2013-12-20 06:32:30

Chuyện về những nhân viên người Việt tại GD

Đó là một trong những câu chuyện đầy buồn vui, trăn trở, có cả nụ cười và có cả nước mắt mà tôi đã từng tai nghe mắt thấy trong bộn bề mưu sinh nơi xa xứ! Những mảnh đời của một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng người Việt tại xứ sở Bạch Dương này đang ngày đêm vất vả, bươn chải, bỏ sức lao động làm công ăn lương cho những chủ hàng người Trung Quốc tại Trung tâm thương mại (TTTM) GD.

Họ chủ yếu tập trung tại GD3- nơi được xem như "cái nhà xưởng Trung Quốc thu nhỏ tại Ba Lan". Mặc dù, vài năm gần đây, công việc buôn bán trong đà suy thoái chung của kinh tế thế giới, chi phí nuôi quầy box quá đắt đỏ song sự hiện diện của tầng lớp những soái đánh hàng người Trung Quốc không những không giảm đi mà còn ngày một gia tăng. Điều đó đã kéo theo nhu cầu tất yếu trong việc phát sinh một đội ngũ những người Việt Nam làm công ăn lương tại TTTM này!

Chủ hàng Trung Quốc chọn người Việt Nam vì nhiều lý do. Họ cần người Việt là trung gian giao hàng và là "thông dịch viên" với các đại lý thổi còi có quầy box tại Wólka Kosowska! Đa phần những người Việt đi làm cho chủ Tàu lại biết cả tiếng Ba Lan giao tiếp cơ bản nên ít nhiều có thể giúp chủ Tàu phục vụ được đối tượng khách hàng người bản địa mua bán trực tiếp tại quầy. Những chủ Tàu mới sang Ba Lan kinh doanh trong quá trình còn đang học tiếng bản địa, nhiều khi lại lựa chọn nhân viên người Việt biết thêm cả tiếng Anh để dễ dàng giao dịch bằng ngôn ngữ thứ ba!

Chính vì nhu cầu tuyển nhân viên của chủ Tàu mà thời gian vừa qua, một bộ phận không nhỏ người Việt đã tham gia các khoá học tiếng Trung để có thể đáp ứng điều kiện cơ bản nhất khi muốn trở thành nhân viên giao bán hàng cho những ông bà chủ người Trung Quốc. Họ đa phần là những người không có vốn liếng để mở quầy buôn bán hoặc là những người chấp nhận an phận làm công ăn lương, không dám liều lĩnh đầu tư mạo hiểm!

Nói về cuộc sống của những người Việt là nhân viên giao bán hàng cho chủ Tàu, anh H- một thanh niên quê miền Trung đã có thâm niên làm việc tại GD3 cho biết: "Những người như chúng tôi hầu như đều xác định gom góp đồng lương, tối giản chi phí, lại không có phương tiện ô tô nên những khu trọ ở Wólka Kosowska như : TM, Balada, Asean PL... là sự lựa chọn tối ưu, tiện cho việc đi lại, đỡ được phần nào thức khuya dậy sớm".

Thông thường, những nhân viên thạo việc được chủ Tàu trả mức lương khoảng 1000$/ một tháng, cộng thêm chế độ bữa trưa tùy theo hợp đồng. Với những nhân viên giao bán hàng đã làm việc lâu năm có uy tín với chủ Tàu, nhiều khi họ cũng được tin tưởng đảm nhiệm trọng trách cầm phiếu xuất hàng đi thu tiền ở các quầy thổi còi. Tuy nhiên, đây cũng chính là "kẽ hở" để "xảy ra nhiều chuyện đáng tiếc! Câu chuyện về một nhân viên giao hàng cho cô chủ Tàu đánh quần bò cầm phiếu thu mấy chục ngàn zł của khách, lặn một hơi không sủi tăm để cô Tàu khóc dở mếu dở, anh thổi còi đau đầu thanh minh thanh nga rằng đã trả hết tiền cho nhân viên giao hàng cách đây gần hai năm, thỉnh thoảng vẫn được dân buôn quần bò nhắc lại. Chính điều đó đã trở thành hồi chuông cảnh báo làm không ít chủ Tàu thay đổi phương thức thu tiền là chỉ cho người nhà cầm phiếu đi thu!

