2015-04-18 01:54:00

Nước mắt người xa xứ (1) 

Chuyện của Quân

 Ảnh có tính chất minh họa (nguồn: internet)

       Tôi quen Quân năm 1998, lúc đấy tôi từ thành phố biển Gdansk chuyển về Vác-sa-va làm ăn và sinh sống. Mục đích của gia đình tôi là muốn con cái về Thủ Đô, hy vọng chúng hội nhập và có hướng lâu dài trong cuộc sống tương lai. Vốn là dân chợ lẻ, nay bước vào lĩnh vực bán buôn, quả không ít khó khăn. Tôi đã từ khu Tam Tứ Giác*, sang khu PKS**, sau đấy về bám trụ tại khu Parking***. Chính tại khu vực này tôi gặp Quân. Những ngày đầu, từ khi chưa tỏ mặt người, hình ảnh chàng thanh niên lầm lũi, cặm cụi như ông già, ít chuyện trò, chỉ chăm chú vào hàng hoá, tôi đã tự hỏi: Con người này là ai mà nhìn khắc khổ, đơn độc như một cái bóng? Lâu dần thành quen, việc ai nấy làm, mùa hè và mùa đông cũng vậy. Sau một thời gian, tôi và Quân quen nhau, vậy rồi câu chuyện về cuộc đời bôn ba chìm nổi của cậu thanh niên người Phú Thọ cứ thế ám ảnh tôi, câu chuyện như bịa nhưng hoàn toàn có thực và thật khó lý giải cho thắc mắc: Tại sao? Tại sao lại có mảnh đời éo le như vậy? Tại sao giọt nước mắt đàn ông lại chảy ngược vào trong? Câu chuyện được nghe kể lại không liên tục, cứ mỗi ngày một ít vào những khi vắng khách. Dần dần tôi hình dung được cuộc đời của nhân vật: Một trí thức được đào tạo bài bản, đã bỏ hết tất cả vì những trắc trở trong con đường lập nghiệp. Quân đã dấn thân vào nghiệp buôn bán và sống tự do, tự tại như tôi đã thấy.

