2018-07-26 17:15:52

Kinh Bắc – Cái Nôi của Phật giáo Việt Nam và quê hương của dân ca Quan họ

Cùng bạn đọc: Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan đang chuẩn bị tổ chức ngày Hội văn hóa Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày độc lập Ba Lan (11/11/1918 – 11/11/2018). Nói đến Văn hóa truyền thống của người Việt không thể không nói đến văn hóa tâm linh Phật giáo và kho tàng dân ca của các vùng dân cư Bắc Bộ, trong đó nổi bật là dân ca Quan họ của vùng Kinh Bắc. Nhân dịp này, Xuân Nguyên mong muốn gửi đến bạn đọc những thông tin quý báu, được sưu tầm qua các tài liệu lịch sử và các bài viết của một số tác giả thời hiện đại. Mong rằng những tư liệu quý này sẽ giúp bạn đọc người việt tại Ba Lan và những người bạn của Ba Lan hiểu kỹ thêm những nét văn hóa truyền thống vô giá của chúng ta. (Nếu có điều kiện, Xuân Nguyên sẽ gửi đến bạn đọc bản dịch sang tiếng Ba Lan bài viết này để bạn đọc tham khảo).
   

Liền anh, liền chị Quan họ


Kinh Bắc là một vùng dân cư bao gồm toàn bộ ranh giới hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận như Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn (nay thuộc địa phận Hà Nội), Văn Giang, Văn Lâm (nay thuộc địa phận Hưng Yên và Hữu Lũng (nay thuộc địa phận Lạng Sơn).

Theo các tư liệu lịch sử, tên Kinh Bắc được gọi lần đầu tiên sau khi vua Lê Thánh Tông cho hoạch định bản đồ cả nước thành 13 xứ ( còn gọi là trấn) vào năm 1490. Đến thời vua Gia Long, xứ Kinh Bắc được thu gọn hơn bao gồm 4 phủ (20 huyện) thuộc Bắc thành tổng trấn:
Phủ Bắc Hà gồm 4 huyện: Tân Phúc (Sóc Sơn), Kim Hoa (nay thuộc Mê Linh, Đông Anh của Hà Nội, thị xã Phúc Yên của Vĩnh Phúc), Hiệp Hòa, Việt Yên (Bắc Giang).
Phủ Lạng Giang gồm 6 huyện: Phượng Nhãn (Lạng Giang), Yên Dũng, Bảo Lộc, Yên Thế, Lục Ngạn (đều thuộc Bắc Giang) và Hữu Lũng (thuộc tỉnh Lạng Sơn).
Phủ Thuận An gồm 5 huyện:Gia Lâm (Hà Nội), Siêu Loại (Thuận Thành - Bắc Ninh), Văn Giang, Văn Lâm (Hưng Yên), Gia Bình- Lương Tài (Bắc Ninh).
Phủ Từ Sơn gồm 5 huyện của Bắc Ninh: Đông Ngàn (thị xã Từ Sơn hiện nay), Yên Phong, Tiên Du, Quế Dương, Võ Giàng. (Quế Dương và Võ Giàng nay gộp thành Quế Võ).
Kinh Bắc là nơi ngự trị của 3 Kinh đô cổ của Việt Nam gồm: Cổ Loa, Mê Linh và Long Biên. Nơi đây có những làng cổ như: Cổ Bi, Cổ Loa, Cổ Pháp, Thổ Hà. Nhiều di tích lịch sử lâu đời và có giá trị như: Thành Cổ Loa, đền Sóc, chùa Phật tích, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Vĩnh Nghiêm, đền thờ Hai Bà Trưng, thành Xương Giang vv…Vùng đất linh thiêng này cũng là nơi sinh ra nhiều anh hùng, hào kiệt như đức Thủy tổ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, đức vua Lý Công Uẩn, Nguyên Phi Ỷ Lan, Thái sư triều Lý Lê Văn Thịnh, thượng tổ Quận công Dương Quốc Nghĩa và gần đây là Hùm thiêng Yên Thế Hoàng Hoa Thám. Đây cũng là vùng đất tương truyền nhiều nhân vật huyền thoại như Âu Cơ, Phù Đổng Thiên Vương vv…
Vùng Kinh Bắc được coi là trung tâm kinh tế - chính trị, tôn giáo cổ xưa nhất của người Việt. Từ mấy nghìn năm trước, người Việt cổ đã cư trú và lập làng ở ven sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống. Người cổ Kinh Bắc sống chủ yếu bằng canh tác nông nghiệp kết hợp làm nghề thủ công. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện trên địa bàn Bắc Giang cách đây khoảng hai vạn năm có người thời đại đồ đá khai phá, sinh sống. Điều đó được thể hiện qua các di chỉ Bố Hạ (Yên Thế), Chũ, Cầu Cát (Lục Ngạn), Khe Táu, An Châu (Sơn Động). Người ta cũng tìm thấy con người thời đại đồ đá mới sinh sống trên vùng đất này qua di chỉ Mai Sưu (Lục Nam), thời đại đồ đồng qua di chỉ Đông Lâm (Hiệp Hòa). Còn tại Bắc Ninh, hàng loạt di vật như trống đồng, dao găm, rìu, giáo, tấm che ngực, mảnh giáp bằng đồng với những hoa văn độc đáo được tìm thấy ở các di tích Lãng Ngâm, Đại Trạch, Quả Cảm, Đại Lai. Mảnh khuôn đúc trống đồng trong thành cổ Luy Lâu đã chứng tỏ người xứ Kinh Bắc rất tinh xảo trong nghề đúc đồng, chế tác các đồ trang sức, đồ gốm.
Cùng với xứ Đoài, Kinh Bắc là vùng văn hóa cổ nhất tại Việt Nam. Bắc Ninh và Bắc Giang được coi là trung tâm của xứ Kinh Bắc. Hiện nay trên địa bàn của hai tỉnh này còn tồn tại nhiều lễ hội. Trong đó có những lễ hội lớn như: hội chùa Dâu, Hội Lim, hội đền Đô, hội đền Bà Chúa Kho, hội chùa Vĩnh Nghiêm vv…. Người Kinh Bắc có truyền thống văn hoá, hiếu khách, cần cù và sáng tạo, với những bàn tay khéo léo mang đậm nét dân gian. Kinh Bắc là vùng trăm nghề như tơ tằm, gốm sứ, đúc đồng, trạm bạc, khắc gỗ, làm giấy, vẽ tranh... Dân gian còn lưu truyền khí phách anh hùng và vẻ đẹp của người Kinh Bắc qua câu phương ngôn:
 „Trai Cầu Vồng Yên Thế, gái Nội Duệ Cầu Lim”.
Người Kinh Bắc tự hào có dân ca quan họ và lễ hội Gióng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu thế giới.

