2014-11-20 17:18:02

Những ngày Tết thầy cô khó quên

Để có tấm ảnh chụp chung với cô giáo, cô trò nhỏ nhặt từng viên than kiếm 5.000 đồng. Tấm ảnh nay ố vàng nhưng vẫn nhìn rõ một cô bé áo hoa bám vào tay cô chủ nhiệm.

Trong tâm thức của chị Minh Huệ, 32 tuổi, kế toán ở Hà Nội, ngày Nhà giáo Việt đánh dấu một mùa đông bắt đầu. Ngày này 20 năm trước trời nắng nhẹ, gió heo may, cái lạnh vừa tới. Chị Huệ lục trong đống đồ chiếc áo bông đẹp nhất, dù đã mặc qua vài mùa đông, để đi chúc tết thầy cô.

Từ chiều 19 Huệ đã đi khắp xóm xin hoa hồng, hoa cúc. Những bông hồng bát, màu nhung đỏ, thơm ngọt ngào, có bông nở bung, bông còn chớm nụ. Hoa sẽ góp cùng các bạn trong lớp để dâng tặng thầy cô, bên cạnh một cuốn sổ giáo áo, một chiếc nón trắng hoặc cây bút mực tàu. 

"20/11 là ngày hội của đám học sinh, nô nức từ sáng sớm, tối muộn mới về.Tặng cô thì ít mà phá phách, ăn đồ của nhà cô thì nhiều. Dù thế đứa nào cũng biết hôm nay là ngày tri ân các thầy cô, một ngày kết nối, gần gũi tình thầy - trò", chị nói.

Có một năm lớp chị nảy ra ý tưởng chụp ảnh kỷ niệm với cô giáo, mỗi bạn phải góp 5.000 đồng. Nhà đông con, bố mẹ không có tiền để cho. Cô bé 12 tuổi nhanh trí nghĩ đến việc nhặt than hoa bán cho các bà đẻ ủ ấm. Trong một tháng trời cô bé hì hụi canh củi cháy, được viên than nào là gắp bỏ xì xèo vào nước. Trước ngày nhà giáo, Huệ đã gom được một bì than to gấp đôi người và sung sướng cầm 5.000 đồng tiền công. 20 năm rồi chị vẫn giữ bức ảnh lớp đen trắng đó.

image-thumb-ndt1415675780-1877-141640828

Dịp 20/11, các trường học thường tổ chức các cuộc thi văn nghệ, báo tường chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam để tri ân các thầy, các cô. Ảnh minh họa.

Với Minh Phương, học sinh trường chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), tết thầy cô là dịp được đi chơi hợp pháp của đám học trò. Nhưng ngày này năm lớp 12 lại không như vậy, cả lớp 45 người đều chung tâm trạng ảm đạm. Thầy chủ nhiệm bị ốm nặng, lớp đối mặt với nguy cơ đón một giáo viên chủ nhiệm mới.

Sáng 20/11, cả lớp đến thăm thầy. Nhà thầy đóng kín cổng, tĩnh lặng. Phương với một bạn nam khác - hai đầu đinh duy nhất của lớp - mạnh dạn gọi vào nhà. Vợ thầy bước ra nói cảm ơn, nói sức khỏe thầy yếu cần phải nghỉ ngơi. Lớp Phương chưng hửng, rục rịch dắt xe ra về thì chợt có tiếng thầy vọng ra "Vào đây xem nào. Đến thăm thầy mà cứ thụt thò thế".

Thầy đã ngồi ra bàn, người ốm yếu mà vẫn tự mình rót nước, pha trà thơm ngon cho đám học trò. Lớp mang theo hoa, thầy nhận, còn kẹo bánh, đường sữa chia nhau liên hoan luôn.

"Thầy tôi dạy Văn, tính rất lãng mạn. Hôm đó tôi làm bài thơ nhỏ, có 4 câu tặng thầy. Đại thể mấy câu có ý dìm hàng. Thầy nghe xong chỉ cười hà hà, vỗ đầu tôi nói 'cái thằng quỷ này'. Rất may mấy tuần sau thầy khỏi ốm, tiếp tục chủ nhiệm lớp tôi", Phương kể.