        Quân sinh ra trong một gia đình thuần nông, ở vùng quê"Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt"(thơ Tố Hữu), đầy chất thi ca và lãng mạn. Bản chất thông minh, tuy không có điều kiện như bao gia đình thành phố, Quân vẫn nổi trội với bạn bè cùng trang lứa về khoản học vấn. Vì vậy Quân đã được đi du học ở Ba Lan năm 1983. Chàng trai trẻ, hiền lành và ít nói đã vượt qua 5 năm đại học. Tốt nghiệp ngành kinh tế- Đại học kinh tế Vác-sa-va. Trở về nước, Quân là một trong những người trẻ tuổi được nhận vào cơ quan nhà nước- Viện kỹ thuật Xây dựng. Là dân kinh tế, lại về công tác bên viện xây dựng, có vẻ hơi"tréo giò", nhưng có sao đâu, Viện nào chẳng làm kinh tế ! Quân được ưu ái vì những luận điểm học từ nước ngoài đã đánh bạt nhiều ý kiến bảo thủ trong nước. Nhiều đề tài nhờ có Quân đề xuất đã giảm được những khoản tiền rất lớn cho nhà nước. Cứ vậy, những tưởng cứ cái đà này chẳng mấy chốc Quân leo lên ghế trưởng phòng, thậm chí có khi vào cả cơ cấu lãnh đạo viện là cái chắc... Nào ngờ với bản tính thật thà, lại thêm chất"Tây"mang từ nước ngoài về, Quân đã trở thành cái"gai"khó chịu trong mắt bao kẻ khác. Những ghen ghét đố kỵ, những pha được"ăn tận miệng"vậy mà cái thằng nhãi ranh lại chẳng chịu hợp tác, đã thế còn"phá bĩnh"thì bố con thằng nào chịu được! Vậy nên chỉ sau 2 năm, Quân được điều sang cơ quan khác, rồi lại cơ quan khác, cứ thế trong vòng 4 năm, Quân đã phải chuyển đi 6 nơi làm việc, con số không phải là bình thường vào thời đầu mở cửa của đất nước...Khi đã hiểu ra lý do vì sao mình được"ưu ái"điều động về các đơn vị yếu kém thuộc Viện quản lý giờ đã rõ mười mươi! Nhẽ ra nên tỉnh ngộ, phải biết hoà mình theo kiểu"gió chiều nào xoay chiều đấy", Quân lại trở tính gàn. Hễ có việc gì cần về luận chứng kinh tế, chàng kỹ sư trẻ thức cả đêm, moi ra từng ly thiếu sót để khắc phục. Hậu quả là tối ưu thật nhưng lại sát sao quá, đến độ"khó có thể lọt tiền vào hầu bao"các nhà thi công. Như vậy làm sao có thể chia phần trăm cho các"xếp" theo quy định của ngành...công chẳng thấy đâu mà chỉ có tội, vậy là Quân chẳng bám rễ được đâu lâu dài. Chán ngán, muốn làm thật đúng những điều đã học cũng không xong, nhân chuyến có đợt đi trao đổi giữa các viện trong nước với các viện nghiên cứu ở Balan, Quân được cử đi cùng mấy"xếp"với mục đích phiên dịch."Như cá gặp nước", Quân xin phép ở lại"tự túc"mấy tháng."Xếp"chắc cũng ngán nhân viên nên đồng ý vội. Quân bắt đầu cuộc sống tha hương. Đầu tiên do rất giỏi tiếng Ba Lan, Quân đi làm các dịch vụ phiên dịch cho bà con Việt. Công việc không tên lúc dịch thuê nhà, lúc dịch khám bệnh, lúc dịch cãi nhau với khách mua hàng, lúc lại là giải quyết các vụ đụng độ xe trên đường... Tóm lại cũng bận, nhưng vì mới sang, không có tiền mua xe ô tô nên việc đi lại bất tiện. Sau một thời gian tiền chẳng có, người Quân gầy xọp, vậy là chuyển hướng về bán hàng ở tỉnh lẻ. Số không may, hết mất cắp tiền lại bị mất hàng, lại còn bị tai nạn khi đi nhờ xe bạn lên Vác mua hàng. Quân được bạn bè giúp đỡ chuyển hẳn sang bán hàng ở chợ Sân vận động****. Quân đã có của ăn, của để, cuộc sống cứ vậy trôi qua. 

       - Sao dại thế? Đang yên đang lành bỗng đâu lại bỏ việc, mà chỗ nào cậu làm việc ở Việt Nam tôi thấy đều"thơm", đúng là"ngựa non háu đá"! Tôi đã từng tiếc rẻ xen chút bực mình nên thường cắt ngang lời Quân mỗi khi nghe Quân kể lại. 

       - Khổ quá! Ai có ở vào hoàn cảnh thì mới thấu hiểu. Ai đời thằng trưởng phòng, lúc nào cũng áo trong quần, cà vạt mỗi ngày mỗi màu, đạo mạo, hống hách nhưng chỉ là hợm mình. Chuyên môn yếu kém, ngoại ngữ ậm oẹ, vậy nhưng có những mấy cái bằng đại học, mấy chứng chỉ ngoại ngữ. Khi cần ký xoẹt thì nhanh như chảo chớp, khi cầm bản thiết kế trên tay, nhìn bản mặt là biết"hãm"ngay. Cứ vờ vờ, vịt vịt, mà nói chung không phải mình ông này, khối đứa trong phòng kỹ thuật đều thế. Em biết tỏng hết, nhưng lính mới nhiều khi chẳng muốn nói ra. Ấy, nhưng khi báo cáo với trên, bọn này như"Lý Thông"trong chuyện Thạch Sanh, xun xoe, nịnh bợ, vâng vâng, dạ dạ rối rít...  đúng là lũ hám danh, hám tiền!

     - Thì xã hội nó thế cả, cậu cứ chuyên môn mình, việc mình mà làm, để ý gì cho mệt. Đúng là"ngựa non"!

