2017-02-08 08:27:18

Bình luận của nhật báo "Sueddeutsche Zeitung" về cuộc „gặp gỡ trong khủng hoảng” của bà Merkel và ông Kaczyński

 Angela Merkel

Bà thủ tướng Đức Angela Merkel đang có chuyến thăm Ba Lan. Nhật báo Đức "Sueddeutsche Zeitung" (SZ) cho là đề nghị của ông Jarosław Kaczyński gặp bà Angela Merkel không phải vì việc tăng mối thiện cảm của ông chủ tịch đảng PiS với nước Đức mà là hậu quả của việc Ba Lan hiện không có đồng minh.

Đây sẽ là "cuộc gặp gỡ thầm lặng trong khủng hoảng" – ông Florian Hassel, phóng viên thường trú ở Vác-sa-va của tờ báo "SZ", một trong các báo lớn nhất của Đức đã viết.

Tác giả bài báo nêu chú ý là ông Kaczyński, người từ trước đến nay vẫn "lảng tránh các cuộc tiếp xúc với nước Đức", lại chủ động đề nghị gặp bà Merkel ở khách sạn Bristol tại Vác-sa-va, cuộc gặp sẽ là điểm quan trọng nhất trong chuyến thăm lần này của bà. "Đây không phải do mối thiện cảm tự dưng đến; ông Kaczyński đang ở tình thế bắt buộc: nước Ba Lan hiện không có đồng minh" – ông Hassel viết.

"Kế hoạch định hướng nền chính trị đối ngoại của Ba Lan dựa vào nước Anh là đối tác chính ngay từ đầu đã tỏ ra không hiện thực, còn từ lúc xảy ra Brexit nó đã sụp đổ hoàn toàn" – phóng viên của "SZ" đánh giá. Theo ông ta thì kế hoạch biến Ba Lan thành cường quốc địa phương của Trung Âu cũng không thành công. Kế hoạch dựa vào nước Mỹ cũng hỏng kể từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền – ông Hassel viết.

"Trong hoàn cảnh này thì bà thủ tướng Đức, người ủng hộ duy trì cấm vận với Nga, là người gần với các lợi ích của Ba Lan nhất " – bài báo viết. Theo ông Hassel, trong mối quan hệ Ba Lan-Đức "hiện không có các mâu thuẫn lớn đáng kể". Ông nhắc đến mối quan hệ kinh tế đang phát triển mạnh và nhấn mạnh là hiện tổng giá trị thương mại giữa hai nước năm ngoái lần đầu tiên đã vượt con số 100 tỷ euro.

Tuy vậy cuộc gặp này vẫn xứng đáng gọi là cuộc gặp trong khủng hoảng – ông Hassel viết và giải thích là đánh giá này là trên cơ sở tình hình châu Âu. "Bà thủ tướng Đức ít nhất cũng muốn ổn định Liên minh, và tùy theo khả năng, muốn làm Liên minh mạnh lên trong bối cảnh cuộc khủng hoảng về nhập cư và các vấn đề khác" – theo tờ "SZ".

Jarosław Kaczyński

"Còn ông Kaczyński thì lại muốn không phải lo gì khi có thể tiếp tục củng cố việc cầm quyền theo lối dân tộc-bảo thủ, giả độc tài (pseudoautorytarne panowanie) – mà không phải lo ngại gì về phía Liên minh" – ông Hassel viết. Theo ý kiến của ông thì ông chủ tịch đảng PiS chỉ đánh giá cao Liên minh như một "tổ chức kinh tế và là nguồn cung cấp tiền" mà thôi.

Tác giả bài báo dự đoán là ông Kaczyński sẽ đề nghị với bà thủ tướng về thay đổi các hiệp ước (traktaty) của Liên minh. Ông sẽ đòi nhiều quyền hơn cho quốc hội các nước thành viên, điều mà theo nhà bình luận cần phải được hiểu –  "là quyền phủ quyết của Quốc hội Ba Lan về các quyết định của Liên minh".

Theo tờ "SZ" thì các đề nghị của ông thủ lĩnh đảng PiS là "về bản chất mang tính chiến thuật", bởi vì phía Ba Lan biết rất rõ là bà Merkel sẽ không đồng ý về việc làm yếu đi các hiệp ước của Liên minh. "Vác-sa-va hành động theo phương châm: chúng ta đặt ra các đòi hỏi không thực tế và vẫn phải đồng ý – dù phải nghiến răng  – chấp nhận status quo, đánh đổi lấy việc để họ yên, ví dụ về việc Bruksel đang đòi tiến hành kiểm tra tình hình tuân thủ luật (kontrola praworządności) tại Ba Lan" – ông Hassel viết.

Nhà bình luận Đức nhắc là đến ngày 21/2 chính phủ ở Vác-sa-va phải trả lời các câu hỏi bổ sung của Ủy ban Châu Âu (KE). Vác-sa-va đang khẳng định là về  Tòa án Hiến pháp "hiện không có vấn đề gì" – ông Hassel bổ sung.

"Còn bà thủ tướng sẽ phản ứng ra sao? Và nước Đức sẽ phản ứng như thế nào?" – tờ "SZ" đặt câu hỏi. "Chính thức và công khai sẽ không có phản ứng gì. Berlin sẽ dành việc này cho Ủy ban Châu Âu vì biết rằng việc nước Đức nhắc nhở một quốc gia đã có nhiều vấn đề với mình thì chỉ như đổ thêm dầu vào lửa" – ông Hassel đoán.

"Liệu một nước quan trọng nhất trong các thành viên của Liên minh Châu Âu sẽ còn im lặng đến khi nào khi người hàng xóm của mình đang vi phạm một cách có hệ thống các nguyên tắc dân chủ mà Liên minh châu Âu đã được xây nên, luôn chống đối mọi can thiệp của  Bruksel?" – tác giả nêu câu hỏi tiếp.

Trên bình diện công việc thì người Đức và người Ba Lan sẽ còn phải nhiều năm tiếp tục cộng tác dưới thời chính quyền thực chất là của mình ông Kaczyński – ông Hassel viết. "Đây là một cách thích ứng mới của chính sách Ostpolitik của Đức, lần này không phải là với chế độ cộng sản như ngày xưa nữa, mà là với một thành viên quan trọng nhất của Liên minh ở Trung và Đông Âu, một thành viên đi lệch khỏi con đường theo các tiêu chuẩn chung về dân chủ" – tờ "SZ" viết tiếp.

"Về lâu dài mà nói thì chính sách như thế của Đức sẽ chẳng có lợi cho ai: cả cho chính phía Đức cũng như cho phía Ba Lan, mà chắc chắn sẽ không tốt cho một châu Âu dân chủ" – ông Florian Hassel kết luận trong bài báo trên tờ "Sueddeutsche Zeitung".

NHV (theo Onet.pl)

Sửa lần cuối 2017-02-08 07:38:27

Bình luận

Bình luận qua Facebook