2016-03-24 15:23:15

Belgacem và một số vấn đề về quản lý những người xin tỵ nạn ở Đức

 Tên khủng bố bị cảnh sát bắn hôm 7-1-2016 ở Paris có rất nhiều tên. Tại Paris nó tên là Hale Mohamed và theo lời khai thì đến từ Irac. Cũng hắn, ở Thụy Điển thì khai là người Gruzia tên là Nika Khechuashvili. Tại Lucxamburg, tên lại là Mohammed Salah đến từ Maroc, còn ở Đức tên hắn là Walid Salihi từ Si-ri hay Walid Esalihi đến từ Maroc.

  Người đàn ông 24 tuổi này ngay mới gần đây đã ở trại tị nạn ở Recklinghausen tại Nadrenii Bắc-Westfalia, đã dùng và khai tổng cộng bằng 20 tên và 6 quốc tịch khác nhau. Tên thật của anh ta là Tarek Belgacem, sinh ngày 28-3-1991 tại Ouled Chamekh thuộc Tuynidi. Trong ngày kỷ niệm một năm vụ tấn công trụ sở tạp chí "Charlie Hebdo", hắn đã dùng rìu và bom giả tấn công trụ sở cảnh sát và hét to "Allahu akbar" trước khi bị cảnh sát bắn chết.

  Các chuyên gia ở Cảnh sát điều tra Quốc gia ở Düsseldorf đã đi tìm những kẻ giúp hắn và đã không tìm thấy một ai, nhưng các thông tin mà họ thu được quả là đáng báo động: hắn ta không gặp bất cứ một khó khăn gì để lừa các chính quyền ở khắp châu Âu, khai tên giả và lợi dụng các điểm yếu nhất trong hệ thống người di tản vào mục đích tội phạm. Vì không có cơ hội ở lại châu Âu, Belgacem trong vòng 5 năm đã tự do đi qua các nước Liên minh Châu Âu và có các hành động phạm pháp. Lý do là hệ thống đăng ký và trao đổi thông tin chưa hoạt động như mong muốn, ngay cả ở một nước như nước Đức. Các nơi đăng ký hoạt động hầu như độc lập và không có trao đổi thông tin lẫn nhau kể cả các tin quan trọng nhất, do các lý do về kỹ thuật và pháp lý.

Người di tản lúc ở chỗ này, lúc chỗ khác

Vì mỗi bang ở nước Đức sử dụng các hệ thống đăng ký khác nhau, nên người di tản có thể đăng ký ở nhiều trại tỵ nạn với các tên khác nhau, làm nhiều giấy tờ tùy thân và cũng nhận tiền nhiều lần. Ủy ban Liên bang về Di dân và Tỵ nạn (BAMF) dự kiến trong vòng một năm sẽ thống nhất vào một hệ thống và một cơ sở dữ liệu trung ương, nhưng các yếu điểm vẫn tồn tại. Trong trường hợp tên Belgacem thì nhân viên của Cảnh sát điều tra Quốc gia đã có cơ hội nhận ra quá trình đăng ký hết sức lộn xộn kể từ hôm 31-01-2011. Ngày hôm đó, tên người Tuynidi này nộp đơn xin tỵ nạn ở Timișoar tại Rumani. Trước khi đơn được xét xong, nó đã đi tiếp đến Áo, và ngày 8-4-2011 lại nộp một đơn tương tự, khai tên là Mohamed Ben Kalifa sống ở Zuwary thuộc Libi. Các nhân viên ở Áo đã lấy vân tay hắn và khẳng định hắn đã nộp đơn ở Rumani nên đã gửi anh ta quay lại đó. Ở đấy hồ sơ xin tỵ nạn bị bác bỏ, và tháng 7 năm 2011 hắn bị trục xuất về Tuynidi.

  Đáng nhẽ câu chuyện đến đó phải chấm dứt, nhưng trong thực tế thì đấy mới là điểm khởi đầu thực sự. Ba tháng sau, vào tháng 10-2011, Belgacem đi tàu đến cảng của thành phố Trapani đảo Sycylia. Năm 2013 hắn vào Thụy Điển, ở đó hắn bị đuổi lại Ý, nhưng từ Ý hắn lọt vào Pháp. Tháng 7-2013 có lẽ hắn đã thực hiện vụ cướp ở Sainte-Maxime thuộc Pháp, và ba tháng sau lại tham gia cướp ở Lucxemburg. Nhưng hắn không bị giam và hôm 10-12-2013 thì hắn sang Đức. Cảnh sát đã bắt giữ hắn ở nhà ga Akwizgran vì không có giấy tờ. Các nhân viên Đức lấy vân tay và tìm trong hệ thống dữ kiện Châu Âu về người di tản Eurodac, hệ thống này bắt đầu thu nhập các vân tay từ năm 2011. Nhưng để bảo mật thông tin về người xin tỵ nạn, hệ thống này không cấp tên mà chỉ cho giới tính và ngày người đó vào một nước trong Liên minh Châu Âu. Vì vậy cảnh sát chỉ biết là người đàn ông khai tên là Salihi này đã từng đăng ký ở Rumani, ở Áo, ở Thụy Điển và ở Ý. Chỉ có thế mà thôi. Họ không hề được biết là hắn đã bị từ chối tỵ nạn ở Rumani và đã bị trục xuất về nước. Họ cũng không hề biết là tên này đã phạm các tội ăn cướp ở Pháp và Lucxemburg vì để có các thông tin ấy, họ phải xin nhân viên các nước khác giúp đỡ về mặt pháp lý.

