2014-08-29 10:49:38

Quê chồng

Mình đã về quê chồng chưa phải là quá nhiều, nhưng nếu về nước mà chưa quay về thăm lại, cảm giác như mình đang thiếu tình yêu của quê hương- nơi chính mình đã được sinh ra.
Cách đây gần 35 năm, mình đã được về thăm chốn này. Vì về thăm vùng quê lúa Thanh Hoá nên mình đã hình dung đến cảnh có một làng quê, xanh ngát luỹ tre cùng vườn dừa sai quả. Làng quê đó, nằm giữa những ruộng đồng lúa bát ngát bao la. Mọi người sống dưới những mái tranh hay mái ngói ,với những bếp lửa thơm nồng mùi khói rơm rạ, nhà nọ nhìn xuyên nhà kia vì ranh giới chỉ là những hàng cây . Ngoài đường có lũ trẻ nhỏ và đàn chó nô đùa, chạy nhảy hồn nhiên, cảnh náo động sẽ ngừng lại thay vào đấy là những cặp mắt tò mò, những cái đầu nghiêng ngó rồi chụm đầu vào nhau thì thầm: - Khách nhà ai rứa bay?...Chắc mình sẽ không bị lạc đường nếu tự đi một mình trong xóm, vì ở quê rất dễ nhận biết nhờ các đặc điểm của cái cổng, của khóm cây, hay một cái gì đó, ở quê vốn mỗi nhà một vẻ chẳng nhà nào giống nhà nào. Đấy là những tưởng tượng khi mình chưa về đến nơi- là hình ảnh nông thôn của những nơi mình đã từng sống trong những ngày sơ tán tránh chiến tranh những năm 60 của thế kỷ trước.
Lần đầu tiên bước chân vào làng, mình không đi từ phía cổng làng đồ sộ, có con đường to nhất, đi qua những cây đa với gốc cây chắc phải mấy người ôm mới xuể. Không biết cây bao nhiêu tuổi mà cành lá xum xuê với vô vàn những rễ cây buông xuống giống hệt mái tóc các bà tung bay trước gió mỗi khi gội đầu...Mình được dẫn đi men theo con đường mương ở bìa làng, một bên là cánh đồng lúa, một bên là con mương nhỏ, có những đàn cá bơi lội tung tăng. Mình đã hít thật sâu trong cái nóng hầm hập, để cảm nhận mùi thơm của lúa, mùi tanh tanh của bùn đất, mùi mồ hôi nước mắt của những người làm nên hạt lúa, thứ ở chốn đô thị không bao giờ có. Cảm giác thanh bình, thư thái và thân quen đã ào về, mình đã đón nhận và hình thành tình yêu với quê chồng thủa đầu đặt chân như thế.

