2019-01-19 16:07:30

Vợ cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoàng Vỹ xin tị nạn

Bà Grace Meng không muốn bị nhận diện do lo ngại về an toàn cá nhân

Vợ của chủ tịch Interpol Mạnh Hoàng Vỹ, người bị giam giữ ở Trung Quốc kể từ tháng 9, đã xin tị nạn ở Pháp cho bản thân và hai đứa con sinh đôi.

Bà Grace Mạnh và hai đứa con bảy tuổi đang sống ở Lyon, trụ sở của cơ quan cảnh sát quốc tế.

Ông Mạnh Hoàng Vỹ đã mất tích kể từ chuyến thăm Trung Quốc.

Vào tháng 10, chính quyền Trung Quốc cho biết ông Mạnh đang bị điều tra vì nghi ngờ nhận hối lộ.

Vợ và con của ông đang được cảnh sát bảo vệ, sau khi nhận được những lời đe dọa.

Theo đài phát thanh France Inter, bà nói: "Tôi sợ họ sẽ bắt cóc tôi."

"Tôi đã nhận được những cuộc điện thoại lạ. Ngay cả xe của tôi cũng bị hư. Hai người Trung Quốc - một người đàn ông và một người phụ nữ - đã theo tôi đến khách sạn," bà nói thêm.

Trong các cuộc phỏng vấn truyền thông, bà đã từ chối để lộ khuôn mặt lo lắng cho sự an toàn của mình.

Vào ngày chồng bà mất tích, bà nói rằng ông đã gửi cho bà một tin nhắn trên mạng xã hội nói "Hãy đợi cuộc gọi của anh", trước khi gửi biểu tượng hình con dao, ẩn ý có sự nguy hiểm.

Những gì được biết về Mạnh Hoàng Vỹ?

Kể từ khi ông biến mất vào ngày 25/9/2018, vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về tình trang giam giữ của ông hoặc các cáo buộc chống lại ông.

Công việc của chủ tịch Interpol 65 tuổi này phần lớn là nghi lễ và không yêu cầu ông phải trở về Trung Quốc thường xuyên.

Ông cũng là một trong sáu thứ trưởng có ảnh hưởng trong Bộ An ninh Trung Quốc và có 40 năm kinh nghiệm trong hệ thống tư pháp hình sự.

Trước đây, ông đã làm việc dưới trướng Chu Vĩnh Khang, một trong những nhân vật quyền lực nhất bị hạ bệ trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình nhắm đến hơn một triệu quan chức.

Mạnh Hoàng Vỹ được bầu làm chủ tịch Interpol vào tháng 11/2016, người Trung Quốc đầu tiên đảm nhiệm chức vụ này, và dự kiến sẽ phục vụ đến năm 2020.

Vợ ông Mạnh công bố tin nhắn của chồng gửi vào ngày ông mất tích: một con dao

Ủy ban giám sát quốc gia mới của Trung Quốc - một cơ quan chống tham nhũng - cho biết ông Mạnh đang bị điều tra vì "vi phạm pháp luật".

Nhưng không giống như các vụ giam giữ cấp cao khác, nó không đề cập đến cáo buộc "vi phạm nội quy đảng".

Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để biện minh cho cáo buộc chống lại ông Mạnh.

Interpol đã phản ứng thế nào?

Trung Quốc cho biết ông Mạnh đã viết một lá thư từ chức và Tổng thư ký Interpol Jürgen Stock xác nhận đã nhận được lá thư này vào ngày 7/10/2018.

"Không có lý do gì để tôi (nghi ngờ) rằng có điều gì bị ép buộc hoặc không đúng," ông nói.

Được trích dẫn bởi hãng tin Associated Press, ông Stock cho biết các quy tắc của Interpol không cho phép ông điều tra vụ mất tích của ông Mạnh.

Interpol chấp nhận thư từ chức mà không bình luận thêm.

Vào tháng 11, Interpol đã bầu Kim Jong-yang của Hàn Quốc làm chủ tịch mới, từ chối một ứng cử viên người Nga, người được cho là kế nhiệm ông Mạnh.

Interpol là gì?

Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế được thành lập năm 1923 tại Vienna và các thành viên ban đầu bao gồm Đức, Pháp và Trung Quốc.

Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã không tham gia cho đến mãi sau này.

Năm 1956, nó được chính thức gọi là Interpol và từ đó đã phát triển thành một mạng lưới gồm 194 quốc gia thành viên.

Mục đích chính của nó là thúc đẩy hợp tác và chia sẻ thông tin tình báo giữa các lực lượng cảnh sát.

Tổng thư ký giám sát công việc hàng ngày. Nó tập trung vào các tội phạm như khủng bố, buôn bán ma túy, buôn lậu người, khiêu dâm trẻ em và rửa tiền.


Theo BBC Tiếng Việt

Sửa lần cuối 2019-01-19 15:06:08

Bình luận

Bình luận qua Facebook