Lúc thì là người Tuynidi, lúc là người Libi, lúc lại là người Gruzia

Thế cho nên tên Tarek Belgacem có thể ở lại Đức và lại nộp đơn mới xin tỵ nạn. Các công chức Đức gửi phía Rumani kiểm tra xem người có tên bây giờ là Esalihi đã xin tỵ nạn ở Rumani hay chưa.  Họ chờ hàng tháng, nhưng không có thông tin gì vì kể từ hôm trục xuất năm 2011 phía Rumani coi vụ việc như đã xong. Bucarest cho là người có tên Esalihi hoặc Salihi hay Belgacem đang phải ở Tuynidi.

  Thế nhưng hắn lại ở Recklinghausen và chính quyền lại phải để mắt đến nó. Cảnh sát nghi hắn đã thực hiện 20 tội như gây thương tích nặng cho người khác, buôn bán ma túy, đi lậu vé, ăn cắp ở các cửa hàng, đe dọa người khác. Ngày 9-2-2014 tên này cũng có thể đã tham gia vào vụ sờ mó phụ nữ ở chỗ nhảy tại Kolonia. Hắn chưa hề bị bắt mà chỉ bị cơ quan công tố điều tra.

  Tháng 3-2015, Belgacem lại chuồn khỏi Đức, lại khai là người Gruzia để xin tỵ nạn ở Thụy Điểm. Hắn ở đây bốn tháng cho đến khi phía Thụy Điển biết là hắn đã xin tỵ nạn tại Đức và gửi hắn về đó. Lần này về, hắn bị giam vài tuần lễ và sau khi ra tù tiếp tục ở Đức rồi đã quyết định gây khủng bố ở Paris và bị bắn chết hôm 7-1-2016 vừa qua.

  Từ vụ việc trên cho thấy có vấn đề về người xin tỵ nạn rất dễ dàng khai các tên khác nhau ở nước Đức. Các nhà điều tra còn biết việc này qua các trường hợp khác. Ngày 19-1, hai tuần sau khi Belgacema bị bắn chết, 400 cảnh sát đã vào kiểm tra hai trại tỵ nạn ở Ahlen tại Westfalia, theo sáng kiến đề nghị của ông Olaf Gericke - quận trưởng quận Warendorf. Ông kể lại, ông rất ngạc nhiên khi các trại từ trước đến nay vẫn thanh bình bỗng nhiên có nhiều khai báo về việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng: đánh nhau, ăn cắp, say rượu. Trước đó ít lâu có 230 người tỵ nạn từ Bắc Phi đến, chủ yếu là nam thanh niên. Các cảnh sát khi đó mới biết là phần lớn trong số 230 người vừa đến này đã biến mất sau mấy hôm và không biết họ ở đâu. Sau đó ở đấy lại xuất hiện 138 người mới, trong đó có 66 người nộp đơn với tên khác so với tên có trong hồ sơ có dấu vân tay. Ông Gericke đi đến kết luận là hầu như một nửa số người đó có nhiều hơn một tên. Người ta còn tìm thấy ở bốn người các giấy tờ có ít nhất hai tên khác nhau.

  Các giấy tờ này dùng thay cho chứng minh thư của người xin tỵ nạn. "Giấy chứng nhận đã nộp hồ sơ xin tỵ nạn" này thông thường được cấp lúc đăng ký. Nó là mảnh giấy có ảnh và ghi tên và nước người đó khai từ đâu đến, và là giấy tờ tạm cho đến khi được BAMF, quá trình này kéo dài đến nhiều tháng.

Người di tản muốn khai gì thì khai

  Ở Nadrenia Bắc-Westfalia, ông Gericke nói, việc khai tên giả không kéo theo một hậu quả gì hết. Khi tạm khai, người ta không lấy vân tay để kiểm tra. Sau đó, người này có thể lại đi đến một chỗ khác và xin giấy tờ với một tên khác.

  Trong vụ tấn công phụ nữ hôm giao thừa ở Kolonia có những người bị cảnh sát kiểm tra đã xé giấy tờ của mình, có một người đã nói „ Mai tao sẽ làm cái giấy mới”. Còn theo ông chánh án tòa án khu vực này, ông Amand Scholl đã xử ba bị cáo với án treo, đã nói trong số các bị cáo của ông việc những người có 5, 7 giấy tờ tùy thân không phải là hiếm.

  Sau cuộc kiểm tra ở Ahlen cảnh sát đang điều tra 97 vụ việc gồm gải mạo giấy tờ, ma túy, trộm cắp và lừa đảo. Nhiều người xin tỵ nạn do có vài giấy tờ khác nhau đã nhận nhiều lần mức tiền trợ cấp tiêu vặt mỗi tháng là 140 euro.

  Một số bang của Đức khi đăng ký có lấy dấu tay, nhưng mỗi bang lại dùng các chương trình máy tính khác nhau và như vậy không cho phép trao đổi thông tin với nhau. Các dấu vân tay thu bằng hệ thống ví dụ như "Migvis" ở Badenia-Wirtembergia, nhưng các bang bên cạnh như  Hesja hay Nadrenia-Palatynat lại không kéo được chúng. Họ cũng không thể so nó với các vân tay của Cảnh sát tội phạm Liên bang hay các dấu vân tay của hệ thống Eurodac.

  Các nhà điều tra cho biết có những tổ chức tội phạm chuyên lợi dụng các lỗ hổng trong hệ thống vào mục đích của mình, không phải để xin tỵ nạn ở Đức mà chỉ để kiếm tiền nhanh. 

NHV (dịch từ Onet.pl)

Sửa lần cuối 2016-03-24 14:24:51

Bình luận

Bình luận qua Facebook