2017-07-25 16:39:53

Một năm sau vụ kiện biển Đông và phán quyết lịch sử.

Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước LHQ về Luật Biển

Cách đây một năm, 16h ngày 12/7/2016, Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (sau đây xin được gọi tắt là Công ước), còn được gọi là Tòa Trọng tài, đã ra Phán quyết Vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp trong ứng dụng và giải thích Công ước trên Biển Đông.

Đây được xem là phán quyết có ý nghĩa lịch sử, đóng vai trò to lớn trong việc giải quyết những tranh chấp quốc tế trên biển, nhất là ở khu vực châu Á –Thái Bình Dương.

Những nội dung cơ bản trong Phán quyết của Tòa Trọng tài:

1)     Quyền lịch sử và "đường 9 đoạn": Không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong "đường 9 đoạn" (hay còn gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường chữ U”).

Yêu sách Đường lưỡi bò của Trung Quốc bị bãi bỏ

2)     Quy chế của các cấu trúc địa lý trên Biển Đông: Không một cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách tại biển Đông có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế.

3)     Tính chất các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông: Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc: (a) Can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Philippines, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này.

4)     Gây hại cho môi trường biển: Với các hoạt động bồi đắp và xây dựng nhân tạo trên 7 cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Trường Sa gần đây,Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương.

5)     Làm trầm trọng thêm tranh chấp: Việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn mà Trung Quốc tiến hành gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Theo quy định tại Điều 296 của Công ước và Điều 11 của Phụ lục VII, Phán quyết này có tính ràng buộc pháp lý và có tính chung thẩm.

Tòa Trọng tài đã xét xử công bằng và khách quan trên cơ sở lựa chọn một số nội dung trong số các nội dụng được thể hiện ở đơn khởi kiện chỉ liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước.

Phán quyết của Tòa Trọng tài chính là thắng lợi của Công ước, thắng lợi của cơ quan tài phán quốc tế trong việc bảo vệ sự trong sáng, hiệu lực và hiệu quả của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, làm rõ những tranh cãi xung quanh việc áp dụng, giải thích Công ước.

Trong một năm kể từ khi Tòa Trọng tài ra Phán quyết, tình hình tranh chấp Biển Đông vẫn tiếp tục diễn biến căng thẳng, phức tạp.

Sau thời gian đầu liên tục đưa ra những tuyên bố ngang ngược phê phán giá trị của Phán quyết, giới lãnh đạo Bắc Kinh bắt đầu lựa chọn cách thức âm thầm củng cố và mở rộng sự hiện diện của mình trong vùng biển tranh chấp, thúc đẩy quân sự hóa trên các đảo chiếm đóng phi pháp.

Philippines đã có động thái triển khai cụ thể nhưng hoàn toàn khiến thế giới bất ngờ khi họ dựa vào phán quyết này để thỏa thuận riêng với Trung Quốc, trên cơ sở đó giải quyết một số quyền lợi trực tiếp.

Điều này đã dẫn đến nhiều ngộ nhận ngay trong giới nghiên cứu, khiến dư luận có những nhận xét, đánh giá khác nhau về giá trị và tác dụng của Phán quyết Trọng tài có ý nghĩa lịch sử, mang tầm vóc quốc tế này.

Cho dù Trung Quốc có tìm mọi cách ngăn chặn, Phán quyết Trọng tài này vẫn đang âm thầm đóng góp rất lớn cho hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên Biển Đông, trong hiện tại cũng như tương lai.

Cần tiếp tục triển khai mặt trận đấu tranh  pháp lý mạnh mẽ, thiết thực, cụ thể hơn. Muốn làm được điều này thì cần phải tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng và phổ biến công khai nội dung của Phán quyết, coi đây là một tiền lệ có giá trị, một bài học kinh nghiệm quý giá góp phần thượng tôn pháp luật, tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan theo nguyên tắc cùng thắng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ pháp lý, chân lý vì hòa bình, ổn định và hợp tác bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc, bất kể lớn nhỏ hay giàu nghèo…

Các nước Đông Nam Á liên quan đến Biển Đông có thể tận dụng giá trị pháp lý của Phán quyết này để củng cố khối đoàn kết, có tiếng nói chung mạnh mẽ hơn, đặc biệt là khai thác nội dung Phán quyết để phục vụ cho việc xây dựng và ký kết được Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông mà cho đến nay vẫn bị “đường lưỡi bò” ngáng trở khi đề cập đến phạm vi điều chỉnh của Bộ quy tắc đầy kỳ vọng này./.

Tác giả: TS Trần Công Trục – Nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ

 Ảnh: internet

Sửa lần cuối 2017-07-25 14:50:17

Bình luận

Bình luận qua Facebook