     - Không phải"háu đá"đâu, vấn đề ở chỗ là họ biết em mới vào nghề, họ muốn em như quân cờ, cần có ý kiến của em để trình duyệt. Em lính kinh tế, biết sai, biết gian lận mà gật đầu đồng ý, có ngày hoạ vào thân. Có công trình sau khi em đề xuất ý kiến, tính toán lại chi phí giảm cả vài chục tỷ, con số có nhỏ đâu. Toàn công trình cấp nhà nước, tiền của dân cả đấy. Nó ức là ở chỗ mình không quyết định được gì, lại qua cấp nọ cấp kia, lời nói của mình bị cho là không có thiện chí với cấp trên. Em chịu không nổi!

    - Cũng mấy năm biên chế nhà nước, lại có bằng cấp, nghe đồn cậu còn lấy thêm bằng Đại học Xây dựng, bảo vệ xong cả bằng sau đại học. Cũng phấn đấu gớm nhỉ? 

     - Vì không muốn qua mặt nên em học thêm cho có kiến thức, cũng tính chung tình với nghề nghiệp đấy ạ. Mà thôi, cũng gần chục năm bỏ nghề, lang thang kiếm tiền, em sống thoải mái lắm, lại có tiền gửi về cho vợ xây nhà, nuôi con. Tuy vậy cũng thấy xấu hổ với bạn bè cùng lứa. Ở nhà bạn em nhiều đứa thăng quan tiến chức lắm. Có đứa đã viện phó rồi đấy. Chúng nó xe hơi, nhà lầu, ăn trắng mặc trơn, đi đâu có thư ký kè kè bên cạnh. Nhưng toàn bọn"hèn", xếp nói gì cũng vâng, ai bảo gì cũng ok, em chịu cái khoản đó.

      - Cậu đúng là"cùn", biết  người biết ta, tránh được gì thì tránh, có phải tương lai rộng mở không? Đúng là"thân lừa ưa nặng". Sung sướng gì 3h sáng, mùa đông cũng như mùa hè, tất tả chạy ra chợ, mở ky ốt, uống cốc nước chè nóng, nhai trệu trạo cặp bánh mỳ thịt mang theo từ nhà, ngồi chong mắt chờ khách. 

     - Em chỉ tiếc công được học hành, có kiến thức cơ bản, có chuyên môn mà không ở nhà phục vụ Tổ quốc, nhiều khi nghĩ lại thấy mình có tội. Nhưng nếu cậy có quyền quyết định để móc túi nhà nước lấy tiền rồi cho vào công trình một phần, làm ăn dối trá, số tiền còn lại chia chác với nhau...em thà làm thằng Cu ly, sống bằng mồ hôi của mình...Mà thôi, em chấm dứt chuyện nghề nghiệp ở đây.

        Câu chuyện bức xúc về các nguyên nhân khiến chàng kỹ sư trẻ đầy năng lực thường dừng lại nửa chừng như vậy. Có thể càng tâm sự, máu nóng trong con người hiền lành trước mặt tôi càng được hâm sôi. Tôi tế nhị lãng sang chuyện khác. 

     - Chị hỏi có thể không được tế nhị, vợ con em ở nhà thế nào? Sao em đi biền biệt như thế? Hay tìm cách đưa vợ con sang rồi ổn định lâu dài như bao gia đình khác. Thật vất vả nếu đàn ông đơn độc ở xứ người em có thấy thế không? 

    - Vợ em gái Bắc Ninh, chúng em gặp nhau và yêu nhau khi cô ấy học xong trung cấp ngân hàng và làm việc ở chi nhánh ngân hàng tỉnh. Chúng em cưới nhau, giờ có hai con, một gái, một trai. Cuộc sống cũng tạm ổn và hạnh phúc. Vì thế hàng năm em đều có kế hoạch về thăm nhà. Em tính cố thêm vài năm nữa, mua cái nhà, rồi về đi làm với mấy thằng bạn mở công ty trách nhiệm ở nhà. Cũng là lúc bọn trẻ cần có sự bảo ban kèm cặp của bố. 

    - Ừ, mỗi nhà mỗi cảnh. Giá như có vợ cùng chia sẻ buôn bán hiệu quả hơn. Nhưng mà em không ở lâu dài tính thế cũng đúng.  