Cái Nôi của Phật giáo Việt Nam
Kinh Bắc được gọi là cái Nôi của Phật giáo Việt Nam vì nơi đây đã ra đời và tồn tại những trung tâm văn hóa Phật giáo lớn, cổ xưa nhất là đô thị Luy Lâu, chùa Vĩnh Nghiêm và nhiều chùa chiền khác.

Đô thị Luy Lâu nằm ở vùng Dâu (nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) là thủ phủ của Quận Giao Chỉ từ năm 111 đến 106 TCN và là trung tâm kinh tế, thương mại, cũng là trung tâm văn hóa, tôn giáo lớn của nước Việt Nam thời Bắc thuộc.

Chùa Dâu


Luy Lâu trở thành trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất của nước Việt Nam sau khi hệ thống chùa, tháp được xây dựng dày đặc trong vùng từ năm 187. Trung tâm của hệ thống chùa, tháp này là chùa Dâu. Chùa được khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành vào năm 226. Đầu tiên là các tăng sĩ Ấn Độ trực tiếp đến truyền giáo. Vào cuối thế kỉ 6, các nhà sư Trung Quốc đến chùa này lập nên một phái Thiền ở Việt Nam. Chùa Dâu sớm nổi tiếng và từng được vua nhà Tùy ban tặng viên xá lị quý làm vật báu trấn chùa.

Chùa được xây dựng lại vào năm 1313 và trùng tu nhiều lần qua các thế kỷ tiếp theo. Vua Trần Anh Tông đã sai trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi về kiến thiết lại chùa Dâu thành chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp. Chùa Dâu cùng nhiều nguồn di vật, tài liệu như tượng pháp, bia ký, bản khắc Cổ Châu Pháp Vân vật bán hanh và lễ hội chùa Dâu với các nghi lễ Tân Phật, rước Tứ Pháp, rước nước đã chứng minh Luy Lâu là trung tâm Phật giáo lớn và sớm nhất Việt Nam. Văn hóa Luy Lâu là sự đan xen, biến đổi, hội tụ và kết tinh văn hoá Việt Nam cổ với văn hoá Phật - Ấn, Nam Á và Trung Á, văn hoá Nho Lão (Trung Hoa).