Với thế hệ học sinh 8X như Phương, thời đó quà tặng thầy cô thường là bức tranh Hồ Chủ tịch, cuốn giáo án, tượng gốm, cây bút, chiếc nón trắng... Từ khi vào đại học, đi làm, Phương thường dành thời gian để chọn một, hai cuốn sách hay tặng thầy giáo của mình và không quên kèm một tấm thiệp mà cậu cả đêm vắt óc nghĩ lời chúc độc đáo.

a6-5271-1384844030-3377-1416408284.jpg

Tình thầy - trò ngày xưa không màng vật chất. Thầy chuyên tâm "chở đò" - trò "một dạ, hai vâng". Ảnh minh họa.

Ông Hoàng Ngọc Báu - một bác sĩ thú y có tiếng ở Hà Nội - chia sẻ thời ông đi học chưa có ngày 20/11. Tuy nhiên thời đó rất đề cao đạo lý "tôn sư trọng đạo", học sinh một dạ, hai vâng với thầy cô và những người chèo đò tận tụy với nghề, không phân biệt trò giỏi, trò dốt.

Ngày đi học ông Báu thuộc dạng học sinh cá biệt mà vẫn được cô chủ nhiệm yêu quý. Năm cấp 3 lực học của ông rất kém, cô chủ nhiệm đành phải cho ông học lại một năm. Bị đúp ông Báu mới thấy mình cần phải cố gắng học tập, từ đó học rất tốt tất cả các môn, nhất là văn và ngoại ngữ. Năm cuối cấp 3 ông đi thi Văn toàn miền Bắc được giải nhất.

"Cuộc đời tôi đã có một ngã rẽ thành công nhờ được cô giáo cho học lại", ông nói. Ông Báu luôn ghi tạc trong lòng ân nghĩa của thầy cô. Năm 1982, lần đầu tiên Việt Nam có Ngày hiến chương các thầy cô giáo, ông lại có thêm một dịp đến thăm cô giáo mình. 

"Tôi thấy mình may mắn vì bao nhiêu năm nay luôn có một người thầy để nhớ. Nhiều người học xong là quên hết thầy cô hoặc trong ngày này chạnh lòng vì không có một người thầy thân thiết nào để cảm ơn dạy dỗ", ông Báu bày tỏ.

Trên trang Facebook của mình, cô Phan Hồ Điệp, giảng viên Đại học sư phạm I chia sẻ có hai món quà cô không thể quên trong ngày 20/11. "Một là chú chó nhỏ, mẹ một em học sinh mang đến tặng mình vì nhà có ổ chó con vừa nở. Mình thích món quà này lắm... Món quà thứ hai là bức tranh khắc trên đá có hình của mình và học trò lớp 4. Sau nhiều năm không gặp, các em vẫn giữ tấm hình ấy và khắc lên đá, như một lời hứa sắt son, chúng em sẽ ở mãi bên cô", cô Điệp viết.

Người giảng viên có nhiều thế hệ học trò thân thiết chia sẻ, ngày này người ta cứ nói nhiều về việc tặng quà cho thầy cô, là hoa, phong bì hay hiện vật. Với cô là gì cũng được miễn người tặng gói ghém trong đó một tấm lòng. 

"Sợ nhất là khi cô còn chưa tan lớp, phụ huynh chạy nhào đến, giúi vội vàng cho cô cái phong bì. Sợ nhất là trước cổng trường đông, phụ huynh lao đến, nhét vào tay cô cái bưu thiếp... Phải chăng chúng ta đã quá quen nhìn vào, quen nói về những điều xấu mà quên đi những cái tốt vẫn đang có, đang hiện hữu hàng ngày. Xin hãy giữ cho những người làm nghề chút bâng khuâng, xao xuyến mỗi dịp 20/11. Xin hãy trả cho ngày 20/11 từ 'tri ân' đúng nghĩa của nó", cô Điệp bộc bạch.

Quà tặng thầy cô dù thời xưa là bông hoa, cuốn giáo án hay thời nay là phong bì, hàng hiệu... cũng luôn có một ý nghĩa nào đó nhưng quan trọng hơn phải có tấm lòng học trò với người thầy của mình ở đó. Người tặng ngày nay dường như quên mất ý nghĩa này khiến tri ân chỉ là hình thức.

Có một nghề bụi phấn bám đầy tay/ Người ta gọi Là nghề trong sạch nhất/ Có một nghề không trồng cây vào đất/ Lại cho đời muôn vạn đóa hoa thơm...

Theo Phan Dương (VnExpress)

Sửa lần cuối 2014-11-20 16:19:53

Bình luận

Bình luận qua Facebook