2014-06-06 11:01:07

Đọc tập thơ " Tháng ba mùa hoa gạo" của Lan Hải Thu Quỳnh.


Đã lâu lắm rồi CLB Thơ của cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan mới lại tổ chức “Đêm thơ” để giới thiệu một tác giả thơ. Cái tên Lan Hải Thu Quỳnh đã được nhiều người biết đến như một tác giả thơ quen thuộc của cộng đồng từ nhiều năm nay, nhưng giờ đây với tập thơ thứ 2 ấn hành ở NXB Hội nhà văn Việt Nam, hy vọng rằng Lan Hải Thu quỳnh sẽ được biết đến như một nhà thơ không chỉ riêng của cộng đồng người Việt ở xứ sở của Sô Panh và Ađam Mickiewicz nữa, mà cả ở trong nước và nước ngoài.

Đọc “Tháng ba mùa hoa gạo”, tập thơ mới ấn hành quý IV năm 2013, tôi đặc biệt ấn tượng với 2 điều, một là những rung động tinh tế khi miêu tả cảnh sắc ở Ba Lan và hai là tình cảm của tác giả đối với quê hương và tuổi thơ.

Hãy cùng đọc bài “Trên hồ Dadaj” mà tác giả viết hè năm 2010 tại vùng hồ Mazura:

Hồ Dadaj

Tấm gương xanh giữa ngàn thông xanh

Đôi mắt xanh

Cô gái vùng Mazura kiều diễm.

Hít tràn ngực làn gió hồ

Tôi đắm mình giữa trời xanh hư thực

Em mặn mà như lúa chín ngoài xa.

Những đứa trẻ vô tư

Bì bõm với nắng trời

Bì bõm với giấc mơ

Của riêng mình.

Đêm cồn cào,

Điệu nhảy miên man...

Em Êla cuồng say

Ánh lửa trại bập bùng mùi thịt nướng

Thơm lừng một góc rừng khuya.

Đây là một trong những bài thơ hay nhất của Lan Hải Thu Quỳnh viết về vùng hồ nước Mazura đẹp tuyệt vời của Ba Lan, nó cho ta cảm giác lâng lâng, miên man, cồn cào như đang đắm mình giữa mơ và thực, giữa tuổi thơ và thực tại, giữa quê hương Việt Nam xa xôi và mảnh đất Ba Lan gần gũi, giữa trời và nước, giữa đêm và ngày, giữa những người Việt Nam và Ba Lan. Bài thơ nhiều hình ảnh đẹp, ngôn từ trong sáng, giàu nhạc điệu.

Bài thứ hai trong mảng thơ về Ba Lan mà tôi thích là “Hồ mắt biển”, tác giả viết về thắng cảnh nổi tiếng trên vùng núi Zakopane:

Là là mây trắng bay

Mờ mờ sương khói quyện

Bờ thông xanh xao xuyến

Hương rừng thơm ngất ngây

Đôi mắt em mê say

Đôi mắt người thảng thốt

Nắng thu vào ngõ khuất

Để hồ soi đáy trời...

Một nét chấm phá mờ ảo đầy quyến rũ, có rừng thông xanh xao xuyến, có hương rừng ngất ngây, có nắng thu chợt tắt, có hồ soi đáy trời, có đôi mắt người con gái... Tóm lại là có tất cả những chất liệu để tạo nên bức tranh phong cảnh đẹp mơ màng.

Mảng thứ hai là những bài thơ đầy ấn tượng viết về quê hương, về tuổi thơ. Đó là những bài „Tháng ba mùa hoa gạo”, „Về quê ăn tết”, „Tình quê”, „Sinh nhật lần thứ 65” và „Về làng”.

Chúng ta cùng đọc bài „Tháng ba mùa hoa gạo”:

Tháng ba mùa hoa gạo

Thắp lửa đỏ rực trời

Hạt vừng gieo bãi trước

Khiến sông vồ vập trôi.

Em nấp sau cánh cửa

Màu hoa như ước mong!

Có bao nhiêu trang sách

Từ sắc đỏ cầu vồng!

Tháng ba mùa hoa gạo

Bóng mẹ cha ngày nào,

Trụt trồi trên ruộng cạn

Giữ một đời thanh tao.

Tháng ba mùa hoa gạo

Bây giờ xa xôi rồi!

Một trời tuyết trắng bạc

Giữa xứ người đơn côi.