Kể về những khó khăn trong công việc, G- một nhân viên giao bán hàng cho chủ Tàu chuyên về may mặc hàng nam kể: "Cái khó của người làm công ăn lương như bọn em nhiều khi lại là nghệ thuật để làm sao được lòng chủ Tàu mà lại không mất lòng khách, nhất là với khách hàng cũng là người Việt ta. Có những lúc, em là trung gian giao dịch, muốn tính có lợi cho người Việt mình đến mua hàng thì chủ Tàu lại trách: Sao mày làm công ăn lương chỗ tao mà mày không tính lợi cho tao. Tao được phần lợi thì mới có "pi- nhon" mà trả cho mày chứ... Em tính lợi cho chủ Tàu thì anh chị em người Việt sang lấy hàng lại giận dỗi: Cùng là người Việt mà lại không biết tính lợi cho nhau. Nhiều trường hợp em đi thu tiền, các anh chị người Việt mình cứ hay cấu "cái đuôi" 10, 20 zł lẻ không trả! Em cũng nói để các anh chị thông cảm cho là em chỉ đi làm công ăn lương, thôi thì cứ nhấc máy gọi cho chủ hàng, gọi điện chẳng đáng bao nhiêu mà cũng để em đỡ bị chủ hàng nghi hoặc là bớt xén tiền hàng hoặc chủ chưa quyết mà đã tự ý làm".

Bên cạnh đó, làm nhân viên giao bán hàng cho chủ Tàu còn đòi hỏi người làm phải luôn cố gắng nỗ lực làm tốt trách nhiệm với công việc vì sự sa thải đột ngột có thể xảy ra bất cứ lúc nào. A- một nhân viên giao hàng cho chủ Tàu đánh quần áo thanh nữ tâm sự: "Chỗ em làm có cả công nhân người Ba Lan nên sự cạnh tranh, soi xét buộc em phải cố gắng để không bị xem là kém cỏi so với nhân viên người Ba Lan! Thật ra, nhiều chủ Tàu cũng không bắt mình phải đi kho bốc hàng vì tổng kho họ chỉ tin tường để cho người nhà vào xuất! Thời gian làm việc lại ngắn ngày hơn là đi làm cho chủ người Việt Nam nên em cũng đang tính cho đứa em gái đi học tiếng Trung để vào chợ này xin việc''.


Anh T- một người đồng hương làm gần quầy A cũng không ngại ngần kể: ''Với những nhân viên nhanh nhẹn, được việc... nhiều khi chủ Tàu họ cũng không tính toán quá đâu. Những ngày vào vụ đông khách, tất bật đóng hàng tới tận chiều muộn, thỉnh thoảng tôi lại được chủ bồi dưỡng thêm vì phải làm quá giờ. Cô nhân viên bán hàng người Ba Lan ở cùng chỗ tôi làm nhiều lúc được khách Tây cho tiền ''boa'' chục zł lót tay, dặn dò rằng đóng cho tao hàng bán chạy là chuyện bình thường. Nó hơn mình ở chỗ sẵn tiếng bản địa đầy mồm nên ''chăn'' khách dễ hơn và cũng được chủ ưu ái hơn''.

Tuy nhiên, làm cho chủ Tàu cũng có những câu chuyện đầy nước mắt! B- một nhân viên giao bán hàng rất khéo léo và được đánh giá là cởi mở, thân thiện, được việc cho cả chủ lẫn khách. Mỗi lần tôi qua chỗ em lấy hàng, em đều nhiệt tình chỉ cho tôi đâu là hàng mới về, đâu là mã hàng bán chạy, tính giá ngoại tệ với chủ bao nhiêu để tôi được lợi... Và dù tôi có không lấy hàng thì lúc tôi ra về, em vẫn luôn nở cụ cười vui vẻ. Vậy mà, bẵng đi một thời gian, tôi qua chỗ em để tìm mua hàng thì không thấy em đâu nữa. Hỏi thăm chủ Tàu thì được một tràng giải thích "Nỉ hảo, nỉ hảo ma... Ủa pú túng"! Hỏi thăm mấy người Việt làm cạnh đó, biết em có bầu hai tháng, ông chủ Tàu đột ngột sa thải em mà không hề đắn đo mặc dù em đã làm cho chủ Tàu này lâu năm, từ những ngày đầu tiên khi họ mới ở Trung Quốc qua Ba Lan buôn bán. Tôi chạnh lòng nghĩ về em, không biết em giờ đang làm gì để nuôi thân với cái bụng bầu ngày một lớn dần! Thời gian gần đây, vô tình gặp em xách máy ảnh đi khắp TTTM chụp hình để bán hàng qua mạng phụ giúp chồng, tôi cũng thấy yên tâm hơn vì dù sao em cũng đã có một công việc!

