2014-04-27 14:57:11

Hy vọng – Tiểu thuyết của nữ nhà văn Ba Lan Katarzyna Michalak được dịch sang tiếng Việt

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây vừa ấn hành (trong quý II năm 2014) tiểu thuyết HY VỌNG của nữ nhà văn Ba Lan Katarzyna Michalak, người dịch là nhà văn – dịch giả Lê Bá Thự.



   Lila Borowa, cô gái Ba Lan, mồ côi mẹ, bố nhà nông, nghiện rượu; Aleksei Dragonow, người Nga, mồ côi cả cha lẫn mẹ sau vụ nổ tại nhà máy điện nguyên tử Trécnôbưn năm 1986, ở với dì. Họ gặp nhau do một sự tình cờ thú vị ở trong rừng và trở thành bạn thân của nhau khi Lila mới sáu tuổi, Aleksei tám tuổi, cho dù ông Borowy, bố của cô bé, không chấp nhận tình bạn này, lại còn giở thói bạo hành, lắm phen cho cả hai no đòn, đến nỗi Aleksei đã thề trong bụng là sẽ cứu bạn mình thoát khỏi người bố vũ phu. Chẳng bao lâu số phận đã khiến họ phải xa nhau. Những tưởng con đường của họ sẽ chẳng bao giờ gặp nhau. Tuy nhiên hai thứ tình cảm mạnh hơn định mệnh đã luôn luôn gắn bó họ: tình yêu và lòng căm thù.

Katarzyna Michalak
Nhiều năm sau đó, dẫu ở cách xa, Aleksei, chàng trai nặng tình nghĩa và giầu lòng bao dung thường xuyên trở về làng thăm bạn, cho dù mỗi lần như vậy cô gái Lila chỉ làm tổn thương, thậm chí xúc phạm bạn mình:

Mỗi bận anh về làng là một lần em làm tổn thương anh, em phản bội anh, em lừa đảo anh, anh ra đi, anh chữa trị vết thương, vết thương trên cơ thể và vết thương lòng, anh tha thứ - lần nào anh cũng tha thứ cho em, rồi anh quay trở lại. Sau một năm, sau hai, ba năm, nhưng luôn luôn quay trở lại. Không hề thay đổi, như mặt trời mọc và lặn, như thủy triều lên và xuống. Và em đã lợi dụng sự yếu đuối này của anh, vẫn tiếp tục càng ngày càng làm tổn thương anh.

Tại sao anh lại cứ để cho em làm như vậy, hả anh Aleksei.

Và đây là nỗi đau thể xác và tinh thần của cô gái:

Em đã nhớ anh như điên như dại… Em rất lấy làm tiếc về sự đê tiện và sự nhát gan của mình… Em khinh bỉ chính mình…

Em lại giam mình trong nhà tắm, mặc dầu cả nhà đi vắng, em cầm lưỡi dao cạo và… em tự rạch da làm cho mình đau, đồng thời kết tội bản thân về những gì em đã làm hại anh, cũng như để làm át đi nỗi đau mất anh. Sau đó em đã tự nhổ vào mặt mình, để càng thêm khinh bỉ cái sự hèn yếu này của em.

Lila tựa hồ ngọn lửa, còn Aleksei như con thiêu thân. Mối tình lắm gian nan và nhiều trắc trở của Lila và Aleksei cũng là định mệnh và lời nguyền của đôi bạn trẻ này. Tình yêu trở thành nỗi ám ảnh, còn định mệnh trở thành nỗi bất hạnh, và cả Lila lẫn Aleksei không thể hoặc không muốn cưỡng lại. Cái còn lại vẫn chỉ là Hy Vọng. Tiểu thuyết viết về tình yêu có thể chiến thắng tất cả, về lòng căm thù có thể hủy diệt tất cả và về nỗi cô đơn mà không ít người trong chúng ta từng nếm trải. Hãy nghe Lila nói về nỗi cô đơn của mình:

- Em đã phải mua tình bạn của họ đó, - cô gái nói nhỏ. – Con gái thì em trả bằng quà, tặng phẩm, con trai thì em trả bằng làm tình, để cho em hết bị cô đơn. Để một người nào đó quan tâm đến em, một người nào đó trò chuyện với em trong giờ giải lao hoặc sau giờ tan học. Anh Aleksei, anh có biết, thế nào là nỗi cô đơn không hả anh?

