2021-07-21 13:26:16

Cuộc chạy đua vũ trụ của các tỷ phú

Nhiều người mơ được nhìn thấy Trái đất từ ​​không gian. Ba tỷ phú đã tham gia vào một cuộc đua để biến điều này thành hiện thực. Aleksandra Bukała, Giám đốc Phòng Chiến lược và Hợp tác quốc tế của Cơ quan Vũ trụ Ba Lan (POLSA) sẽ cho chúng ta biết rõ hơn về cuộc đua này.

Trong 10 đến 15 năm qua, lĩnh vực vũ trụ ngày càng được nhiều người quan tâm. Đầu tiên là phân khúc thể chế, tức là không gian truyền thống và các cơ quan nhà nước đã có những chương trình lớn mà cho đến nay vẫn thu hút được sự chú ý của công chúng. Nhưng bây giờ bạn có thể thấy sự gia tăng quan tâm từ các công ty tư nhân.

Khác với NASA, các công ty tư nhân đưa ra các quyết định hoạt động ở quỹ đạo thấp của Trái đất, tức là đưa những tàu vũ trụ lên vài trăm kilomet trên bề mặt trái đất. Để so sánh, mặt trăng cách mặt đất 384 nghìn km, vì vậy quy mô hoạt động và các công nghệ được sử dụng của các công ty tư nhân hoàn toàn khác với trước đây.

Các tỷ phú tập trung vào tiềm năng du lịch của các chuyến bay, vì có lẽ hầu hết chúng ta đều mơ ước có thể nhìn trái đất từ ​​không gian ít nhất một lần và xem nó trông như thế nào từ khoảng cách xa như vậy. Chúng ta cũng muốn biết bầu khí quyển của chúng ta loãng ra sao và nó như thế nào, muốn ngắm bình minh và hoàng hôn 19 lần một ngày. Ngay cả những phút ở trong không gian cũng cực ki hấp dẫn và nhiều người sẵn sàng trả giá cao để có được trải nghiệm như vậy.

Mặc dù cả ba tỷ phú đều đặt ra những mục tiêu giống nhau, nhưng cách tiếp cận của họ đối với công nghệ bay vào vũ trụ là khác nhau. Musk và Bezos có cách tiếp cận khá cổ điển đối với các chuyến bay có người lái. Họ sử dụng một khoang tầu cho việc này, và đây là một ý tưởng biến thể những gì Yuri Gagarin từng làm. Điều này có nghĩa là sẽ có một tên lửa phóng thẳng đứng và ở đầu tên lửa có một khoang phi hành đoàn được phóng đi. Sau đó trên không trung, các bộ phận tên lửa tách ra. Khi tầu con thoi trở về và quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất, nó sẽ biến thành một loại tên lửa đạn đạo, tức là nó rơi xuống đất như bay tự do. Khi tốc độ giảm đáng kể, chiếc dù sẽ mở ra và khoang tầu rơi xuống nước hoặc sa mạc một cách nhẹ nhàng. Con tàu New Shepard của công ty Blue Origin thực hiện chuyến bay vào vũ trụ và trở về an toàn trong ngày 20 tháng 7 vừa qua đã chứng minh điều này.

 Richard Branson có một quan niệm hoàn toàn khác. Tàu Spaceship2 của ông được đưa lên cao bằng máy bay mẹ. Khi máy bay mẹ lên đến độ cao khoảng 12 km, tàu vũ trụ tách ra, nổ máy và tăng tốc rất nhanh bằng tên lửa. Trong vòng một chục giây, nó đạt tốc độ gấp ba lần tốc độ âm thanh. Ở độ cao 12 km, bầu khí quyển loãng hơn, vì vậy việc vượt qua sức cản của khí quyển Trái đất dễ dàng hơn.

Theo luật của Mỹ và Cơ quan hàng không vũ trụ của nước này thì rìa của vũ trụ được xác định ở độ cao khoảng trên 80 km. Trong khi đó, ở các nước khác trên thế giới, người ta cho rằng giới hạn thông thường của không gian là 100 km, được gọi là đường Karman. Vào ngày 11/07/2021, tàu VSS Unity của Richard Branson đã bay lên độ cao cách Trái đất 88 km. Điều này có được coi là đã vượt qua biên giới của vũ trụ chưa?. Đây vẫn còn là một điểm gây tranh cãi.

Chúng ta sẽ phải trả bao nhiêu cho chuyến du hành vũ trụ trong tương lai?

Công ty Blue Origin của Jeff Bezos đưa lên vũ trụ khách du lịch đầu tiên của mình với vé giá 28 triệu đô la Mỹ. Mức giá du lịch "vũ trụ" như vậy sẽ không phải là tiêu chuẩn trong tương lai. Đây chỉ là giá vé cho một người muốn trở thành khách du lịch vũ trụ đầu tiên. Trước đây, một khách du lịch trên „Trạm vũ trụ quốc tế” đã phải trả một số tiền đáng kể là 80 triệu đô la cho kỳ tích của mình.

