2014-02-05 11:18:51

Ngựa Người-Người Ngựa



Nhân năm Ngọ nói chuyện Ngựa, thiển nghĩ của tôi:

Ngựa là con vật thông minh nhất, chỉ sau con người!

Ngựa là ân nhân của loài người vì chính Ngựa là phương tiện chính, quan trọng nhất truyền bá văn minh của dân tộc này sang cho dân tộc khác trong suốt lịch sử phát triển văn minh của loài người. Tại vì: 

1. Ngựa được thuần hóa từ khoảng 5000 năm nay. Ngựa có sức khỏe phi thường: một ngày có thể chạy 250km không nghỉ, không cần ăn uống nhiều. Oto hiện đại bằng sắt thép mà chạy quãng đường này thì tốn bao nhiêu xăng dầu, mà cũng đã muốn nghỉ rồi! 

2. Ngựa thông minh: chỉ nhìn ánh mắt ngựa thì thấy không khác ánh mắt người và tôi chưa thấy ánh mắt của con vật nào được như thế, mà lại rất nhân từ. Bộ mắt và bộ móng có lẽ là những thứ quý giá nhất của Ngựa. „Bộ” chứ không phải „đôi” mắt, vì biết đâu Ngựa có mắt thứ ba, thứ tư ở đâu đó khiến nó thông minh, linh cảm nhìn được phía sau. Còn bộ móng thì đẹp và hữu ích và chưa thấy họa sỹ nào vẽ Ngựa có thể lột tả được bộ móng tuyệt với đó. Khi nhỏ tôi chưa hài lòng vẽ theo ngựa trong tranh cổ, phải chạy theo ngựa ngoài đường ngắm bộ móng của nó, nhưng vẽ xong trông đúng là bộ „guốc”! 

3. Ngựa trung thành với chủ nhân. 

Với những ưu điểm đó, suốt chiều dài lịch sử, Ngựa đã chở người, chở hàng hóa cho các thương nhân đi từ vùng này đến vùng khác, từ nước này sang nước khác, từ châu lục này sang châu lục khác. Giao lưu hàng hóa cộng với giao lưu văn hóa, khoa học kỹ thuật, trí tuệ và văn minh loài người đã được truyền bá nhanh chóng từ thời kỳ đồ đá đến nay. Thử tưởng tượng nếu không có một con vật khỏe mạnh, thông minh như thế thì loài người làm sao mà đi từ điểm này đến điểm khác dễ dàng vậy? và lịch sử phát triển loài người chắc cũng đã chậm đi rất nhiều! 

Nếu không có ngựa thì tất nhiên con người phải tìm một con vật khác huấn luyện để làm công việc như thế. Nhưng như con lạc đà đi được sa mạc, ít uống nước nhưng sao có thể đi vùng tuyết lạnh, núi cao, rừng sâu…và tốc độ, dài hơi được. Bò và trâu thì chỉ kéo cày và làm thịt (ngựa kéo cày cũng không kém). Voi chỉ xung trận, lấy thịt đè người sao đi nhanh, xa và dai sức. Sư tử hổ báo thì mấy nghìn năm có thuần hóa được đâu, nó chỉ luôn rình ăn thịt gia súc và ăn thịt cả con người. Mà có thuần hóa được hổ báo thì cũng chỉ để diễu võ giương oai chạy tỉ là mệt nhoài, đuổi con nai chẳng nổi sao mang được kỵ sỹ trên lưng. Còn con la, con lừa thì cũng chỉ xứng đáng với tên của nó mà thôi. 

Ngoài ra, con người tưởng tượng ra đủ con vật thần thoại như Long, Ly, Quy, Phượng… Như Quy (Rùa) có thực nhưng khỏi phải so với ngựa; còn rồng, phượng, lân…cũng chỉ đẹp mã màu mè hoặc nhe nanh múa vuốt trong trí tưởng tượng và trên giấy mà thôi. 

Trong mười hai con giáp-kỳ vọng của con người, chung quy lại cũng chỉ có ngựa là trung thành, thông minh và thực sự là ân nhân của con người!

Từ cổ chí kim, ngựa luôn đồng hành trong cuộc sống, chiến tranh và là tâm điểm của văn học nghệ thuật. Có nơi ngựa được tôn như thần thánh, như thiên thần có thêm đôi cánh, như thần biển, hải mã. Trong thần thoại La Mã có nhiều nhân vật và câu chuyện liên quan đến ngựa như ngựa có cánh Pegasus, nhân mã (đầu người mình ngựa) sống cùng với người ở một khu vực vùng La Mã cổ đại. Và nhiều chòm sao có tên ngựa như Nhân Mã, Pegasus…. 

Phải chăng đôi mắt thông minh và nhiều khi láu cá của một số ngựa đã học thói hư tật xấu của con người, đã không biết chọn đủng chủ nhân để phục vụ nên đã đi theo kẻ xấu, bạo chúa, gieo giắc kinh hoàng cho con người, chinh phục, tàn sát, đồng hóa nhiều dân tộc. Thực ra kẻ đáng trách là những kẻ cưỡi trên lưng ngựa kia; và đáng trách hơn là một số con ngựa phục vụ kẻ xấu đó đã biến thành những con ngựa ác quỷ, ăn thịt người, hại chủ…trong thần thoại; nhưng ngựa cũng không đáng trách vì Ngựa Xấu đó chỉ có trong tưởng tượng của kẻ xấu chứ thực tế chưa bao giờ có ngựa ăn thịt người mà chỉ có người ăn thịt ngựa mà thôi. 

