2015-11-09 20:54:56

Người Myanmar tin tưởng vào thắng lợi của bà Aung San Suu Kyi

Những người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi tin tưởng đảng của bà sẽ giành thắng lợi áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử dân chủ lần đầu trong 25 năm qua.

Tuy nhiên, theo Reuters, một câu hỏi được đặt ra là liệu Đảng đối lập Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi liệu có giành đủ 2/3 số ghế trong Quốc hội để không phải thành lập chính phủ liên minh hay không.

Cử tri Myanmar tham gia bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên ở nước này sau 25 năm. Ảnh Reuters

Ưu thế ban đầu

Theo đó, Đảng NLD của bà được dự đoán là sẽ giành được đa số phiếu bầu của 30 triệu cử tri Myanmar so với các đảng phái còn lại.

Dự kiến, kết quả của các điểm bỏ phiếu sẽ được công bố trong ngày 9/11 và kết quả sơ bộ của cuộc tổng tuyển cử sẽ chỉ được công bố sớm nhất là vào ngày 10/11.

Cuộc bầu cử này là dấu ấn quan trọng trong tiến trình tiến đến dân chủ của Myanmar kéo dài trong nhiều năm qua. Đây cũng là thời điểm mà bà Suu Kyi, người giành giải Nobel Hòa Bình 1991, có thể tận hưởng chiến thắng.

nguoi myanmar tin tuong vao thang loi cua ba aung san suu kyi hinh 1
Bà Aung San Suu Kyi vừa hoàn tất việc bỏ phiếu. Ảnh AP

Các cuộc kiểm phiếu sơ bộ cho thấy, một vài chính trị gia quyền lực nhất của Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang Myanmar (USDP) cầm quyền đã không giành được nhiều phiếu bầu. Điều này sẽ khiến USDP phải hứng chịu những tổn thất nghiêm trọng.

Con trai của Chủ tịch Quốc hội Myanmar Shwe Mann, người cũng là thành viên của Đảng USDP, thừa nhận trên trang Facebook cá nhân rằng cha mình đã mất ghế trong Quốc hội.

Trước khi cuộc bầu cử này diễn ra, dù không còn là nhà lãnh đạo của USDP hồi tháng 8 vừa qua, ông Mann, người từng là quan chức hàng đầu trong Chính phủ quân sự tại Myanmar vẫn được coi là ứng viên hàng đầu cho chiếc ghế Tổng thống.

Rào cản từ giới chức quân sự Myanmar

Dù kết quả của cuộc bầu cử lần này có như thế nào, Myanmar được dự đoán cũng sẽ bước vào một giai đoạn bất ổn khi mà bà Suu Kyi và các đảng phái khác sẽ phải tìm cách chia sẻ quyền lực với giới chức quân sự vẫn đang nắm giữ rất nhiều quyền lực tại quốc gia này.

Bà Suu Kyi bước vào cuộc bầu cử này với bất lợi đáng kể. Hiến pháp do Chính phủ quân sự Myanmar đề ra đảm bảo tới 1/3 số ghế trong Quốc hội là giành cho các quan chức quân sự mà không phải qua bầu cử.

nguoi myanmar tin tuong vao thang loi cua ba aung san suu kyi hinh 2
Tổng thống Myanmar Thein Sein tham gia bầu cử tại thủ đô Nay Pi Taw của Myanmar. Ảnh AP

Để giành được đa số để có thể tự thành lập Chính phủ hoặc thành lập Chính phủ liên minh, NLD sẽ phải giành được 2/3 số ghế trong Quốc hội trong khi USDP sẽ chỉ cần ít hơn rất nhiều nếu được quân đội Myanmar hậu thuẫn.

Ngay cả khi giành được đa số, bà Suu Kyi, người dẫn dắt chiến dịch tranh cử của Đảng NLD vẫn sẽ không được nên nắm quyền Tổng thống theo những quy định của Hiến pháp do giới chức quân đội nước này đề ra nhằm đảm bảo quyền lực của mình.

Chính vì thế, trong trường hợp được quyền lựa chọn ra một Tổng thống dân cử đầu tiên cho Myanmar kể từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, bà Suu Kyi cho biết, bà sẽ đứng đằng sau ủng hộ Tổng thống mới được bầu của nước này bất chấp những quy định của Hiến pháp do giới chức quân đội nước này đề ra.

Quyết định sẽ nằm trong tay những “đảng nhỏ”

Chiến thắng không rõ ràng sẽ tạo động lực cho khoảng 90 đảng phái nhỏ hơn ở Myanmar, trong đó có rất nhiều đảng đại diện cho các nhóm dân tộc thiểu số ở nước này đóng vai trò “quyết định người sẽ là Tổng thống”.

Ngay cả khi NDL giành thắng lợi áp đảo, quân đội Myanmar sẽ vẫn duy trì được quyền lực đáng kể của mình. Những vị trí quan trọng trong Nội các mới của nước này sẽ được dành cho họ. Ngoài ra, Hiến pháp Myanmar còn cho phép họ giành lại chính quyền trong một số trường hợp cụ thể. Thậm chí, giới chức quân đội Myanmar còn có thể kiểm soát nền kinh tế thông qua việc nắm một số tập đoàn quan trọng.

nguoi myanmar tin tuong vao thang loi cua ba aung san suu kyi hinh 3
Một cử tri tham gia bỏ phiếu. Ảnh AP

Dù không có nhiều kinh nghiệm tổ chức bầu cử, cuộc bầu cử tại Myanmar vẫn diễn ra khá suôn sẻ. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 8/11 nhấn mạnh, cuộc bầu cử này là một bước tiến quan trọng dù “còn lâu mới đạt được mức hoàn hảo”.

Điều ngăn trở chính trong tiến trình hình thành chính quyền dân chủ hoàn toàn tại Myanmar, theo ông Kerry chính là việc quân đội được ưu tiên quá nhiều ghế trong Quốc hội mà không phải qua bầu cử.

Ngoài ra, một số nhà quan sát lo ngại rằng, tính công bằng của cuộc bầu cử này có thể bị hạn chế ít nhiều khi có tới 4 triệu người dân Myanmar không thể tham gia bỏ phiếu do đang làm việc ở nước ngoài./.

Trần Khánh/VOV.VN

Sửa lần cuối 2015-11-09 20:00:50

Bình luận

Bình luận qua Facebook