“Hy Vọng” là tựa đề của cuốn tiểu thuyết, cũng là tên gọi của ngôi nhà thơ mộng, tọa lạc trên trảng cỏ, giữa rừng già nguyên sinh, quanh năm róc rách tiếng suối chẩy, vi vu tiếng thông reo, líu lo tiếng chim hót, đẹp như miền cổ tích. Những áng văn đẹp, mượt mà, về cánh rừng, về con suối, về “ngôi nhà cổ tích” và những bí ẩn của ngôi nhà này cùng những con người từng sống và đang sống trong đó khẳng định điều này.

Nét độc đáo của cuốn sách này, cuốn tiểu thuyết hiện đại nhuốm màu cổ tích, là ở chỗ, nó thực đến đau lòng và rất đời. Sử dụng thủ pháp đồng hiện với mật độ dày đặc từ đầu đến cuối, bằng những dòng hồi tưởng giầu nội tâm, nữ nhà văn Katarzyna Michalak đã kể cho chúng ta nghe câu chuyện đầy tính nhân văn, xúc động đến trào nước mắt, về tình bạn và tình yêu, về giận và thương, về lòng quả cảm và sự hy sinh mà mỗi người chúng ta đều có thể tìm thấy bóng dáng cuộc đời mình trong đó.

Thanh Trà




Sửa lần cuối 2014-04-27 12:54:42
  • Van An Van An Các dịch giả người Việt tại Ba Lan đã có nhiều thành công trong việc dịch các tác phẩm tiếng Ba Lan sang tiếng Việt, tạo điều kiện cho độc giả Việt Nam tìm hiểu về văn học Ba Lan. Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, tức dịch các tác phẩm văn thơ Việt Nam sang tiếng Ba Lan, các kết quả vẫn rất khiêm tốn. Tôi hy vọng các dịch giả sẽ đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực này. 2014-04-27 16:53:28
  • Minh (Phiên dịch) Minh (Phiên dịch) Có thể là mình cũng dịch được văn học (thơ) Việt Nam sang tiếng Ba Lan, nhưng điều quan trọng là độc giả Ba Lan có muốn đọc hay không (dịch dở hay dịch tốt thì độc giả Ba Lan sẽ có thể đánh giá)? Truyện Kiều cũng đã được dịch (từ tiếng Pháp) sang tiếng Ba Lan, nhưng số lượng xuất bản rất hạn chế, mà chưa bao giờ tái bản... Người Ba Lan biết là ở Việt Nam có sự kiểm duyệt văn học, vậy (những) tác phẩm nào của Việt Nam hiện nay nên/cần được dịch sang tiếng Ba Lan và liệu người Ba Lan sẽ nhiệt tình đón đọc hay không? 2014-04-29 18:42:55
  • Văn An Văn An Không đồng ý với Minh (Phiên dịch). Có thể dịch các tác phẩm của văn học Việt Nam hiện đại, ví dụ vế các cuộc chiến tranh (chẳng hạn về Điện Biên Phủ). Chắc chắn sẽ có người đọc ở Ba Lan. Truyện Kiều không có nhiều người đọc vì khi dịch ra tiếng nước ngoài thì không còn là Truyện Kiều nữa. Ngoài ra cần hiểu rằng không phải bất kỳ tác phẩm văn học nào cũng có thể dịch được ra tiếng nước ngoài. Truyện Kiều là một ví dụ. 2014-05-02 12:11:19

Bình luận

Bình luận qua Facebook