2014-06-01 19:48:49

Tiểu thuyết Trường học cho các bà vợ

Trước hết tôi xin chân thành chúc mừng dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư và NXB Trẻ đã dịch và ấn hành cuốn tiểu thuyết bổ ích này. Tôi cũng xin nhiệt liệt chúc mừng nữ nhà văn Magdalena Witkiewicz nhân dịp tiểu thuyết Trường học cho các bà vợ của chị đến với bạn đọc Việt Nam, đồng thời chúc mừng chuyến đi Việt Nam rất thành công của chị.

Trường học cho các bà vợ kể cho ta nghe câu chuyện của bốn người phụ nữ mà vì nhiều lý do khác nhau, nhiều cách khác nhau, đã đến tham dự kỳ nghỉ dưỡng ba tuần, thực chất là khóa huấn luyện kỹ năng sống, tại một trung tâm sang trọng ở vùng Mazury, vùng hồ nổi tiếng của Ba Lan mà thời còn là sinh viên đại học tôi đã đến nghỉ hè ở đó.

Đó là: Julia, 30 tuổi, vừa li dị, chính xác là vừa mới li dị chồng được 5 giờ 27 phút, vì chồng chị đã bị cô thư ký của mình hoàn toàn thâu tóm, đến nỗi Julia đã trịnh trọng tuyến bố vĩnh viễn xin cạch đàn ông, và sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện chồng con nữa; đó là: chị Jadwiga, cô giáo dạy toán, đã ngoài 50, là vợ của một người đàn ông bội tình. Đã từ lâu chị không đoái hoài đến chuyện chăm sóc bản thân, chăm sóc sắc đẹp của mình nữa, vì chăm sóc mà làm gì khi mỗi lần nhìn thấy vợ mình thì chồng chị cứ „dửng dưng như bánh chưng ngày tết” ở Việt Nam vậy; đó là: Michalina, cô gái 19 tuổi, bán bar, trẻ nhất trong bốn chị em. Để làm vừa lòng và vừa ý người yêu của mình, cô gái trẻ này đã từ bỏ tất cả - chẳng học hành, chẳng mộng mơ và thây kệ gia đình; đó là: Marta, người đàn bà có ba con, nhìn bề ngoài chị có vẻ là người đàn bà mắn phúc, nhưng chị lại bị chứng béo phì, thừa cân, chỉ vì chị đã không thể thuyết phục nổi cái miệng của mình, hãy dừng cái sự sung sướng lại mỗi khi có món ăn ngon.

Bốn người đàn bà lắm ưu tư và nhiều trăn trở nói trên đã có quyết định khá bạo gan, thậm chí mạo hiểm, họ đã cùng nhau khăn gói đến tham dự khóa „huấn luyện” tại Trường học dành cho các bà vợ, một trung tâm sang trọng do chị Ewelina chủ xướng và điều hành.

Sau ba tuần „dùi mài kinh sử”, bốn người đàn bà nói trên đã kết thúc khóa học một cách mĩ mãn, hơn cả mong đợi. Bây giờ họ là bốn người đàn bà hoàn toàn khác trước, bốn người đàn bà đã lột xác: tự tin hơn, xinh đẹp hơn, thon thả hơn, từng trải hơn, hiểu mình và hiểu đời hơn, am tường lối sống và cách sống và trên hết họ đã trở thành những người phụ nữ có giá mà đấng mày râu chẳng thể coi thường. Đó chính là cái được, cái thành công của Trường học giành cho các bà vợ.

Đây là một cuốn tiểu thuyết bổ ích cho chị em phụ nữ và hữu dụng với cánh đàn ông. Thực chất, cuốn tiểu thuyết đã mách bảo và truyền đạt cho chị em kỹ năng sống và các phương cách chăm sóc bản thân mình. Cần hiểu rằng, chị em phụ nữ phải được sung sướng, phải được sướng, chứ không phải chỉ biết suốt ngày lo toan cho người khác, ủ rũ mặt mày.

Theo tôi, bức thông điệp mà cuốn sách này muốn gửi đến người đọc là vấn đề nữ quyền, một vấn đề đang là mối quan tâm, là niềm trăn trở không chỉ của riêng một quốc gia nào. Là một dịch giả văn học Ba Lan tôi nhận ra, trong những năm gần đây, trên văn đàn Ba Lan đã xuất hiện một loạt các nữ nhà văn bênh vực nữ quyền. Đó là: Olga Tokarczuk với các truyện „Người đàn bà xấu nhất hành tinh” và „Vũ nữ”, Dorota Terakowska với tiểu thuyết „Hoang thai” và „Quà của Chúa”, Katarzyna Grochola với tiểu thuyết đầy tính trào lộng „Xin cạch đàn ông!”, Katarzyna Michalak với tiểu thuyết „Hy vọng”, Grazyna Plebanek với tiểu thuyết „Quan hệ không hợp pháp”, Magdalena Witkiewicz với tiểu thuyết mà vì nó hôm nay chúng ta đang có mặt tại đây vv... Các tác phẩm văn học của họ bênh vực phụ nữ, bảo vệ phụ nữ, đề cao vai trò của chị em trong xã hội đương đại.

Đội ngũ dịch giả văn học Ba Lan không đông. Tôi và dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư là hai trong số những người trong đội ngũ không đông này. Ấy vậy mà, trong quãng thời gian hai chục năm trở lại đây, gần một trăm tiểu thuyết và các tác phẩm văn học nổi tiếng của nền văn học Ba Lan, một nền văn học có tới bốn nhà văn và nhà thơ được giải Nobel, đã được dịch sang tiếng Việt. Chị Nguyễn Thị Thanh Thư đã in 15 đầu sách và tôi cũng đã in trên 23 đầu sách. Đó là kết quả của sự mến mộ và niềm đam mê văn học Ba Lan, là nỗ lực vô tư, không mệt mỏi của các dịch giả, những người đã tốt nghiệp đại học ở Ba Lan, muốn mang đến cho người đọc Việt Nam những giá trị cao quý của nền văn học Ba Lan, qua đó góp phần làm cho người Việt Nam và người Ba Lan càng ngày càng hiểu nhau hơn, tăng cường tình hữu nghị và sự hợp tác giữa hai dân tộc. Nhân dịp này, chúng tôi, những người dịch văn học Ba Lan, xin cảm ơn Nhà nước Ba Lan, Bộ Văn hóa và Viện sách Ba Lan và nhất là Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội, đã không ngừng động viên và hỗ trợ hoạt động dịch thuật văn học Ba Lan của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc nhiều hơn nữa, làm việc hăng say hơn nữa, để càng ngày càng có nhiều tác phẩm là tinh hoa của nền văn học Ba Lan đến với người đọc Việt Nam.

Cuối cùng, rất mong các tác phẩm văn học Ba Lan do chúng tôi chuyển ngữ sang tiếng Việt sẽ được các bạn có mặt tại đây hôm nay mến mộ và tìm đọc.

Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự

Sửa lần cuối 2014-06-01 17:49:17

Bình luận

Bình luận qua Facebook