2021-08-12 17:21:32

Việt Nam đưa ra một thỏa thuận mới về Biển Đông

Tác giả: Rafał Tomański - Nhà báo, trưởng phòng Trung Quốc và Đông Á của Trung tâm các dự án phi chính phủ châu Âu (Europejskie Centrum Projektów Pozarządowych).

Ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên thảo luận mở Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Biển Đông đang thu hút sự quan tâm của các nước trong khu vực và ngày càng có nhiều quan sát  từ các vùng xa hơn. Sự hiện diện của tàu chiến các nước cùng với tàu sân bay hiện đại nhất HMS Queen Elizabeth của Anh ở khu vực này là một chuyện, nhưng cũng cần lưu ý rằng cuộc tranh luận đầu tiên về an toàn hàng hải đã diễn ra tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào ngày 9/8/2021.

Nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đương kim chủ tịch luân phiên Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã phát biểu trong phiên thảo luận. Cuộc tranh luận được tổ chức Theo hình thức liên kết video vì lý do dịch bệnh, có chủ đề là "Tăng cường an ninh trên biển: một lĩnh vực hợp tác quốc tế".

Một khu vực quan trọng

Tất nhiên, có rất nhiều chủ đề cho các cuộc nói chuyện về Biển Đông. Do các vấn đề về yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc, một tàu sân bay của Anh cùng với các đơn vị hải quân của một số nước EU đang viếng thăm khu vực này. Tuy nhiên, bàn về biển, không chỉ có vấn đề tranh chấp với Bắc Kinh. Cuộc tranh luận còn đặt ra các vấn đề về chống khủng bố, chống cướp biển, buôn lậu người và ma túy, tội phạm có tổ chức và các hành động nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của những người mà sự tồn tại của họ phụ thuộc vào vùng biển này.

Tiếng nói của Việt Nam đặc biệt quan trọng trong vấn đề Biển Đông, vì nước này cùng với Philippines thu hút sự chú ý nhiều nhất của Trung Quốc đối với các yêu sách lãnh thổ không có cơ sở. Vị thế của Manila vẫn còn lung lay kể từ năm 2016, khi Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague ra phán quyết có lợi cho Philippines vào ngày 12 tháng 7, bác bỏ việc tự nhận lãnh thổ của Trung Quốc. Hai tuần trước đó (chính xác là ngày 30 tháng 6 năm 2016), tân tổng thống của đất nước, ông Rodrigo Duterte, đã tuyên thệ nhậm chức. Ông trở nên nổi tiếng với tư cách là một người mạnh mẽ, một thị trưởng lâu năm của Davao ở miền nam đất nước. Ông phải đối phó một cách kiên quyết, như đối với tội ác ở quê nhà, với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tranh chấp. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác.

Vị trí của Duterte

Các báo cáo từ những người trong giới thân cận của ông Duterte chỉ ra rằng, đối với nguyên thủ quốc gia mới, bản án chống Trung Quốc là một gánh nặng không mong muốn, và không phải là động lực thúc đẩy ông xây dựng vị thế ngay từ những ngày đầu cầm quyền. Ông Duterte muốn bỏ đi sự tranh chấp trên biển và bắt đầu một kỉ nguyên mới với Bắc Kinh. Ông nhiều lần thừa nhận vào năm 2017 rằng quyết định tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang công khai với một cường quốc lớn hơn nhiều như Trung Quốc sẽ là một sự điên rồ và sẽ chỉ mang lại sự hy sinh cho chính dân tộc mình. Tất nhiên, thật khó để không đồng ý với điều đó, nhưng vẫn có sự khác biệt lớn giữa cách đối xử với một người hàng xóm khó tính, luôn giả vờ rằng không có tranh cãi với việc đánh mất uy tín trước dân tộc mình.

Kể từ năm 2014, việc quân sự hóa các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tranh chấp đã trở nên rõ ràng. Các bãi đáp mới được xây dựng trên thềm cát lục địa và vật liệu Trung Quốc đưa từ Trung Quốc tới, có khả năng tiếp nhận máy bay ném bom chiến lược và máy bay phản lực chở khách. Các quần đảo này đã trở thành hàng không mẫu hạm mới của Bắc Kinh, mở rộng đáng kể khả năng phòng thủ tên lửa của Trung Quốc, tầm hoạt động của các máy bay chiến đấu thế hệ mới, và gây ra sự mất cân bằng về sức mạnh quân sự trên toàn lưu vực. Trung Quốc khảng định rằng hơn 90% Biển Đông thuộc về họ và mọi tiếng nói chỉ trích đều hướng về Trung Quốc.