Đặt chân vào làng, mình đã rất ngạc nhiên, hoá ra vùng quê lúa, nhưng xóm làng ở đây không như mình tưởng tượng. Đi trong làng không phải là đi trên đường đất, mà đường làng đã được lát gạch hay bê tông. Các nhà cách nhau bằng những bức tường gạch, dài hun hút. Thoạt tiên mình cũng thấy rất lạ lẫm, đi thế này nhớ làm sao được, tất cả rất giống nhau và chẳng có tên đường, chẳng có số nhà thì biết đằng nào mà đi. Sau một lúc đi trên các ngõ nhỏ dài hun hút, mình dừng chân trước ngôi nhà ngói cổ kính, có cổng, có sân gạch và xung quanh là chuối, dừa, cau, nhãn, và cây khế ngọt với bao loại rau xanh khác. Mấy nhà xung quanh giống hệt nhau, đấy là nhà của ông bà, của các bác, các cô...hết sức bình dị. Mình đã được bà con bên chồng đón tiếp thân ái như đứa con đi xa trở về, ngay từ phút đầu tiên mình đã thấy gắn bó, thân quen. 
Giờ đây, sau bao năm đi xa, mỗi lần có dịp về quê chồng, mình lại háo hức muốn khám phá xem làng xóm có gì thay đổi hay không? Bằng từng ấy thời gian, khi đất nước có nhiều đổi mới, con người, cảnh vật hẳn cũng thay đổi đến tận từng ngõ ngách làng quê. Mỗi sáng thức dậy, mình rất thích đi dạo quanh xóm, tiếng chó sủa, tiếng gà gáy, tiếng các ông bà già ra ngõ chào hỏi nhau...Đã thành thói quen mình đi ra nhà cô tráng bánh cuốn, mua mấy suất cho cả nhà ăn sáng. Lâu vậy nhưng cứ mỗi lần gặp lai họ đã nhận ra, câu hỏi thay cho lời chào: - Chị đã về..? - Cô đã về..? - Bà đã về..?cứ mỗi lần gặp lại mình được nâng lên một bậc, vừa thân thiết lại vừa trân trọng, đấy là cách xưng hô của dân quê đối với người thành phố. Thú vui của mình là được gặp và chào hỏi mọi người, vì rằng có phải ở đâu cũng được thoải mái chào nhau như ở quê mà không thấy sáo rỗng. Người nọ mách người kia, họ biết người lạ đang đi ngoài ngõ con cái nhà nào, hay dâu rể nhà ai. Mình cũng vì vậy không dám bỏ sót với câu chào thường trực: Chào ông, chào bà, chào bác, chào chị.v.v.v. Lúc nào cũng sợ người mình không chào lúc nãy lại chính là bà con bên chồng thì thật thiếu sót.
Vẫn còn đấy nguyên vẹn những con ngõ nhỏ ngoằn nghèo, những bức tường dài hun hút rêu phong phủ kín. Những mái nhà ngói cổ kính với những cây xanh bao phủ xung quanh. Quê chồng giờ thỉnh thoảng mọc lên mấy nhà cao tầng, đấy là các gia đình có con cái đi làm ăn xa, muốn xây nhà mới khang trang. Nhưng với mình hình như nó hơi lạc lõng bởi khung cảnh chung. Cũng vì lẽ đấy, bên nhà chồng đã làm lại nhà, nhưng vẫn giữ nguyên hình dáng cũ. Từ viên gạch, đến cây cột, cái kèo, mái ngói tuy mới nhưng lại rất cũ. Chính vì thế cả gia đình bên chồng đều thấy ngôi nhà là nơi gắn bó con cháu cho dù thời gian có trôi nhanh qua. Mình cũng vì thế, luôn thấy còn đâu đây những câu chuyện kể về thủa ấu thơ, thủa khó khăn vất vả của các thành viên trong ngôi nhà, chuyện có thật nhưng như là các câu chuyện trong cổ tích...Điều khác xưa là những ông bà bác, những bà cô, bà thím, và những bà chị đã mãi mãi đi xa. Họ ra đi vì tuổi già và bệnh tật, để lại những ngôi nhà cổ, thi thoảng con cháu qua lại lau chùi, hương khói. Với mình cũng là những thiếu vắng, vì mình sẽ không bao giờ còn gặp lại những khuôn mặt, những bàn tay khô héo và nhăn nheo, với nụ cười hiền lành, chất phác đáng yêu của họ. Những đồng quà, tấm bánh đối với người thành phố thật quá nhỏ nhoi và bình thường, vậy nhưng khi về với bà con ở quê hình như rất quý giá. Những cử chỉ nâng niu, những ánh mắt áy náy khi nhận quà cứ lưu giữ mãi trong mình. Thương quá! những người làm ra hạt gạo, những người biết quý trọng mồ hôi nước mắt khi nhận chút quà nhỏ mà luôn mồm cảm ơn, không phải ai cũng như thế, có phải không hay do mình quá nhạy cảm ?...Góc chợ làng họp trong mấy cái nhà cao ráo vẫn tấp nập kẻ bán người mua. Đủ thứ, những sản phẩm rau, hoa quả thu hoạch từ vườn bà con cũng gọi là " rau sạch" nên hết rất nhanh. Cá, tôm.. từ ao hồ, hoặc từ nơi khác đến giá rất rẻ so với Hà nội. Mình cũng là khách quen của mấy bà, mấy chị vì mua nhiều lại dễ dãi không cò kè. Cuộc sống chốn thôn quê thật bình dị và lặng lẽ không ồn ào...

Buổi sáng trước lúc tạm biệt xóm làng, mình lững thững đi ra đường, làng quê sao yên ắng thế? Thoang thoảng đâu đây mùi hoa Ngọc Lan dìu dịu, gió nhè nhẹ thổi, mấy cành khế của nhà ai trĩu quả vươn ra khỏi bức tường, lá chợt lung lay. Phía trước là con đường lác đác người đi lại, và vài chú chó đang âu yếm đùa giỡn nhau . Mình bước chân chậm rãi, cố tìm những cảm giác tuyệt vời nhất, hít thở bầu không khí trong lành nhất của vùng quê vào lúc nắng chưa kịp hun nóng. Không có tiếng động cơ xe cộ, không có tiếng cười nói ồn ào. Vẫn biết rằng ở quê là vậy , nhưng quê chồng hình như rất ít thanh niên trai trẻ sinh sống. Ở đây giờ chỉ thấy người già và trẻ nhỏ- những đứa trẻ có khi được bố mẹ từ nơi khác gửi về nhờ ông bà chăm sóc.. Tiếng hát dân ca quan họ của vùng Kinh Bắc bất chợt vang lên, thiết tha sâu lắng. Mình đã tìm ra đấy là sân kho phơi thóc của hợp tác xã xưa kia, giờ được làm nơi sinh hoạt văn hoá của thôn 2- Hoằng Quý. Chỗ cứ mỗi sáng sớm các cụ tập trung lại, giao lưu, nghe ca hát rồi ai lại về nhà nấy. Tiếng hát quan họ cất lên giữa chốn quê, nghe không giống ở nơi đô hội. Nó như nỗi lòng của một vùng quê luôn hướng về người sắp đi xa: "... Người ơi!...Người ở đừng về...!..." Tiếng hát níu chân mình, tiếng hát ấm mãi trong lòng người sắp xa quê...
Vác Sa Va ngày 27/8/2014

Nguyễn Mai Lê.

Sửa lần cuối 2014-08-29 08:49:10

Bình luận

Bình luận qua Facebook