Ngựa trung thành vì khi chết trận, „da ngựa bọc thây” người chủ của mình; khi thiếu thức ăn, ngựa xả thân mình cho chủ ăn để sống tiếp. Thậm chí xanh tuya, vật dụng được làm từ da ngựa, khi khốn quẫn, bỏ chiếc xanh tuya vào nồi hầm cũng sống qua ngày. Thế mới thấy ngựa chết rồi vẫn cứu được chủ sống! 

Người hiểu ngựa thì quý ngựa như mạng sống, ân nhân của mình, chăm sóc ngựa hơn cả bản thân mình. Lịch sử và dã sử ghi nhận nhiều câu chuyện cảm động về người và ngựa.

Nhiều danh tướng có tên tuổi gắn liền với ngựa chinh chiến của mình như Alexander Đại đế, Thành Cát Tư Hãn, Napoleon…Chiến binh châu Âu thích ngựa đực vì dũng mãnh, chạy nhanh. Chiến binh Trung Đông thích ngựa cái vì chạy êm hơn, dùng để phục kích tốt hơn vì không hí bừa bãi, nhịn ăn uống tốt hơn. Trong truyện Tam quốc diễn nghĩa, có  Quan Công, khi được Tào Tháo tặng áo bào mới thì mặc vào trong áo bào cũ (áo cũ do anh kết nghĩa tặng thể hiện coi trọng tình nghĩa xưa hơn của quý mới được tặng); được tặng vàng bạc châu báu thì không nhận, được tặng gái đẹp thì từ chối; nhưng được tặng con ngựa xích thố (lông màu đỏ sẫm, ngựa quý) thì đa tạ Tào Tháo vì ngựa đi vạn dặm sẽ giúp mình gặp lại chủ cũ, được phục vụ chính nghĩa của mình (Tào Tháo hối hận đã trót „vẽ đường cho „ngựa” chạy!”). Ngựa có tướng sát chủ như con Đích Lư-có người khuyên Lưu Bị không dùng; nhưng Lưu Bị vẫn dùng vì tin rằng nó hại ai thì hại chứ mình là minh chủ, sao nó có thể hại được! Mà đúng vậy, nó đã cứu Lưu Bị nhiều lần thoát truy đuổi của kẻ thù. Nhưng đúng như tướng mạo, nó đã vô tình làm mồi bắn tên cho quân thù làm chết người cưỡi nó không phải là Lưu Bị! 

Đối với người Việt ta thì không ai không biết Ngựa sắt của Thánh Gióng đã đánh tan giặc Ân và đưa Thánh bay về Trời (dù không có cánh như của Phương Tây)! và hình tượng anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản cưỡi ngựa với đoàn dũng sỹ Sát Thát khác gì Thánh Gióng khi xưa! 

Ngựa có đủ giống loại, màu sắc, lớn bé ở khắp các châu lục, trừ châu Mỹ: 

Cho đến năm 1492, Colombo tìm ra châu Mỹ. Khi các chiến binh Tây Âu mặc giáp trụ, cưỡi những con ngựa to lớn từ chiến thuyền tràn xuống châu Mỹ thì người da đỏ thổ dân đã cúi mình thần phục như người nhà trời. Theo tôi hiểu, thực ra không phải người da đỏ thần phục người châu Âu (vì người Âu cũng giống họ mà thôi-con người cả) mà vì họ lần đầu tiên nhìn thấy con ngựa to lớn dũng mãnh uy nghi như một thần vật xuất hiện nên họ thần phục Con Ngựa (tuy sau đó dân gian da đỏ ví con ngựa là con chó to vì có cái đầu và thân hình nhang nhác con chó). Và vì người da trắng tàn sát, cướp bóc châu Mỹ dã man, người da đỏ dần hiểu ra Con Ngựa không phải thần vật mà người da đỏ cũng có thể kiếm được, tập cưỡi và dùng ngựa để chiến đấu chống lại người da trắng.

Các nhà khoa học nghiên cứu thấy rằng, hàng ngàn năm trước, ngựa cũng đã sống ở châu Mỹ; nhưng do có thời kỳ khí hậu lạnh dần làm giảm dần đồng cỏ, ngựa châu Mỹ nhỏ dần do thiếu thức ăn và đi tới tuyệt chủng. 

Con ngựa đã giúp con người vận chuyển hàng hóa, chiến tranh, truyền bá văn minh nhân loại cho đến tận hôm nay khi mà có oto, xe lửa và internet, công nghệ viễn thông thì vai trò của Ngựa mới giảm dần.

Nhưng hầu như chưa có các nhà khoa học với các công trình nghiên cứu đầy đủ nghiêm túc về Ngựa, về trí óc, đôi mắt của Ngựa; biết đâu nay mai các nhà khoa học sẽ tìm ra suy nghĩ của Ngựa là tại sao con người có trí tuệ thông minh thế mà người lại hại người, con người lại kìm hãm lẫn nhau.

Vó ngựa là không biên giới và con người một ngày kia cũng sẽ không biên giới. Con người phải học con ngựa nhiều lắm! 

Nhân năm Giáp Ngọ xin chúc mọi người hãy như bức tượng và lời ca sau để Con Người cưỡi Con Ngựa chỉ là đi tìm Tình Yêu-Hạnh phúc đồng loại, mọi lời bình là cảm nhận góp vui và để mạn đàm: 

Tay Nàng hồi hộp siết dây cương
Ngựa khéo phi nhanh vạn dặm đường
Nhanh lên, nhanh nữa, nhanh gấp nhé
Đưa ta sớm gặp Người yêu thương!


 Thanh Đức

Sửa lần cuối 2014-02-06 08:24:42

Bình luận

Bình luận qua Facebook