2014-07-08 21:31:01

Dịch giả Lê Bá Thự:Với tôi Ba Lan là tổ quốc thứ hai

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, ngày 11/6/2014, tại Đại sứ quán Ba Lan ở Hà Nội, bà Katarzyna Kacperczyk – Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan – đã có cuộc gặp gỡ thân mật với các dịch giả văn học Ba Lan của Việt Nam. Bà thứ trưởng bày tỏ lòng cảm ơn đến các dịch giả đã đưa văn học Ba Lan đến với độc giả Việt Nam. Qua đó độc giả Việt Nam càng thêm sự hiểu biết về đất nước và con người cũng như nền văn học Ba Lan, một nền văn học có đến bốn giải Nobel. Dịch giả Lê Bá Thự, người đã chuyển ngữ thành công nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng của Ba Lan trong thời gian vừa qua đã trao tặng bà thứ trưởng hai tác phẩm dịch mới nhất của mình: tập truyện ngắn Con voi của Slawomir Mrozek và tiểu thuyết Hy vọng của Katarzyna Michalak. Đây cũng là hai tác phẩm dịch tạo được dư luận trong thời gian vừa qua. Nhân dịp này phóng viên báo Văn Nghệ đã có cuộc trò chuyện với dịch giả Lê Bá thự.

Xin chúc mừng ông về cuốn tiểu thuyết Hy vọng, rất hấp dẫn, liệu đó có phải là một trong những cuốn sách hay nhất mà ông đã dịch?

Cảm ơn anh về lời chúc mừng và lời khen tiểu thuyết Hy vọng. Sách vừa mới phát hành đầu quý hai năm 2014. Những phản hồi đầu tiên cho thấy, cuốn sách được bạn đọc hoan nghênh. Đúng vậy, có lẽ đây là một trong số những tiểu thuyết hay nhất mà tôi đã dịch.

Điều gì đã khiến ông dịch cuốn tiểu thuyết này?

Tháng 6 năm 2013 tôi sang Ba Lan dự Hội nghị toàn thế giới lần thứ III những người dịch văn học Ba Lan. Sau hội nghị, tôi nán lại Ba Lan mấy tuần để lùng tìm sách dịch. Lang thang khắp các nhà sách ở thủ đô Warszawa tôi đã mua được trên 30 cuốn sách và “Hy vọng” là một trong số trên ba mươi cuốn sách tôi đã mua năm ngoái. Tôi đã chọn cuốn “Hy vọng” để dịch trước, vì đây là cuốn sách nhanh chóng đáp ứng tiêu chí chọn của tôi, đó là: có giá trị nhân văn, giá trị văn học nghệ thuật cao, để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc cho người đọc.

Nét độc đáo của cuốn sách này là nó thực đến đau lòng. Bằng những dòng hồi tưởng giầu nội tâm, nữ nhà văn Katarzyna Michalak đã kể cho chúng ta nghe câu chuyện đầy tính nhân văn, xúc động đến trào nước mắt, về tình bạn và tình yêu, về giận và thương, về lòng quả cảm và sự hy sinh mà mỗi người chúng ta đều có thể tìm thấy bóng dáng cuộc đời mình trong đó.

Tiêu chí dịch văn học theo quan niệm của ông?

Đúng và hay. Đúng nội dung, đúng hình thức, đúng văn phong của nguyên tác. Và hay, tức bản dịch phải hay, phải thuần Việt, đọc bản dịch người đọc có cảm giác đây là tác phẩm sáng tác bằng tiếng Việt. Cái tôi và sự sáng tạo, sự sáng suốt của người dịch là ở chỗ này. Đúng và Hay là yêu cầu và cũng là thước đo thành công của một bản dịch.

Theo ông, để dịch thành công các tác phẩm văn học nước ngoài thì cần những yếu tố gì?

Để dịch thành công các tác phẩm văn học nước ngoài, thì người dịch phải: thứ nhất: giỏi ngoại ngữ, am tường văn hóa, phong tục tập quán của đất nước sử dụng ngôn ngữ mình dịch; thứ hai: phải giỏi tiếng Việt, bởi vì bản dịch được thể hiện bằng tiếng Việt, đầu ra là tiếng Việt; thứ ba: Có năng khiếu văn học và đam mê dịch thuật văn học.

Khó khăn của một dịch giả đó là gì?

