2022-03-31 09:24:49

Bốn cách để chấm dứt chiến tranh giữa Nga và Ukraine

Sau gần 5 tuần chiến tranh giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có hồi kết rõ ràng cho cuộc xung đột đẫm máu. Quân đội Nga đã bao vây một số thành phố của Ukraine, các khu vực dân sự bị ném bom hàng ngày, trong khi các nhà quan sát và nhân chứng đã cáo buộc Putin và quân đội của ông ta phạm tội ác chiến tranh. Theo ước tính của Mỹ, hơn 7.000 binh sĩ Nga đã chết, trong khi NATO báo cáo là 40.000 lính Nga đã bị giết, bị bắt hoặc đào ngũ.

Theo cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc, cuộc chiến đã gây ra thiệt hại ước tính 63 tỷ USD và giết chết ít nhất 1.179 dân thường, buộc 3,9 triệu người Ukraine phải chạy trốn khỏi đất nước, như một phần của cuộc di cư hàng loạt lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Tiếp theo là gì? Các chuyên gia theo dõi cuộc chiến ở Ukraine đã phân tích 4 cách khiến chiến tranh có thể kết thúc.

1.    Sự chinh phục

Mục tiêu của Putin khi bất đầu cuộc chiến này được cho là sẽ đánh bại Ukraine và nắm quyền kiểm soát Ukraine. Theo đó, ông ta đã đầu tư cho cuộc chiến này hàng nghìn binh lính, bom và các loại vũ khí. Tiếp theo, để đánh bại Ukraine, Putin đã muốn loại bỏ Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky và chính phủ của ông ta. 

Một số chuyên gia cho rằng cách duy nhất của Putin để đánh bại Ukraine là phá hủy hàng loạt - nhưng ngay cả khi đó, mục tiêu chính có thể đã vượt quá tầm với của ông. Christopher Chivvis (Carnegie Endowment for International Peace) nói rằng để tạo ra một chính phủ bù nhìn, Putin sẽ phải tấn công các thành phố của Ukraine như Kharkiv và Mariupol, làm cho chúng đổ nát, giống như Nga đã hủy diệt Aleppo ở Syria trong những năm gần đây và Grozny ở Chechnya. Sau đó, theo Chivvis, Putin sẽ đe dọa phá hủy thủ đô Kiev của Ukraine. Và đó là nơi ông ta sẽ thành lập một chính phủ cho chính mình.

(Mariupol hôm nay trông như thế này đây)

Tuy nhiên, con đường dẫn đến một chính phủ bù nhìn thành công đã bị phá vỡ bởi chính những người Ukraine, những người đã cho thấy rằng họ không muốn phục tùng sự kiểm soát của Nga. Quân đội Nga đã tấn công Mariupol, khiến thành phố đổ nát và dân thường bị mắc kẹt, phải sống trong điều kiên không có sưởi, thức ăn hoặc nước uống. Một quan chức quốc phòng Mỹ nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng quân đội Nga đang mất dần vị thế xung quanh Kiev và dường như đang cố gắng củng cố các vị trí của mình khi các quan chức Nga cho biết họ đang chuyển trọng tâm sang khu vực phía đông.

2.    Rút lui của Nga

Trong năm tuần gần đây, Ukraine chiến đấu chống lại Nga với tinh thần mà các chuyên gia không ngờ tới. Quân đội Nga vượt trội hơn quân đội Ukraine về mọi mặt, nhưng lại không đánh chiếm được bất kỳ thành phố lớn nhất nào của Ukraine, trong đó có Kiev. Một cách để kết thúc chiến tranh có thể là Nga phải rút quân. Tuy nhiên, như các chuyên gia nhận định, điều đó khó xảy ra. Mark Cancian, một Đại tá Thủy quân lục chiến đã nghỉ hưu và là cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: “Ở Nga, những điều tồi tệ sẽ xảy ra với những người cầm quân thua cuộc trong cuộc chiến. Người cai trị cuối cùng thua trận đã bị lật đổ và bị hành quyết" -  ông nói về Nicholas II, sa hoàng cuối cùng của Nga.

3.    Xung đột với NATO

Cho đến nay, các đồng minh NATO đã cố gắng hỗ trợ Ukraine nhưng không can dự trực tiếp vào cuộc xung đột. Mỹ và các thành viên NATO khác đã gửi vũ khí, đạn dược, vật tư y tế và các thiết bị quân sự tới Ukraine, nhưng tuyên bố sẽ không gửi quân. Họ cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga, nhằm vào các ngân hàng và giới tài phiệt. 

