2022-02-20 02:27:35

EU với vấn đề nhập khẩu khí đốt của Nga

Tình hình căng thẳng tại Ukraina đang gây ra nguy cơ Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu. Liên minh châu Âu sẽ giải quyết tình huống khó khăn này như thế nào khi nguồn cung bị gián đoạn hoặc mất hoàn toàn?.

Một trong những lý do tại sao các nước EU ít quyết đoán hơn trong những vấn đề kiềm chế Nga trong cuộc xung đột Nga-Ukraina so với Mỹ là sự phụ thuộc của họ vào nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga. Hiện tại, lượng khí đốt của Nga chiếm khoảng 40% tổng mức tiêu thụ ở EU. Cuộc khủng hoảng ở Ukraina có thể dẫn đến việc Nga hạn chế cung cấp nhiên liệu xanh cho châu Âu cũng như tăng giá trong trường hợp tình hình trở nên trầm trọng.

Không chỉ nguồn cung ít hơn từ Nga là nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá khí đốt ở châu Âu. Những hạn chế về đường dẫn cùng với nhu cầu cao liên quan đến giai đoạn phục hồi sau đại dịch, đã bắt buộc Liên minh châu Âu phải xem xét các kế hoạch để ứng phó với cuộc khủng hoảng, tức là tìm kiếm các nguồn cung thay thế.

Các đại diện của EU đã thảo luận về khả năng tăng nguồn cung cấp khí đốt hóa lỏng (LNG) không chỉ với Mỹ mà còn với Qatar, Ai Cập, Azerbaijan, Nigeria và Hàn Quốc. Nhật Bản cũng đã đồng ý chuyển các đơn đặt hàng của mình cho châu Âu. Do vậy, người đứng đầu Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, đã thông báo trong tuần này rằng EU có thể đối phó với sự gián đoạn một phần lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga.

- Các đánh giá của chúng tôi cho thấy trong trường hợp Gazprom làm gián đoạn một phần hoặc cắt giảm thêm nguồn cung cấp khí đốt, chúng tôi hiện vẫn khá an toàn - chính trị gia Đức nói.

(Liên minh châu Âu khẳng định vẫn an toàn trong trường hợp nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn)

Tuy nhiên, đại diện của châu Âu thừa nhận rằng việc ngừng cung cấp hoàn toàn sẽ buộc EU phải có những hành động mới. Những hành động của quân đội Nga gần biên giới với Ukraine tạo tiền đề thúc đẩy EU phải nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Các chuyên gia nhận định rằng phía Nga vẫn có những quân bài mạnh hơn về khí đốt. Đồng thời, tình hình sẽ khó lường trong trường hợp nguồn cung bị đình chỉ hoàn toàn. Trong nhiều tháng, khí đốt từ Nga hoàn toàn không chảy qua đường ống Yamal. Khí đốt hiện cung cấp cho Ba Lan chủ yếu đến từ Ukraine hoặc từ kho dự trữ của Đức.

Theo Łukasz Prokopiuk, nhà phân tích tại DM BOŚ (Nhà môi giới Ngân hàng Bảo vệ Môi trường), người Nga đang chơi một ván bài khéo léo - sự căng thẳng mà họ tạo ra sẽ giúp họ tăng giá khí đốt. Theo đó, lợi thế đàm phán chắc chắn thuộc về phía Nga, và nếu như không có nguy cơ xảy ra chiến tranh, giá nguyên liệu thô sẽ chỉ bằng một nửa như hiện nay.

Vào tháng Giêng, lượng vận chuyển LNG đến châu Âu là cao nhất trong lịch sử, và một nửa nguyên liệu thô đến từ Mỹ. Theo số liệu của Tạp chí Luật Quốc gia Hoa Kỳ, tổng công suất thu gom khí đốt tại các cảng khí đốt châu Âu đạt 237 tỷ mét khối mỗi năm. Con số này - ít nhất là về mặt lý thuyết - phải đủ để bao phủ khoảng 40% nhu cầu khí đốt ở các nước EU.

Một chuyên gia khác cho rằng, EU không có khả năng bị đe dọa bởi hành vi tống tiền bằng khí đốt từ Nga. Ông lập luận rằng chưa bao giờ xảy ra việc Nga làm gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt, điều này đã không xảy ra ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Cho đến nay, chưa có khách hàng khí đốt nào của Nga tuyên bố rằng Gazprom đã không tuân thủ hợp đồng có hiệu lực.

- Người Nga cảm thấy lượng đơn đặt hàng khí đốt giảm mạnh ngay sau khi đại dịch bùng phát và đang cố gắng tự bảo vệ mình trước tình huống như vậy trong tương lai. Đây không phải là một vụ tống tiền chính trị - vị chuyên gia yêu cầu giấu tên cho biết.

Tuy nhiên, Łukasz Prokopiuk không loại trừ khía cạnh chính trị của việc hạn chế nguồn cung cấp khí đốt. Ông lưu ý rằng, người Trung Quốc đã mua khí đốt trong những tháng gần đây, bất kể giá cả như thế nào. Trung Quốc là quốc gia có vấn đề về môi trường, đang cố gắng giảm đốt than. Nga hiện đang xuất khẩu khí đốt sang châu Âu nhiều hơn gấp nhiều lần so với sang Trung Quốc. Nhưng trong tương lai vẫn chưa biết thế nào.

Xuân Nguyên

(Nguồn: https://businessinsider.com.pl/gospodarka/ue-kontra-szantaz-gazowy-rosji-sprawdzamy-kto-ma-mocniejsze-karty/7klgr00)

 

Sửa lần cuối 2022-02-20 01:27:35

Bình luận

Bình luận qua Facebook