Tuy vậy, những mức giá dự kiến ​​sẽ còn thấp hơn nhiều trong thời gian tới. Richard Branson trong thông báo của mình đã đề cập đến số tiền khoảng 250 nghìn đô la cho chuyến bay ngắn. Trong tương lai giá sẽ có thể ở mức là 150.000 PLN. Để mô hình kinh doanh này phát triển, cần tạo ra nhu cầu.

Trong nhiều năm các công nghệ đã được chứng minh trong lĩnh vực này. Và vấn đề an toàn trong các dự án là vô cùng quan trọng và không thể để xảy ra sai sót khiến các phi hành gia và khách du lịch gặp rủi ro về tính mạng hoặc sức khỏe. Không ai muốn lặp lại sứ mệnh Apollo 13 hay vụ nổ Challenger. Trong nhiều năm, vấn đề an toàn luôn được đưa lên hàng đầu. Các chuyến bay thương mại vừa qua, với sự tham gia của các chủ sở hữu của các công ty nhằm để chứng minh rằng tất cả các thủ tục đều được kiểm tra và an toàn 100%.

Về phần Elon Musk, ông ấy theo mô hình kết hợp (hybrid), một mặt nghĩ đến các chuyến bay thương mại, nhưng mặt khác, ông cũng là nhà cung cấp cho NASA và thực hiện các hợp đồng do chính phủ ủy nhiệm. Hiện tại, công ty SpaceX là nhà cung cấp vật tư chính và trao đổi phi hành đoàn từ các vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ và là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với người Nga - những người cho đến nay vẫn độc quyền cung cấp cho Trạm vũ trụ quốc tế.

Elon Musk và Công ty của ông, SpaceX, đang lên kế hoạch cho một chuyến bay thương mại quay quanh Mặt trăng vào năm 2023 và vào tháng 9 cùng năm - chuyến bay dân sự đầu tiên trên quỹ đạo của Trái đất.

Chiến lược kinh doanh của Branson và Bezos hầu như chỉ tập trung vào các chuyến bay thương mại. Tuy nhiên, tất cả những điều này cũng có tác động đến các hoạt động của các chính phủ và cách vận hành các chương trình của các cơ quan vũ trụ lớn.

Hiện tại, nỗ lực của các cơ quan vũ trụ quốc tế đang tập trung vào việc tạo ra một trạm vũ trụ mới có tên là Gateway. - Điểm độc đáo của nó là nó nằm trong quỹ đạo của mặt trăng và quỹ đạo này đã được chọn để sử dụng các nguồn tài nguyên có sẵn trên mặt trăng.

Một căn cứ và một ngôi làng cho phi hành đoàn sẽ được xây dựng trên Mặt trăng, và các yếu tố cần thiết cho trạm này sẽ được tạo ra ở đó, thí dụ như nhiên liệu. Trên mặt trăng có băng, hoặc nước, và do đó chúng ta sẽ có hydro, một loại nhiên liệu tên lửa rất tốt. Và kế hoạch này mang tính chất mở đầu cho việc chế tạo tàu vũ trụ lên sao Hỏa.

Tuy nhiên, vấn đề bay lên sao Hỏa không đơn giản như vậy. Chúng ta phải biết rằng chuyến bay đến sao Hỏa kéo dài trong vài tháng, vì vậy những gì chúng ta đang làm hiện tại về mặt du lịch hoặc thậm chí là các chuyến bay có người lái lên mặt trăng chưa được coi là đầy đủ. Mặt khác, một chuyến bay đến sao Hỏa, có thể mất tới 9 tháng, đòi hỏi phải có một tàu vũ trụ khổng lồ để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các phi hành gia. Trên một con tàu như vậy, cần có một phòng tập thể dục, một nơi để nghỉ ngơi, kho lương thực, một phòng thí nghiệm để xử lý nước. Chức năng của chúng phải giống với những gì chúng ta biết từ tàu vũ trụ mà chúng ta thấy trong các bộ phim khoa học viễn tưởng. Một cuộc thám hiểm như vậy cũng cần kết hợp với các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực: nhà sinh học, kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, nhà công nghệ sinh học, kiến ​​trúc sư.

Sự cạnh tranh của các tỷ phú đang mở ra một con đường mới cho du lịch vũ trụ, vốn cho đến nay chỉ được một số ít người hưởng ứng. Virgin Galactic dự kiến ​​sẽ bắt đầu các chuyến bay thương mại vào năm tới, sau ba chuyến bay thử nghiệm nữa. Công ty không lo lắng về việc thiếu người quan tâm, bởi vì theo các báo cáo, họ đã có vài trăm khách đặt chỗ - với số tiền khoảng 250 nghìn đô la/ chuyến.

Xuân Nguyên

(Nguồn: https://www.onet.pl/informacje/onetwiadomosci/kosmiczny-wyscig-miliarderow-nikt-nie-chce-powtorki-apollo-13/2kfnq2l,79cfc278)

Sửa lần cuối 2021-07-21 11:26:16

Bình luận

Bình luận qua Facebook