2019-10-10 15:36:37

Hai nhà văn Ba Lan và Áo giành giải Nobel Văn học 2018 và 2019.

Giải Nobel Văn học 2018 thuộc về tác giả người Ba Lan Olga Tokarczuk và giải Nobel Văn học 2019 thuộc về tác giả người Áo Peter Handke, theo thông báo từ Viện hàn lâm Thụy Điển.

Hai tác giả được trao giải Nobel Văn học 2018 và 2019. Ảnh: Viện hàn lâm Thụy Điển.

Viện hàn lâm Thụy Điển ngày 10/10 đã công bố hai giải Nobel Văn học cho năm 2018 và năm 2019, sau khi giải thưởng bị hoãn trao vào năm ngoái vì bê bối tình dục liên quan đến tổ chức này.

Nhà văn, nhà thơ Olga Tokarczuk được vinh danh vì "lối viết giàu sức tưởng tượng, một cảm xúc rộng khắp như cách vượt qua mọi ranh giới, coi đó như một cách/lối sống".

Trong khi đó, nhà văn Peter Handke được trao giải "vì một tác phẩm có ảnh hưởng cùng sự khéo léo về ngôn từ đã khám phá được ngoại diên và sự độc đáo của trải nghiệm làm người".

Ông Mats Malm, Thư ký thường trực của Viện hàn lâm Thụy Điển - người công bố hai giải thưởng, cho hay cả hai chủ nhân mới của giải Nobel Văn học đã được thông báo về chiến thắng. Ông Handke đang ở tư gia còn bà Tokarczul đang ở Đức, phải dừng xe bên đường khi nhận được cuộc điện thoại.

Tác giả "của những sự căng thẳng bên trong"

Tác giả người Ba Lan Olga Tokarczuk. Ảnh: New York Times.

Bà Olga Tokarczuk  sinh ngày 29/1/1962 ở Sulechow, học ngữ văn ở ĐHTH Vác-sa-va. Sau đó bà đã làm nhân viên phục vụ phòng tại một khách sạn ở London rồi cố vẤn tâm lý (psychoterapeutka) ở Wrocław và Wałbrzych. Năm 2018 bà nhận giải thưởng Booker ở London. Sau khi các tác phẩm đầu tay được phổ biến, bà bỏ các việc đang làm và chuyển về Nowa Ruda chỉ để viết. Hiện bà sống ở Wrocław và ở Krajanowa gần Nowa Ruda vùng Sudety Środkowe. Phong cảnh và nền văn hóa của vùng này đã xuát hiện trong vài tác phẩm của bà. Bà là tác giả của 17 cuốn sách – tiểu thuyết, tập hợp các câu chuyện cũng như các kịch bản phim. Các tác phẩm của bà đã nhiều lần được chuyển thể sang sân khấu và điện ảnh và bà là một trong các tác giả hiện đại của Ba Lan hay được nhiều giải thưởng nhất -ví dụ giải thưởng của Quỹ Nhà thờ, hai lần trong các năm 2007 và 2015 – được Giải thưởng Văn Học Nike, và năm 2018 lần đầu được giải thưởng Quốc tế  Booker.

Tokarczuk tìm thấy cảm hứng từ những tấm bản đồ và góc nhìn từ trên cao, khiến vũ trụ thu nhỏ của bà trở thành tấm gương phản chiếu vũ trụ rộng lớn. Bà thường được nhắc đến với giọng điệu huyền bí trong những tác phẩm của mình.

Ngoài tiểu thuyết, bà còn viết thơ và truyện ngắn. Bà từng hai lần giành được giải Nike, giải thưởng hàng đầu trong lĩnh vực văn chương tại Ba Lan, vào các năm 2008 và 2015. Năm 2018, bà trở thành tác giả Ba Lan đầu tiên được trao giải Man Booker với tiểu thuyết Bieguni (Những chuyến bay).

Tokarczuk "chưa bao giờ xem hiện thực là thứ gì đó ổn định hay bất diệt", Ủy ban Nobel về Văn học nói. "Bà viết những tiểu thuyết của mình trong sự căng thẳng giữa những nền văn hóa đối lập, giữa tự nhiên và văn hóa, lý trí và mất trí, nam và nữ, thân thuộc và xa lạ".

"Dễ lĩnh hội là điều quan trọng nhất"

Nhà văn người Áo Peter Handke. Ảnh: Reuters.

