2016-07-10 08:50:47

Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vác-sa-va

Cách đây không lâu, ít ai nghĩ rằng Ba Lan sẽ trở thành quốc gia chủ nhà đón tiếp các đoàn đại biểu sang tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Vậy mà trong 2 ngày 8 và 9.07.2016, cộng đồng người Việt ở Vác-sa-va nói riêng và toàn thể người dân Ba Lan nói chung đã được chứng kiến về một sự kiện quan trọng có tầm cỡ thế giới như vậy. Hội nghị đã rất thành công, với sự quan tâm không chỉ của những quốc gia liên quan với NATO, mà có thể khẳng định rằng mọi thế lực trên thế giới đều hướng về TP Vác-sa-va trong hai ngày này.  Mọi chuyện đã diễn ra yên ổn, không có sự cố nào xảy ra.

Để mọi việc có thể diễn ra suôi sẻ như vậy, nhất là trong tình hình phức tạp hiện nay ở Châu Âu (vấn đề khủng bố), chính phủ Ba Lan và TP Vác-sa-va đã có những cố gắng để tạo điều kiện cho những vị khách quý có được sự an tâm tuyệt đối để tham dự hội nghị. Người ta đã khuyên người dân Thủ đô nên đi nghỉ ở ngoài TP trong weekend này, bởi vì trong trung tâm TP sẽ có nhiều sự hạn chế trong giao thông, nhiều tuyến đường bị cấm đi lại, nhiều nơi đỗ xe ô tô không được sử dụng. Do vậy, cũng đã có khá nhiều phiền hà cho cho những người cần phải vào trung tâm TP trong hai ngày này. Thậm chí tất cả những biển quảng cáo lớn có khắp nơi trong trung tâm TP cũng đã bị dọn đi, để tránh phiền phức.

Toàn cảnh hội nghị ( Ảnh: nato.int).

Có 61 đoàn đại biểu, trong đó có 18 Tổng thống và 21 thủ tướng đã đến tham gia hội nghị. Không chỉ có các đoàn đại biểu của 28 quốc gia thành viên NATO, mà còn nhiều nước khác cũng được mời đến tham dự, nếu có gì đó liên quan đến Khối Bắc Đại Tây Dương, thí dụ các quốc gia đang muốn gia nhập NATO như là Ukraina, Gruzia, Montenegro hoặc thậm chí như Afganistan, nơi NATO đang tích cực tham gia giúp đỡ quân sự cho quốc gia vẫn còn đang rất bất ổn này.

Tổng thống USA cũng đã đến tham dự và người dân Ba Lan rất quan tâm xem người lãnh đạo của cường quốc lớn nhất thế giới này có mang theo thông điệp gì đến Ba Lan hay không. Như mong đợi, Barack Obama đã có cuộc nói chuyện với Tổng thống Ba Lan A. Duda. Tổng thống USA đã bày tỏ sự quan ngại về tình hình của Tòa án Hiến pháp Ba Lan, nơi chính phủ (và Quốc hội) của đảng PiS (đang nắm quyền và chiếm đa số ghế trong Quốc hội Ba Lan) đang can thiệp khá nhiều về nguyên tắc tam quyền phân lập, ảnh hưởng đến nền dân chủ ở Ba Lan. Mặc dù vậy, đải truyền hình của chính phủ đã cố tình cắt xén những thông tin này, chỉ đưa thông tin là Tổng thống USA luôn quan tâm đến những sự thay đổi tốt đẹp của Ba Lan.
Trong khi đa số người dân Ba Lan đang tự hào là Ba Lan được tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh NATO, vẫn có một số tổ chức chống chiến tranh ở Ba Lan đưa ra ý kiến là nên giải tán NATO, đỡ tốn tiền bày vẽ tổ chức hội nghị (ảnh hưởng giao thông TP) và sẽ đỡ tốn tiền mua vũ khí. Một số người đã xuống đường biểu tình, giương cao những khẩu hiệu như là „Không cần Nga chiếm đóng như trước đây, mà bây giờ cũng chả cần Mỹ đưa quân sang!”, „Hãy dùng tiền để xây bệnh viện, chứ đừng mua xe tăng” v.v...

Nói chung chính quyền và đa số người dân Ba Lan rất tự hào là đã tổ chức thành công hội nghị. Tại đây, đã ký kết được nhiều quyết định. Sau năm 2016, NATO vẫn sẽ tiếp tục đưa quân sang giúp Afganistan. Ngoài ra, NATO sẽ tiếp tục sát cánh cùng liên minh chống mọi hoạt động của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS). Ba Lan cũng hứa là sẽ đưa máy bay sang khu vực này để hỗ trợ, tuy hiện nay không trực tiếp tham gia gì nhiều.