Người dịch sẽ gặp khó khăn khi phải dịch những vấn đề, những lĩnh vực mình không am hiểu, thậm chí không biết. Bây giờ người dịch có nhiều phương tiện tìm kiếm, tra cứu, đó là thuận lợi. Để tìm cho được một từ hoặc một cụm từ đắc địa trong khi dịch lắm khi người dịch phải trăn trở, mất ăn mất ngủ. Người ta bảo “nghề dịch lắm công phu” là như vậy.

Điều gì khiến ông cảm thấy có nhiều cảm hứng khi dịch văn học Ba Lan?

Tôi xin nói luôn. Tôi là người đam mê văn học Ba Lan. Một đất nước chỉ có chưa đầy bốn mươi triệu dân mà có tới bốn nhà văn và nhà thơ được giải Nobel. Dịch văn học Ba Lan, tôi tự thỏa mãn lòng đam mê và sự mến mộ của mình, nhưng đồng thời tôi cũng muốn đem những tinh hoa của văn học Ba Lan đến với người đọc Việt Nam. Giúp bạn đọc Việt Nam biết được, người Ba Lan họ làm ăn, sinh sống, họ đấu tranh, họ căm giận, họ vui buồn, sướng khổ ra sao. Và tất cả những điều tôi vừa nói ở trên đều là những niềm cảm hứng khi tôi dịch văn học Ba Lan.

Ông nhận xét thế nào về tình hình văn học Ba Lan hiện nay?

Năm 1989, cùng với việc thay đổi chế độ ở Ba Lan, thêm một tổ chức mới của các nhà văn Ba Lan được thành lập. Đó Là Hội Nhà Văn Ba Lan SPP. Như vậy cùng với Hội Nhà Văn Ba Lan ZLP được thành lập từ năm 1918, việc SPP ra đời đã khiến cho Ba Lan có hai hội nhà văn cùng song song tồn tại, hoạt động độc lập với nhau, và không được nhà nước tài trợ. Hai hội nhà văn này có số hội viên gần như ngang nhau, mỗi hội có khoảng một ngàn hội viên, nhưng SPP đa phần là hội viên trẻ, còn ZLP có nhiều hội viên luống tuổi, nhiều người từng gắn bó với chế độ cũ. Cùng với sự sụp đổ của chế độ cũ, kể từ năm 1990, văn học trong nước và văn học hải ngoại của Ba Lan hòa nhập với nhau.

Văn học Ba Lan vừa được hưởng lợi, vừa phải trả giá khi đất nước phát triển theo kinh tế thị trường. Giờ đây nhà văn được tự do sáng tác, không bị kiểm duyệt, không có vùng bị cấm kỵ, họ tự thân vận động, tự chịu trách nhiệm. Chưa bao giờ sách văn học lại được in và phát hành nhiều như bây giờ. Có nhiều tác phẩm văn học hay nhưng cũng không ít tác phẩm văn học tầm thường. Sách tình dục, tình yêu đồng tính nở rộ. Giải thưởng văn học Nike (Nữ thần chiến thắng), giải thưởng văn học hàng năm danh giá nhất Ba Lan, được trao tặng từ năm 1997, với mức thưởng là 100 ngàn zlôty tiền Ba Lan (khoảng 33 ngàn đô la) và biểu tượng Nữ thần chiến thắng, được coi là điểm nhấn hàng năm và là hoạt động có tác dụng động viên khuyến khích các nhà văn trong sáng tạo, phấn đấu có tác phẩm đỉnh cao.

Trong đội ngũ các nhà văn Ba Lan hiện nay có một thực tế là, các nhà văn có sách bán chạy thì giàu có, thu nhập cao, còn những nhà văn “thường thường bậc trung” thì vất vả, đặc biệt các nhà văn già thuộc Hội Nhà văn ZLP thì đời sống gặp nhiều khó khăn, do các tác phẩm của họ khó tái bản, tác phẩm mới thì khó in hoặc không in được, không có nguồn hỗ trợ tài chính nào. Ngay cả hai hội nhà văn Ba Lan cũng gặp nhiều khó khăn, do không có kinh phí hoạt động, vì nhà nước không tài trợ. Các đoàn nhà văn Việt Nam đã sang thăm Ba Lan chắc biết rõ khó khăn này. Theo tôi, lượng bạn đọc sách văn học ở Ba Lan không giảm. Khi trò chuyện với tôi tại Warszawa, nữ nhà văn Katarzyna Grochola đã thổ lộ, sách của bà, như tiểu thuyết “Xin cạch đàn ông!” chẳng hạn, bán rất tốt. Đã tái bản rất nhiều lần, in bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Bà còn cho biết, thỉnh thoảng bà vẫn có những chuyến đi tới các địa phương khắp vùng đất nước để giao lưu với độc giả. Và cuộc giao lưu nào nào cũng có đông người tham dự, nhất là các bạn trẻ, điều này chứng tỏ sự mến mộ của bạn đọc Ba Lan đối với các tác phẩm của bà, nói rộng ra, đối với văn học Ba Lan.