Đến nay, ngoài các giá trị kiến trúc cổ thời Trần, chùa Dâu còn có nhiều tác phẩm nghệ thuật quý, những bức tranh chạm khắc gỗ và các tượng phật nổi tiếng: Pháp Vân, Pháp Vũ, Tam Thanh, Tam Thế, La Hán, Tiên Đồng, Ngọc Nữ, sư tổ Tìniđàlưuchi, Mạc Đĩnh Chi... Pho tượng Ngọc Nữ có kích thước như người thật, mang dáng dấp đời thường là pho tượng đẹp đặc biệt. Chùa Dâu được Nhà nước Việt Nam xếp hạng di tích lịch sử ngày 28 tháng 4  năm 1962.

Chùa Vĩnh Nghiêm


Chùa Vĩnh Nghiêm ở làng Đức La xã Trí Yên huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang, còn được gọi là chùa Đức La, là một trung tâm Phật giáo, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước, nơi phát tích Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam

Tương truyền chùa Vĩnh Nghiêm có từ đầu thời Lý Thái Tổ (1010-1028), tên chữ là Vĩnh Nghiêm Tự. Thời vua Trần Thánh Tông (1258-1278) đều có các vị cao tăng tu hành nên được tu tạo nguy nga, tráng lệ. Khi vua Trần Nhân Tông (1258-1308) từ bỏ ngôi vua thành người tu hành, người đã đến chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Ngoạ Vân (Yên Tử) thụ giới, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Hương Vân (tức Trần Nhân Tông) cùng hai đệ tử là Pháp Loa và Huyền Quang (được gọi là Tam Tổ) đã sáng lập, hoàn chỉnh phái Thiền tông Trúc Lâm Việt Nam. Sau khi Hương Vân viên tịch và được dâng tôn hiệu là Trúc Lâm đệ nhất tổ, Pháp Loa về chùa Vĩnh Nghiêm trụ trì, xây dựng nơi đây thành trung tâm Phật giáo, đào tạo Tăng đồ và xếp đặt Tăng chức, chỉ đạo các chùa trong cả nước. Pháp Loa cho đúc 1.300 pho tượng, đặc trách định Tăng đồ. Nơi đây đã có hơn 15.000 tăng ni, đệ tử đến tu tập, trong đó có hơn 3.000 đắc pháp, mở 200 sở đường… Ông cũng cho soạn lại các sách "Đoạn Sách Lục, Tham Thiền, Yếu Chỉ". Năm 1330, Pháp Loa giao lại cho Huyền Quang làm trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm. Huyền Quang đã soạn các bộ sách lớn: Chư Phẩm Kinh, Công Văn Tập, cho in kinh Phật, phân phát cho người nghèo. Cả ba vị Tam Tổ Trúc Lâm: Hương Vân (Đệ nhất Tổ), Pháp Loa (Đệ nhị Tổ) và Huyền Quang (Đệ tam Tổ) đều lấy chùa Vĩnh Nghiêm làm trung tâm giảng đạo. Hiện nay, trong nhà Tổ đệ nhất còn đủ ba tượng Trúc Lâm Tam tổ: trong khám là tượng Hương Vân Trần Nhân Tông, bên ngoài là tượng Pháp Loa và tượng Huyền Quang. Chùa Vĩnh Nghiêm được lưu danh là đất tổ của đạo Phật thời Trần, đào tạo rất nhiều Tăng đồ.
Tại chùa Vĩnh Nghiêm đang còn lưu giữ một tài sản quý hiếm đặc biệt, đó là kho mộc bản nguyên gốc dùng để In các bộ kinh, sách, luật giới nhà Phật.
Chùa Vĩnh Nghiêm xưa không chỉ là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo mà còn là nơi lưu trữ các bộ ván kinh (sách kinh khắc trên gỗ) rộng tới 10 gian nhà. Đó là những bộ ván kinh có từ 700 năm nay, là kho sách cổ vô cùng quý giá. Kho ván khắc in, người xưa gọi là mộc thư khố là hiện vật minh chứng chùa Vĩnh Nghiêm từng thống lãnh 72 chốn tùng lâm. Hiện nay, kho mộc thư còn lưu giữ được 34 đầu sách với gần 3000 bản khắc, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) chứa khoảng 2000 chữ Nôm, chữ Hán. Đó là những bản khắc có niên đại sớm nhất, chữ chuẩn đẹp nhất và đạt đến độ tinh xảo, trong số mộc thư còn lưu giữ được ở Việt Nam. Các bản mộc thư chủ yếu ghi chép kinh luật nhà Phật, lịch sử hình thành và phát triển thiền phái Trúc Lâm, trước tác của 3 vị tổ thiền phái là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang; ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú, nhật ký của Mạc Đĩnh Chi và một số vị cao tăng. Nghiên cứu mộc thư khố, chúng ta có lượng thông tin phong phú, đa dạng về lịch sử Phật giáo, tư tưởng hành đạo, nhập thế của thiền phái Trúc Lâm, văn học, phong tục tập quán cùng sự phát triển của nghề khắc in mộc thư và nghệ thuật chạm khắc gỗ của Việt Nam.
Với các giá trị khoa học, lịch sử đặc sắc, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năm 2012.
Ngoài hai chùa kể trên, xứ Kinh Bắc còn nổi tiếng với những ngôi chùa được xây dưng từ thời nhà Lý, nhà Trần như:  Chùa Cổ Lũng, chùa Phật Tích, chùa Bổ Đà, chùa Bút Tháp vv…

