2021-09-17 10:04:36

Lỗ thủng tầng ôzôn phía trên Nam Cực đã lớn hơn Nam Cực

Các nhà khoa học thuộc chương trình „Quan sát Trái đất Copernicus” cho biết lỗ thủng ôzôn ở Nam bán cầu đã vượt quá kích thước của châu Nam Cực. - Trong hai hoặc ba tuần tới, nó có thể phát triển nhiều hơn một chút.

Ngày 16 tháng 9 là Ngày Quốc tế Bảo vệ Tầng Ôzôn. Đây là một ngày do Đại hội đồng Liên hợp quốc đặt ra (vào ngày 19 tháng 12 năm 1994) nhằm kêu gọi mọi người trên trái đất ghi nhớ việc bảo vệ tầng ôzôn .

Sau khi phát hiện ra lỗ thủng tầng ôzôn mùa xuân trên Nam Cực vào năm 1985, cộng đồng quốc tế đã thiết lập các cơ chế hợp tác để thực hiện hành động bảo vệ tầng ôzôn. Gần 200 quốc gia đã ký Nghị định thư Montreal với mục tiêu chính là kiểm soát tổng sản lượng toàn cầu và tiêu thụ các hóa chất làm suy giảm tầng ôzôn.

Lỗ thủng ôzôn trên Nam Cực xuất hiện vào mùa xuân ở các vùng cực của Nam bán cầu, tức là vào tháng 8 đến tháng 10 hàng năm. Nó đã là một hiện tượng lặp đi lặp lại kể từ những năm 1980. Lỗ thủng tầng ôzôn thường lớn nhất vào giữa tháng 9 và giữa tháng 10.

(Dự báo về sự phát triển của lỗ thủng ôzôn đến ngày 20 tháng 9 năm 2021)

 

Vào hôm thứ 5 (16/09/2021), chương trình Quan sát Trái đất Copernicus cho biết: Sau sự gia tăng "đáng kể" trong tuần trước, lỗ thủng này đã lớn hơn 75% lỗ thủng ôzôn của những năm trước tại cùng thời điểm trong mùa, kể từ năm 1979 và lớn hơn lục địa mà nó di chuyển qua. Đến ngày 13 tháng 9, nó đã mở rộng lên 23 triệu km vuông. Diện tích của Nam Cực là hơn 14 triệu km vuông. Năm nay lỗ thủng ôzôn đã phát triển đúng như dự đoán, ngay từ đầu mùa. Nó có vẻ khá giống với năm ngoái, trở thành một trong những lỗ thủng ôzôn tồn tại lâu nhất.

Tầng ôzôn ở độ cao 14-35 km so với bề mặt Trái đất là một lớp khí bảo vệ tự nhiên trong tầng bình lưu giúp bảo vệ sự sống trên hành tinh khỏi bức xạ cực tím có hại của mặt trời. Lỗ thủng ôzôn ở Nam bán cầu thường do các chất hóa học như clo và brôm và một số hóa chất khác, xâm nhập vào tầng bình lưu và làm suy giảm tầng ôzôn. Lỗ thủng tầng ôzôn cũng có liên quan đến xoáy cực, tức là xoáy không khí lạnh lưu thông quanh Trái đất.

Vincent-Henri Peuch, Giám đốc Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus (Copernicus Atmosphere Monitoring Service - CAMS) giải thích: “Nhiệt độ ở tầng bình lưu thấp hơn năm ngoái, vì vậy lỗ thủng ôzôn có thể lớn lên một chút trong hai hoặc ba tuần tới.

Ozone sẽ trở lại mức bình thường vào tháng 12, khi nhiệt độ mùa xuân ở Nam bán cầu bắt đầu tăng và quá trình suy giảm tầng ozone chậm lại.

Xuân Nguyên

(Nguồn: https://tvn24.pl/tvnmeteo/najnowsze/dziura-ozonowa-nad-biegunem-poludniowym-jest-wieksza-niz-antarktyda-naukowcy-z-copernicus-moze-jeszcze-urosnac-5416428)

Sửa lần cuối 2021-09-17 08:04:36

Bình luận

Bình luận qua Facebook