2021-10-16 20:26:21

Cuộc “Cách mạng văn hóa” mới ở Trung Quốc

Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc vào những năm 60 đã thực hiện một kế hoạch của Mao Trạch Đông nhằm điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của mọi người. Các công dân buộc phải đọc "Kinh thánh Đỏ" (Mao tuyển) và tôn thờ Đảng Cộng sản thông qua các nghi lễ gần như tôn giáo. Giám sát lẫn nhau đã được khuyến khích trong toàn xã hội. Người ta tuyên truyền rằng tư tưởng và hành động của Mao Trạch Đông là đúng tuyệt đối. Sáu mươi năm sau, Trung Quốc lại đang trải qua một cuộc cách mạng văn hóa khác với mục tiêu về cơ bản giống như của Mao - thiết lập các chuẩn mực tư tưởng và hành vi mới.

Tuy nhiên, cách tiếp cận và phương tiện thực hiện ngày nay toàn diện và tinh vi hơn nhiều so với thời Mao. Giám sát công dân đơn giản bằng cách sử dụng lực lượng công an và tố giác của những năm 1960 đã đi vào dĩ vãng. Xã hội Trung Quốc ngày nay đang bị giám sát chặt chẽ bởi các mạng lưới giám sát cùng với các hình phạt và khen thưởng thông qua kỹ thuật số.

“Hệ thống tín dụng xã hội" (Social Credit System – SCS)

Đây là mô hình quản lí hiện đại của Trung Quốc nhằm điều chỉnh hầu hết mọi thứ. Ý tưởng ra đời vào tháng 8 năm 1990. Khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng Nhà nước) và Quốc vụ viện lần đầu tiên ban hành một văn bản đề cập đến “tín dụng xã hội”. Thuật ngữ này đề cập đến thực tế là vào thời điểm đó, một số công ty Trung Quốc đang trốn nợ ngân hàng, nhiều công ty tuyên bố vỡ nợ, tạo nên các bất thường trên thị trường chứng khoán và thị trường tràn ngập hàng giả kém chất lượng.

Bối cảnh này đã làm nẩy sinh nhu cầu thành lập một tổ chức giám sát "tín dụng xã hội", theo gương các nước phương Tây. Tuy nhiên, chính phủ do Tập Cận Bình lãnh đạo đã mở rộng khái niệm này đến tất cả các khía cạnh khác của đời sống xã hội. SCS đã trở thành một công cụ để duy trì quyền lực và định hình hành vi của công dân trong một chế độ độc tài, chứ không phải là để giám sát tài chính.

(Chính phủ Trung Quốc giới thiệu về việc thử nghiệm SCS tới người dân)

“Hệ thống tín dụng xã hội" có liên quan mật thiết đến hàng loạt hệ thống giám sát đang nổi lên ở Trung Quốc, cũng như sự phát triển nhanh chóng của công nghệ nhận dạng khuôn mặt và phân tích dữ liệu lớn trong thập kỷ qua. Ví dụ, hệ thống giám sát Skynet của Trung Quốc ước tính bao gồm khoảng 200 triệu camera CCTV trên toàn quốc. Cuối năm ngoái tổng số camera ở những nơi công cộng ở Trung Quốc đạt 626 triệu.

Cùng với sự ra đời của SCS, một số hệ thống tương tự khác đã xuất hiện. Vào năm 2019, Liên đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc đã ra mắt một ứng dụng trên thiết bị di động có tên Younitong để theo dõi và đào tạo thanh niên. Một ví dụ khác là ứng dụng “Đất nước cường thịnh bởi Khoa học” (Country Strong by Science) do Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản đưa ra. Các đảng viên được yêu cầu tải xuống và sử dụng mỗi ngày. Các quan chức chính phủ, nhân viên các doanh nghiệp nhà nước và giáo viên các trường công lập cũng được yêu cầu sử dụng. Nội dung được tải xuống nhờ ứng dụng này chủ yếu là các bài viết và bài phát biểu của Tập Cận Bình. Người ta có thể tích điểm khi sử dụng ứng dụng vào buổi sáng, trưa và tối (khuyến khích học tập trong thời gian rảnh rỗi, không phải lúc làm việc).

“Hệ thống tín dụng xã hội" bao gồm ba mảng liên quan với nhau: Cơ sở dữ liệu chính, hệ thống danh sách đen và cơ chế thưởng phạt. Cơ sở dữ liệu chính do chính quyền tỉnh và thành phố, các cơ quan nhà nước và ngân hàng trung ương tạo ra và được tập hợp vào một cơ sở dữ liệu (baza) được gọi là “Nền tảng trao đổi thông tin tín dụng quốc gia” (tiếng Anh viết tắt là NCISP). Các cơ quan của chính phủ Trung Quốc ở tất cả các cấp đã xây dựng danh sách đen và đỏ của riêng mình (đỏ cho hành vi tốt, đen cho xấu), và chính quyền địa phương được trao quyền xem xét những người trong danh sách đen trong phạm vi quyền hạn của họ. Các danh sách này này có sẵn trên trang web của NCISP. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa giới thiệu hệ thống tính điểm tín dụng trên toàn quốc cho tất cả mọi người.