Đây là bài thơ hay nhất, đặc sắc nhất trong tập thơ, bởi nó chứa đựng những tình cảm rất thực, rất sâu lắng của tác giả viết về quê hương, về cha mẹ, về tuổi thơ và tình yêu. Hình ảnh hoa gạo đỏ rực trời là hình ảnh đặc trưng của làng quê Việt mà mỗi khi nghĩ về nó, nhớ về nó chúng ta đều không nén nổi cảm xúc bồi hồi nhung nhớ, thương yêu. Đây là hình ảnh quen thuộc mà các nhà văn, nhà thơ thường dùng. Hình ảnh em nấp sau cánh cửa cũng là hình ảnh quen thuộc, song gắn màu đỏ của hoa gạo, màu đỏ của cầu vồng với hình ảnh người con gái đang ấp ủ tình yêu thì có lẽ hiếm người làm như Lan Hải Thu Quỳnh. Tôi thích nhất khổ thơ của tác giả khi viết về cha mẹ, câu “trụt trồi trên ruộng cạn” quả thực đã gợi cho ta cái nhọc nhằn, vất vả, một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời của những người nông dân quanh năm gắn bó với ruộng đồng làm ra hạt gạo nuôi người. Câu “giữ một đời thanh tao” nói lên cái tự hào của tác giả đối với cha mẹ mình, những người suốt đời chỉ làm người nông dân, sống thanh tao, giản dị. Khổ thơ cuối tương phản hẳn với các khổ thơ trên, không còn tháng ba mùa hoa gạo, không còn đỏ rực trời nữa, “Bây giờ xa xôi rồi! Một trời tuyết trắng bạc”. Tác giả nhớ về quê hương, về cha mẹ, về tuổi thơ và tình yêu giữa trời đất Ba Lan trong khi tuổi đã xế chiều, giữa mênh mông tuyết trắng, giữa xứ người đơn côi. Bài thơ trữ tình, đầy cảm xúc, đầy nhạc điệu.

Bài “Về quê ăn Tết” có những câu rất hay:
Gần bảy mươi tôi về quê ăn Tết

Sông vẫn còn đây một bến đò!

Người hò hẹn mà ta cách biệt

Mưa bụi giăng đầy ký ức xưa.

Xóm núi mải mê phiên chợ tết

Người xe nườm nượp đổ về làng.

Ai xào ngọn bí bay mùi tỏi

Đi dọc một thời trẻ lang thang.

Đặc biệt hai câu vừa nêu hết sức gợi nhớ. Tuổi thơ của tác giả ùa về khi mùi ngọn bí xào tỏi bay trong ngõ. Kỷ niệm quê hương luôn gắn với tuổi thơ.

Bài “Tình quê”:
Trắng phau những cánh cò quê

Lúa xanh ngăn ngắt, gió về lao xao

Lời ru mẹ hát năm nào

Con cò bắt tép...” đi vào nắng trưa.

Ngọt ngào dòng nước tuổi thơ

Lời ru đậu lại bãi bờ liu xiu

Quê xa đỏ một ráng chiều

Người ơi, để nhớ, để yêu... một đời!

Lại là những cánh cò trắng, ruộng lúa xanh, ráng chiều đỏ, gió lao xao, người mẹ hát ru giữa trưa nắng và tuổi thơ êm đềm. Đây thực sự là hình ảnh vô cùng thân thuộc với những người sinh ra và lớn lên ở làng quê Việt và chính vì thế nó dễ gây xúc động cho người đọc, nhất là khi ta đang ở cách xa hàng vạn dặm, giữa trời Âu đầy băng tuyết.

Trong tập thơ cũng còn một số bài khá hay, thí dụ “Hoài niệm Hậu Giang”, “Vườn rau nhà tôi” hay “Gửi em cô gái mù bên cầu tình Praha”...

Với 31 bài thơ, tập “Tháng ba mùa hoa gạo” là món quà quý dành tặng những người yêu thơ trong cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan. Trong tập thơ hầu như người đọc không gặp phải “hạt sạn” nào như trước đây từng thấy ở tập “Làng ven sông”, vì vậy có thể nói đây là một bước tiến dài của Lan Hải Thu quỳnh về nghệ thuật. Xin chúc mừng thành tựu của nhà thơ.


Warszawa, đầu tháng 6 năm 2014

Nguyễn Văn Thái

Sửa lần cuối 2014-06-09 05:08:03

Bình luận

Bình luận qua Facebook