Quy tắc ứng xử

Năm 2017, những người đứng đầu Bộ Ngoại giao của cộng đồng ASEAN (tức là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) đã nhất trí về hình thức cuối cùng của một tài liệu hướng dẫn mới, điều chỉnh hành vi ở Biển Đông. Trong nhiều năm, trên các diễn đàn người ta chỉ nhắc đến cái gọi là Quy tắc ứng xử, quy tắc chung chung trong một khu vực rộng lớn. Những nỗ lực trước đó nhằm đưa ra các thủ tục thống nhất bắt đầu từ năm 1992, khi Bộ Quy tắc Ứng xử đầu tiên được thông qua, sau đó bị Bắc Kinh phớt lờ. Một nỗ lực khác, sau nhiều năm nỗ lực, đã được đưa ra dưới dạng Tuyên bố Ứng xử năm 2002 không ràng buộc cả hai bên.

Một cơ chế có thể giúp giảm bớt tình hình là việc tạo ra cái gọi là JDA (Joint Development Agreement), tức là các Thỏa thuận phát triển chung. Cho đến nay, có khá nhiều hiệp định như vậy, và mỗi nước Đông Nam Á đã ký ít nhất một hiệp định trong số đó. Các vùng lãnh thổ trên biển thường chồng lấn lên nhau trong các khu vực. Thiếu sự kiên định, gây căng thẳng và leo thang tranh chấp không cần thiết luôn có thể tạo ra sự kết thúc bi thảm.

Một thỏa thuận không đảm bảo hòa bình

Cơ sở cho các thỏa thuận JDA là nền tảng của các hoạt động chung trong lĩnh vực thăm dò, sản xuất và hạch toán lợi nhuận từ những tài nguyên trên biển. Trong bầu không khí hòa bình và hiểu biết, để mỗi bên có thể tập trung vào việc đạt được lợi ích. Cơ sở cho các thỏa thuận là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS năm 1982), tạo cơ hội cho các quốc gia trao đổi với nhau trên tinh thần hiểu biết, hòa bình và không thành kiến ​​lẫn nhau (Điều 74 và 83 được tóm lược). Tất cả các quốc gia trong khu vực đã ký nó. JDA được ký kết giữa Malaysia và Thái Lan (1979), Campuchia và Việt Nam (1982), Australia và Indonesia (1989), Malaysia và Việt Nam (1992), Campuchia và Thái Lan (2001), Australia và Đông Timor (2002), Nhật Bản và Trung Quốc (2008), Malaysia và Brunei (2009), và cả Trung Quốc và Việt Nam (2000). Như bạn có thể thấy, đôi khi ngay cả việc ký kết một thỏa thuận để tạo thuận lợi cho các vấn đề cũng không đảm bảo hòa bình trong khu vực.

Vào ngày 12 tháng 7 năm 2018, nhân kỷ niệm hai năm ngày phán xét ở The Hague, các áp phích đã được treo trên đường phố Manila với dòng chữ "Chào mừng đến với Philippines, một tỉnh của Trung Quốc". Lời mời cũng được lặp lại bằng tiếng Trung Quốc. Những lời này đề cập đến tuyên bố của chính ông Duterte, người vào ngày 19 tháng 2 năm 2018, tại cuộc họp kỷ niệm của phòng thương mại Trung Quốc ở Philippines: “Nếu bạn muốn, hãy biến chúng tôi thành một tỉnh, giống như Phúc Kiến. Tỉnh Philippines, Trung Quốc ”. Ngư dân Philippines ngày càng bị cảnh sát biển Trung Quốc cướp và ngăn cản việc đánh bắt của họ. Theo ông Duterte, cũng không cần phải lo lắng và việc người Trung Quốc dùng súng trường để đổi lấy các loài cá quý hiếm bằng thuốc lá cũ và súp ăn liền hết hạn chỉ là hành vi đổi chác.

Tranh chấp Hà Nội-Bắc Kinh

Ở Philippines, người ta cũng mặc nhiên coi ngày 12 tháng 7 trở thành ngày hữu nghị Philippines-Việt Nam do lập trường chống Trung Quốc tương tự mà cả hai nước cùng có trong việc tranh chấp các quần đảo. Việt Nam đã bị Trung Quốc đe dọa không chỉ trong bốn, mà trong hơn hai nghìn năm. Đây là chính thời gian xâm lược liên tiếp của các triều đại Trung Quốc với nước láng giềng nhỏ hơn.

