2021-11-29 00:43:04

Bắc Triều Tiên - Thiên đường cộng sản nhưng lại là địa ngục cho nhiều người

Bài của Paweł Czechowski, Nguồn: Portal historyczny Histmag.org

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là một hiện tượng không thể mô tả với độ chính xác 100%. Đất nước này đã rơi vào tình trạng tự cô lập và nhiều hoạt động của nó chỉ có thể được biết đến từ lời kể của những người tị nạn hoặc của các cơ quan tình báo nước ngoài. Chế độ chỉ cho phép khách du lịch tìm hiểu các khía cạnh của cuộc sống được chính quyền lựa chọn. Ngoài ra, là tình trạng nhiễu thông tin. Một mặt, do chính sách tuyên truyền của nhà nước Triều Tiên, mặt khác, các tin do các phương tiện truyền thông phương Tây đưa ra luôn bị CHDCND Triều Tiên coi là những tin xấu và chỉ nhằm gây tò mò cho người ta.

Triều Tiên được hình thành như thế nào?

Năm 1910, Hàn Quốc - khi đó với tư cách là một đế quốc thống nhất đã bị Nhật Bản chiếm đóng. Nền độc lập bị mất trong nhiều năm. Cuộc nổi dậy chống Nhật vào năm 1919 đã thất bại, nhưng thất bại của quân Nhật trong Thế chiến thứ hai đã mang lại sự trở lại của Hàn Quốc trên bản đồ thế giới.

Trong khi châu Âu bị chia cắt bởi "bức màn sắt" sau Thế chiến thứ hai, thì hiện tượng tương tự cũng diễn ra ở châu Á, nhưng nó được ví như bức màn "tre". Một trong những nạn nhân của quá trình này là Hàn Quốc, mặc dù không phải là kẻ xâm lược và bị Nhật Bản chiếm đóng trong suốt cuộc xung đột, nhưng đã cùng chung số phận với Đức. Miền Bắc của đất nước này bị người Liên Xô chiếm đóng và miền Nam là người Mỹ. Đường phân giới được vẽ dọc theo vĩ tuyến 38 và cho tới nay, nó đã chia cắt hai thế giới chính trị trong nhiều năm.

Về mặt lý thuyết, Hàn Quốc sẽ giành lại độc lập hoàn toàn sau khi kết thúc chiến tranh. Ít nhất đó là những quyết định của hội nghị Cairo năm 1943 (Roosevelt, Stalin và Tưởng Giới Thạch tham gia vào đó). Đổi lại, vào tháng 12 năm 1945, hội nghị Mátxcơva đã thành lập một chính quyền bảo hộ quốc tế đối với Triều Tiên, đây được coi là một giai đoạn chuyển tiếp dẫn đến nền độc lập hoàn toàn của đất nước.

Sự phân bố của các lực lượng chính trị trong cả hai khu vực của chế độ bảo hộ không hoàn toàn rõ ràng, điều này dẫn đến một tình huống gần như nực cười. Người Nhật đã không để lại nhiều dấu ấn, bởi vì nỗ lực thành lập một chính phủ Hàn Quốc dưới sự kiểm soát của họ đã kết thúc trong thất bại. Người Mỹ ban đầu ủng hộ Lyuh Woon Hyung, một nhà báo nổi tiếng nhưng lại có quan điểm cánh tả. Đổi lại, Liên Xô hướng sự ủng hộ của họ ban đầu cho nhà lãnh đạo Cơ đốc giáo Cho Man Sik.

Từ năm 1947, người Mỹ đã thúc đẩy khái niệm bầu cử tự do của Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, vốn bị Điện Kremlin phản đối. Cuộc bầu cử diễn ra một năm sau đó đã bị miền Bắc tẩy chay. Ngày 15 tháng 8 năm 1948, Đại Hàn Dân Quốc do Rhee Syng-man (Syngman Rhee) đứng đầu được thành lập tại miền Nam. Bắc Triều Tiên đáp lại bằng tuyên bố độc lập vào ngày 9 tháng 9 cùng năm. Nhà nước này do Kim Il-sung đứng đầu, người đã tuyên bố mình là "Tổng tư lệnh vĩ đại".

Chiến tranh Hàn Quốc

Đến lúc này đã rõ ràng việc không có sự tái sinh của một Triều Tiên thống nhất, và bóng ma của một cuộc xung đột hiện ra ở phía chân trời. Hoa Kỳ và Liên Xô lúc đầu đều thận trọng, bởi vì cả hai nước vừa mới kết thúc cuộc xung đột đẫm máu và tàn khốc.

