2018-02-28 05:13:18

Học giả bình luận việc TQ bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước


Có phải Tập Cận Bình đã tự biến mình thành chủ tịch nước trọn đời?

Thông báo hôm Chủ nhật rằng Trung Quốc sẽ sửa đổi hiến pháp để loại bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ của chức chủ tịch nước hiện tại dường như đã dọn đường cho khả năng đó.

Theo các quy định hiến pháp cũ, Tập sẽ phải rời bỏ vị trí chủ tịch nước vào đầu năm 2023, khi nhiệm kỳ năm năm lần thứ hai của ông kết thúc.

Mặc dù vậy, như những người khác đã chỉ ra, Tập sẽ không nhất thiết phải phải từ bỏ quyền lực. Không có giới hạn nào đối với số nhiệm kỳ của một trong những vị trí quan trọng khác mà ông ta đang nắm giữ: Tổng bí thư của Đảng Cộng sản, vị trí nắm giữ quyền lực thực sự ở Trung Quốc.

Về mặt này, chức Chủ tịch nước (nguyên thủ quốc gia) chỉ được điều chỉnh cho phù với quy định về vị trí Tổng bí thư. Tới đầu những năm 1990, chức chủ tịch nước và tổng bí thư được nắm giữ bởi những nhân vật khác nhau.

Tuy nhiên, thông báo này vẫn là hết sức quan trọng.

Nhiệm kỳ tổng bí thư hiện tại của Tập kéo dài đến cuối năm 2022, và không có trở ngại chính thức nào đối với việc ông nắm giữ chức này lâu hơn – ngoài các quy tắc bất thành văn được thể chế hóa và vẫn đang biến đổi rằng nhiệm kỳ tổng bí thư phải tương ứng với nhiệm kỳ của chủ tịch nước, và do đó có giới hạn là hai nhiệm kỳ.

Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của Tập, đã phục vụ hai nhiệm kỳ ở cả hai vị trí.

Với tuyên bố hôm Chủ nhật, những quy định bất thành văn được thể chế hóa nhưng vẫn còn sơ khai này đã bị vứt ra ngoài cửa sổ. Thay vào đó, chúng ta đang trở lại với hệ thống chiếm ưu thế vào đầu những năm 1990, với cơ chế thương lượng không chính thức, mập mờ, thường liên quan đến vai trò của các “bô lão” của Đảng, trong việc xác định những người nắm các vị trí cấp cao.

Tuy nhiên, trong trường hợp của Tập, chính trị Trung Quốc có thể sẽ quay trở lại thời kỳ xa xưa hơn nữa, kỷ nguyên lãnh đạo cá nhân trị của Mao. Tập tất nhiên không phải là Mao, và Trung Quốc thời Mao không phải là Trung Quốc ngày nay, nhưng trên nhiều khía cạnh, điều này làm cho việc Tập ra tay loại bỏ bất kỳ hạn chế nào đối với việc ông nắm giữ quyền lực lâu dài càng đáng chú ý hơn. Cho dù cách diễn giải của bạn là gì thì việc tập trung quyền lực của Tập cũng làm người ta nhớ lại những thời kỳ đen tối ở Trung Quốc.

Các nội dung tuyên truyền ban đầu tại Trung Quốc gợi ý rằng sự thay đổi đó là cần thiết cho sự ổn định. Theo lời của một học giả được trích dẫn trong tờ Hoàn cầu Thời báo, tờ báo lá cải dân túy do Đảng kiểm soát, Bắc Kinh cần một nền lãnh đạo mạnh mẽ và ổn định trong “thời kỳ then chốt” từ năm 2020 tới năm 2035, thời điểm mà Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia hiện đại và thịnh vượng.

Tuy nhiên, thay vì mang lại sự ổn định, quyết định của Tập loại bỏ những trở ngại chính thức đối với việc ông kéo dài quyền lực có thể gây tác dụng ngược.

Một trong những điểm mạnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây là xây dựng một hệ thống thay đổi vị trí lãnh đạo cấp cao một cách trật tự, điều thường bị lảng tránh và làm sụp đổ các chế độ độc tài trên toàn thế giới.

Giang Trạch Dân trao quyền cho Hồ Cẩm Đào dựa trên một thời khóa biểu định trước; Hồ đã làm tương tự với Tập.

