2017-10-24 00:09:35

Liên hoan phim quốc tế Vác-sa-va lần thứ 33

Từ ngày 13 đến ngày 22.10.2017 trong hai rạp chiếu phim Multikino (Złote Tarasy) và Kinoteka (Cung Văn hóa và Khoa học) ở Vác-sa-va đã diễn ra Liên hoan phim Quốc tế lần thứ 33. Đây là liên hoan phim hàng năm khá nổi tiếng của Ba Lan. Năm nay đã có trên 4500 phim từ 99 quốc gia trên thế giới được gửi đến cho Ban giám khảo lựa chọn, để được trình diễn ở Vác-sa-va cho công chúng thưởng thức. Ban tổ chức đã chọn ra 119 phim dài, 76 phim ngắn của 36 quốc gia để tham gia chương trình. Nhiều phim sẽ có màn khởi chiếu ở Vác-sa-va, vì trước đây chưa được trình diễn cho công chúng xem. Đã có 37 phim được chọn trong chương trình „trình chiếu đặc biệt”. Những phim còn lại được tham gia trành giành những giải thưởng chính.

Ảnh: Đạo diễn Phạm Thị Hồng tại liên hoan phim

Bộ phim „Đảo của dân ngụ cư” (The way station) của đạo diễn trẻ Phạm Thị Hồng Ánh đã được tham gia trong chương trình „trình chiếu đặc biệt” với 3 buổi chiếu trong 3 ngày 20, 21 và 22.10.2017. Nội dung của phim nói về cuộc sống mưu sinh vất vả, rất khó tìm được hạnh phúc và ý nghĩa cuộc đời của người Việt trong những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, trong bối cảnh một xã hội đa văn hóa và đa sắc tộc của Việt Nam. Buổi chiếu nào cũng có rất đông đảo khán giả Ba Lan và cộng đồng người Việt đang sinh sống ở Vác-sa-va đến xem, các phòng chiếu chật kín khán giả. Sau mỗi buổi chiếu đều có cuộc giao lưu trò chuyện với đạo diễn. Khán giả Ba Lan khen phim Việt Nam hay, phong cảnh đẹp và còn tò mò hỏi thêm đạo diễn là phim đã được quay ở thành phố nào của Việt Nam. Ngoài ra người ta không chỉ quan tâm đến nội dung của phim, mà còn quan tâm đến cuộc sống của người Việt Nam ở quốc gia Châu Á xa xôi nhưng rất nhiều lý thú kia. Vậy đã có câu hỏi đạo diễn là phim chủ yếu nói về tình yêu, về quan hệ gia đình hay là đạo diễn muốn đề cập đến tình trạng bạo lực trong các gia đình truyền thống nói riêng (với người đàn ông gia trưởng là trụ cột trong gia đình) và xã hội Việt Nam nói chung. Có khán giả còn hỏi xem đạo diễn đã giữ nguyên hay có quyền thay đổi cách nhìn nhận so với nguyên bản của câu chuyện (cuốn sách đã được xuất bản). Cộng đồng người Việt đang sinh sống ở Ba Lan cũng rất vui mừng là có dịp được xem phim Việt ở nơi đất khách quê người và cũng tự hào là phim được khán giả Ba Lan đánh giá cao.

Kết quả: Giải Grand Prix dành cho phim „Giết chết dưa hấu” (To kill a watermelon) của Trung Quốc, đạo diễn Zehao Gao. Đó là một câu chuyện kể về sự đổi đời của một nông dân nghèo, khi nhặt được tờ giấy bạc do một kẻ giết người kinh khủng đánh rơi.

Phim „The minder” (Người thợ mỏ) do Slovenia/Croatia hợp tác sản xuất, do đạo diễn Hanna Slak được giải khuyến khích.

Giải “đạo diễn tốt nhất” dành cho Joan Chemla với bộ phim Pháp “If you saw his heart”.

Giải “diễn viên tốt nhất” dành cho 2 diễn viên Allen Dizon và Angelie Sanoy với bộ phim của Philipin “The bomb” (đạo diễn Ralston Gonzales Jover).

Giải của công chúng dành cho bộ phim Thụy Điển “Maste Gitt” (Nhật ký kẻ cướp) của đạo diễn Ivica Zubak. Công chúng cũng bình chọn bộ phim ngắn hay nhất cho bộ phim Ba Lan “Giấc mơ Mỹ” của Marek Skrzecz và bộ phim tài liệu hay nhất cho phim AlphaGo của USA.

Giải NETPAC (Network for the promotion of asian cinema) cũng rơi vào tay phim Trung Quốc/Hongkong với tựa đề “Ngoài khung” (Out of Frame) của đạo diễn Wai-lun Kwok.

Ngoài ra BTC còn trao rất nhiều các giải thưởng khác nhau cho đông đủ các thể loại phim và nhiều tiêu chí đánh giá khác nhau, như giải Ekumen, FIPRESCI (Đông Âu), Short Grand Prix, phim tài liệu ngắn, phim thiếu nhi, phim họat họa v.v...

Hy vọng trong những năm tới, khán giả Ba Lan và cộng đồng người Việt đang sinh sống ở Ba Lan không chỉ sẽ còn nhiều dịp để xem những bộ phim Việt Nam khác, mà phim Việt Nam còn có thể được nhận nhiều giải thưởng của các liên hoan phim quốc tế, để tất cả chúng ta cùng được tự hào là điện ảnh Việt Nam đã hội nhập rất tốt và theo kịp mọi trào lưu của thế giới.

Ngô Hoàng Minh

Ảnh: FB Phạm Thị Hồng Ánh và Nguyễn Thế Hải

Sửa lần cuối 2017-10-23 22:27:27

Bình luận

Bình luận qua Facebook