2016-01-18 20:44:28

Việt Nam gửi công thư đề nghị Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế sửa bản đồ về đá Chữ Thập

                     Đảo đá Chữ Thập - Ảnh: Reuters

Ngày 15/1/2016, phía Việt Nam cho biết Cục Hàng không (ngày 6 và ngày 8/1) đã có các công thư gửi Văn phòng đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) tại Bangkok, liên quan đến các bản đồ về Vùng thông báo bay (FIR) Tam Á đăng trên trang mạng chính thức của ICAO ghi dòng chữ tiếng Trung "thành phố Tam Sa – Trung Quốc" và có biểu tượng sân bay trên bãi đá Chữ Thập với dòng chữ tiếng Anh "Sân bay Vĩnh Thử - Tam Sa". Phía Việt Nam khẳng định rõ chủ quyền của mình, lưu ý việc Trung Quốc mở đường bay ra đá Chữ Thập đã vi phạm các quy định của ICAO về an toàn hàng không; đồng thời đề nghị ICAO chỉnh sửa lại bản đồ hàng không về FIR Tam Á cho phù hợp và phải có biện pháp trước việc các quốc gia không thực hiện những hoạt động bay uy hiếp an toàn đến hoạt động hàng không quốc tế.

Liên quan tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc vào hồi 17h46 ngày 28 tháng 12 năm 2015, Trung tâm bay hiệu chuẩn của Cục Hàng không dân dụng (HKDD) Trung Quốc đã thông báo cho FIR Hồ Chí Minh về kế hoạch bay, đường bay và các thông tin kỹ thuật khác liên quan đến hoạt động của tàu bay Trung Quốc, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục khẳng định không nhận được bất cứ thông báo nào của Trung Quốc, mặc dù đã liên  tục tổ chức kiểm tra công văn, điện văn, fax, e-mail, điện tín tại tất cả các cơ quan, đơn vị có địa chỉ liên quan đã được công bố trong Tập thông báo tin tức hàng không Việt Nam (AIP) và liên lạc trực thoại của các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam. Khẳng định hoạt động của tàu bay Trung Quốc vừa qua đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vi phạm các qui định, qui tắc an toàn bay theo Công ước Chi-ca-gô về hàng không dân dụng quốc tế năm 1944 và các Phụ ước có liên quan.

Cùng với Thư thông báo gửi đến ICAO, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi Thư thông báo đến Nhà chức trách hàng không của các quốc gia thành viên ICAO, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Liên đoàn quốc tế các hiệp hội người lái tàu bay (IFALPA), Tổ chức các Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay quốc tế (CANSO), Liên đoàn quốc tế các hiệp hội kiểm soát viên không lưu (IFATCA), Hiệp hội các Nhà khai thác hàng không tại Việt Nam (AOC), hơn 100 hãng hàng không quốc tế có các chuyến bay thường lệ trong Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh, đề nghị phối hợp phản đối hoạt động bay của tàu bay Trung Quốc đã uy hiếp an toàn hàng không.

Liên tiếp từ ngày 1-8/1/2016, một số tàu bay Trung Quốc đã tiến hành những hoạt động bay vi phạm các quy định và quy tắc của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) liên quan đến hoạt động bay trong vùng trời có kiểm soát trong Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh mà ICAO giao cho Việt Nam quản lý. Theo lưu trữ radar của Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh, các tàu bay của Trung Quốc đã bay cắt ngang các đường hàng không L625, N892 (có mực bay được quy định từ FL135 đến FL460, tức là mực bay từ độ cao khoảng 4.000 m, đến độ cao khoảng 13.800 m), M771 (có mực bay được quy định từ FL250 đến FL460, tức là mực bay từ độ cao khoảng 7.500 m đến độ cao khoảng 13.800m); đã bay từ mực bay FL180 đến FL265 (tức là mực bay từ độ cao khoảng 5.400 m đến độ cao khoảng 8.000 m, có trường hợp đã bay lên đến độ cao 10.000m), cao hơn mực bay tối thiểu của các đường hàng không nêu trên.

Trước đó vào ngày 14/1, Liên Hợp Quốc cũng đã cho lưu hành 02 công hàm của Việt Nam như tài liệu chính thức của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 70, nội dung phản đối hành động bay phi pháp của Trung Quốc tại Trường Sa. Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ đã đề nghị Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho lưu hành các tài liệu này, là những công hàm mà phía Việt Nam đã trao cho Trung Quốc để phản đối hoạt động bay của Trung Quốc ra đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, khẳng định rõ việc vi phạm chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định cũng như an toàn, an ninh hàng không trong khu vực Biển Đông.

QV

Theo các nguồn tin trong nước.

Sửa lần cuối 2016-01-19 05:03:23
  • Hùng Hùng Biển Đông đang là vấn đề nóng, cả trong và ngoài nước đồng bào ai cũng muốn lên tiếng để bảo vệ chủ quyền, lên án các hành động chiếm đóng trái phép và quân sự hóa các đảo này của Trung Quốc làm tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng. Là độc giả của báo, cũng là người dân trong nước, tôi rất mong được đưa tiếng nói của mình qua những bài viết để góp phần bảo vệ đất nước. Nếu có thể mong bạn gửi qua gmail cho tôi nhé. Chân thành cảm ơn, mong nhận được sự đoàn kết. 2016-05-31 03:44:28

Bình luận

Bình luận qua Facebook