2022-04-18 20:45:15

Putin sẽ không từ bỏ mục tiêu khuất phục Ukraine

Dưới đây là trả lời phỏng vấn tờ báo Newsweek của giáo sư Angela Stent, người chịu trách nhiệm về quan hệ với Nga trong chính quyền của Bill Clinton và George Bush Jr.(Hoa Kỳ).

 

Newsweek: Theo bà, liệu Ukraine có thể chiến thắng trong cuộc chiến này?

Angela Stent: Người Nga đã không chiếm được Kiev hay Kharkiv. Họ cũng không thể chiếm toàn bộ lãnh thổ Ukraine, ngay cả khi họ đạt được một chiến thắng quân sự vĩ đại. Đơn giản là vì Nga không có những khả năng như vậy. Cũng cần thấy rõ rằng chỉ cần một phút sau khi quân Nga rút lui hoàn toàn, chính phủ bù nhìn của họ sẽ sụp đổ.

Nhưng đồng thời, Ukraine cũng rất khó để làm cho người Nga bị thất bại toàn diện. Không phải chỉ vì Nga có quân số đông hơn nhiều. Bất chấp tất cả những sai lầm của Điện Kremlin, khả năng duy nhất để nói về một chiến thắng của Ukraine là khi Nga nói: “Được rồi, các ngươi đã thắng. Bọn ta đang rút quân đây”. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra. Do đó, kịch bản hay nhất cho Ukraine là Nga chiếm một phần Donbas và Putin tuyên bố chiến thắng vào ngày 9/5 tại lễ duyệt binh kỉ niệm “Ngày Chiến thắng” Phát xít Đức. Sau đó, Nga rút quân khỏi phần còn lại của đất nước. Theo đó, Ukraine cũng sẽ có thể tuyên bố một chiến thắng. Bởi vì ngay cả khi đất nước bị tàn phá nặng nề, ít nhất nó sẽ không bị chiếm đóng nữa.

Newsweek: Và có phải đậy sẽ chỉ là một hiệp định đình chiến tạm thời, sau đó chiến tranh sẽ trở lại? Khi bà viết cuốn sách “Thế giới của Putin”, rõ ràng bà đã nói là Putin đã muốn cuộc chiến này từ lâu. Và gần đây, ông ấy cũng đã tự mình thừa nhận điều đó ...

Angela Stent: - Đúng, ông ấy sẽ không từ bỏ mục tiêu khuất phục Ukraine. Ông ấy có thể sẽ không đạt được mục tiêu trong tương lai gần, nhưng đó là mục tiêu đã thúc đẩy ông ấy trong nhiều năm. Miễn là ông ấy còn ở lại Điện Kremlin, điều đó sẽ không thay đổi. Ngay cả khi có một lệnh ngừng bắn và nếu quân đội Nga rút lui, nó sẽ chỉ là tạm thời. Cuộc chiến này sẽ còn rất dài.

Thế giới mà chúng ta đã sống trong 30 năm qua không còn tồn tại nữa. Việc Nga xâm lược mà không có bất kỳ sự khiêu khích nào từ đối phương có nghĩa là luật chơi và ranh giới của những gì có thể xảy ra đã thay đổi.

Newsweek: Có thể bằng cách nào đó ngăn chặn cuộc tấn công của Nga?

Angela Stent: - Tôi không thấy có khả năng như vậy. Nga đã sẵn sàng vào tháng 10 năm 2021. Giám đốc CIA khi đó đang ở Moscow, gặp Putin, nói với ông ấy: "Chúng tôi biết điều đó" và những lệnh trừng phạt nào có thể xảy ra. Điều đó không có tác dụng gì cả.

 

Newsweek:  Chúng ta có thể hình dung những đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine. Trong Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, Mỹ và Anh đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Và chúng ta biết nó đã kết thúc như thế nào.

Angela Stent: - Ukraine muốn Mỹ và một số nước phương Tây đảm bảo rằng nếu Nga tấn công thì họ sẽ lao vào ứng cứu. Điều này gần giống như Điều 5 của NATO. Tóm lại, Ukraine chưa gia nhập NATO, nhưng nước này muốn có những đảm bảo tương tự như một thành viên của NATO. Và điều này là cực kỳ khó khăn vì nó sẽ buộc Mỹ phải đối đầu trực tiếp với Nga. Đây là điều mà Mỹ muốn tránh ...

Newsweek: Zelenskiy muốn đàm phán trực tiếp với Putin. Có thể không?