Quan trọng hơn là NATO sẽ đưa quân sang Ba Lan và 3 quốc gia nhỏ vùng biển Baltic. Sắp tới sẽ có khoảng1000 lính Mỹ sang túc trực ở Ba Lan, 1000 lính Canada sẽ sang Latvia, cũng ngần đó lính Anh sẽ đến Estonia và một ngàn lính Đức sẽ sang Lithuania, để bảo vệ quốc gia này. Điều này ắt hẳn làm cho Nga khó chịu, do vậy người ta không dùng ngôn từ là sẽ xây dựng các doanh trại quân sự cố định, mà chỉ có những nhóm lính (thay đổi nhau) sang huấn luyện và tập trận. Dù sao, sau Hội nghị này, Ba Lan và 3 quốc gia vùng biển Baltic có thể cảm thấy an tâm nhiều, khi biết là NATO không chỉ hứa là sẽ giúp đỡ khi có quốc gia nào đó muốn sang xâm lược hay quấy rối, mà thực tế NATO sẽ canh gác vùng phía Đông này của Khối một cách rất cẩn thận. Điều này làm cho Ukraina cũng cảm thấy không bị bỏ rơi, tất nhiên là quốc gia này hiện nay chưa thể gia nhập NATO, khi vẫn còn đang có xung đột với Nga ở vùng phía đông lãnh thổ mình. NATO cũng nghiêm khắc tuyên bố là không bao giờ chấp nhận việc Nga đã chiếm Crimea của Ukraina. Có thể sắp tới Nga sẽ cảm thấy rât khó chịu, khi có quân đội NATO ở ngay sát biên giới lãnh thổ mình (vùng Kaniningrad)?

Ngoài ra, chiến lược xây dựng lá chắn tên lửa của NATO sẽ được bắt đầu triển khai ở Rumania. NATO cũng chú trọng quan tâm vấn đề mới, đó là về công nghệ thông tin, sẽ cần phải tác chiến bảo vệ mọi thông tin và dữ liệu trong mạng, giữ độ an toàn liên lạc, tránh những thiệt hại khó lường trong lĩnh vực này. Các quốc gia thành viên sẽ tích cực hợp tác trao đổi thông tin an ninh, tăng cường hợp tác và quan tâm khu vực Địa Trung Hải, cùng chống lại hiện tượng buôn bán người (liên quan vấn đề dân di cư).

Sau khi có sự kiện Brexit, Liên hiệp Anh cam đoan là sẽ vẫn luôn sát cánh cùng NATO gìn giữ hòa bình ở châu Âu cũng như trên trên giới. Một số nhà bình luận và nhiều chính trị gia cho rằng trong tương lai, nhóm Visegrad (bao gồm 4 quốc gia Trung Âu là Ba Lan, CH Séc, Slovakia và Hungary) sẽ có tiếng nói rất quan trọng trong khối NATO cũng như trong Liên minh Châu Âu.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tuyên bố trong bài phát biểu khai mạc: "Để các quốc gia của chúng ta được an toàn, không chỉ cần duy trì phòng thủ đủ mạnh, mà chúng ta còn phải giúp các đối tác trở nên mạnh hơn”, tức là hiện nay NATO đã trở nên cứng rắn hơn, sau khi Nga đã có những hành động khó lường đối với Ukraina và Crimea.

Điều quan trọng, một hiệp ước mới ràng buộc EU với NATO đã được ông Stoltenberg ký kết với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Jean-Claude Juncker. Mặc dù nhiều quốc gia nằm trong Khối NATO thuộc Liên minh Châu Âu, nhưng khi có những tiếng nói chung, cả hai tổ chức danh tiếng này sẽ ngày càng lớn mạnh hơn.

Được tổ chức hội nghị này, Ba Lan rất vui mừng, hãnh diện và quan trọng là có thể yên tâm, khi NATO chính thức tăng cường công việc bảo vệ khu vực phía Đông của Liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, tức là bảo vệ Ba Lan.

Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của NATO sẽ diễn ra vào năm sau, tại trụ sở mới của tổ chức này ở Bruxel.

Warszawa 10-7-2016

Ngô Hoàng Minh

Sửa lần cuối 2016-07-10 07:02:03

Bình luận

Bình luận qua Facebook