2022-04-25 17:44:50

Cả phương Tây thở phào nhẹ nhõm khi Emmanuel Macron chiến thắng

Tổng thống Emmanuel Macron đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp (vòng hai) vào Chủ nhật (24/04/2022) với kết quả 58,54%. Le Pen - đối thủ của ông chỉ giành được 41,46 số phiếu bầu.

Tỷ lệ vắng mặt trong cuộc bầu cử lần này là 28,01%, có nghĩa là 13,6 triệu người Pháp có tên trong danh sách bầu cử đã không đi bỏ phiếu. Ngoài ra, hơn hai triệu người đã đi bỏ phiếu nhưng bỏ phiếu trống (4,57%).

Đây là lần thứ 2, hai ứng cử viên đấu tay đôi với nhau.Trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017, Macron đã giành được 66,1% số phiếu bầu, và Le Pen là 33,9%.

Cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp lần này diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang bị chia rẽ do cuộc chiến tranh xâm lược của Nga tại Ukraine. Phương Tây, cũng tức là NATO và EU đang cần một mặt trận chung mạnh mẽ để chống lại Nga. Việc ứng cử viên Marine Le Pen, liên kết với Điện Kremlin và tuyên bố rằng Pháp sẽ rời khỏi các cơ cấu quân sự của Liên minh châu Âu đã làm đau đầu các nhà lãnh đạo của khối liên minh này.

Niềm vui trước chiến thắng của Macron xen lẫn sự lo lắng. Vì chưa bao giờ cánh hữu ở Pháp lại phát triển mạnh như bây giờ. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp, chủ nghĩa dân túy cánh hữu đã có thể giành chiến thắng. Và nếu Le Pen giành chiến thắng thì điều này sẽ làm rung chuyển Liên minh châu Âu vào thời điểm mà sự thống nhất của nó quan trọng hơn bao giờ hết.

Cả phương Tây thở phào nhẹ nhõm. Tại sao vậy?

Theo Georgina Wright từ tổ chức tư vấn "Institut Montaigne" thì ứng cử viên cực hữu Le Pen có cách nhìn khác về Liên minh châu Âu. Bà muốn hạn chế quyền quyết định của EU và muốn Pháp rút khỏi một số hiệp định thương mại và năng lượng của EU, bao gồm “Thỏa thuận Xanh Châu Âu”. Bà cũng đã tuyên bố có thể phủ quyết các lệnh trừng phạt chống lại Nga và phản đối hỗ trợ quân sự thêm cho Ukraine.

Le Pen nói rằng trong trường hợp có sự thay đổi chính phủ ở Paris, chúng tôi sẽ giải quyết việc chấm dứt hội nhập châu Âu theo hình thức hiện tại. Bà muốn thay thế EU bằng một liên minh mới, lỏng lẻo hơn gồm các quốc gia tự do và có chủ quyền. Trong liên minh này, mỗi thành viên có thể áp dụng các quy tắc, bao gồm cả pháp quyền cho riêng mình. Bà Le Pen cũng muốn chuyển giao quyền lực trở lại cho các chính phủ quốc gia và tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để luật pháp Pháp được trao quyền ưu tiên hơn luật của EU, từ đó bác bỏ quan điểm về chủ quyền cao nhất của Liên minh châu Âu (đây cũng chính là các ý tưởng của ông Kaczynski, chủ tịch đảng PiS ở Ba Lan).

Các nhà bình luận chính trị gọi chiến lược của Le Pen như là "Frexit”. Nó đe dọa EU từ bên trong và do vậy là mối đe dọa lớn hơn nhiều so với Brexit.

Theo Pascal Lamy, nguyên là cộng sự thân cận của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jacques Delors thì chiến thắng dành cho Le Pen sẽ là một cú sốc cho EU ở quy mô lớn hơn Trump đối với Hoa Kỳ hay Brexit đối với Vương quốc Anh. Chương trình chủ quyền, bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc của bà ấy hoàn toàn trái ngược với cam kết của Pháp khi hội nhập với châu Âu và những đề xuất của bà hoàn toàn trái ngược với các hiệp ước mà Pháp đã ký.

Le Pen cũng muốn thay đổi hiến pháp để công dân Pháp được ưu tiên về việc làm, trợ cấp xã hội và nhà ở công cộng. Quyết định như vậy sẽ không phù hợp với các giá trị của EU và các nguyên tắc đi lại tự do của công dân Liên minh châu Âu, một trong những nền tảng của hoạt động của Liên minh châu Âu. Bà cũng tuyên bố sẽ đơn phương giảm đóng góp của Pháp vào ngân sách EU, mặc dù khuôn khổ tài chính nhiều năm cho giai đoạn 2021-2027 đã được thiết lập. Jean-Louis Bourlanges, chủ tịch ủy ban đối ngoại của quốc hội Pháp, coi chương trình của Le Pen là vô lý. Bởi vì, khi tính ưu việt của luật quốc gia được khẳng định thì không còn luật châu Âu nào nữa. Theo đó, mặc dù  Marine Le Pen đã từ chối việc chính thức rời khỏi EU, nhưng chương trình của bà không tương thích với việc Pháp tiếp tục là thành viên của EU.

Nếu Marine Le Pen thắng cử, cũng có thể làm lung lay mối liên hệ giữa Đức-Pháp và phá hỏng những thành tựu trong vài thập kỷ qua. Năm ngoái, chính trị gia này đã phát đi một tín hiệu rõ ràng khi bà tuyên bố trên nhật báo "L'Opinion" rằng quan hệ đối tác với Đức không mang lại gì cho Pháp ngoài sự thất vọng, phản bội và cảm giác bị bỏ rơi. Bà ấy nói thêm rằng cặp vợ chồng Pháp-Đức đang tiến tới ly hôn, và Pháp phải nhìn sang những chân trời khác. Sau đó, bà tuyên bố rằng nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, bà sẽ đình chỉ tất cả các chương trình vũ khí chung với Đức, sẽ ngừng hỗ trợ các nỗ lực của Đức cho một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và sẽ đề xuất một sự thay đổi triệt để trong quan hệ.

Xuân Nguyên (Tham khảo nguồn tin từ các báo Ba Lan)

Sửa lần cuối 2022-04-25 15:44:50

Bình luận

Bình luận qua Facebook