Chính phủ Trung Quốc nhắm tới việc đánh giá mức độ đáng tin và mức độ tuân thủ của mỗi người. Dữ liệu sẽ đến từ các tài khoản cá nhân của người đó và cả các hoạt động trên mạng của họ. Các nhà điều hành website có thể khai phá vết tích dữ liệu mà người dùng trao đổi với website, từ đó lấy được đầy đủ thông tin xã hội, bao gồm địa điểm, bạn bè, sức khỏe, bảo hiểm, tin nhắn riêng tư, vị thế tài chính, thời gian chơi game, số liệu thống kê smart home, trang báo yêu thích, lịch sử mua hàng, và hành vi hẹn hò vv...

(Công dân Trung Quốc được hệ thống an ninh theo sát)

Đảng Cộng sản Trung Quốc do Tập Cận Bình lãnh đạo muốn công dân phải ngoan ngoãn và sống có kỷ luật. Nếu cần, họ cũng có thể trừng trị ngay lập tức với sự can thiệp của đảng. SCS là công cụ hoàn hảo cho việc này. Những người có điểm tín dụng xã hội cao (nhiều điểm tốt) sẽ nhận được các lợi ích bổ sung và quyền tiếp cận ưu tiên đối với một số dịch vụ nhất định. Những người có điểm số thấp có thể mất quyền truy cập vào một loạt các dịch vụ, bao gồm du lịch nước ngoài và một số loại hình giáo dục. Theo số liệu từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (tiếng Anh: NDRC), tính đến tháng 6 năm 2019, 26,82 triệu người Trung Quốc đã bị cấm mua vé máy bay, 5,96 triệu người khác đã bị ngăn cản mua vé tầu tốc độ cao - tất cả là do “tín dụng xã hội thấp” được thống kê trong SCS.

“Hệ thống tín dụng xã hội” hiện tại ở Trung Quốc có ba mức: Một do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) giám sát, một do ngân hàng trung ương tạo ra và một được các tổ chức xếp hạng tư nhân sử dụng để phân tích dữ liệu lớn, chẳng hạn như Alipay's Sesame Credit. NDRC không sử dụng cùng một hệ thống với ngân hàng trung ương do cách hiểu khác nhau về các tiêu chuẩn, nhưng cả hai đều được điều hành bởi chính phủ.

Ant Financial Services là một trong tám tổ chức tín dụng tư nhân đã được chấp thuận để giám sát xếp hạng tín dụng cá nhân của người dân. Nó được biết đến rộng rãi hơn với tư cách là nhà điều hành của Sesame Credit. Nó phân tích và đánh giá người tiêu dùng dựa trên các yếu tố như hành vi và sở thích chi tiêu của họ. Có nhiều cách để có được nhiều điểm, chẳng hạn như mua đồ gia dụng thông thường như tã lót cho trẻ em. Điểm cũng có thể bị trừ cho một số hành vi nhất định, chẳng hạn như mua quá nhiều trò chơi điện tử.

Vào cuối năm 2018, hơn 170 thành phố ở Trung Quốc đã xây dựng các nền tảng trao đổi thông tin tín dụng (NCISP). Cơ sở dữ liệu tín dụng quốc gia (tiếng Anh: NCID), do ngân hàng trung ương phát triển, là hệ thống xếp hạng cho vay cá nhân lớn nhất trong cả nước.

Các tiêu chí để chấm điểm tín dụng xã hội cho công dân và doanh nghiệp ở mỗi nơi có thể khác nhau. Tại Rongcheng ở tỉnh Shantung, đã có 790.000 cư dân thành phố, kể cả người nước ngoài, 16 nghìn công ty và 1.420 tổ chức xã hội được đưa vào SCS. Họ được ấn định số điểm khởi đầu là 1000 điểm. Một số hành vi nhất định, chẳng hạn như tình nguyện hoặc hiến máu, sẽ kiếm được thêm điểm. Hành vi tiêu cực, chẳng hạn như không trả được nợ ngân hàng và vi phạm giao thông, dẫn đến việc bị trừ điểm. Hệ thống phân loại mọi người chia thành sáu nhóm: AAA, AA, A, B, C và nhóm kém nhất D. Loại cuối cùng ảnh hưởng đến các khoản vay cá nhân, sự thăng tiến trong sự nghiệp và nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống. Những người có xếp hạng tín nhiệm cao sẽ được ưu tiên khi nộp đơn xin việc trong khu vực công.

Một số hình phạt được đưa ra trong SCS rõ ràng vi phạm quyền riêng tư và quyền cơ bản của con người. Có một số hình phạt mà không có văn bản định tội chính thức, vì vậy công dân bị trừng phạt không có khả năng kháng cáo hoặc khiếu nại.