Chủ nhân giải Nobel Văn học 2019, nhà văn Peter Handke sinh năm 1942 tại một vùng quê phía nam nước Áo. Tác phẩm đầu tiên của ông là tiểu thuyết Die Hornissen, xuất bản năm 1966. Hơn 50 năm sau, ông Handke đã trở thành một trong những tác giả có ảnh hưởng nhất châu Âu sau Thế chiến 2.

"Nét riêng của Peter Handke là sự chú ý đặc biệt đến phong cảnh và thế giới vật chất, từ đó khiến điện ảnh và hội họa trở thành hai nguồn cảm hứng lớn nhất của ông", tuyên bố từ Ủy ban Nobel về Văn học viết.

Các tác phẩm của ông Handke "chứa đựng niềm khao khát mạnh mẽ về việc khám phá và biến những khám phá của ông trở thành thứ có thực thông qua việc tìm cách diễn đạt mới cho chúng bằng văn chương".

"Dễ lĩnh hội là điều quan trọng nhất", ông từng tuyên bố. Với mục tiêu này, ông cố đưa vào những chi tiết nhỏ nhất trong đời sống hàng ngày với tầm quan trọng lớn lao. Do đó, đặc trưng trong các tác phẩm của ông là tinh thần phiêu lưu mạnh mẽ, nhưng cũng đồng thời chứa đựng sự luyến tiếc quá khứ.

Giải thưởng tiếp tục thuộc về châu Âu

Buổi công bố giải thưởng diễn ra sau khi Viện hàn lâm Thụy Điển cam kết sẽ không để cho giải Nobel Văn học bị "chi phối bởi nam giới" và "tập trung vào châu Âu" như trước đây.

Trong số 116 người nhận được giải này cho đến nay, chỉ có 15 người là phụ nữ. Tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ phổ biến nhất của những người được trao giải, với 29 người viết bằng tiếng Anh, theo sau là 14 người viết bằng tiếng Pháp, 14 tiếng Đức, 11 tiếng Tây Ban Nha và 7 người viết bằng tiếng Thụy Điển.

Giải Nobel Văn học đã bị hoãn trao vào năm ngoái sau khi Viện hàn lâm Thụy Điển vướng tai tiếng vì bê bối liên quan đến Jean-Claude Arnault, chồng của một thành viên cấp cao trong viện. Ông Arnault đã bị tuyên án tù tội hiếp dâm vào tháng 10/2018, sau khi 18 phụ nữ lên tiếng tố cáo ông.

Ông Arnault có quan hệ mật thiết với Viện hàn lâm Thụy Điển vì trung tâm văn hóa mà ông điều hành thường xuyên nhận hỗ trợ tài chính từ viện. Khi bê bối xảy ra, viện đã dừng mọi hỗ trợ đối với trung tâm, song vẫn bị chỉ trích vì không lên tiếng về hành vi sai trái của ông Arnault trong suốt thời gian dài.

Nhà thơ Katarina Frostenson, vợ ông Arnault và là thành viên chủ chốt trong hội đồng viện, bị cáo buộc tham nhũng vì không thông báo cho viện về sự xung đột lợi ích khi phân bổ tiền tài trợ cho trung tâm của chồng. Khi bê bối xảy ra, Viện hàn lâm Thụy Điển bị chia rẽ giữa những người ủng hộ và tẩy chay vợ chồng Arnault.

Nhiều thành viên của viện đã từ chức để bày tỏ sự phản đối, khiến viện không còn đủ 12 thành viên tối thiểu để lựa chọn và công bố người chiến thắng giải Nobel Văn học. Vụ bê bối được xem là gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín của tổ chức này.

Từ năm 1901 đến năm 2017, giải Nobel Văn học đã được trao 110 lần cho 114 cá nhân. Độ tuổi trung bình của những người đoạt giải là 65, trong đó người lớn tuổi nhất là Doris Lesssing - chủ nhân giải thưởng năm 2007 khi 88 tuổi, còn người nhỏ tuổi nhất là Rudyard Kipling - chủ nhân giải thưởng năm 1907 khi 41 tuổi.

Nguồn: https://news.zing.vn và onet.pl 

Sửa lần cuối 2019-10-10 13:38:26

Bình luận

Bình luận qua Facebook