Angela Stent: - Putin sẽ không gặp Zelenskiy vì Putin luôn đứng trên nhìn xuống. Trên thực tế, ông chỉ coi Joe Biden, Tập Cận Bình và có thể cả Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là ngang hàng. Ông luôn cho rằng Ukraine không phải là một nhà nước thực sự. Tại sao ông ta lại đi hẹn hò với lãnh đạo của một đất nước mà ông ta tin rằng không tồn tại? Ngoài ra, Putin không biết chuyện gì đang xảy ra, không biết mức độ thất bại của Nga ở mức nào. Chúng ta đều biết rằng chỉ có một nhóm người được tiếp cận với ông ấy, chừng bốn hoặc năm người, chẳng hạn như Shoygu. Họ luôn nói với ông ta những gì ông ta muốn nghe. Đây giống như trường hợp của nhiều nhà độc tài: những người xung quanh họ không muốn loan tin xấu. Theo thông tin tại Mỹ, Putin vẫn yêu cầu cuộc chiến phải tiếp tục. Ngoài ra, chúng tôi đã thấy rằng Nga không coi trọng các cuộc đàm phán hòa bình. Nó chỉ là đề xuất và câu giờ. Tôi đã nói chuyện với những người hiểu rõ những cuộc đàm phán này và họ nói với tôi rằng hầu như không có gì xảy ra ở đó ...

Newsweek: Putin có thể còn đi xa hơn nữa?

Angela Stent: - Ý của câu hỏi là liệu ông ta sẽ sử dụng vũ khí hóa học hay hạt nhân không? Vâng, rất có khả năng là ông ta sẽ sớm sử dụng khí độc. Biden thông báo rằng phương Tây sẽ đáp trả "một cách thích hợp", nhưng chúng ta không biết điều đó có nghĩa là gì. Rốt cuộc, chúng ta sẽ không sử dụng vũ khí hóa học để đáp trả ... Và đó chính xác là mục đích của Putin: cho thấy NATO là một con hổ không răng và cuối cùng sẽ không làm những gì họ đang cố gắng - phòng thủ tập thể. Và tôi tin rằng nó rất nguy hiểm.

Ông ta cũng có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Cho đến gần đây, tất cả chúng ta và Putin đều tin rằng, trong trường hợp xảy ra xung đột hạt nhân, cả hai bên sẽ bị tiêu diệt, và do đó sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, từ vài năm nay, người Nga đã nói về khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân ở một mức độ hạn chế. Họ coi đó là sự tự vệ chính đáng, vì quân đội Nga yếu hơn quân Mỹ rất nhiều. Không thể cho rằng Putin sẽ không làm điều đó trong tương lai ...

Newsweek: Khi nào ông ta có thể đưa ra quyết định như vậy?

Angela Stent: - Trong tình thế bắt buộc và khi ông ấy tin rằng bằng cách này, ông ấy có thể tiếp tục nắm quyền. Trường hợp sử dung vũ khí hóa học, thì rào cản thấp hơn nhiều. Những người hiểu rõ về ông ta đều không nghi ngờ gì về việc ông ta sẽ sử dụng vũ khí hóa học. Chính quyền Biden hiện bị cáo buộc là quá thận trọng, khi liên tục cảnh báo khả năng này. Tôi nghĩ rằng Biden đã đúng và Mỹ có trách nhiệm rất lớn trong việc ngăn chặn điều này xảy ra.

Newsweek: Bà nhấn mạnh rằng Putin đang chấp nhận rủi ro nhiều hơn bất cứ khi nào?.

Angela Stent: - Đúng. Điều tôi không lường trước được là ông ta sẵn sàng chấp nhận rủi ro bao nhiêu. Năm 2008, người Nga tiến vào Gruzia, đánh bại người Gruzia, nhưng không chiếm được Tbilisi hay lật đổ Tổng thống Saakashvili mà họ căm ghét. Đó là một cuộc xâm lược hạn chế. Năm 2014, không có giọt máu nào được đổ ra trong quá trình sáp nhập Crimea. Họ bắt đầu một cuộc chiến ở vùng Donbass, nhưng không tiếp tục. Ngày nay, các kế hoạch của Putin ở một quy mô hoàn toàn khác. Hình như càng lớn tuổi, ông ấy càng nghĩ về quỹ thời gian còn lại của mình. Chúng tôi cũng biết rằng ông ấy thường xuyên đi với một chuyên gia về ung thư tuyến tụy (theo báo cáo của Bellingcat).

Newsweek: Bà đã nhìn thấy ông ta hàng chục lần. Ông ấy đã thay đổi như thế nào trong những năm qua?

