2015-05-11 22:19:01

Người bạn đường

Ảnh - Nhà ga T2 -SB Nội Bài, HN.

Trang An (Warszawa)

     Sân Bay Nội Bài vào thời gian mới khánh thành cửa T2 tháng 1/2015. Trong dòng người đông đúc tôi và gia đình người phụ nữ xếp hàng đằng sau đã ra sân bay trước 4 tiếng để kịp làm thủ tục bay, nhưng đều sốt ruột nhìn đồng hồ lo chậm chuyến. Lần đầu tiên ra nước ngoài, người phụ nữ quê Thanh Hóa đó được chồng và con rể gửi gấm theo tôi khi ngồi máy bay. Vậy là tôi có bạn đường.
Chị sang Paris giúp con gái sắp sinh con. Cha mẹ tận tụy đến nhà con gái chăm sóc khi sinh nở là nét đẹp trong văn hóa Việt Nam. Sứ quán Pháp cấp visa 1 năm cho chị, một thời gian đủ dài để „ bà ngoại nó đi Tây”. Lo con gái phải tiết kiệm tiền chị gói theo hành lý vài chai nước mắm. Tôi cười chị lo quá xa, bảo chị rằng ở Paris Quận 13 có nhiều người Việt sinh sống, đồ thực phẩm Châu Á chẳng thiếu gì. Nước mắm đem theo chẳng may rơi vỡ vừa phiền hà cho quần áo, vừa lo „kiêng” không nên làm vỡ chai nước mắm. 
     Thoạt nhìn biết chị không phải người Thành phố, chân quê nhưng chị hay chuyện và hiểu biết về phong tục tập quán. Chả thế các con chị đều học giỏi: con gái và con trai đều có học bổng chính phủ đi master ở Pháp và ở Đức. Trước khi đi du học các con anh chị đều có việc làm ở Hà Nội. Anh chị có điều kiện chuyển ra Hà Nội sinh sống gần các con, nhưng họ vẫn quyết định tu sửa nhà ở quê Thanh Hóa để sau này về hưu sống ở đó, vì theo anh chị chẳng đâu bằng nhà của mình. Chị nói thấy chị đi thăm con, có người nửa đùa nửa thật xui chị ở lại bên Pháp, sau này đón „ông nó” sang. Tôi đùa chị: chỉ lo „bà ngoại” đi lâu ở nhà „ông ngoại” nhờ người khác chăm sóc, bây giờ chẳng nhờ đã sẵn có các cô trẻ chăm sóc ông thay bà. Ở nước tôi đang sống, tôi thấy nhiều cảnh như vậy trong cộng đồng người Việt.


Cảnh đi lễ cầu an ở chùa Phúc Khánh, Hà Nội ( nguồn: internet)

     Câu chuyện của chúng tôi chuyển sang đề tài ngày nay sao con người ở Việt Nam lễ bái nhiều hơn trước, coi trọng vật chất hơn trước. Người ta đi chùa để cầu lộc, cầu tiền bạc. Chị bảo đến chùa đông đúc chỉ thấy người người quỳ lạy, thế ra là lạy cái mông của người quỳ phía trước. Rồi người ta dắt tiền lẻ trên tượng Phật, đốt vàng mã ra cả ngoài đường cái quan. Thế ra Phật nhận tiền hối lộ mấy đồng lẻ, cúng kiếng ở nhà mình mà lại đốt vàng mã nơi công cộng? Ở Tây có dám làm như vậy hay không? Tôi bảo chị rằng ở Tây nếu không đi chùa, mà phần lớn là chùa mới xây, chỉ cúng ở nhà chắc chắn không ai dám ra nơi công cộng để đốt vàng mã. Dẫu biết „ cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” nhưng Rằm tháng Giêng ở nước ngoài chẳng khác các ngày Rằm bình thường. Chị bảo ở Việt Nam các cô giáo dạy Đại học mà mê tín dị đoan lập điện thờ cúng ở nhà, thì làm sao trở thành gương sáng cho học sinh noi theo. Bản thân tôi cũng thấy hầu hết chị em phụ nữ ở Việt Nam bây giờ rất chăm cúng bái. Theo các chị em đó, nước uống cúng xong nên uống để lấy lộc, hoa quả thắp hương nếu không hỏng thì cố mà ăn cho hết, không ăn bỏ đi „phải tội”. Mà đồ thắp hương giờ đây được „chuyên môn ha” đồ cúng: chè gói để cúng thường trộn thêm chất liệu gì đó để cho có hương mà không hỏng, táo nho quít… để cúng đều xịt hoặc bơm hóa chất bảo quản, chè lam chè kho cúng bán nơi cửa chợ ruồi bâu, oản quả từ bột gạo tẩm hóa chất…Trời đất ơi, dùng vào để nhanh đi chầu ông bà! 
     Một tháng có 3 ngày cầu cúng: ngày 1, ngày rằm, ngày 23 tam nương. Đó là những ngày làm ăn của hàng bán đồ cúng. Nhiều khi người ta không tiếc tay mua đồ cúng, dù sau đó đổ đi hay cho người khác ăn „mầm bệnh” hộ, thực sự đều là „phải tội”. Chị bảo: tưởng mua ở ngoài là đồ chưa ăn dở dang ư, xôi chẳng hạn bán cho bao người ăn rồi mới xới vào đĩa để người mua về cúng. Thôi thôi! Hay bớt đi mê tín, để thời gian làm sạch đẹp cuộc sống quanh ta!
     Câu chuyện đưa đẩy khiến thời gian bay như ngắn lại. Đi máy bay căng thẳng nhất là vào lúc cất cánh và hạ cánh. Lúc hạ cánh tự nhiên tôi nhớ lại chuyến bay nội địa của tôi mới đây. Mỗi lúc căng thẳng ba người phụ nữ trẻ ngồi hàng kế tiếp hàng của tôi lại lấy ra tràng hạt đeo sẵn ở cổ tay. Rồi họ tay bấm tràng hạt, miệng lầm rầm khấn, một người còn cho chân lên ghế khoanh tròn, sai quy tắc ngồi máy bay thắt dây an toàn. Họ là những người bình thường chắc chắn không phải thầy chùa. Bây giờ chắc có nhiều người trong nước khấn vái như vậy, trên các chuyến bay đi về nước ngoài tuyệt nhiên không thấy có. Thế hệ càng trẻ càng khấn vái quỳ lạy nhiều hơn. Vậy đó là dấu hiệu đáng vui hay đáng buồn? 
     Tôi gặp và nói chuyện với người bạn đường của tôi lâu nay sống trong nước, tôi đồng cảm với chị rằng, một dân tộc ngày càng có nhiều người quỳ lạy hơn đó không phải điều vui. Biết không có dịp gặp lại chúng tôi hỏi tên nhau. Tôi được biết chị tên là Cúc.

T.A
(Viết nhân ngày Rằm tháng Giêng Ất Mùi)

Sửa lần cuối 2015-05-11 21:56:29

Bình luận

Bình luận qua Facebook