Em L- một nữ nhân viên giao bán hàng cho chủ Tàu đánh đồ lót thì lại may mắn có được công việc "thu nhập khủng" sau khi nghỉ thai sản! Vốn là người nhanh nhẹn, nắm bắt được nhu cầu của người Việt có con nhỏ trong Wólka Kosowska, thời gian hậu sinh ở nhà chăm con mọn, L nhận trông thêm hai đứa trẻ biết đi, biết chạy con nhà hàng xóm với lương tháng hơn gấp rưỡi đi làm công cho người Tàu mà lại được chủ động thời gian và có thể ở nhà chăm con!

Anh T- một nhân viên giao bán hàng cho hãng áo khoác của Tàu cũng chọn cho mình hướng đi mới sau những ngày dài làm công ăn lương. Anh quyết định gom hết vốn liếng, tiền lương những ngày làm ở GD3 để thuê kiôt bán lẻ ngoài chợ hoa! Tiền thuê mặt bằng kinh doanh cộng thêm tiền đầu tư hàng hoá không phải là ít nhưng anh vẫn quyết tâm và tin tưởng ở quyết định của mình! Anh tâm sự:" Nếu một ngày nào đó, phải đi làm công thì mình sẽ đi làm cho người Việt ta chứ không làm cho chủ Tàu nữa! Xét cho cùng, phận làm công cho chủ Tàu nhiều lúc nghĩ thấy tủi, thấy bạc lắm! Nghĩ đến thằng bạn đồng hương làm cho người Việt mình, nó lương thấp hơn, lại làm việc dài ngày hơn mình nhưng hơn nhau là ở cái nghĩa cái tình đồng bào, là lời thăm hỏi động viên, quan tâm kịp thời lúc mình ốm đau, hoạn nạn. Bất đồng về ngôn ngữ, văn hoá cũng là rào cản với những người Việt đi làm công cho chủ Tàu như mình".

Khác với anh T, chị M- một nhân viên giao hàng trẻ con cho chủ Tàu lại bộc bạch: "Mình đã gắn bó với công việc ở đây mấy năm rồi. Nói thật là mình thấy nhàn nhã mà lương lại cao nên chưa bao giờ mình có ý định bỏ việc ở chỗ này. Thấy mình nhanh nhẹn, được việc nên vợ chồng chủ Tàu cũng rất ưu ái và tin tưởng mình. Năm vừa rồi, ngoài chế độ bữa trưa, họ còn tăng lương cho mình lên 1200$/ một tháng. Tháng Tết năm ngoái, họ không trả lương nhưng đã thống nhất cùng mình là thưởng quà Tết cho mình bằng một vé khứ hồi về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình. Vì tháng đó, quầy box đóng cửa, nhà chủ cũng về Trung Quốc ăn Tết và lo đánh hàng cho vụ sau".

Tuy nhiên, để có được mức lương cao và công việc ổn định như chị M là điều không phải ai mong muốn cũng có được. Hầu hết những người đến đây, muốn trụ lại lâu dài đều phải qua những tháng ngày thử việc để xem xét thực lực rồi mới được nhận vào làm chính thức. Tháng trước, tôi ghé qua GD3 lấy hàng. Vừa chọn được mấy mẫu hàng mới thì thấy có một em gái trẻ tuổi người Việt đứng khóc trước cửa quầy với ông chủ người Tàu. Tôi hỏi thăm thì được nghe em vừa nói vừa khóc trong tiếng nấc: "Chị ơi! Em mới... thử việc được gần một tháng. Hôm nay, chủ bảo em... đi thu tiền một nhà bên GD2. Thu được 2300 zł... không biết em để trong túi quần thế nào... sơ ý làm mất tiền rồi. Em quay lại chỗ thu tiền để hỏi... và đã đi tìm lại dọc chỗ đường đi từ GD2 về đây... mấy lần mà không thấy... Em biết lấy tiền đâu mà đền cho chủ... Chuẩn bị đến ngày lấy lương rồi... Coi như mất tiền... cuối tháng trừ đi... em nhận lương còn có mấy trăm... lấy gì mà trả tiền nhà trọ... Có khi còn bị đuổi việc..."!