Nếu NATO trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột thì khả năng sẽ xảy ra thiệt hại trên diện rộng bên ngoài Ukraine - và thậm chí là một cuộc chiến tranh hạt nhân - sẽ trở nên dễ xảy ra hơn.

Tổng thống Joe Biden hôm thứ Năm cho biết NATO sẽ phản ứng trực tiếp với cuộc xung đột nếu lực lượng của Putin sử dụng vũ khí hóa học. Mức độ của sự can dự như vậy là không rõ ràng, và Biden cho biết bản chất của phản ứng của NATO sẽ phụ thuộc vào cách sử dụng vũ khí hóa học của Nga.

Cho đến nạy, chỉ có một lần hai nước có vũ khí hạt nhân chiến đấu trực tiếp với nhau. Đó là cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan vào năm 1999, nhưng cuộc chiến này đã không vượt ra ngoài khuôn khổ một cuộc chiến tranh thông thường.

4.    Hiệp định hòa bình

Thỏa thuận hòa bình là một trong những cách khả dĩ nhất để chấm dứt cuộc chiến tàn khốc này. Trong tình hình hiện nay, bất kỳ thỏa thuận hòa bình thực sự nào giữa hai nước đều phải dựa trên sự trung lập của Ukraine - nói cụ thể, dựa trên lời hứa rằng Ukraine không tham gia liên minh quân sự với phương Tây như NATO. Bởi vì Putin nói rằng ông coi việc Ukraine muốn gia nhập NATO là một mối đe dọa đối với an ninh của Nga. Để biện minh cho cuộc xâm lược của mình được phát động vào ngày 24 tháng 2, Putin cũng đã kêu gọi phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine - mặc dù đất nước này được điều hành bởi một chính phủ dân chủ do một chính trị gia gốc Do Thái lãnh đạo. Trong cuộc đàm phán hòa bình hôm thứ 3 (29/03), các nhà đàm phán Ukraine đã đưa ra lời đảm bảo rằng Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập NATO.

Một yếu tố quan trọng khác trong một thỏa thuận hòa bình sẽ là chủ quyền đối với khu vực Donbass và Crimea. Khi bắt đầu cuộc xâm lược, Putin chính thức công nhận nền độc lập của Lugansk và Donetsk, những khu vực do phe ly khai thân Nga kiểm soát. Năm 2014, các lực lượng Nga, theo lệnh của Putin, đã chiếm giữ bán đảo Crimea của Ukraine cùng với cảng Sevastopol trên Biển Đen.

(Hai trưởng đoàn đàm phán Ukraine (Dawyd Arachamija) và Nga (Vladimir Miedinsky) tại Thổ Nhĩ Kỳ).

Theo chuyên gia Cancian, một thỏa thuận hòa bình có thể phải tính đến sự cai trị trên thực tế của Nga ở Donbas. Ông nói: “Tôi nghĩ họ có thể ký kết một thỏa thuận nào đó mà theo đó Ukraine sẽ không công nhận việc mất Donbas, nhưng người Nga sẽ duy trì hiện trạng với hai khu vực tự trị của họ.

Phát biểu trước các cơ quan truyền thông vào hôm thứ 4 (30/03), ông Dawid Arachamiya trưởng đoàn đàm phán của Ukraine nói rằng Crimea và vùng lãnh thổ thuộc Luhansk và Donetsk đã bị Nga chiếm đóng là những vấn đề đàm phán khó khăn nhất. Ông thừa nhận rằng chủ đề này vẫn chưa được thảo luận trong các cuộc hội đàm song phương.

Trong cùng ngày, Mykhailo Podolak, cố vấn của Tổng thống Zelensky đã tuyên bố rằng một hiệp định hòa bình cũng như một cuộc trưng cầu dân ý về thỏa thuận hòa bình với Nga chỉ có thể được thực hiện trong trường hợp Nga rút quân hoàn toàn về các vị trí trước khi chiến tranh xảy ra, tức là vào ngày 23 tháng 2.

Cũng vào hôm thứ 4, thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nếu chỉ thực hiện lệnh ngừng bắn ở Ukraine thì chưa đủ điều kiện để các nước phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte cũng có cùng quan điểm, rằng một thỏa thuận giữa Ukraine và Nga, mà trong đó Ukraine phải từ bỏ một phần lãnh thổ hoặc chủ quyền của mình, sẽ không phải là một thỏa thuận hòa bình và không phải là lý do để nối lại quan hệ với Nga.

Xuân Nguyên

(Nguồn: https://businessinsider.com.pl/wiadomosci/cztery-sposoby-na-zakonczenie-wojny-miedzy-rosja-a-ukraina/z7hvc0z lang="VI">)

Sửa lần cuối 2022-03-31 07:24:49

Bình luận

Bình luận qua Facebook