Cuối tháng 10 năm ngoái, tại Đại hội Đảng lần thứ 19, ông Tập đã ám chỉ đường hướng ông theo đuổi bằng cách từ chối chỉ định một người kế nhiệm rõ ràng, người có thể được chuẩn bị cho việc giữ chức tổng bí thư vào cuối năm 2022. Thông báo hôm Chủ nhật càng khẳng định quyết định đó.

Thời điểm đưa ra thông báo hôm Chủ nhật cũng nói lên nhiều điều. Được đưa ra ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, thông báo này vừa củng cố vững chắc thẩm quyền tuyệt đối của Tập đối với Đảng và chính phủ, đồng thời cũng gửi một cảnh báo cho những kẻ thù của ông trong hàng ngũ cấp cao của Đảng, những người đang bị tác động mạnh bởi chiến dịch chống tham nhũng, rằng ông sẽ không đi đâu cả.

Nó cũng kết hợp với chủ đề bao quát trong nhiệm kỳ của Tập, đó là xoá nhòa sự khác biệt giữa Đảng và nhà nước. Trong trường hợp này, quy định về số nhiệm kỳ của chức chủ tịch nước lại được điều chỉnh cho tương ứng với quy định về số nhiệm kỳ của chức tổng bí thư.

Nhưng đó có phải là tín hiệu rằng quyền lực của Tập là không gì cản nổi? Có thể đưa ra hai lập luận trái ngược nhau về vấn đề này.

Khả năng của Tập trong việc thúc đẩy quyết định này chắc chắn là một minh chứng cho quyền kiểm soát của ông đối với tất cả các đòn bẩy quyền lực trong ngắn hạn. Nhưng thực tế rằng ông cảm thấy cần phải làm như vậy cũng có thể là dấu hiệu của một điều gì đó khác – rằng ông bị ám ảnh bởi việc phải khẩn trương thu thập nhiều quyền lực hơn nữa nhằm ngăn chặn trước các kẻ thù.

Có một điều chắc chắn, đó là: Nhiều học giả và quan chức Trung Quốc đã nỗ lực hết sức nhằm tiến hành các cải cách chính trị và pháp luật tại Trung Quốc sẽ rất tức giận vì Tập đang đập bỏ những nỗ lực của họ.

Các học giả và quan chức này không ủng hộ chế độ dân chủ kiểu phương Tây. Nhưng họ đã nỗ lực trong hệ thống, thường là qua nhiều thập niên, để xây dựng một hệ thống tòa án giúp giải quyết các oan khuất của người dân muốn kiện chính phủ và bảo vệ quyền của họ. Họ cũng đã làm việc để tạo ra một quá trình hoạch định chính sách mở hơn mà không phụ thuộc vào một nhà lãnh đạo duy nhất ở cấp cao nhất.

Hiện tại, với việc Tập Cận Bình nắm quyền tuyệt đối, những nhà cải cách này dường như không có nơi nào để trông chờ trong việc thúc đẩy cho một Trung Quốc cởi mở hơn.

Richard McGregor là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Lowy, và nguyên là trưởng văn phòng Washington và Bắc Kinh của tờ The Financial Times. Ông là tác giả của cuốn The Party: The Secret World of China’s Communist Rulers và Asia’s Reckoning: China, Japan, and the Fate of U.S. Power in the Pacific Century.

Nguồn: Richard McGregor, “Xi won’t go”, China File, 25/02/2018.


Câu hỏi quan trọng nảy sinh từ việc sửa đổi hiến pháp là: Tại sao Tập Cận Bình lại muốn có thêm quyền lực và tại sao các đồng nghiệp của ông lại sẵn sàng trao nó cho ông? Liệu quyết định này xuất phát từ sức mạnh của Trung Quốc, hay sự mong manh của nó?

Câu trả lời chắc chắn nhất là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tin rằng các điểm yếu của nó chỉ có thể được giải quyết bằng cách tập trung quyền lực vào tay một lãnh đạo mạnh mẽ trong dài hạn. Đảng muốn gửi tín hiệu về sự tự tin, năng lực, và sự ổn định của mình tới các đảng viên và nhân dân Trung Quốc vì mi đe da do bn là cao.