Kim Il-sung kiên quyết khẳng định cuộc chiến chống lại miền Nam và tìm kiếm sự ủng hộ, cả về mặt quân sự, với Stalin. Đề xuất bắt đầu chiến tranh xuất hiện, mặc dù không trực tiếp, tại cuộc gặp giữa hai nhà độc tài vào ngày 5 tháng 3 năm 1949. Vào tháng 10 năm đó, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố thành lập, điều này mang lại cho Kim sự thoải mái hơn - vì Triều Tiên có biên giới với hai đại gia cộng sản.

Một sự kiên đáng chú ý diễn ra vào ngày 12 tháng 1 năm 1950. Khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Dean Acheson đã công bố cái gọi là tuyến phòng thủ chiến lược của đất nước ông ở khu vực châu Á này, nơi xa hơn là Đài Loan (tức là Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch). Đây dường như là một thông điệp khá rõ ràng: trong trường hợp xảy ra chiến tranh Triều Tiên, Hoa Kỳ sẽ giữ thái độ trung lập.

Quân đội của Kim tiến về phía nam vào ngày 25 tháng 6 năm 1950, nhanh chóng thành công và chiếm lấy Seoul sau ba ngày chiến đấu. Sự khác biệt giữa quân đội CHDCND Triều Tiên và Cộng hòa Triều Tiên là rất lớn, bởi vì đội quân 100.000 người ở miền Bắc được tổ chức tốt hơn nhiều.

Khi đó, người Mỹ buộc phải có sự can thiệp của quân đội Liên Hợp Quốc (thực chất là quân đội do Mỹ chỉ huy) để cứu những gì còn lại của Hàn Quốc. Người chỉ huy là Tướng Douglas MacArthur, được biết đến với tài chỉ huy ở Thái Bình Dương trong Thế chiến II. Cuối cùng, "quân tình nguyện Trung Quốc" đã giúp Triều Tiên, trong khi Liên Xô không quyết định thực hiện một cuộc đối đầu toàn diện.

Sự bế tắc kéo dài vài năm, cho đến khi ngừng bắn vào năm 1953. Việc ký kết hiệp định này là có được là nhờ sự luân chuyển ở đỉnh cao quyền lực trong các tay chơi vĩ đại: năm đó Stalin qua đời và anh hùng của Chiến tranh thế giới thứ hai, Tướng Dwight D. Eisenhower trở thành tổng thống Hoa Kỳ, điều này đã thay đổi hướng đi của cả hai nước đối với Triều Tiên. Cuộc chiến tranh Triều Tiên đã giúp cho Stalin, và Eisenhower thực hiện mục tiêu là kết thúc nó bằng cách này hay cách khác. Ngoài những thay đổi nhỏ về biên giới, khu phân định không dịch chuyển từ vĩ tuyến 38 trở ra.

Chiến tranh là một thảm kịch lớn đối với đất nước Hàn Quốc - theo nhiều ước tính khác nhau, có tới sáu triệu người chết hoặc bị thương ở cả hai bên, chưa kể đến sự chia rẽ của các gia đình và những người đã phải bỏ tất cả tài sản của họ để thoát khỏi nơi có giao tranh.

 Trong sử sách chính thức của Triều Tiên, cuộc xung đột 1950-53 chỉ là một cuộc phòng thủ chống lại sự xâm lược của miền Nam, và tùy từng thời kỳ, "Bù nhìn" Hàn Quốc hoặc đế quốc Mỹ, hoặc cả hai được cho là người gây ra cuộc chiến tranh.

Kim là ai?

Cần phải làm gián đoạn sự phát triển của CHDCND Triều Tiên trong giây lát để tập trung vào những người đã trị vì đất nước này bằng nắm đấm sắt trong những năm qua, bất chấp nhiều cuộc khủng hoảng. Chúng ta đang nói về một "triều đại Kim" cụ thể là Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), Kim Jong Il và Kim Jong Un.

(Nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và con trai Kim Jong Il)

Kim Il-sung đã rất công phu không chỉ để xây dựng một huyền thoại xung quanh mình mà còn xung quanh các thành viên trong gia đình mình. Nguồn gốc của ông ta được cho là nông dân, điều này không hoàn toàn đúng, bởi vì cha của ông, tức Kim Hyong Dzik xuất thân từ nông dân, nhưng ông đã được thăng tiến trong xã hội, được học trong một trường học do các nhà truyền giáo người Mỹ điều hành và đã làm nhà giáo. Trong tiểu sử của mẹ Kim, bà Kang Bank Sok là một tín đồ Cơ đốc và luôn thực hành đức tin của mình.