Thấy vậy, tôi và mấy anh chị em làm quanh đó chỉ biết giải thích sự việc, nói đỡ cho em với ông chủ rồi an ủi em thôi đừng quá suy nghĩ, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuần vừa qua, tôi sang GD3 lấy hàng, hỏi thăm về em, mấy chị người Việt làm gần đó buồn bã kể là em đã bị chủ Tàu cho nghỉ việc rồi, giờ không biết em đi đâu... Thương em, mắt tôi nhòe đi, phi cái xe hu-naj- no-ga đâm uỳnh vào một bà Tây đang xách túi hàng đứng ở đầu hồi. Tôi vội vàng xin lỗi bà. Vừa đi, tôi vừa nghĩ về khuôn mặt ngây thơ với ánh mắt buồn đỏ ngầu, giàn giụa nước mắt của em... Lòng băn khoăn tự hỏi không biết em đang ở đâu, đã tìm được việc làm hay chưa...?



 



Câu chuyện về những nhân viên giao hàng ở GD cứ mãi lắng đọng trong tôi như bức tranh tả thực về cuộc sống mưu sinh của một tầng lớp trong cộng đồng rất cần đến sự quan tâm, giúp đỡ của các hội đoàn. Sự quan tâm, giúp đỡ đó không chỉ là động viên kịp thời về mặt tinh thần mà còn là sự chia sẻ, hỗ trợ thông tin, sự hiểu biết về văn hóa, pháp luật nước sở tại... trong công cuộc hội nhập và phát triển chung của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan. Mặc dù công việc làm ăn buôn bán tại Ba Lan chịu ảnh hưởng không nhỏ trong làn sóng suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng tôi vẫn tin rằng đội ngũ những nhân viên giao hàng ở GD sẽ ngày một đông lên. Cứ lớp người này ra đi thì lại có một lớp người mới xuất hiện... Ngày chợ cuối năm, tôi đặt bút viết đôi dòng tản mạn, lòng tự nhủ: Chuyện về những nhân viên giao hàng ở GD vẫn còn dài, dài lắm... Bởi câu chuyện đó cũng đã góp nhặt thành một phần buồn vui, trăn trở mưu sinh không bao giờ có hồi kết của tất cả những người Việt xa xứ ở miền tuyết lạnh này.


Warszawa, tháng 12/2013

Hoài Hương

Sửa lần cuối 2013-12-20 08:32:22
  • hoang hoang noi vay cung dung nhung chua het , cung co co be' lun` lun` lam viec cuoi gd3 thi lai ra ve ta day la nguoi co quyen lon hon ca chu tau`, lay hang neu khong qua be do thi co be do bao het hang roi, trong khi hang van con`, ma hoi chu tau thi tau tin tuong co be nen bao ra lam viec voi co be', toi thay rat buc thi hoi ra moi biet moi nguoi bao phai cho co be' do tien thi co be do moi giao hang cho, hoac phai cho co be do mot hai gia cheng lenh ...thi moi lay duoc hang , toi thay chan chang them lay hang o do nua , khong co hang nay thi minh ban hang khac , nhung lam an kieu do that buc minh` . 2013-12-20 08:40:53
  • Người Lính Già Người Lính Già Có một chuyện có thật ở TT AGD đây, nhưng tác giả có the chưa biết hay không muốn kể ra: Có một cô người Việt Nam làm việc cho một tàu kiêm nhân ngãi hay vợ hờ. Tất nhiên cô này được nhiều quyền và tiền, nhưng cứ mỗi lần cô có bầu, thì sau đó được chăm sóc kỹ càng của ông chủ đặc biệt, mà sau đó cái thai nhi đó bị hỏng. Mấy lần cô muốn có con nhưng không thực hiện được ý đồ này. Kết cục của mối tình hờ này (già nhân ngãi non vợ chồng) sẽ đi đến đâu chắc cũng không khó để nhìn ra kết cục của nó. Đáng thương hay đáng giận cho một người như vậy trong một hoàn cảnh như vậy có lẽ theo quan niệm của từng người. 2013-12-25 19:21:41

Bình luận

Bình luận qua Facebook