2019-12-31 06:57:57

Nguồn cơn khiến Putin nổi giận với Ba Lan

Chỉ trong 7 ngày, Putin 5 lần chỉ trích vai trò của Ba Lan trong Thế chiến II tại các cuộc họp với giọng điệu gay gắt khác thường. 

Chủ đề Ba Lan và Thế chiến II lần đầu xuất hiện tại cuộc họp báo thường niên của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 19/12, khi ông cho biết đang dự định viết một bài về các sự kiện trong giai đoạn 1938-1939 dựa trên những tư liệu được lưu trữ. Ông chủ Điện Kremlin cũng nhắc tới Ba Lan trong hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo 8 quốc gia hậu Xô Viết ngày hôm sau.

Tại cuộc họp với các tướng lĩnh hàng đầu của Bộ Quốc phòng Nga ngày 24/12, Tổng Putin bất ngờ cáo buộc Ba Lan "về cơ bản đã thông đồng với Hitler", lên án mạnh mẽ một đại sứ Ba Lan trong Thế chiến II được cho là đã hứa đặt một bức tượng của trùm phát xít tại thủ đô Warsaw vì cam kết đưa người Do Thái đến châu Phi.

"Đó là một tên khốn. Ông ta thể hiện sự ủng hộ hoàn toàn với Hitler trong quan điểm bài Do Thái", Putin cho biết, đề cập đến cái mà ông nói là nhật ký của đại sứ Ba Lan ở Đức.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo cuối năm tại Moskva, Nga hôm 19/12. Ảnh: Reuters.

Chỉ hai giờ sau, Putin lại nhắc tới chủ đề này trong cuộc họp với các lãnh đạo quốc hội. Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin bày tỏ đồng tình khi nói rằng chính quyền Ba Lan "trên thực tế đã thể hiện sự đoàn kết với phát xít Đức", đồng thời cảm ơn Tổng thống Putin và đề nghị Ba Lan xin lỗi.

Vào ngày tiếp theo, Putin một lần nữa đề cập tới Ba Lan trong cuộc họp cuối năm với các doanh nhân chủ chốt của Nga. Theo tạp chí Forbes, Tổng thống "đã khiến mọi người bất ngờ vì mải mê nói về những tư liệu lịch sử liên quan tới sự khởi đầu Thế chiến II và vai trò của Ba Lan".

Sự tức giận của Putin với Ba Lan được cho là xuất phát từ nghị quyết mà Nghị viện châu Âu vừa thông qua, trong đó cho rằng hiệp ước không xâm lược Molotov - Ribbentrop được ký giữa Liên Xô và Đức vào ngày 23/8/1939 đã "mở đường" cho sự bùng nổ của Thế chiến II.  

Hiệp ước này bao gồm nghị định thư bí mật quy định Đông Âu là phần lãnh thổ nằm trong phạm vi quyền lợi của Đức và Liên Xô trong trường hợp "có sự sắp xếp lại về chính trị đối với lãnh thổ". Ngày 1/9/1939, Đức xâm lược Ba Lan, mở đầu Thế chiến II. Liên Xô tấn công Ba Lan ngày 17/9/1939 và kiểm soát một phần lãnh thổ.

Putin lập luận rằng trước hiệp ước Molotov - Ribbentrop, Anh, Pháp và Ba Lan cũng ký nhiều thỏa thuận với Đức quốc xã nhằm nỗ lực xoa dịu Hitler. Ông nhấn mạnh những thỏa thuận này, bao gồm Hiệp ước Munich năm 1938, đã giúp Hitler sáp nhập một phần lãnh thổ Tiệp Khắc vào Đức, "dung túng" Đức quốc xã và dẫn tới Thế chiến II.

Theo Tổng thống Nga, Liên Xô không còn lựa chọn nào khác ngoài ký một thỏa thuận với Đức sau khi các cường quốc phương Tây phớt lờ những đề nghị liên minh quân sự của họ. Tuy nhiên, Đức quốc xã đã phá vỡ hiệp ước và tấn công Liên Xô vào tháng 6/1941.

