2017-05-20 06:33:30

Giao thông đường thủy ở Hà Nội, tại sao không?

Bản đồ giao thông TP. Hà Nội hiện nay. Nguồn internet

     Đến Venice (Ý), du khách và người dân có thể lên các phương tiện giao thông đường thủy công cộng hoặc tư nhân, để đi đến hầu hết các ngóc ngách, ngõ hẻm trong thành phố. Đến Amsterdam, mọi người cũng có thể tham gia các tuyến giao thông đường thủy nội đô đầy thơ mộng. Và, rất nhiều thành phố khác trên thế giới đều vận dụng, phát huy hệ thống sông ngòi để mở các tuyến giao thông đường thủy, vừa phục vụ du khách, vừa là thêm một giải pháp cho bài toán giao thông đô thị. Giao thông đường thủy còn góp phần làm đẹp thành phố, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sông hồ và cảnh quan nội đô.

Bản đồ quy hoạch giao thông TP. Hà Nội đến năm 2020. Nguồn internet

Với Hà Nội hiện nay, để giải bài toán khó về nạn ùn tắc giao thông, dĩ nhiên phải xem xét đồng bộ tất cả các giải pháp cơ bản như: Giảm áp lực dân số trong nội đô; Phát triển hệ thống giao thông công cộng tiện lợi và hiệu quả; Điều chỉnh quy hoạch giao thông cho hợp lý hơn; Hình thành các hệ thống giao thông cao tốc dưới ngầm, trên cao hay xe buýt nhanh, tàu điện,…; Gia tăng tỷ lệ diện tích nội đô dành cho giao thông; Nâng cao ý thức của người tham gia giao thông;… Tuy nhiên, với tình hình thực tế như hiện tại, các giải pháp trên đây vẫn là chưa đủ và/hoặc gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém.

Một giải pháp khác nên được xem xét nghiêm túc là khai thác các tiềm năng hạ tầng giao thông còn “ngủ quên” của thành phố. Nhất là trong tầm nhìn quy hoạch đến năm 2030. Hiện nay, có 2 tiềm năng hạ tầng giao thông hầu như chưa được phát huy ở Hà Nội. Một là tiềm năng giao thông trên lề đường, dành cho người đi bộ và đi xe đạp. Hai là tiềm năng giao thông đường thủy nội đô. Do đặc thù độ ẩm cao khiến người đi bộ chóng ra mồ hôi, mệt mỏi. Hơn nữa, thành phố vẫn còn ít cây xanh và nhiều bụi bặm. Cho nên, chưa khuyến khích được người dân tham gia giao thông bằng bộ hành. Trong khi đó, ở nhiều nơi trên thế giới, đi bộ và đi xe đạp đang được xem như một xu hướng của văn minh đô thị. Bởi thế, nếu được nghiên cứu kỹ, thiết kế hệ thống các cung giao thông đường thủy nội đô phối hợp với các cung đường bộ hành và đấu nối với các trạm giao thông công cộng khác một cách hợp lý, chắc chắn đây cũng sẽ là một “lời giải” khả thi cho bài toán ùn tắc giao thông của Hà Nội, cũng như nhiều thành phố khác ở nước ta.

Hệ thống sông ngòi Hà Nội

Hà Nội nằm trong lưu vực sông Hồng, có các con sông sau đây chảy qua:

- Sông Hồng: Là nguồn cung cấp nước chính cho thành phố, chảy qua địa phận thành phố với chiều dài là 118km.

- Sông Đà : Đoạn qua Hà Nội có chiều dài khoảng 35 km từ xã Khánh Thượng đến ngã 3 Trung Hà thuộc huyện Ba Vì.

- Sông Đuống: là một phân lưu của sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội có chiều dài là 22 km.

- Sông Cà Lồ chảy qua các huyện Mê Linh, Đông Anh và Sóc Sơn có chiều dài là 42km.

- Sông Cầu chảy qua địa phận Hà Nội có chiều dài là 11km.

- Sông Công chảy qua địa bàn huyện Sóc Sơn với chiều dài 9km.

- Sông Nhuệ là một phân lưu của sông Hồng. Sông Nhuệ có diện tích lưu vực 1.070 km2, chiều dài từ Liên Mạc đến Lương Cổ là 74 km.

- Sông Đáy là phân lưu của sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội dài khoảng 88km từ Hát Môn đến Đục Khê, lòng sông hẹp và nông do bồi lắng, sông có bãi rộng.

- Sông Tích dài 69km chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam và nhập với sông Bùi tại Tân Trượng.

- Sông Bùi bắt nguồn từ huyện Lương Sơn (Hòa Bình) nhập với sông Tích tại Tân Trượng và đổ ra sông Đáy tại Ba Thá.

- Sông Mỹ Hà từ ngã ba Cầu Dậm đến Đục Khê, dài 12,7km.


Bến tàu và  các phương tiện giao thông đường thủy tấp nập ở Venice, Ý


Hệ thống giao thông đường thủy ở Amsterdam


Nguyễn Thức Tuấn (NCS tại Ba Lan)

Sửa lần cuối 2017-05-20 04:43:01

Bình luận

Bình luận qua Facebook