      Tôi chỉ biết có vậy, biết Quân có mái ấm gia đình, có người thân luôn dõi theo cho dù xa xôi, cách trở kể như cũng được an ủi. Điều làm tôi luôn thấy Quân tội nghiệp có lẽ ngoài tính tình hiền lành, chí thú công việc còn có tính tiết kiệm nếu như có thể gọi là quá hà tiện với bản thân. Buổi sáng, mùa nào cũng vậy, Quân luôn có mấy cặp bánh mỳ đã phết bơ, thịt hun khói, kẹp với dưa chuột cùng với phích nước chè pha sẵn ở nhà mang theo. Buổi trưa là xuất ăn gọi mang đến tận ki ốt. Hiếm hoi lắm mới thấy Quân bước ra ngoài chuyện trò với hàng xóm. Hiếm hoi lắm mới thấy Quân cười với mọi người...  Mùa hè, ngoài mấy áo phông màu ghi tối hoặc nâu nhạt cùng với cái quần vải lúc dài, lúc ngắn( tuỳ theo nhiệt độ). Tuyệt nhiên không bao giờ Quân mặc áo quần gì khác. Mùa đông trên đầu luôn là cái mũ len màu đen, cái áo khoác rộng thùng thình màu đen hoặc ghi xám, chắc phía trong mấy áo len cao cổ và chiếc khăn len chùm kín mít. Chân là đôi ủng lông, luôn chùm ra ngoài ống quần bò hoặc quần nỉ dày. Chính vì thế trông Quân lúc nào cũng như người có tuổi, như dân lao động cực khổ. Kèm với khuôn mặt an phận, lặng lẽ, kiệm lời, chẳng ai nghĩ anh đã từng là sinh viên hạng giỏi, là kỹ sư có chuyên môn vững làm khối kẻ ghen ghét! 

      Xét cho cùng, sống ở xứ người, ngoài mục đích kiếm tiền những người đàn ông độc thân như Quân đều thế cả. Một khi họ bỏ lại sau lưng tất cả, với họ một ngày làm việc thật ngắn ngủi bởi vòng quay tiền- hàng. Cũng không hiếm người sau một thời gian, họ có những người bạn, người phụ nữ cùng cảnh ngộ. Hiện tượng các cặp"già nhân ngãi, non vợ chồng"không còn xa lạ với cộng đồng. Có thể ban đầu là cái nhìn tò mò, là lời thì thào bàn tán sau lưng, nhưng dần dần sẽ quen và tất cả đều trở nên bình thường. Họ bầu bạn cùng nhau, lâu dần buôn bán cùng nhau, thuê nhà ở cùng nhau, thậm chí xưng hô rất thân mật và công khai nơi chốn đông người như nói về chồng mình, vợ mình rằng:"Anh ấy nhà em!.. Cô ấy nhà tôi!..."chuyện hết sức bình thường trong cuộc sống xa xứ! Đến dịp lễ Tết, họ thu xếp về Việt Nam, ai về nhà nấy, tiền nong phân chia tuỳ theo cách tính toán của các cặp với nhau. Điều làm tôi thắc mắc tại sao từng ấy năm, Quân luôn chỉ một mình, có lẽ do tính ít nói, hay do không thích dây dưa va chạm về kinh tế, hay do quá ki bo mà chẳng có chị em nào bén mảng? Có lẽ do tất cả các lý do trên, tôi cũng vì vậy ít tò mò tìm hiểu nhiều hơn. 

       Từ khi chợ sân vận động giải tán vào năm 2006, tôi ít có dịp gặp Quân bởi mỗi người theo một hướng kinh doanh riêng. Bẵng đi một thời gian lâu sau, tôi nghe mọi người nói lại Quân đã về nước. Cũng tiếc là quen nhau lâu vậy, không gặp lại để nói lời chia tay và tạm biệt. Trong thâm tâm tôi vẫn mong Quân về nhà mọi việc xuôi xẻ. Cả về cuộc sống gia đình lẫn công việc đều tốt đẹp xứng đáng với những ngày tháng lăn lộn kiếm tiền. Tôi vẫn hình dung Quân trong trang phục sáng sủa, đi đứng phong độ và nụ cười tươi trẻ. Một Quân khác hẳn khi sống trên miền xa xứ.  