Dân ca Quan họ
Bản sắc văn hóa đặc trưng của Kinh Bắc là dân ca Quan ho, một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam. Nó được hình thành và phát triển ở vùng văn hóa Kinh Bắc xưa, chủ yếu tại các làng hai bên bờ sông Cầu, ranh giới hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay. Do vậy, dòng sông Cầu còn được gọi là "dòng sông quan họ".
Năm 2016, có 67 làng quan họ được đưa vào danh sách bảo tồn và phát triển di sản văn hóa. Tỉnh Bắc Giang có 23 làng, Bắc Ninh có 44 làng. Các làng quan họ Kinh Bắc nằm ở các huyện Yên Phong, Từ Sơn, Tiên Du, thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh), còn gọi là Quan họ bờ Nam sông Cầu và các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa (Bắc Giang), còn gọi là Quan họ bờ Bắc sông Cầu.
Danh sách 67 làng Quan họ tồn tại và phân bố như sau:
Thành phố Bắc Ninh có 31 làng: Cổ Mễ, Phúc Sơn, Thanh Sơn (phường Vũ Ninh); Viêm Xá (Diềm), Hữu Chấp (Chắp), Đẩu Hàn (Đô Hàn), Xuân Ái (Sói), Xuân Đồng (Đồng Mật), Xuân Viên (Vườn Xuân) (xã Hoà Long); Thượng Đồng (Lẫm), Đông Xá (Đặng), Thọ Ninh (Thụ), (xã Vạn An). Khúc Toại (Chọi), Trà Xuyên (Trà) (xã Khúc Xuyên); Châm Khê (Bùi), Điều Thôn (Đào Xá), Dương ổ (Đống Cao) (xã Phong Khê); Xuân Ổ (Ó), Khả Lễ (Sẻ), Hoà Đình (Nhồi), Bồ Sơn (Bò) (xã Võ Cường); Đỗ Xá (Đọ) (phường Ninh Xá); Niềm Xá (Niềm), Yên Mẫn (Yên Giữa), Thị Chung (Yên Chợ), Y Na (Nưa) (phường Kinh Bắc); Vệ An (Vệ) (phường Vệ An); Thị Cầu (phường Thị Cầu); Ném Đoài, Ném Sơn (Hồ Sơn), Ném Tiền (Niệm Tiền) (xã Khắc Niệm)
Huyện Việt Yên (Bắc Giang) có 19 làng: Trung Đồng, Vân Cốc (xã Vân Trung); Thổ Hà (xã Vân Hà); Mật Ninh, Đình Cả, Khả Lý Thượng (xã Quảng Minh); Núi Hiểu, Quang Biểu, Tam Tầng (xã Quang Châu); Hữu Nghi, Giá Sơn, Mai Vũ, Nội Ninh (xã Ninh Sơn); Đông Long, Sen Hồ, Yên Ninh (Nếnh); Thần Chúc, Tiên Lát Thượng, Tiên Lát Hạ, (xã Tiên Sơn).
Tiên Du (Bắc Ninh) có 9 làng: Duệ Ðông, Lũng Giang, Lũng Sơn (thị trấn Lim); Ngang Nội, Vân Khám (xã Hiên Vân); Bái Uyên (Bưởi), Hoài Thị (Bựu Sim) Hoài Trung (Bựu Giữa) (xã Liên Bão); Hạ Giang, Đình Cả(Nội Duệ)
Huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) có 2 làng: Xuân Thành và Ngọ Xá (xã Châu Minh).
Huyện Yên Dũng (Bắc Giang) có 2 làng: Yên Hà và Yên Thịnh (xã Yên Lư).
Huyện Yên Phong (Bắc Ninh) có 2 làng: Đông Mơi (Đông Mai) (xã Trung Nghĩa) và Làng Đông Yên (Đông Khang) (xã Đông Phong).
Thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) có 2 làng: Tam Sơn (xã Tam Sơn) và Tiêu Sơn (xã Tương Giang).
Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam. Mỗi một bài quan họ đều có giai điệu riêng. Cho đến nay, đã có ít nhất 300 bài quan họ đã được ký âm.