Putin cho rằng việc đặt Liên Xô ngang hàng với Đức là "đỉnh cao của sự hoài nghi", đồng thời cáo buộc nghị quyết của Nghị viện châu Âu là một phần trong nỗ lực của phương Tây nhằm hạ thấp vai trò quan trọng của Liên Xô trong chiến thắng trước Đức quốc xã. Putin còn cáo buộc họ "che đậy sự thông đồng giữa các lãnh đạo châu Âu với Hitler".

Dù Liên Xô không còn tồn tại, đối với Putin, nước Nga hiện nay là sự kế thừa của Liên Xô và thắng lợi của Hồng quân trong Thế chiến II là một trong những trụ cột quan trọng nhất của hệ tư tưởng quốc gia. Vì vậy, Điện Kremlin coi bất cứ chỉ trích nào với chiến thắng đó là sự công kích với chính họ.

Thêm vào đó, Moskva được cho là muốn thế giới công nhận thích đáng sự hy sinh của Liên Xô trong cuộc chiến chống phát xít Đức khi đất nước chuẩn bị kỷ niệm 75 năm chiến thắng vào tháng 5 năm sau. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cân nhắc dự lễ duyệt binh kỷ niệm chiến thắng phát xít trên Quảng trường Đỏ theo lời mời của người đồng cấp Nga.

Theo giới phê bình, quan hệ Nga - Ba Lan vốn căng thẳng do bất đồng về việc Warsaw phá hủy các đài tưởng niệm chiến tranh thời Xô Viết. Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu Pew năm ngoái, người dân Ba Lan có mức độ tin tưởng vào Putin thấp nhất châu Âu với chỉ 7% và con số này không thay đổi nhiều từ năm 2007.

Ba Lan đương nhiên không thể chấp nhận những bình luận mà họ cho là "cáo buộc sai lệch" từ phía Nga. Bộ Ngoại giao Ba Lan cuối tuần trước triệu đại sứ Nga Sergei Andreyev để phản đối các phát ngôn của Putin, nhấn mạnh "Ba Lan là nước đầu tiên tham gia kháng chiến vũ trang vào tháng 9/1939 chống lại quân đội Đức, khi đó được Liên Xô hậu thuẫn". Ba Lan cũng khẳng định 6 triệu công dân, trong đó có ba triệu người Do Thái, thiệt mạng vì cuộc xâm lược của Đức.

Vai trò của Ba Lan trong việc Đức Quốc xã thảm sát người Do Thái vốn là chủ đề nhạy cảm tại nước này. Hồi tháng hai, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ký thông qua đạo luật Holocaust nhằm "bảo vệ danh tiếng của đất nước". Theo đó, việc cáo buộc Ba Lan đồng lõa với những tội ác chiến tranh của Đức quốc xã sẽ bị quy là tội hình sự, với mức án có thể lên tới ba năm.

Tuy nhiên, đạo luật vấp phải sự chỉ trích của châu Âu, Israel và Mỹ. Tổng thống Israel Reuven Rivlin hồi tháng 4 cho biết nhiều người Ba Lan đã chiến đấu chống lại Đức quốc xã trong Thế chiến II, nhưng không thể phủ nhận "Ba Lan và công dân nước này có vai trò trong cuộc thảm sát người Do Thái". Trước các phản ứng, Ba Lan quyết định điều chỉnh đạo luật, thay mức hình sự thành dân sự.

Ánh Ngọc (Theo BBC, AP, The Bell)

Nguồn: https://vnexpress.net/the-gioi/nguon-con-khien-putin-noi-gian-voi-ba-lan-4034753.html />

Sửa lần cuối 2019-12-31 05:56:42

Bình luận

Bình luận qua Facebook