2014-05-20 11:15:48

Cuộc mưu sinh của trí thức Việt nơi đất khách trong 'Tuyết hoang'

Trang bìa tiểu thuyết Tuyết hoang.


Tác giả Trần Quốc Quân viết một tiểu thuyết đầy đặn, dựng chân dung những nghiên cứu sinh Việt Nam tại Đông Âu những năm 1980 trong cơn lũ của mưu sinh.

Tác phẩm dày hơn 700 trang, gồm 10 chương xoay quanh cuộc sống của tầng lớp trí thức Việt khi sang Đông Âu học tập. Nhân vật chính là một trí thức Hà Nội tên Nguyên, sang Ba Lan theo chương trình nghiên cứu sinh, để rồi trở thành người ngày đêm quay cuồng với vòng xoáy của đồng tiền. Nguyên nhanh nhạy, buôn từ áo kimono, thuốc kháng sinh, đến đồng hồ, vàng... Anh ta lao vào vòng xoáy làm ăn như một cuộc phiêu lưu đầy tham vọng. Sau bao thăng trầm, cuối cùng Nguyên nhận về cái kết bẽ bàng. 


Hành trình của Nguyên cũng là hành trình của một thế hệ người Việt thời đó, những con người mang theo khát vọng đổi đời ở một xứ sở xa lạ, loay hoay tìm kiếm hạnh phúc. Tiền bạc từng có rồi lại mất, hạnh phúc tưởng chừng đã chạm đến, nhưng sau cùng còn lại là cảm giác rã rời hoang vu của tâm hồn như cảnh tuyết hoang vừa mới vui đấy lại trở nên buồn bã, cô quạnh...

Cuốn sách được viết dựa trên những trải nghiệm của bản thân và những gì tác giả quan sát thấy trong gần 30 năm qua ở Ba Lan. Nhân vật Nguyên mang nhiều câu chuyện của chính tác giả trong đó. Trong Tuyết hoang, Nguyên đỗ thứ năm toàn quốc để đi du học, đó cũng là kết quả tác giả từng đạt được. Sau 3 năm đi nghĩa vụ quân sự, tác giả đã quyết tâm học tập để đạt được mục đích, được đi du học, vừa để trau dồi kiến thức, vừa để có thể cải thiện kinh tế gia đình. Cũng giống như nhân vật trong truyện, bản thân tác giả nhiều lần làm nên cơ nghiệp rồi trắng tay, có khi nợ nần chồng chất. 

Nói về Tuyết hoang, nhà văn, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến nhận xét: "Không hề nói quá, nội chỉ trong chương năm của Tuyết hoang ta đã thấy đầy đủ những tấn kịch thời đại. Từ những biến động ở Hà Nội đến những thay đổi toàn diện ở Đông Âu và những con người như Nguyên phải sống sao đó để tồn tại". Nhà văn nói về văn phong của Tuyết hoang: "Bút pháp kể, tả với vốn sống ngồn ngộn và một thứ ngôn ngữ nhuần nhuyễn đi sâu vào tâm lý nhân vật, khai thác tận cùng những cảnh huống, những bi kịch lột tả đến tận đáy đời sống của con người tha hương. Tuyết hoang thật sự là một cuốn phim đời chắt lọc, là chứng nhân của một thời và là sự hấp dẫn không thể đặng đừng khi ta cầm cuốn sách trong tay".

Nhà biên kịch Trần Hoài Văn cho rằng Tuyết hoang là một tiểu thuyết kén người đọc. "Những độc giả thiếu kiên nhẫn có lẽ sẽ không đọc sang chương thứ hai, vì chẳng tìm thấy chi tiết giật gân, thu hút ở chương một. Thêm vào đó là tiết tấu chậm. Nhưng... bắt đầu từ chương hai tôi thực sự bị cuốn hút vào những mảnh đời tha hương, bươn chải nơi xứ người với bao nhọc nhằn, khó khăn, nguy hiểm. Tôi thực sự bất ngờ trước những góc khuất được tác giả khai phá qua những trang viết ngồn ngộn trải nghiệm, chất liệu cuộc sống".

Từ trái qua: Tiến sĩ Giáo dục Thụy Anh, tác giả Trần Quốc Quân và đạo diễn Quốc Trọng trong buổi giao lưu với độc giả về tiểu thuyết Tuyết hoang.


Tuy nhiên, MC Thảo Vân bị thu hút ngay từ những trang đầu của Tuyết hoang. Chị nói: "Cách viết chân thực và sinh động của tác giả đã làm người đọc không còn quan sát từ bên ngoài nữa, mà đang sống cùng các nhân vật, trăn trở cùng họ, đau cùng họ, mất mát cùng họ và chia sẻ cùng họ".

Đạo diễn Trần Quốc Trọng chú ý tới diễn biến tâm lý các nhân vật trong truyện. Ông nói: "Ký ức bị dồn nén nhiều năm, như được bật lò xo, vụt văng ra, phơi bày một cách sinh động cuộc sống mưu sinh của những người Việt nơi xa xứ. Cay đắng, tủi nhục, uất hận, mệt mỏi... biến những sinh viên, lưu học sinh, trí thức du học, trở thành những người ngày đêm quay cuồng với dòng xoáy của đồng tiền. Trong cái vòng xoáy "vong thân" đó, cùng với niềm tin, phẩm hạnh lần lượt bị xói mòn, chỉ còn là những món hàng xa xỉ. Rồi đây, có lẽ thế hệ trẻ sẽ cần học thêm những điều khác để giành lấy tương lai của mình. Nhưng nghĩ một cách sâu xa hơn, tôi chợt thấy băn khoăn, xa xót...".

Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu cho rằng chỉ cần đọc chương bốn củaTuyết hoang là có thể hình dung được cuộc chuyển mình nhọc nhằn, đau đớn, vật vã của hàng nghìn người Việt ở Đông Âu trong thập niên 1980 - 90 của thế kỷ trước. 

Tác giả Trần Quốc Quân sang Ba Lan làm nghiên cứu sinh từ năm 1988, hiện là Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan. Ban đầu, ông chỉ viết từng phần hồi ký Em ơi Ba Lan đăng tải lên Facebook. Nhiều người sau khi đọc đã động viên ông viết thành tác phẩm văn học, nên tác giả dành thời gian để viết Tuyết hoang. Ngoài làm công tác cộng đồng, là doanh nhân, Trần Quốc Quân còn là người đồng sáng lập và viết bài cho báo Quê Việt - tờ báo của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan thành lập từ năm 1999.

An Hạ

 


Sửa lần cuối 2014-05-20 09:16:16

Bình luận

Bình luận qua Facebook