Quan họ ngày xưa là lối hát giao duyên (hát đối) giữa "liền anh" ( người nam giới hát quan họ) và "liền chị" (người phụ nữ hát quan họ). Hình thức sinh hoạt của các buổi „giao duyên” thường theo nghi thức các phường Quan họ tìm nhau kết họ rồi tổ chức giao lưu. Lối sử dụng từ ngữ trong các câu hát đối nhau về nghĩa và âm điệu, là những điều thường thấy trong sinh hoạt văn hóa đối đáp dân gian. Do có những thủ tục kết họ ban đầu nên các anh hai, chị hai suốt đời chỉ là bạn, không thể kết thành duyên vợ chồng,
Quan họ truyền thống không có nhạc đệm và chủ yếu hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân thu nhị kỳ ở các làng quê. Trong quan họ truyền thống, đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh. Còn khi hát cả bọn (nhóm) thì cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc, mừng, hát thờ.
Hát quan họ truyền thống còn được gọi là "Chơi quan họ". "Chơi quan họ" của các liền anh, liền chị ngày xưa không có khán giả, người trình diễn đồng thời là người thưởng thức (thưởng thức "cái tình" của bạn hát). Nhiều bài quan họ truyền thống vẫn được các liền anh, liền chị "chơi quan họ" ưa thích đến tận ngày nay như: Hừ La,La rằng, Tình tang, Bạn kim lan, Cái ả, Cây gạo.
Ngày nay, quan họ mới được gọi là "hát Quan họ", là hình thức biểu diễn (hát) quan họ chủ yếu trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng như Tết đầu xuân, lễ hội, hoạt động du lịch, nhà hàng,... Thực tế, quan họ mới được trình diễn vào bất kỳ ngày nào trong năm. Các băng đĩa CD, DVD về quan họ ngày nay đều là hình thức quan họ biểu diễn trên sân khấu. Quan họ mới luôn có khán thính giả, người hát trao đổi tình cảm với khán thính giả chứ không còn là tình cảm giữa bạn hát với nhau. Quan họ mới không còn nằm ở không gian làng xã mà đã vươn ra ở nhiều nơi, đến với nhiều thính giả ở các quốc gia trên thế giới.
Quan họ mới có hình thức biểu diễn phong phú hơn quan họ truyền thống, bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa... Quan họ mới cải biên các bài bản truyền thống theo hai cách: không có ý thức và có ý thức. Dù ít hay nhiều nhưng hình thức hát quan họ có nhạc đệm được coi là cách cải biên không có ý thức. Đa số các bài quan họ mới thuộc dạng cải biên này. Cải biên có ý thức là những bài bản đã cải biên cả nhạc và lời của bài bản quan họ truyền thống. Loại cải biên này không nhiều, ví dụ bài "Người ở đừng về" là cải biên từ làn điệu "Chuông vàng gác cửa tam quan" (Xuân Tứ cải biên).
Nét độc đáo trong hát quan họ không thể không nói đến là trang phục của các liền anh, liền chị. Trước đây, liền anh mặc áo dài 5 thân, cổ đứng, dài đến đầu gối. Áo dài bên ngoài thường màu đen, chất liệu là vải the. Quần của liền anh thường là quần dài tới mắt cá chân, ống rộng, màu trắng, chất liệu bằng diềm bâu hoặc vải phin. Trên đầu, các liền anh đội nhiễu quấn hoặc khăn xếp. Cùng với quần áo, khăn xếp, dép các liền anh thường có thêm nón chóp hoặc ô màu đen. Các phụ kiện khác là khăn tay (bằng lụa hoặc vải trắng), lược.