Nếu chia làm hai giai đoạn, ông đánh giá thế nào về văn học Ba Lan trước và sau năm 90

Người ta đã chia văn học Ba Lan thành các giai đoạn sau đây: 1945 -1950, 1950 – 1956, 1956 – 1960, 1960 – 1970, 1970 – 1980, 1980 – 1990, đó là những năm khi còn tồn tại nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan. Đó là những năm văn học Ba Lan trải qua nhiều thăng trầm, phát triển theo đường lối xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, thời kỳ “văn học minh họa”, chế độ kiểm duyệt được áp dụng gắt gao, nhiều nhà văn “nói thẳng” đã không in được tác phẩm bằng con đường chính thức, phải in qua các nhà xuất bản bí mật hoặc xuất bản ở hải ngoại. Phản ứng với chế độ, một số không ít các nhà văn đã rời bỏ Ba Lan, đến sinh sống, sáng tác ở nước ngoài (chẳng hạn nhà thơ Czeslaw Milosz, nhà văn Slawomir Mrozek…). Có thể nói trước năm 1990 văn học Ba Lan tồn tại cả trong nước và ngoài nước: văn học quốc nội và văn học hải ngoại. Tại hải ngoại các tác phẩm của một số nhà văn lưu vong đã có tiếng vang lớn như: Janusz Glowacki, Wlodzimierz Odojewski, Gustaw Herling-Grudzinski, Adam Zagajewski. Tuy nhiên đầu những năm tám mươi tình hình đã có những chuyển biến tích cực, khi năm 1981 nhà thơ Czeslaw Milosz, sau khi được nhận giải thưởng Nobel (1980) đã trở về sinh sống ở trong nước. Một số các tác phẩm của ông (chưa phải tất cả) được xuất bản. Ông trở thành biểu tượng của sự hòa nhập văn học trong, ngoài.

Năm 1989, ở Ba Lan đã diễn ra sự kiện lịch sử, đó là Hội nghị Bàn tròn với sự tham gia của sáu mươi nhân vật đại diện cho chính quyền Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, Công đoàn Đoàn kết và Nhà thờ Ba Lan. Ngày 5 tháng 4 năm 1989 Thỏa thuận Bàn tròn đã được ký kết. Chủ nghĩa cộng sản với tư cách là một hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội bị sụp đổ, Ba Lan chuyển sang chế độ dân chủ nghị viện, gồm hạ viện và thượng viện. Cũng từ đây Ba Lan chuyển sang thời kỳ hậu cộng sản, thực hiện kinh tế thị trường tự do.

Cùng với những đổi thay của đất nước, văn học Ba Lan chuyển sang một thời kỳ mới. Từ năm 1990 ở Ba Lan không còn chế độ kiểm duyệt đối với văn học. Các nhà văn cũng không còn được hưởng những “ưu ái” của nhà nước như ngày trước, chấm dứt bao cấp. Sau năm 1989, bên cạnh những tác phẩm phản ánh cuộc sống đương đại của Ba Lan, hàng loạt tác phẩm thuộc trào lưu “tính sổ” được ấn hành. Đây là những tác phẩm lên án, tố cáo, kết tội chế độ cũ. Cũng từ đây văn học thương mại ở Ba Lan nở rộ, văn học trở thành hàng hóa trong các nhà sách. Về phương diện này Ba Lan đã “châu Âu hóa rất nhanh”, văn học giải trí ở Ba Lan càng ngày càng chuyên nghiệp. Những nhà văn có uy thế là những nhà văn có sách bán chạy trên thị trường. Người ta chạy theo số lượng chứ không phải chất lượng. Chạy theo thị trường, văn học Ba Lan đã phải gánh chịu hậu quả. Lượng sách phát hành nhiều, nhưng sách thương mại, sách giá trị thấp càng ngày càng tăng.

Những tác phẩm mà ông dịch đã thực sự tiêu biểu cho nền văn học Ba Lan hiện đại chưa?