      Một ngày mùa đông năm 2014, tôi nhìn thấy Quân trong trung tâm ASG(trung tâm buôn bán của các chủ doanh nghiệp Việt). Tôi giật mình vì không nghĩ là Quân, nhưng vẫn dáng điệu ấy, có chăng ăn mặc đỡ lôi thôi hơn. Đôi dày đông thay cho đôi ủng lông, trên tay cầm cuốn sổ giao hàng, tay kia kéo xe chở hàng 4 bánh( xe wuzek), trên xe có bịch hàng nhỏ nằm chỏng chơ- Đúng Quân thật rồi! Nhìn thấy tôi từ xa, Quân không tỏ ra ngạc nhiên, cũng không hồ hởi, giống hệt ngày nào vẫn vậy. Tôi chủ động lên tiếng:

      - Ô hay! Chị tưởng em về Việt Nam hẳn rồi? Sao giờ lại ở đây? Em sang lúc nào vậy? Và giờ em làm gì mà tay sổ, tay kéo hàng? Lâu quá rồi khi không biết tin tức của em. Lần này sang chắc có nhiều thứ ở nhà không hợp hay sao? Đã bảo là về nhà phải chấp nhận mới hội nhập...Tôi làm một tràng câu hỏi rồi chờ Quân trả lời. 

      Quân dừng chân lại, thoáng chút buồn hiện lên trong đôi mắt. Chẳng ra buồn, chẳng ra muốn bắt chuyện, Quân nghèn nghẹ kể: 

     - Chuyện em dài lắm, giờ em vội, em không kể chi tiết cho chị được. Tóm lại là bi đát chị ạ. Em cùng đường lại quay sang vì em có quốc tịch Balan. Ngày mai em nghỉ việc đi giải quyết một số thủ tục, xong việc em gặp chị rồi kể chị hay. Nói rồi Quân lầm lũi, kéo xe đi không cả chào tạm biệt. 

     Hôm sau, tôi gặp Quân, vẫn giọng đều đều cũ, Quân lần lượt kể mà không cần tôi hỏi thêm. Câu chuyện như được sắp xếp từ trước, ngắn gọn, dễ hiểu và chứa chan những điều uất nghẹn bị kìm nén có dịp bung ra. 

     - Chuyện đầu tiên là chuyện vợ con em. Khi chợ Sân vận động sắp đóng cửa, em thu dọn hàng hoá quyết định về hẳn. Cũng vì lẽ đó em ít về Việt Nam, bẵng đi hơn 3 năm không về, vợ em ở nhà bồ bịch(có lẽ đã từ lâu), tài sản, nhà cửa đứng tên vợ. Biết chuyện thì đã quá muộn, cô ấy bán hết và xách con vào thành phố Hồ Chí Minh với bồ. Ra toà em nhận nuôi thằng con trai, đứa con gái đầu theo mẹ. Em đi xa nhà lâu quá, tình cảm dành cho con vì vậy không sâu nặng như với mẹ chúng. Thấy sự chia cắt làm tổn thương con, thằng bé suốt ngày rầu rĩ, bỏ học, khóc lóc. Hơn nữa mẹ nó cũng vậy cứ vật nài xin nuôi con, em đành cho con theo mẹ và chấp nhận hàng tháng cung cấp tiền. Thi thoảng em bay vào thăm con. Vậy là tan đàn xẻ nghé! Chán nản chuyện nhà, sau thời gian tĩnh tâm lại, em đi tìm việc làm. Cái thứ như em"dở ông, dở thằng", lại thêm tính gàn dở khi thấy điều chướng tai gai mắt. Em khó lòng chấp nhận kiểu làm ăn của họ, vậy là nghỉ luôn. Có chút vốn còn lại em về hùn với mấy đứa bạn mở công ty tư nhân hoạt động được  mấy năm thì sập luôn. Nguyên nhân chính là ai cũng chạy theo phong trào, việc chẳng có mà các công ty tư nhân nhiều nhan nhản. Bọn em nhận đấu thầu xây dựng mấy công trình, vốn không nhiều cứ bộ phận nọ cho bộ phận kia nợ gối đầu nhau. Chủ đầu tư nợ ngân hàng, kết quả không thanh toán được với nhau rõ ràng, không có tiền trả công xá cho thợ, trả tiền vật tư xây dựng. Chỉ mấy năm bọn em phá sản. Khi nhìn lại cách làm ăn, mới vỡ lẽ ra nhiều điều lẩn khuất trong đấy. Tính cách em có lẽ không bao giờ hợp, càng vùng vẫy, càng bế tắc. Cùng đường em lại quay sang Balan lần nữa. Chị thấy đấy, em đang nhận quản lý và giao hàng hộ cho người bạn, rồi từ từ tính tiếp. Sang đây tuy vất vả, nhưng bù lại em rất thoải mái. Hình như mọi người dễ thông cảm nhau hơn. Tuy vậy em vẫn thấy cuộc đời em toàn thất bại. Đau nhất là mất tổ ấm gia đình, xót xa quá chị ạ... 