Trang phục liền chị thường thấy là "áo mớ ba mớ bảy", nghĩa là liền chị có thể mặc ba áo dài lồng vào nhau (mớ ba) hoặc bảy áo dài lồng vào nhau (mớ bảy). Tuy nhiên trong thực tế, các liền chị thường mặc áo mớ ba. Về cơ bản trang phục bao gồm các thành phần: Trong cùng là một chiếc yếm có màu rực rỡ thường làm bằng lụa truội nhuộm. Bên ngoài yếm là một chiếc áo cánh màu trắng, vàng, ngà. Ngoài cùng là những lượt áo dài năm thân, cách phối màu cũng tương tự như ở bộ trang phục nam nhưng màu sắc tươi hơn. Áo dài ngoài thường mang màu nền nã như màu nâu già, nâu non, màu đen, màu cánh gián trong khi áo dài trong thường nhuộm màu khác nhau: màu cánh sen, màu hoa hiên, màu thiên thanh, màu hồ thuỷ, màu vàng chanh, màu vàng cốm v.v. Áo cánh mặc trong có thể thay bằng vải phin trắng, lụa mỡ gà. Yếm thường nhuộm màu đỏ (xưa gọi là yếm thắm), vàng thư (hoa hiên), xanh da trời (thiên thanh), hồng nhạt (cánh sen), hồ thủy (xanh biển)... Giải yếm to buông ngoài lưng áo và giải yếm thắt vòng quanh eo rồi thắt múi phía trước cùng với bao và thắt lưng. Bao của các cô gái quan họ xưa thường sử dụng chất liệu sồi se, màu đen, có tua bện ở hai đầu bao, khổ rộng, có thể đựng túi tiền mỏng ở trong bao rồi thắt gọn ngang eo, luồn qua lưng áo dài, bó chặt lấy ba thân áo trước, thắt múi to để che phía trước bụng. Liền chị mặc váy sồi, váy lụa, đôi khi có người mặc váy kép với váy trong bằng lụa, vải màu, lương, the, đoạn; váy ngoài bằng the, lụa, màu đen. Liền chị mang dép cong làm bằng da trâu, mũi dép uốn cong che giấu đầu các ngón chân. Ngoài áo, quần, thắt lưng, dép, liền chị còn chít khăn mỏ quạ, đội nón quai thao, và thắt lưng đeo dây xà tích.
Văn hoá quan họ thể hiện cách ứng xử khéo léo, tế nhị, kín đáo, chân tình, nồng thắm  và mang đầy ý nghĩa như lời các làn điệu mời nước, mời trầu.
Nói đến quan họ cũng là nói đến cách ứng xử của người dân Kinh Bắc:
 "Mỗi khi khách đến chơi nhà, đốt than quạt nước pha trà mời người xơi,
 trà này quý lắm người ơi, mỗi người một chén cho tôi vui lòng"...

Người Kinh Bắc luôn tự hào về lịch sử oai hùng và những nét văn hóa nổi tiếng của mình.Ngày nay, do sự phát triển và đổi mới của kinh tế và xã hội, Kinh Bắc được tách ra thành nhiều tỉnh để phù hợp với điều kiện sản xuất. Tuy nhiên, người Kinh Bắc vẫn coi mình như anh em cùng sinh ra ở một miền quê. Miền quê ấy mang đậm tình người và những khúc hát dân ca Quan họ. Cho dù đi đâu, ở đâu, người Kinh Bắc vẫn về với nhau trong những ngày lễ hội, để rồi lại chia tay trong bao nỗi nhớ nhung: „Người ơi, người ở đừng về”…


Vác-sa-va, 07/2018
Xuân Nguyên
Sửa lần cuối 2018-07-26 14:42:02

Bình luận

Bình luận qua Facebook