Mối đe dọa xuất phát từ những căng thẳng chưa được giải quyết giữa xã hội hiện đại, nhiều thông tin, toàn cầu hoá của Trung Quốc với hệ thống chính trị tiền hiện đại, hẹp và kín của nước này. ĐCSTQ đang cố gắng sử dụng sức mạnh của nhà nước, dưới hình thức nhiệm kỳ trọn đời của Tập, để vượt qua những mâu thuẫn này. Đảng hy vọng sẽ vượt qua những thách thức trên thông qua việc áp dụng sức mạnh chính trị áp đảo.

Trong nội bộ Trung Quốc, chủ nghĩa Tập Cận Bình dựa trên hiến pháp sẽ nhấn mạnh và kéo dài các xu hướng đang diễn ra, và do đó có thể dự đoán được rằng:

  • Trong nước, Trung Quốc sẽ trở nên ngày càng đàn áp. Các học giả, chuyên gia, nhà văn, và nghệ sĩ sẽ không dám đưa ra các tuyên bố công khai trái ngược với, hoặc thậm chí là phê bình vừa phải, các tư tưởng của Tập.
  • Sự im lặng của trí thức và các viên chức địa phương có nghĩa là Đảng không thể nhận được các phản hồi chính sách kịp thời và chính xác từ nhiều tiểu khu địa lý và các khu vực kinh tế – xã hội của Trung Quố
  • Nhiều người Trung Quốc có khả năng di cư sẽ ra đi, nhưng phần lớn người dân sẽ ủng hộ Tập. Sự sùng bái cá nhân đối với Tập sẽ tăng lên.
  • Vì sự ủng hộ này, cùng với sự khuyến khích của các phương tiện truyền thông của Đảng, tình trạng kiểm soát hành vi của Tập bị suy giảm, Tập sẽ được khuyến khích trở nên cứng rắn, liều lĩnh hơn ở trong nước lẫn quốc tế.
  • Khi Trung Quốc ngày càng đi theo con đường của Tập, nó sẽ trở nên khép kín hơ Các hoạt động của các tập đoàn, tổ chức phi chính phủ và các cơ sở giáo dục Hoa Kỳ thậm chí ngày càng bị cấm cản.

Sự gia tăng vị thế của Tập không làm thay đổi thách thức chiến lược mà Trung Quốc đặt ra cho Hoa Kỳ, mà nó có thể làm cho sự can dự với Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Các chính trị gia và các nhà phân tích Mỹ sẽ sử dụng những cụm từ như “Hoàng Đế Đỏ”, “Nhà độc tài trọn đời của Trung Quốc”, “Bạo chúa”, vân vân …, điều dễ gây căng thẳng hơn cho quan hệ song phương. Yếu tố ý thức hệ trong quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc sẽ trở nên rõ nét hơn. Do đó, các nhà hoạch định chính sách Mỹ càng cần cẩn thận trong việc nhạo báng Tập và quốc gia mà ông ta lãnh đạo (như những biệt danh dành cho Tập nêu trên), để có thể đánh giá Trung Quốc một cách vô tư, đồng thời mở ra cơ hội giao lưu với Trung Quốc một cách khôn ngoan và chừng mực.

Về mặt tích cực, quyết định từ bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước của Trung Quốc có thể có lợi cho sức mạnh mềm của Mỹ. Hoa Kỳ không phải là nước duy nhất quan ngại về việc Trung Quốc hướng đến sự kiểm soát tuyệt đối của Đảng cũng như khả năng hợp thức hóa các hành vi của mình trên toàn cầu thông qua áp lực kinh tế. Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ khác nên tận dụng sự bác bỏ mới nhất, rõ ràng nhất này của Trung Quốc đối với dân chủ để làm nổi bật tầm quan trọng của sự minh bạch, quản trị dân chủ và các thể chế tự do trên toàn thế giới. Nếu không có một tấm gương ngược lại như vậy, ngày càng nhiều các quốc gia sẽ tin tưởng vào sự tự tin và năng lực của một nước Trung Quốc thuộc quyền sở hữu của Tập Cận Bình.

Robert Daly là Giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Hoa Kỳ thuộc Trung tâm Wilson.

Nguồn: Robert Daly, “Xi won’t go”, China File, 25/02/2018.

Biên dịch: Phan Nguyên

Theo http://nghiencuuquocte.org/2018/02/27/hoc-gia-binh-luan-viec-tq-bo-gioi-han-nhiem-ky-chu-tich-nuoc-1/

Sửa lần cuối 2018-02-28 03:41:58

Bình luận

Bình luận qua Facebook