Tôi đã có 23 đầu sách dịch, tính cả in chung thì trên 30 đầu sách. Đa phần sách tôi dịch là đương đại. Có một sự ngẫu nhiên, nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn tôi dịch tác giả là nữ. Đó là những cây bút đương đại sung bút lực, được bạn đọc Ba Lan rất mến mộ. Họ là những nhà văn nữ quyền, bênh vực phụ nữ, bảo vệ phụ nữ, họ muốn chứng minh phụ nữ Ba Lan thời nay khác xưa rất nhiều. Họ dám nghĩ, dám làm, làm cả những công việc trước kia chỉ thuộc đàn ông và đặc biệt phụ nữ Ba Lan ngày nay tư duy khác trước. Chung cục, những tác phẩm tôi dịch đa phần phản ánh cuộc sống đương đại ở Ba Lan, nhưng đó cũng chỉ là các tác phẩm của chừng hai chục nhà văn nhà thơ trong số trên 2000 nhà văn nhà thơ Ba Lan hiện nay, cho nên không thể nói chúng thực sự tiêu biểu cho nền văn học hiện đại của Ba Lan.

Đã có thời gian dài học tập và làm công tác ngoại giao tại Ba Lan, điều gì khiến ông ấn tượng về con người và đất nước Ba Lan?

Để trả lời câu hỏi này thì tôi phải nói thật dài mới xuể, nhưng tôi chỉ nói ngắn gọn. Tôi rất ấn tượng cái tâm và cái tình, lòng nhân hậu của người Ba Lan. Những năm tháng học tập và công tác ở Ba Lan đã giúp tôi khẳng định điều này. Chính nhân dân Ba Lan, chính các thầy giáo, cô giáo Ba Lan, trong những năm Việt Nam đang có chiến tranh đã đùm bọc, nuôi nấng và đào tạo tôi trở thành một thạc sĩ-kỹ sư trắc địa và sau này trở thành nhà ngoại giao và dịch giả văn học Ba Lan. Có thể nói, với tôi Ba Lan là Tổ quốc thứ hai.

Còn nói về đất nước Ba Lan, đây là đất nước của những của những thiên tài, như nhà thiên văn học Nicolas Copernic, nhạc sĩ thiên tài Sô-panh, nhà bác học Marie Curie, bốn nhà văn nhà thơ được giải Nobel : Henryk Sienkiewicz, Stanislaw Reymont, Czeslaw Milosz, Wislawa Szymborska... Ba Lan là đất nước đẹp tuyệt vời, với những cánh rừng lá nhọn và vô vàn những hồ nước rộng mênh mông, phong cảnh hữu tình, là những trung tâm nghỉ mát không chê vào đâu được. Trên thực tế đất nước Ba Lan mênh mông, bằng phẳng như một cánh đồng. Bản thân từ Polska, tên gọi Ba Lan, cũng từ chữ Pole, tức chữ cánh đồng mà ra. Đến với Ba Lan là ta đến với đất nước thanh bình, nơi tiếng chuông nhà thờ vang vọng khắp làng quê, thị thành.

Trong khoảng chục năm trở lại đây, tôi thấy ông xuất bản liên tục, hầu như năm nào cũng có một cuốn, thậm chí có năm hai cuốn. Tiền nhuận bút của những cuốn sách có làm ông thấy tạm hài lòng không ?

Cảm ơn anh đã quan tâm đến công việc dịch thuật và « nồi cơm » của tôi. Anh nói đúng, kể từ năm 2002 đến nay, tôi liên tục in sách, có năm in hai cuốn. Thí dụ năm 2012 tôi in Dưới cánh Thiên thần Rượu (tiểu thuyết) và Ban công lên trời (tập truyện ngắn), năm 2013 tôi in Cô gái Không Là Gì (tiểu thuyết) và Con voi (tập truyện ngắn). Còn tiền nhuận bút ư? Đừng nói ra thì có lẽ cả tôi, cả anh, và cả bạn đọc của báo Văn nghệ nữa sẽ khỏi phải mủi lòng.

Tôi thấy các tác phẩm dịch của ông được các nhà sách đón nhận rất nồng nhiệt. Trên thực tế, số lượng sách bán ra có nhiều không?

Thỉnh thoảng tôi lang thang ở các nhà sách và nhiều hôm thấy vui cái bụng vì tận mắt nhìn thấy có nhiều bạn đọc mua sách của mình. Tôi nghĩ đó là phần thưởng cho công sức dịch thuật của tôi. Nhưng anh hỏi tôi số lượng sách bán ra có nhiều không thì tôi chịu. Vì có nhà xuất bản nào họ thông báo điều này cho tôi đâu. Có cuốn người ta in đi in lại đến cả chục lần mà tôi không hề hay biết. Tôi phải tự khám phá điều này trong mục « nộp lưu chiểu » ở cuối sách.