Xung quanh gia đình Kim Il-sung, huyền thoại về cuộc đấu tranh giành tự do liên tục, kéo dài trong nhiều thế hệ, trong một phong bì yêu nước và chống Nhật đã được tạo ra. Nếu một công dân bình thường cần phải có “xuất thân tốt” của thì người lãnh đạo đất nước càng phải là một tấm gương tốt.

Tiểu sử chính thức của Kim Nhật Thành cũng đề cao vai trò của ông trong việc xây dựng phong trào cộng sản và chống Nhật. Mặc dù ông chắc chắn là một nhân vật nổi bật của lực lượng du kích Triều Tiên, nhưng ông chắc chắn không phải là cha đẻ của phong trào cộng sản Hàn Quốc. Năm 1929, ông bị Nhật bắt vì tham gia nhóm thanh niên cộng sản, nhưng sau năm 1934, ông bắt đầu đóng một vai trò lớn hơn trong toàn bộ phong trào.

"Nhà lãnh đạo vĩ đại" không chỉ tạo ra truyền thuyết của riêng mình, mà còn tạo nên một sự sùng bái cá nhân đặc biệt kiểu chủ nghĩa Stalin. Trên thực tế, sự tôn sùng này vẫn tồn tại cho đến thời đại của chúng ta, bởi vì sự tan băng theo kiểu của các nước khác trong khối cộng sản đã không diễn ra ở CHDCND Triều Tiên.

Việc phát triển "kinh tế" gắn liền với chính trị cũng có lợi cho việc thần thánh hóa: Kim thường dành hầu hết thời gian trong năm đến thăm nhiều vùng khác nhau của đất nước, ngoại trừ Bình Nhưỡng.

Một phong cách lãnh đạo hoàn toàn khác đã được con trai ông, "Nhà lãnh đạo kính yêu", Kim Jong-Il, áp dụng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tiểu sử của ông Jong-il không được phóng đại. Ông sinh ngày 16 tháng 2 năm 1941 hoặc 1942 trong một trại quân sự của Liên Xô gần Khabarovsk. Nhưng tiểu sử chính thức đã miêu tả sự ra đời của ông như một điều gì đó cao cả hơn nhiều - ông sinh ra trên sườn núi Pektu, đỉnh núi cao nhất ở Bắc Triều Tiên ngày nay. Sau này, ông được nhận vào học ở Bình Nhưỡng với kỳ thi đầu vào và tốt nghiệp không xuất sắc, nhưng trong hình ảnh được truyền đi chính thức thì ông ta là một sinh viên xuất sắc.

Kim Jong Il được cha chỉ định là người thừa kế của nhà nước cộng sản vào đầu những năm 1970, mặc dù ông đã thực hiện các bước để chuẩn bị cho con trai mình đảm nhận vai trò này trong thập kỷ trước đó. Việc xức dầu này trở nên chính thức hoàn toàn kể từ Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 10 năm 1980, khi ông „Kim con” được trao một số chức vụ quan trọng về chính trị.

Cả hai ông Kim đã phát triển một huyền thoại điển hình về sự sùng bái nhân cách xung quanh họ, tạo ra một hỗn hợp ý thức hệ bùng nổ trong chính quyền của họ: một mặt là chủ nghĩa cộng sản mạnh mẽ, mặt khác, các nhà nghiên cứu thấy ở đây một số ảnh hưởng của nguồn gốc Nho giáo, nơi lợi ích của xã hội được ưu tiên hơn lợi ích của cá nhân, và những người cầm quyền và bộ máy nhà nước luôn mang tính "giáo dục". Kim Il-sung đã xây dựng chế độ ba thế hệ „theo kiểu Stalin”.

(Còn nữa)

Chú ý: Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, Quê Việt chỉ đăng lại theo bản dịch.

Người dịch: Xuân Nguyên

(Nguồn: https://www.onet.pl/informacje/histmag/korea-polnocna-komunistyczny-raj-ktory-dla-wielu-okazal-sie-pieklem/4xqn9l3,30bc1058)

Sửa lần cuối 2021-11-28 23:59:45

Bình luận

Bình luận qua Facebook