Chính vì kinh nghiệm hàng thế kỷ với Trung Quốc nên tiếng nói của Việt Nam được chú ý trong những vấn đề ở Biển Đông. Hà Nội đã nhiều lần nhấn mạnh đằng sau hậu trường rằng các liên minh chính trị và cán cân quyền lực có thể thay đổi, nhưng lịch sử luôn thắng thế. Người Việt Nam nhìn các vấn đề thời sự từ góc độ hàng trăm năm, nên cuộc chiến đẫm máu với Hoa Kỳ, vốn đã tạo nên hình ảnh của Việt Nam trong nhiều thập kỷ, chỉ là một vài năm vũ trang kháng chiến với quân xâm lược. Thời kỳ cai trị của người Pháp trước khi người Mỹ xâm nhập được tính là chỉ có một trăm năm thuộc địa. Trong khi đó, quan hệ với Trung Quốc là hơn hai nghìn năm chiến tranh, không ngừng cống nạp, khởi nghĩa và đấu tranh vì lòng tự tôn dân tộc. 

Giám sát nghiêm ngặt từ Trung Quốc

Hà Nội, do đó ở trong tình thế không thể thay đổi cục diện như Tổng thống Philippines từng làm. Không ai tin điều này, bởi vì người Trung Quốc không phải là những người họ hàng xa, đến với những món quà đắt tiền, mà là những người giám sát nghiêm khắc, những người không thể chịu được sự chống đối dù là nhỏ nhất.

Vì lý do này, việc Thủ tướng Việt Nam tham gia tranh luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Phạm Minh Chính nhấn mạnh, biển và đại dương có tầm quan trọng lớn đối với nhân loại, là nguồn tài nguyên gần như vô hạn. Ông cũng chỉ ra tầm quan trọng của các tuyến vận tải biển - và nó đi qua eo biển Malacca, ngay cạnh Singapore và Malaysia, một trong những tuyến đường thương mại quan trọng nhất trên thế giới.

Về phía Việt Nam, ba đề xuất đã xuất hiện trong cuộc thảo luận nhằm bắt đầu một hướng mới mở ra trong lĩnh vực an toàn hàng hải.
Thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khuyến khích nhận thức toàn cầu về tầm quan trọng của các vùng biển và các nguy cơ an ninh trong khu vực của nó. Đó là sở hữu thuộc về tất cả mọi người, chứ không phải thứ có thể lấy của người khác theo những tuyên bố vô căn cứ của mình, như trường hợp chính sách của Bắc Kinh đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Vấn đề thứ hai là xây dựng một hệ thống toàn cầu có khả năng ứng phó với thách thức toàn cầu trong tình hình này. Sự hợp tác của các cấu trúc quốc tế phải có khả năng đối phó hiệu quả với thực tế hiện nay, ví dụ như ở Biển Đông. Nó phải dựa trên luật pháp quốc tế được mọi người thực thi. Trung Quốc cho đến nay vẫn không chấp nhận phán quyết Hague năm 2016 và không thay đổi chiến lược đối với việc mở rộng các đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo này. Theo Thủ tướng Việt Nam, giải pháp thoát khỏi bế tắc này là tạo ra một cơ chế hoạt động mới trực tiếp tại Liên hiệp quốc. Nó sẽ là định dạng cho một loại hệ thống an ninh tương hỗ mới trên biển. Về phần mình, Việt Nam có thể đưa ra những kinh nghiệm thu được từ trước đến nay trên diễn đàn các nước Đông Nam Á (ASEAN).

Thứ ba, tất cả các quan hệ trong các hệ thống nêu trên phải tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), được thông qua vào năm 1982. Sự thích ứng chung của các hướng dẫn này và việc thực thi hiệu quả chúng có thể mang lại sự ổn định cần thiết trong thời điểm địa chính trị ngày càng khó khăn.

Về cơ chế này, UNCLOS được coi là hình mẫu để giải quyết các vấn đề hiện tại và tương lai trên các vùng biển. Công ước được điều chỉnh vào ngày 30 tháng 4 năm 1982, sau chín năm thương lượng. 150 quốc gia đã tham gia vào chương trình, cuối cùng, vào ngày đầu tiên sau khi nó được đệ trình để có chữ ký cuối cùng, tức ngày 10 tháng 12 cùng năm, nó đã được 107 quốc gia ký kết. Trước những nguy cơ ngày càng tăng ở Biển Đông, nơi có thể trở thành điểm nóng của xung đột toàn cầu, UNCLOS được coi là văn kiện quan trọng thứ hai được quán triệt tại diễn đàn này sau Hiến chương Liên hợp quốc. Công ước có 320 điều khoản với chín phụ lục và được coi như một hiến pháp cho các vùng biển. Liên minh Châu Âu cũng là một thành viên.

Người dịch: Xuân Nguyên

Nguồn:https://www.ecpp.org.pl/nowe-rozdanie-wokol-morza-poludniowochinskiego-wietnam-zabiera-glos-na-forum-rb-onz/

Sửa lần cuối 2021-08-12 17:36:32

Bình luận

Bình luận qua Facebook