     - Em có bằng cấp, sao không làm về chuyên môn của mình. Chẳng lẽ bạn bè cũ không giúp được gì chăng?

     - Em đã thử rồi, giờ chúng đều là xếp, em làm chân sai vặt, nhiều khi nhục lắm. Cầm đồng lương ít ỏi, nhiều khi rơi nước mắt vì sự nhẫn nhục trong đó. Tính em chị biết đấy, không phải vì cần tiền mà có thể luồn cúi bất kỳ ai. Sau bao năm biền biệt, khi quyết định quay về hẳn, muốn hội nhập thật khó khăn. Phần vì bế tắc trong cuộc sống riêng, phần thất bại trong công việc. Cuối cùng mất cả gia đình, mất cả bạn bè. Nhìn lại quanh mình thấy xã hội ngày nay mọi người khá giả phần lớn đều có cách kiếm tiền riêng, nếu làm nhà nước với lương như quy định, tiền đâu xây nhà, tiền đâu nuôi con học hành chu đáo. Em tự thấy mình kém cỏi và bất lực, lại không có người chia sẻ. Em quyết định ra đi lần nữa. Giờ em bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Nhưng có lẽ tương lai còn sáng sủa hơn. 

       Tôi nhìn thấy những giọt nước mắt ứa ra, nhưng không hiểu sao nó không lăn dài xuống má. Khuôn mặt người đàn ông tôi đã từng quen biết, bẵng đi gần chục năm sau gặp lại hằn thêm nhiều vết nhăn. Tuyệt nhiên không thấy hình bóng nụ cười hiếm hoi như xưa. Nhớ lại câu nói của mọi người thi thoảng đùa gọi Quân hồi trước nghe vừa thân quen, vừa khó chịu:"Quân Hâm",tôi chợt nghĩ không biết cậu ta có"hâm" thật không? Với tôi, Quân lúc nào cũng hiền lành, thật thà và ương ngạch. Dù rằng là người có học nhưng rất khiêm tốn và hay giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn trong giao dịch. Con người an phận đấy, tại sao số phận lại hết sức trớ trêu? 

        Nhìn Quân bước đi, dáng hơi xiêu vẹo trong mưa tuyết. Tôi biết Quân đã không thể không rơi lệ khi nhớ lại những gì đã xảy ra, chỉ có điều người khác không nhìn thấy vì những giọt nước mắt chảy ngược vào trong. Giống như cách người ta nuốt ực nỗi nghẹn ngào cay đắng vào trong lồng ngực. Từ sâu thẳm đáy lòng mình, tôi cầu cho bạn mình gặp nhiều may mắn và gặp hạnh phúc của đoạn đời tiếp theo, dù hơi muộn màng...Hãy cố lên Quân ơi! Cuộc đời tất cả hãy còn phía trước, đừng tuyệt vọng nhé!  


Vac-sa-va, 10/4/2015 

Nguyễn Mai Lê 

 

(*), (**), (***) các vị trí buôn bán trên khu vực chợ Sân Vận Động Mười Năm ở Vac-sa va.

(Tên và quê quán nhân vật đã được thay đổi)

Sửa lần cuối 2015-04-17 23:54:00

Bình luận

Bình luận qua Facebook