2015-01-20 06:15:19

Nước Mỹ mất bao nhiêu sau khi phát động cuộc chiến giá dầu?

Bấy lâu nay giới tài chính và truyền thông trên toàn thế giới mỗi khi nhắc đến giá dầu hầu như chỉ để ý đến diễn biến cuộc chiến giá dầu giữa OPEC, Mỹ và Nga; nhưng khi mà kết cục có vẻ như đã rõ ràng với sự thoái lui của người Mỹ thì câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là sau đó sẽ ra sao.

Nước Mỹ thất bại trong cuộc chiến với OPEC sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế trong thời gian sắp tới. Lợi cũng có mà hại cũng có, nhưng có vẻ như việc giá dầu giảm và thất bại trong cuộc chiến giá dầu đang đem lại nhiều rắc rối hơn là thuận lợi cho nước Mỹ.

Hai luồng quan điểm trái chiều

Ai cũng biết, giá dầu giảm luôn mang lại hai tác động trái chiều, một mặt nó sẽ khiến thu nhập của các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ bị giảm đi, nhưng mặt khác nó sẽ khiến giá cả của hầu hết các mặt hàng giảm đi và kích thích người dân chi tiêu nhiều hơn. 

Những tác động một chiều là thấy rõ ở các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ như Venezuela khi giá dầu giảm đồng nghĩa với thiệt hại, nhưng lại là thuận lợi đối với các quốc gia không xuất khẩu dầu mỏ nhưng lại có nền kinh tế quốc nội khổng lồ như khối EU hay Nhật.

Nước Mỹ, lại là tổng hợp của cả hai đặc điểm trên và cả hai tác động thuận lợi và thiệt hại của giá dầu giảm đang cùng lúc diễn ra trên nước Mỹ. 

Mỹ vừa là một nước có trữ lượng khai thác dầu mỏ hàng đầu thế giới, đã có lúc lên tới hơn 9 triệu thùng/ngày, nhưng đồng thời lại là nền kinh tế số một thế giới với một nền kinh tế quốc nội khổng lồ luôn bị tác động mạnh bởi sự lên xuống của giá dầu. 

Với một nền kinh tế khổng lồ, đông dân và thu nhập đầu người hàng đầu thế giới, nếu như có một nơi nào mà giá dầu tăng hay giảm có ý nghĩa tác động mạnh nhất đến nền kinh tế quốc nội thì hẳn đó phải là nước Mỹ.

Chính vì vậy, việc giá dầu giảm thê thảm và nước Mỹ thất bại trong cuộc chiến giá dầu cũng đang gây ra hai luồng quan điểm trái chiều nhau. 

Quan điểm thứ nhất cho rằng giá dầu thấp như hiện nay dù đang gây khó khăn cho lĩnh vực khai thác dầu của Mỹ nhưng lại đang là cơ hội thuận lợi tuyệt vời để Mỹ tăng tốc phục hồi nền kinh tế. Theo đó, giá dầu thấp sẽ tăng mức độ đi lại và tiêu dùng của người dân vốn mới là nhân tố tác động hàng đầu đến sự phục hồi tăng trưởng.

Luồng quan điểm thứ hai cho rằng, giá dầu giảm đang là một sự đe dọa đến sự phục hồi kinh tế Mỹ. Chưa nói đến việc nước Mỹ mất đi hàng chục tỷ USD lợi nhuận từ các hãng dầu, mà một lượng lớn người thất nghiệp do bị sa thải từ ngành dầu cũng đang là nguy cơ lớn hơn rất nhiều so với lợi ích về chi tiêu mà giá dầu giảm đem lại, đó là chưa kể đến việc tốc độ tiêu dùng của người Mỹ tăng nhanh trong thời gian vừa qua chính là một phần nhờ vào sự phát đạt của ngành dầu và sự rủng rỉnh của những người làm trong lĩnh vực này.

Giá dầu giảm, lợi ích giảm

Các con số thống kê đang cho thấy, có vẻ như luồng quan điểm thứ hai đang tỏ ra xác thực hơn, việc giá dầu giảm cùng với sự thoái lui của Mỹ trong cuộc chiến trên thị trường dầu đang đem lại nhiều nguy cơ và rủi rơ cho nước Mỹ hơn là lợi ích mà nó đem lại. 

Theo đó, kể từ năm 2009 đến năm 2014, theo ước tính chỉ riêng các hoạt động khai thác dầu đá phiến ở hai bang Texas và North Dakota cũng đã đóng góp tới hơn 12% trong tăng trưởng thu nhập cá nhân ở Mỹ, và nộp cho ngân sách 67 tỉ USD chỉ trong năm ngoái. 

Trong giai đoạn đỉnh cao, ngành dầu đã thực sự trở thành một đòn bẩy quan trọng nhất với sự hồi phục kinh tế Mỹ khi đã tạo ra hàng trăm nghìn việc làm với mức lương cao ngất ngưởng, tác động rất mạnh đến chi tiêu cá nhân, hơn là hầu hết người dân Mỹ làm việc trong các lĩnh vực khác đang phải thắt lưng buộc bụng.

Ngay sau khi nước Mỹ gặp khó khăn với việc OPEC công khai tuyên chiến bằng cách ghìm giá dầu thấp, tình hình lập tức trở nên xấu. Bộ lao động Mỹ vừa công bố các dữ liệu mới nhất, theo đó sự sụt giá dầu từ tháng 10.2014 đã ảnh hưởng mạnh đến tiền lương trong lĩnh vực năng lượng. Từ tháng 10 đến tháng 12.2014, mức lương của các công việc trong lĩnh vực năng lượng giảm trung bình 5,8% mỗi giờ. Cũng trong ba tháng đó, doanh số bán lẻ chỉ tăng trung bình 4,3%, thấp hơn mức trung bình 5,4% của giai đoạn trước khá nhiều.

Điều này đang cho thấy lợi ích từ việc giảm giá dầu mà nước Mỹ nhận được đang thấp hơn rất nhiều so với thiệt hại mà nước này gánh chịu. Nó đang cho thấy một thực tế mà khá nhiều chuyên gia đã chỉ ra, rằng người dân sẽ có khả năng tăng mức chi tiêu nhiều hơn khi thu nhập của họ cao hơn, hơn là do chi phí hàng hóa và đi lại thấp đi. 

Người Mỹ đã thu được lợi ích lớn từ việc dầu tăng giá trong những năm qua, và tác động trực tiếp đến chi tiêu bằng cách tăng thu nhập, nhưng giờ đây, khi thu nhập đến từ ngành dầu giảm đi, thì việc chi tiêu đó cũng giảm theo. Nếu như trong những năm qua, sự thịnh vượng của ngành dầu lửa đã là một đòn bẩy quan trọng để kinh tế Mỹ phục hồi nhanh chóng, thì giờ đây nước Mỹ sẽ phải làm quen với việc phục hồi kinh tế mà không có nó.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)



Sửa lần cuối 2015-01-20 05:20:00

Bình luận

Bình luận qua Facebook