2014-09-12 23:59:22

Hội sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Thăng Long - Hà Nội - 15 năm một chặng đường.

Sáng ngày 12/9, tại Hội trường chính Bảo tàng Hà Nội, Hội Sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 15 năm thành lập Hội.(1999-2014).

“15 năm đối với một đời người là một quãng đời không hề ngắn ngủi, nhưng 15 năm đối với cuộc chơi cổ vật không bao giờ sớm và cũng không bao giờ muộn thì quả là một chặng đường đáng nhớ…”. (Theo Tạp chí Cổ vật tinh hoa)

Màn Trống hội mở đầu chương trình

 “Hội cổ vật Thăng Long - Hà Nội được thành lập năm 1999. Lúc đó, Luật Di sản chưa được ban hành, chỉ có Nghị quyết của Trung ương chỉ đạo động viên xã hội hóa việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Chúng tôi đã xin phép lãnh đạo thành phố Hà Nội cho phép thành lập Hội chơi đồ cổ công khai, vì trước đó, chơi cổ vật là “chơi chui”! Hội cổ vật Thăng Long-Hà Nội là hội cổ vật ra đời đầu tiên trên cả nước. Sau 10 năm, lần lượt các hội cổ vật địa phương khác ra đời. Đó là Hội cổ vật Thiên Trường (Nam Định), Hội cổ vật Thanh Hoa (Thanh Hóa), Hội cổ vật Kinh Bắc (Bắc Ninh), Hội cổ vật Hải Phòng và Hội cổ vật Thành phố Hồ Chí Minh.” Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hội Sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Thăng Long – Hà Nội chia sẻ.

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hội Sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Thăng Long – Hà Nội chia sẻ tại buổi lễ.

Tham dự lễ kỷ niệm có đại diện một số cơ quan ban ngành, các đồng chí lãnh đạo, công nhân viên của Bảo tàng Hà Nội, Hội cổ vật các tỉnh cùng các nhà nghiên cứu Văn hóa, các nhà nghiên cứu cổ vật và toàn thể hội viên của Hội cổ vật Thăng Long - Hà Nội. Cùng với đó là đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí, các nhà tài trợ và những người yêu thích sưu tầm, nghiên cứu cổ vật…

PGS.TS Đặng Văn Bài và Nhà Sử học Dương Trung Quốc (thứ 1,2 từ phải sang)

Hội cổ vật Thăng Long - Hà Nội đã tập hợp những người ham thích chơi cổ vật, sưu tầm cổ vật, kinh doanh cổ vật, nghiên cứu cổ vật… ở Thủ đô tự nguyện tham gia. Sự ra đời của hội được nhiều cơ quan Trung ương, Hội Khoa học lịch sử, các bảo tàng Trung ương và địa phương hết sức ủng hộ. Cuối năm 2010 vừa qua, hội tiến hành đại hội lần thứ 4 và hiện tại có hơn 50 hội viên chính thức. Hội tổ chức hội thảo, gặp gỡ giao lưu những người chơi cổ vật, tổ chức các cuộc triển lãm cổ vật. Với vị thế và những bước đi tiên phong, trong hơn 10 năm qua, Hội cổ vật Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, một số địa điểm ở thủ đô Hà Nội, tổ chức những cuộc triển lãm cổ vật được công chúng đánh giá cao.

Năm 2002, Hội đã lập ra Tạp chí Cổ vật tinh hoa, được xuất bản định kỳ từ 2 đến 3 tháng/số. Đây là diễn đàn dành cho những người yêu thích cổ ngoạn trao đổi thông tin, nghiệp vụ, giới thiệu, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa cổ vật.

Năm 2009, Hội Sưu tầm, nghiên cứu  cổ vật Thăng Long – Hà Nội đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thành lập Hội đồng tư vấn và giám định cổ vật, góp phần tạo nên sân chơi cổ vật từng bước minh bạch, tạo giá trị chân – thiện – mỹ cho thị trường đồ cổ. Hoạt động này được nhiều Hội cổ vật các địa phương tin tưởng, đánh giá cao. Bên cạnh đó, Hội Sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Thăng Long – Hà Nội còn phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội tổ chức những phiên chợ đồ cũ, những trưng bày cổ vật nhằm tôn vinh giá trị di sản văn hóa Việt Nam.

PGS, TS Đặng Văn Bài phát biểu tại buổi lễ

PGS, TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam chia sẻ tại lễ kỷ niệm: “Sự hoạt động các anh, các chị thì theo quan điểm của tôi là nó góp phần hạn chế đến mức tối đa nỗi đau của chúng ta là “chảy máu cổ vật ra nước ngoài”. Các anh các chị chơi là xây dựng các bộ sưu tập cổ vật và giữ cuộc chơi riêng cho mình, cho bạn bè mình, cách chơi như thế là một cách chúng ta giữ được cổ vật ở trong lòng đất nước chúng ta tốt nhất. Giai đoạn trước, khi chưa có các anh các chị chơi thì những cái gì quý là nó đi ra nước ngoài mất và khi nó đã đi ra nước ngoài rồi thì hồi hương là rất khó. Chính vì thế mà tôi rất cảm động….”.

Sự ra đời của Hội Cổ vật Thăng Long không chỉ đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của người đam mê cổ ngoạn mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc đưa chủ trương xã hội hóa hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc vào cuộc sống tại thời điểm nước nhà chưa có Luật di sản văn hóa. (ban hành năm 2000). Cùng với đó là gìn giữ và nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về hồn cốt văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc.

Một số hình ảnh từ buổi lễ.

Nhà Sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại Lễ Kỷ niệm



(Ảnh: Nguyễn Trang)
Hà Nội, ngày 12/9/2014.
Nguyễn Trang.

Sửa lần cuối 2014-09-13 02:29:26

Bình luận

Bình luận qua Facebook