Angela Stent: - Ông ấy hay bực bội. Vào năm 2008, tại một hội nghị ở Munich, ông ấy nói rằng phương Tây thù địch với ông, Ukraine không phải là một quốc gia, và sự sụp đổ của Liên Xô là thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 20. Ông ấy đã tin tất cả. Cùng với tuổi tác và những thay đổi bên trong nước Nga, ông ấy ngày càng trở nên hung hãn hơn. Ông ta lịch sự, nhưng luôn giận dữ và mỉa mai. Những lời chỉ trích của ông về Mỹ ngày càng gay gắt và giọng điệu của ông đối với Đức luôn là giọng điệu cọi thường. Ông ta chắc chắn là một người đàn ông nguy hiểm hơn trước đây. Chúng ta thực sự sợ những thay đổi của ông ấy.

Chúng ta cũng phải nhớ rằng khi ông ấy nói rằng sự sụp đổ của Liên Xô là thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20, đó cũng là thảm họa của cá nhân ông ta. Là một điệp viên cấp trung của KGB ở CHDC Đức khi Bức tường Berlin sụp đổ, ông ấy đã chứng kiến những đám đông kéo đến trụ sở KGB, nơi ông ấy đốt hồ sơ trong lò suốt đêm. Sau đó phải trở lại Liên Xô và ông ấy đã thất nghiệp một thời gian. Sau khi Liên Xô sụp đổ, ông trở thành phó thị trưởng Saint Petersburg, nhưng đối với ông ta đó là một sự sỉ nhục - ông muốn theo đuổi sự nghiệp trong KGB. Tất nhiên, bây giờ bạn có thể nói rằng sự sụp đổ của Liên Xô không phải là điều đáng tiếc. Nhưng ông ta liên kết nó với sự sỉ nhục cá nhân. Ông ta cũng coi những năm 1990 là một sự sỉ nhục, khi Nga phải đáp ứng các điều kiện do phương Tây đặt ra. Ngay từ khi lên nắm quyền, ông ta đã quyết tâm khôi phục vị thế cường quốc của Nga và thuyết phục phương Tây công nhận rằng lợi ích của Nga cũng chính đáng như của Hoa Kỳ và châu Âu. Đây là học thuyết của Putin: phương Tây phải đối xử với Nga như đã từng với Liên Xô. Hoa Kỳ và châu Âu phải sợ Nga và đồng thời tôn trọng Nga. Học thuyết của Putin cũng nói rằng chỉ có ba hoặc bốn quốc gia trên thế giới có thể đóng một vai trò tương tự. Và những nước còn lại là đáp ứng nhu cầu của họ. Putin muốn một thế giới hậu phương Tây, nơi không có gì diễn ra theo kế hoạch và không có luật lệ.

Newsweek: Một số người, chẳng hạn như Navalny, cho rằng ông ta là một tên trộm và một tên xã hội đen.

Angela Stent: - Ông ta chắc chắn là một người đàn ông rất giàu có. Giàu kinh khủng, đến mức chúng ta thậm chí không biết hết mức độ giàu có của ông ấy. Và là lãnh đạo của một nhà nước độc quyền, ông ta phải chiến đấu để nắm quyền, nếu không sẽ cả mất tiền và tính mạng. Ông ấy và những người xung quanh luôn hoài nghi, nhưng đồng thời họ thực sự tin vào tất cả những điều họ nói. Đây là một sự kết hợp rất nguy hiểm.

(Giáo sư Angela Stent)

Newsweek: Và nếu bà mô tả ông ấy bằng một vài từ ... Ông ấy là người như thế nào?

Angela Stent: - xảo quyệt, luôn đeo mặt nạ, quyết đoán và lôi kéo người khác. Gương mặt ông ấy hiếm khi biểu lộ bất cứ cảm xúc nào. Rất khó để nhìn ra những gì ông ấy đang cảm nhận và suy nghĩ.

Newsweek: Có cơ hội nào để tạo kênh giao tiếp với ông ấy không?

Angela Stent: - Người duy nhất có thể tiếp cận ông ta là Henry Kissinger. Mối quan hệ giữa họ vô cùng thân mật và bí mật. Nhưng Kissinger đã 98 tuổi. Putin cũng có một mối quan hệ tuyệt vời với Schröder. Nhưng mối này đã quá hạn từ lâu.

Tôi không nghĩ bất kỳ nhà lãnh đạo nghiêm túc nào muốn nói chuyện với Putin sau Bucza và Mariupol. Cơ hội thuyết phục ông ta thay đổi hướng đi là bằng không. Quan hệ Mỹ-Nga đang tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Hy vọng hạn chế vũ khí trang bị đã thấp nhất trong nhiều năm. Các quốc gia khác đang nhìn vào Ukraine và nói, "Họ đã có vũ khí hạt nhân, họ đã cho nó đi và hãy xem điều gì đã và đang xảy ra."