Ngoài ra, có những hành vi cố tình làm nhục và đặc biệt xâm phạm quyền riêng tư. Ví dụ, vào tháng 7 năm 2017, một tòa án ở Laizu, tỉnh Shantung, đã yêu cầu ba công ty truyền thông cung cấp thông tin để những người nhận cuộc gọi từ những người có tín nhiệm xã hội thấp (theo SCS) biết rõ về mức độ tin cậy của những người này trước khi họ bắt đầu nói chuyện.

Tại Khai Phong, tỉnh Hà Nam, một tòa án địa phương đã xử, bắt ứng dụng TikTok đăng ảnh của những kẻ vỡ nợ. Tại thành phố Suining, tỉnh Tứ Xuyên, điểm tín nhiệm công dân trong SCS bị trừ do "cản trở các văn phòng đảng và chính phủ, các doanh nghiệp và các công trường xây dựng thông qua các cuộc viếng thăm theo dõi hoặc gây phiền toái" hoặc "sử dụng Internet và SMS để buộc tội người khác".

Tác động đến các doanh nghiệp nước ngoài

Là một phần của SCS, vào tháng 9 năm 2019, Bắc Kinh đã công bố bảng xếp hạng doanh nghiệp quốc gia bao gồm 33 triệu công ty. Con số này tăng lên theo thời gian và các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc cũng được đưa vào đó.

Hành vi của các công ty được giám sát liên tục và kết quả của họ được điều chỉnh phù hợp với các quy tắc của SCS. Trong trường hợp không tuân thủ, công ty có thể phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng như bị trừng phạt hoặc đưa vào danh sách đen. Xếp hạng xấu có thể đe dọa đến nguồn tài chính của doanh nghiệp. Việc tiếp cận với các cuộc đấu thầu công khai có thể rất hạn chế đối với các công ty có xếp hạng thấp.

Các nhà chức trách Trung Quốc rất nhạy cảm với hành vi của các công ty nước ngoài. Vào tháng 4 năm 2018, cơ quan quản lý hàng không dân dụng của Trung Quốc đã yêu cầu Đài Loan không được sử dụng tên để làm điểm đến cho các chuyến bay quốc tế, cảnh báo rằng chính phủ sẽ "coi là đăng ký không trung thực và có hành động kỷ luật" đối với bất kỳ công ty nào không đáp ứng các yêu cầu này. Các hãng hàng không nhất trí tuân thủ vì họ cảm thấy bị đe dọa.

SCS của Trung Quốc là một phần trong nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm tạo ra một xã hội hoàn toàn tuân thủ "chuẩn mực xã hội chủ nghĩa". Chuẩn mực này, trong mắt ông, là vượt qua các giá trị phương Tây, nhưng cũng khác với Nho giáo truyền thống của Trung Quốc. Với sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn, hệ thống sẽ sẽ ngày càng trở nên tinh vi hơn và sẽ ngày càng bao phủ nhiều khía cạnh hơn trong cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, phải mất nhiều năm để một hệ thống phạt và thưởng trên toàn quốc được thiết lập, mặc dù một phần của nó đã tồn tại. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ được coi như một mô hình quản trị mẫu mực cho các quốc gia "cùng chí hướng" khác như Lào, Campuchia và Pakistan...

Nhiều cá nhân và công ty tư nhân đã bị kỷ luật bởi SCS. Theo thời gian, các công ty nước ngoài ở Trung Quốc cũng sẽ học được những  gì được coi là đúng đắn về mặt chính trị và những ranh giới không được phép vượt qua. Đây cũng sẽ là một thách thức đối với các chính phủ nước ngoài đang cố gắng tiếp cận thị trường Trung Quốc vì một số hành vi của chính quyền Trung Quốc sẽ ngày càng mâu thuẫn với các tiêu chuẩn và quy định của phương Tây về việc tôn trọng nhân quyền.

Tác giả: Junhua Zhang

 Junhua Zhang là một chuyên gia về Dịch vụ Tình báo Địa chính trị. Ông là nhân viên của Viện Nghiên cứu Châu Âu nghiên cứu về Châu Á. Trong 10 năm, ông là giáo sư khoa học chính trị tại Trường Các vấn đề Quốc tế và Công cộng thuộc Đại học Jiao Tong Thượng Hải và Đại học Chiết Giang. Ông hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Trường Cao học về Nghiên cứu Châu Á tại Đại học Tự do Berlin. Kể từ năm 2006, ông phụ trách chuyên mục cho tờ báo Thụy Sĩ "Neue Zürcher Zeitung". Lĩnh vực nghiên cứu của ông là hệ thống chính trị so sánh và quan hệ quốc tế, đặc biệt chú trọng đến kinh tế chính trị quốc tế liên quan đến Trung Quốc.

Người dịch: Xuân Nguyên

(Nguồn:  https://wiadomosci.onet.pl/swiat/chiny-nowa-rewolucja-kulturalna-w-chinach-analiza/1lhzbmk)

Sửa lần cuối 2021-10-16 18:28:31

Bình luận

Bình luận qua Facebook