung quanh các hòn đảo và ước mơ có được lợi thế với tầm chiến lược ở trong cả khu vực. Chính phủ Tokio đã đi đến kết luận là „kẻ thù của kẻ thù chúng ta chính là bạn của chúng ta” và đang cố gắng có được một liên minh với một chính quyền hoàn toàn khác biệt về tư tưởng ở Hà Nội. Thủ tướng Shinzo Abe sau khi được nhận chiếc ghế thủ tướng lần thứ hai vào tháng 12.2012 đã có cuộc chuyên du nước ngoài đầu tiên chính là chuyến sang thăm Việt Nam.

Phương Tây, đứng đầu là USA, ủng hộ Nhật Bản, một quốc gia dễ lường và đã được Tây hóa từ lâu, mà hiện đang anh dũng chống lại Trung Quốc, một con thú dữ hung hăng. Nhưng thực ra lỗi không phải do chỉ một phía gây ra. Sự căng thẳng leo thang xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku sau khi chính phủ Nhật Bản mua những hòn đảo nhỏ này từ tay tư nhân. Tranh thủ khi Trung Quốc đang tập trung sức lực vào vùng biển ở Việt Nam, Nhật Bản đã bắt đầu xây dựng một hệ thống ra đa quân đội ở quần đảo Okinawa. Đây là vùng đất của Nhật Bản gần sát với hướng Trung Quốc nhất. Nhân dịp này Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera đã đến đây khảo sát và tuyên bố rằng công việc xây dựng hệ thống ra đa là câu trả lời về việc „cần phải cảnh giác về những sự bành trướng”.

Trong lục địa càng thêm căng thẳng, khi Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố là đã đến lúc Nhật Bản phải thay đổi Điều 9 trong Hiến pháp. Nhiệm kỳ này chưa thể thay đổi được, nhưng trong tương lai Nhật Bản sẽ có thể đưa ra quan điểm là có quyền dùng vũ lực, mà điều này gây ra nhiều mối lo sợ cho cả khu vực Đông Nam Á, bởi vì trong lịch sử họ đã bị hứng chịu quá nhiều sự tàn khốc, do người Nhật gây ra. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh là „cần phải cẩn thận với Nhật Bản”

Dù có mặc kệ vấn đề Hiến pháp của Nhật Bản thì cuộc chạy đua vũ trang ở Viễn Đông cũng đã trở thành hiện thực. Về số tiền ngân sách chi cho quốc phòng, chỉ có USA là mạnh hơn Trung Quốc. Trong số 10 quốc gia hàng đầu về quân sự, còn có cả Hàn Quốc và Nhật Bản bình định. Cái gọi là „lực lượng tự vệ” ở những quốc gia này đều là một trong những binh chủng mạnh mẽ nhất trên thế giới.

Các đường lối hung hăng của chính quyền đang gây ra bất ổn trong xã hội. Ở Trung Quốc và Việt Nam, chính quyền đang xúi giục người dân xuống đường chống đối kẻ thù. Thậm chí cả người dân Nhật Bản, từ hàng chục năm nay luôn bình tĩnh và chỉ chăm chú công việc làm ăn, nay cũng đã bị kích thích. Vào ngày lễ Hiền pháp (cũng 03.05, giống như Ba Lan) người ta phóng xe ô tô ầm ỹ, gắn những lá cờ hải quân Đế chế, có ở thời trước chiến tranh.

Những bóng ma Putin và Obama

Những xung đột này mang tính chất toàn cầu, bởi vì là USA và Nga cũng có chút dính lứu. Mà hai quốc gia này đang bước vào giai đoạn căng thẳng với nhau mãnh liệt nhất, kể từ khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc. Vào tháng Tư, Barack Obama đã đi thăm Malaysia, Philippines, Hàn Quốc và Nhật Bản (được gọi là những chuyến thăm „tăng cường can đảm”). Điều đó làm cho Bắc Kinh phải tức tối, đặc biệt là khi Tổng thống USA nhất quán công nhận chủ quyền của Nhật Bản về quần đảo Senkaku, điều này đã làm cho Thủ tướng Shinzo Abe mạnh dạn tuyên bố như vậy về Hiến pháp, để cho vai trò quân sự của Nhật Bản được tăng thêm, có thể đóng góp giữ gìn sự an toàn trong khu vực. Các nhà chính trị Mỹ cũng đang bắt đầu đẩy lùi được cơn ác mộng có từ cuộc chiến tranh Việt Nam và hiện đang tích cực nghiên cứu mọi khả năng thiết chặt quan hệ hợp tác với Việt Nam, mà quốc gia này đã chứng minh được là sẽ không nhu nhược chỉ ngồi nhìn Trung Quốc tha hồ bành trướng.

Ngoài ra, Nga cũng quan tâm đến vấn đề này, bởi cứ thấy USA xuất hiện ở đâu là Nga muốn đối đầu làm cân bằng quyền lực (vùng ảnh hưởng) ở đó. Vào tháng 04.2014, Moscơva đã châm biếm quan điểm của Thủ tướng Shinzo Abe và Bộ quốc phòng Nga đã quyết định hiện đại hóa và tăng cường thêm sức lực cho các hạm đội ở khu vực quần đảo Kurylow. Nhật Bản mất quần đảo này sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng chính thức không chịu chấp nhận sự thiệt hại này. Dù sao, chính quyền Tokio cũng chỉ có thể phản đối chuyện này trong những công hàm ngoại giao.

Gần đây Nga lại giáng cho những quốc gia kẻ thù của Trung Quốc một đòn đau và thâm hiểm: Bắc Kinh và Moscơva vừa ký kết với nhau một hợp đồng mua bán khí đốt giá trị 400 tỷ USD có hiệu lực trong vòng 30 năm. Liên minh của hai cường quốc hiếu chiến, mà một bên có thêm được nguồn khí đốt dồi dào, bên kia có thêm được một khoản tài chính khổng lồ, vậy là những ác mộng đen tối đã trở thành sự thật, đối với Nhật Bản, Việt Nam và USA.

Về chuyện có điểm tương đồng với tình hình như trước cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất: có các liên minh phe phái, có cuộc chạy đua vũ trang và có điểm nóng chính. Tất nhiên là hiện nay thời buổi đã khác, vì có lẽ sẽ không có chiến tranh xảy ra lan rộng với sự tham gia của những quân đội có đến hàng triệu quân, nhưng tình hình cũng đang căng thẳng vô cùng, mà ngày càng có nhiều nạn nhân, ngoài ra khu vực này lại có số dân đông hơn tất cả phần còn lại của thế giới, đồng thời các cường quốc lại đều có kho tàng vũ khí hạt nhân. Do vậy, cần phải quan tâm tích cực tới những cuộc xung đột này, mà chả hiểu tại sao báo chí Ba Lan hầu như chả đả động gì đến?


Ngô Hoàng Minh dịch

Sửa lần cuối 2014-07-28 09:13:58

Bình luận

Bình luận qua Facebook