2014-03-06 10:23:00

Đồng hồ…Ba Lan?

1831: Hàng ngàn người Ba Lan nổi dậy chống lại Nga hoàng thất bại đã di cư sang các nước; trong đó có một sỹ quan kỵ binh: Patek (1812-1894). Ông bắt đầu kinh doanh đồng hồ xịn ở Geneva, Thụy sỹ.

1839: Patek mở xưởng sản xuất đồng hồ cùng với Czapek một người Ba Lan kiều gốc Séc. Kinh doanh không phát đạt lắm.

1844: Patek tìm kiếm đối tác để phát triển sản xuất và kinh doanh, cứu vãn doanh nghiệp của mình. Ông tham dự Triển lãm Công nghiệp Thế giới tại Pari-một triển lãm lớn nhất thế giới thời đó về công nghiệp.

Tại đây ông gặp Philip (1815-1877)-một thanh niên Pháp nối nghiệp cha làm thợ đồng hồ.

Philip có Bằng sáng chế rất quan trọng về chế tạo bộ cót đồng hồ không cần lên dây bằng chìa như trước đây. Sáng chế đã được phần thưởng của Triển lãm này. Nhưng việc kinh doanh sản phẩm từ sáng chế thì không được như mong muốn.

Patek mời chàng trai Pháp sang Thụy sỹ làm việc với mình. Một năm sau, Philip sang Geneva làm giám đốc kỹ thuật cho công ty của Patek.

1851: Philip trở thành cổ đông và công ty Patek Philip ra đời.

Từ khi có Philip với tài hoa kỹ thuật và sáng tạo, các bằng sáng chế của ông và tinh thần lao động không biết mệt mỏi của ông thì công ty đã tạo ra nhiều thế hệ đồng hồ tinh xảo, chính xác. Cộng với tài năng kinh doanh nhìn xa trộng rộng của Patek, hai ông đã phát triển Công ty Patek Philip thành công ty đồng hồ hàng đầu thế giới. 


Suốt từ cuối thế kỷ 19 đến nay, giới quý tộc, đại gia, chính khách trên khắp thế giới đã đặt mua đồng hồ của hãng. Sa hoàng Nikolas II còn gửi tặng Công ty một bộ đồ uống rượu vang bằng gỗ sồi mạ vàng khảm đá quý của Hoàng gia với một bình đựng rượu và 12 chén được chế tác tinh xảo.

Lịch sử Công ty và công nghệ chế tạo đồng hồ Thụy sỹ được trưng bày tại Bảo tàng Patek Philip với tài sản vô giá là dây chuyền sản xuất cơ giới hóa dạng dây chuyền có thể coi là sản xuất dây chuyền đầu tiên trên thế giới do ông Philip phát triển ở Thụy sỹ đã mở đầu và thúc đẩy sản xuất theo phương thức cơ giới hóa ở Thụy sỹ, rất lâu trước sản xuất dây chuyền của oto Ford Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 20.

Đến Geneva-nơi tập trung các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới WTO, Liên hiệp quốc…nhưng nếu không tham quan bảo tàng ngành đồng hồ Thụy sỹ thì thật đáng tiếc.

Dây chuyền sản xuất với các máy móc nhỏ gọn, tinh xảo và chính xác được bàn tay khéo léo cần cù của người công nhân với đầu óc kỹ thuật sáng tạo của Philip đã tạo ra biết bao chiếc đồng hồ đeo tay, quả quýt tinh xảo, chính xác, sang trọng và mang tính nghệ thuật cao, tính cá nhân hóa cao độ cho từng người, từng giới, từng thời kỳ. Các bộ sưu tập đồng hồ chế tác riêng cho giới quý tộc hoàng gia Ba Lan , Nga, Xiêm, Nam Mỹ…được trưng bày tại đây.

Như vậy có thể nói đồng hồ Ba Lan được không? Hay phải nói đồng hồ Ba Lan-Pháp làm tại Thụy sỹ? thực ra tại Thụy sỹ người Pháp là một trong ba dân tộc (Pháp, Đức và Ý) tạo nên nước Thụy sỹ nên ông Philip chắc không được tính là người nước ngoài! Nói thế cho nhớ lâu cũng như trước đây có người đã đùa „Đồng hồ Liên xô tốt hơn đồng hồ Thụy sỹ”! và mấy tháng trước tôi ra chợ Thành Công Hà nội thuê cắt dây 3 đồng hồ. Tôi không nói đồng hồ của nước nào. Ông không phân biệt được thật giả. Ông thợ loay hoay mãi mới cắt được dây cái đồng hồ Thụy sỹ xịn, còn cái Trung quốc giả Thụy sỹ thì cắt rất nhanh. Tôi hỏi ông trong 2 cái thì cái nào tốt hơn, ông thợ bảo cái Trung quốc giả Thụy sỹ, thực là: Đồng hồ Trung quốc tốt hơn đồng hồ Thụy sỹ! 

Lúc bắt đầu vào thăm quan Bảo tàng, tôi nhìn thấy cuốn sổ lưu bút, nghĩ mình chẳng viết gì đâu. Nhưng sau khi xem xong đi ra thì tuy không biết bao giờ có tiền để mua một chiếc đồng hồ quý giá này nhưng tôi đã „gặt hái” một chút hiểu biết về đồng hồ và tình cảm về đồng hồ Patek Philip và tự nhiên tôi lại nghĩ ra và đã viết 4 chữ vào sổ: 

„SMALL SHOP-GREAT JOB”

(chơi chữ một tý, tạm dịch là Xưởng nhỏ-Việc lớn). 

Thanh Đức

 

 

Sửa lần cuối 2014-03-06 09:20:30

Bình luận

Bình luận qua Facebook