Ông có thể cho biết chút thông tin về đội ngũ dịch văn học Ba Lan hiện nay.

Đội ngũ những người dịch văn học Ba Lan hiện nay không đông, có thể đếm trên đầu ngón tay: Lê Bá Thự, Nguyễn Thị Thanh Thư, Tạ Minh Châu, Nguyễn Hữu Dũng (trong nước); Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Chí Thuật, Thái Linh (Ba Lan). Tuy nhiên trong những năm vừa qua đội ngũ không đông này đã dịch và in hàng chục đầu sách văn học Ba Lan, năm nào cũng có sách văn học Ba Lan được in. Rất nhiều tác phẩm cổ điển và đương đại Ba Lan đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Đa phần các dịch giả nói trên đều lớn tuổi, không còn trẻ trung gì. Chúng tôi rất trông mong thế hệ trẻ, nhưng xem ra các bạn trẻ chẳng mấy mặn mà, ít ra là trong lúc này.

Còn đội ngũ dịch giả văn học nói chung thì sao?

Theo tôi đội ngũ dịch giả văn học ở nước ta hiện nay khá đông đảo, nhất là các dịch giả trẻ, được đào tạo bài bản hơn, và điều kiện làm công việc dịch thuật của họ càng ngày càng thuận lợi hơn. Đến các nhà sách khắp trong nam ngoài bắc thì ta thấy rõ, sách dịch “hùng hậu”, “bề thế”, chiếm thị phần lớn như thế nào. Đó chính là sản phẩm, là thành quả của “đội ngũ” những người dịch văn học (cho dù vẫn còn nhiều khiếm khuyết phải bàn). Chỉ có điều, “đội ngũ” này có thành đội ngũ đâu, có thành hàng thành lối đâu, họ tản mác khắp nơi, mạnh ai nấy dịch. Hội nhà văn cũng chỉ có trong tay các dịch giả là hội viên của mình, số hội viên này không nhiều, họ là những dịch giả từng trải, có bề dày thành tích dịch thuật, phải cái họ sắp già hoặc đã già. Các bạn trẻ thì xem ra họ không thiết tha, không mặn mà với việc vào Hội. Muốn có một “đội ngũ” thật sự thì ta phải tập hợp được các dịch giả trẻ, và muốn tập hợp được họ thì ta phải có sức lôi cuốn họ. Điều này liệu có thực thi?

Ông có suy nghĩ gì về Trung tâm dịch văn học Việt Nam của Hội Nhà văn Việt Nam vừa ra mắt cách đây không lâu?

Đây là một tin vui cho văn học nước nhà. Nhẽ ra Trung tâm này nên ra mắt từ lâu. Vì, như ta đã biết, thế giới biết rất ít về văn học Việt Nam. Cho nên việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài là việc làm cần thiết, thậm chí cấp thiết. Tuy việc này hoàn toàn không dễ dàng chút nào, khi cái khó bó cái khôn, đội ngũ những người có thể làm việc này một cách đáng tin cậy, có chất lượng, lại không có nhiều, nếu không muốn nói là đang rất thiếu và rất yếu. Giá trị của việc quảng bá văn học Việt Nam ở nước ngoài không đo được bằng tiền, nhưng phải có tiền thì mới có thể thực hiện có kết quả chủ trương này. Rất nhiều nước trên thế giới họ sẵn sàng tốn kém cho hoạt động dịch và xuất bản sách của nước mình ở nước ngoài. Chẳng hạn Ba Lan có một cơ quan gọi là Viện sách thuộc Bộ văn hóa, chuyên lo việc quảng bá văn học Ba Lan và hàng năm họ được nhà nước cấp một khoản tiền rất lớn để chi phí cho hoạt động này. Theo tôi, hẵng cứ khai mào, hẵng cứ dám đầu tư tiền tài và công sức, hãy tổ chức có bài bản, thì rồi sẽ thành công. Tôi tin như vậy và tôi xin chúc Trung tâm dịch văn học Việt Nam thành công.

Cảm ơn dịch giả Lê Bá Thự về cuộc trò chuyện này. Chúc ông luôn có sức khỏe và hàng năm vẫn cho ra đời những tác phẩm dịch có giá trị.

Trần Vũ Long thực hiện



Sửa lần cuối 2014-07-08 19:34:12

Bình luận

Bình luận qua Facebook