Tôi cũng lo ngại về việc bế quan tỏa cảng của Nga. Những người này sẽ bị cô lập với thế giới. Một trong những người bạn Nga của tôi gần đây đã nói với tôi, "Đây không phải là trở lại những năm 90, mà là trở lại những năm 70".

Newsweek: Chúng ta không có ảnh hưởng nào với Nga. Vậy chúng ta có thể làm gì lúc này?

Angela Stent: - Nhiều biện pháp trừng phạt đã được đưa ra, nhưng châu Âu phải ngừng mua khí đốt và dầu của Nga. Chúng ta cần ngắt kết nối nhiều ngân hàng Nga khỏi SWIFT. Cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí hơn nữa, giả sử chiến tranh sẽ tiếp tục. Nhưng đừng trông chờ vào bất cứ điều gì sẽ thay đổi tính toán của Putin ...

Newsweek: Tổng thống Zelensky đã chặn chuyến thăm của tổng thống Đức tới Kiev. Trước đó, ông đã đưa Merkel và Macron vào sổ đen. Còn bây giờ, sự thông cảm đang đứng về phía ông ấy, nhưng điều đó không phải là quá mạo hiểm sao?

Angela Stent: - Tôi nghĩ Zelenskiy nên cẩn thận hơn. Ông chỉ trích người Đức, người Israel ... Nhiều nước bị chỉ trích rằng họ đang làm quá ít cho Ukraine. Có thể hiểu, điều đó sẽ không bao giờ là đủ đối với Ukraine, vì nước này đang chiến đấu với Nga. Nhưng cuộc chiến này càng kéo dài, người dân châu Âu và Mỹ sẽ càng cảm nhận được hậu quả kinh tế của nó. Và họ sẽ bắt đầu nói, "Chúng tôi đã hy sinh mà Ukraine vẫn đánh giá thấp điều đó." Tổng thống Zelensky không thể xa lánh những người cung cấp vũ khí cho ông và áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nga.

Newsweek: Nga có GDP ngang bằng với Ý. Một quốc gia như vậy có thể đóng vai trò là siêu cường trong bao lâu?

Angela Stent: - Sau các lệnh trừng phạt và bị cắt khỏi nền kinh tế thế giới, nền kinh tế nước Nga suy yếu hơn rất nhiều. Nó sẽ vẫn là một siêu cường hạt nhân, nhưng không nhất thiết phải là một siêu cường năng lượng. Nếu châu Âu ngừng mua khí đốt và dầu, Nga tất nhiên sẽ bán chúng cho Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Nhưng nó sẽ không ảnh hưởng đến thế giới nhiều như ngày nay. Vì vậy, cuộc chiến này càng kéo dài, mọi thứ sẽ đi theo hướng ngược lại so với mong muốn của Putin. Nga sẽ mất đi vị trí quan trọng của mình. Vai trò của Nga sẽ giảm đi, chỉ vì hậu quả kinh tế của cuộc chiến này ...

Newsweek: Putin muốn thống nhất Nga, Ukraine và Belarus thành một nhà nước. Bà có nghĩ rằng ông ấy cũng muốn tấn công Moldova. Và có thể còn có một số kế hoạch với Ba Lan. Thất bại tương đối ở Ukraine có ý nghĩa gì đối với việc tiếp tục kế hoạch này?

Angela Stent: - Đây vẫn là mục tiêu lâu dài của ông ấy. Nhưng sắp tới, Nga sẽ rất vui khi chiếm được Donbass. Kế hoạch tạo ra một cường quốc Sla-vơ trong đó có Ba Lan đã lỗi thời. Và có lẽ là mãi mãi.

(Angela Stent (sinh năm 1947) là giáo sư tại Đại học Georgetown, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á-Âu, Nga và Đông Âu. Trong chính quyền Clinton và Bush, Jr. Bà là người chịu trách nhiệm về quan hệ với Nga và Đông Âu. Trong những năm 2004-2006, bà là liên lạc viên giữa tình báo Mỹ và chính quyền về các vấn đề liên quan đến Nga. Năm 2008-2012, bà là cố vấn cho Tổng tư lệnh các lực lượng NATO ở Châu Âu. Bà đã xuất bản các cuốn sách “Giới hạn của quan hệ đối tác” và “Thế giới của Putin”, được coi là một trong những cuốn sách quan trọng nhất về Nga).

Người dịch: Xuân Nguyên

(Nguồn: https://www.newsweek.pl/swiat/wojna-w-ukrainie-angela-stent-putin-nie-powie-stop-rozmowa/lcyfdz6span lang="VI">)

Sửa lần cuối 2022-04-19 07:23:03

Bình luận

Bình luận qua Facebook