2014-08-21 20:21:41

Con người… hãy dựa vào nhau mà sống!

Con người sống dựa vào nhau, như chim dựa vào bầu trời, như cá dựa vào nước. Nhưng hơn thế, để con người, với ý nghĩa đẹp nhất, tròn trịa nhất, cần phải sống bác ái trong xã hội đầy phức tạp này.

Đến bất kỳ miền quê nào, quốc gia nào, chúng ta cũng nhận thấy điều đó. Quả vậy, con người không sống dựa vào nhau thì không thể một mình bơ vơ trong thế giới cô quạnh. Tiếng nói của mình chẳng ai nghe.

Sự tồn tại của mình chẳng ai chứng kiến. Rồi chính con người sẽ chẳng muốn nói nữa. Tất cả chìm trong câm lặng.

Có đồng loại, con người biết mình đang sống ở đâu, sống như thế nào. Con người biết mình lạc hậu hay phát triển.

Ảnh minh họa

Cũng dựa vào nhau, nhưng tôi lại nghe thấy những chuyện đau lòng khi vì miếng cơm manh áo mà phải dẫm đạp lên nhau. Ác nghiệt hơn, vào một buổi sáng nọ, tôi dừng lại uống nước ở một quán cà phê gần nhà tang lễ. Nơi đó có nhiều cửa hàng bán hoa hiếu. Hai chủ cửa hàng hoa nói chuyện với nhau. Họ cứ khơi khơi ra, rằng đợt này kinh tế suy thoái, làm ăn khó quá… Tôi chợt lạnh cả sống lưng.

Tại sao lại như thế? Kinh tế suy thoái thì ảnh hưởng gì đến việc “quy tiên” ít hay nhiều. Chẳng lẽ kinh tế suy thoái thì các cụ… ít “đi” hay sao? Hay dù có “quy tiên” nhiều thì người đến viếng mua hoa ít đi? Tôi tin đó không phải là truyền thống của người dân ta. Người dân ta nghĩa tử là nghĩa tận, dù túng thiếu cũng vẫn phải có vòng hoa đi viếng. Dù cơ quan nợ nần liểng xiểng, cũng phải nhắm mắt nhắm mũi kiếm cho được vòng hoa đi viếng người về cõi vĩnh hằng.

Tôi lại lắng nghe họ. Câu được câu chăng. Nhưng, có vẻ là các cụ “quy tiên” ít đi thật. Một người quay ra trách y học hiện đại quá, cứu chữa giỏi quá. Sao không chữa phiên phiến đi cho chết bớt, dân số đỡ đông. Còn người kia thì khoe: “Hai năm trước làm ăn sướng thật. Lại vớ được nhiều người quyền to quy tiên chứ. Những người đó bán vòng hoa chạy bằng 5, bằng 7 người thường”.

Người đối diện phụ họa: “Rõ ràng người từng giữ chức to quá sướng. Đến chết cũng sướng. Mấy hôm nay thì buồn thê thảm. Đó, ngay như đám ma ngày hôm nay, chỉ lèo tèo vài người đến viếng. Chắc người chết chức quá nhỏ, ít người quan tâm”… Và họ vẫn bàn luận sự liên quan giữa chức phận người “quy tiên” được đo bằng số vòng hoa bán được.

Nghe mà lòng tôi nhói đau. Tôi lại càng nhói đau khi hai chủ cửa hàng giục nhân viên chịu khó nhảy ra đường mà “săn” khách. Vâng, đó là công việc họ thường làm và cảnh đó diễn ra từ lâu rồi, vô cùng phản cảm. Người bán hoa hiếu cứ nhảy ra chặn, hỏi khách, mời mọc chèo kéo mua hoa mua hương. Đúng là sống nghề nào ăn nghề đấy. Ngay cả chuyện bán hoa hiếu thôi mà chính con người cũng đã có những suy nghĩ và hành động ích kỷ rồi.

Người bán hoa chỉ mong ngoài xã hội người ta chết thật nhiều vào. Nhà tang lễ chật ních. Người đến viếng nườm nượp. Có thế thì việc bán vòng hoa sẽ đắt hơn, thu lợi nhuận cũng cao hơn. Mà nghe đâu, cái vòng hoa thì cũng đã bị rẻ rúng đi quá nhiều. Bởi hoa từ đài hóa thân hoàn vũ cũng được một số người tuồn ra ngoài, quay vòng, tiếp tục được đưa đến những cửa hàng hoa hiếu. Số vòng hoa đó lại được mang ra bán, phục vụ cho những đám hiếu khác.

Cũng là kiểu sống dựa vào đồng loại đấy. Nhưng nương dựa vào dịch vụ kinh doanh nỗi buồn của đồng loại. Người ta héo thì mình tươi. Càng nghĩ đến đoạn này, lòng tôi càng xót xa. Nhân đạo nhất cũng là con người. Ích kỷ nhất cũng là con người. Bạn có tin không nhỉ?

Con người sống dựa vào nhau, như chim dựa vào bầu trời, như cá dựa vào nước. Ở chừng mực nào đó, nghịch lý diễn ra. Có nghĩa mất mát người này lại là thành quả của người khác. Đó là quy luật phũ phàng mà con người phải chấp nhận. Nhưng hơn thế, để con người, với ý nghĩa đẹp nhất, tròn trịa nhất, cần phải sống bác ái trong xã hội đầy phức tạp này.

(Sưu tầm)


Sửa lần cuối 2014-08-27 03:19:03

Bình luận

Bình luận qua Facebook