2014-09-27 13:08:54

Kỷ niệm đi theo năm tháng

Năm tháng không chờ đợi ai, con người cố gắng hiện diện, bù lại sự trôi nhanh của thời gian và sự suy yếu dần sức khoẻ, mọi điều tốt xấu đi qua đâu còn có nhiều ý nghĩa, bao sự kiện chỉ là những ký ức còn nhớ và lãng quên. 

Chúng tôi lớp người sinh ra trong kháng chiến chống Pháp, lớn lên trong chiến tranh chống Mỹ, được học tập và giáo dục hoàn toàn dưới mái trường “xã hội chủ nghĩa” đã và sẽ bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm”. Tuổi tác làm cho con người trở nên bình thản hơn, thích ôn lại những câu chuyện cuả dĩ vãng, có cả điều thành công và không ít những thất bại, có cái phải trả giá, nhưng cũng thêm sự từng trải. Có những điều đáng tự hào và cả những ân hận luôn trăn trở, tìm cách lý giải những điều đúng sai, tốt xấu mong có gì giúp ích cho mình. Số ít trong chúng tôi đã có người ra đi mãi mãi để lại nỗi buồn trần thế.

LHS khoá 1964 -1974 có kế hoạch tổ chức cuộc gặp mặt thân mật vào những ngày giữa tháng 11.2014 là một tin vui, ai cũng phấn khởi và chờ đón. Những năm tháng tuổi trẻ thật hồn nhiên, có khi ấu trĩ, ngây ngô được ôn lại với bao lưu luyến. Mỗi LHS các khoá đều có những kỷ niệm riêng, chẳng ai giống ai, nhưng một điểm chung nhất đó là lớp LHS những năm tháng chống Mỹ đúng 10 năm 1964 -1974 và thời gian trôi qua đã được 40, 50 năm tròn, rất xứng đáng được ôn lại.

Tôi thuộc khoá đầu tiên của những năm chiến tranh chống Mỹ đánh phá miền Bắc. Chúng tôi lên tầu đi Ba Lan vào ngày 04.08.1964 thì ngày 05.08 Mỹ bắt đầu cho máy bay đánh phá miền Bắc nhân sự kiện Vịnh Bắc Bộ (lịch sử sẽ phán xét ai khơi mào). Chúng tôi sang Ba Lan đi qua Trung Quốc, Liên Xô trong thời gian 13 ngày (kể cả nghỉ ở Bắc Kinh, Mạc-Tư-Khoa). Lần đầu tiên đi xa nhà, ai nấy đều nghĩ về người thân của mình, nhớ quê hương khi nào gặp lại, bạn tôi tự ca và chúng tôi cùng hát: “Ôi đây những con tầu, vút nhanh trên con đường sắt, đây giây phút xa nhà, lòng dạt dào thương nhớ quê hương...” Ấn tượng khá sâu sắc và khó quên là chúng tôi được đón tiếp, chăm sóc ở Trung Quốc như những “thượng khách” (từ miếng ăn, giấc ngủ và cả những mong muốn đi lại...). Đó là thời kỳ “chống xét lại”, nên TQ dùng kế kinh điển “thu hút nhân tâm” lôi kéo Việt Nam chống Liên Xô. Sang tới đất Liên Xô chúng tôi không có được sự cởi mở, nhiệt tình cần thiết. Dừng chân ở Bắc Kinh chúng tôi có dịp đi dạo Quảng trường Thiên An Môn rộng lớn. Lúc khởi hành ai cũng hăm hở, phấn khởi, nhưng lúc quay về mặt ai nấy méo sệch do bị giầy cứa chân trầy da, chảy máu, người thì lê từng bước, kẻ thì đeo giầy, đi chân đất về khách sạn (Bắc Vĩ).

Lần đầu tiên đến Mạc-Tư-Khoa (dừng chân ở khách sạn Bông Lúa Vàng), nhìn thấy đường phố to đẹp, những toà nhà đồ sộ, nhiều khu vườn mênh mông táo, lê trĩu quả chẳng ai hái nhặt, các ga metro với kiến trúc và trang trí cầu kỳ, hệ thống đóng mở cửa tự động chưa quen thao tác, người tấp nập, thoăn thoắt lên xuống, khu Triển Lãm Thành Tựu Kinh tế Quốc dân hoành tráng lộng lẫy sắc màu ....thực sự đã làm chúng tôi choáng ngợp. Tất cả những tình cảm tốt đẹp, sự khâm phục cao nhất chỉ còn biết dành cho Liên Xô - thiên đường mà chúng tôi đang tới. Lênin lãnh tụ “vĩ đại của loài người” chắc khó ai sánh được và đâu là sự thật “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ/ Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ.” ( Việt Phương).

Chúng tôi sang Ba Lan vào ngày thu đẹp trời, đi qua những cánh rừng thông và bạch dương trùng điệp, những cánh đồng lúa mì, cải lấy dầu (rzepak) sau thu hoạch trải dài đến tận chân trời, tôi thầm nghĩ những ngày đói ăn chắc sẽ không còn nữa... Dừng chân ở Warszawa trong chốc lát, chúng tôi 18 người được đưa về thành phố Łódź (Studium Jezyka Polskiego) để học tiếng Ba Lan. Cùng năm đó sang Ba Lan, tại thành phố Łódź còn có gia đình chị Phượng - vợ người lính lê dương gốc Ba Lan Hồ Chí Toán (Stefan Kubiak) chiến đấu trong Mặt trận Việt Minh và 2 cháu Hồ Chí Thắng và Hồ Chí Dũng. Một năm học tiếng BL trôi đi khá nhanh và nhẹ nhàng vì chúng tôi có vốn tiếng Nga học ở Việt Nam trước lúc lên tầu. Và cũng lần đầu tiên chúng tôi được làm quen, nhảy tangô, vanxơ với các thiếu nữ Ba Lan hồn nhiên và xinh đẹp (có ai đó nẩy sinh mối tình học trò đều được kịp thời nhắc nhở). Chúng tôi được gửi về các trường đại học lớn ở Ba Lan, đông nhất là khu vực Gdansk (Bách khoa Gdańsk, Trường Hằng hải, Trường Đánh cá Gdynia), Trừơng Bách Khoa Warszawa, Trường AGH Kraków, Trường Bách Khoa Łódź. Rất nhiều người, kể cả khoá sau trở thành những sĩ quan đầu tiên của Việt Nam trên các tầu viễn dương và các chuyên gia đầu ngành về đóng tầu.

Những năm học đại học ở Ba Lan là những năm cả nước sục sôi chống Mỹ. Gắn với đất nước, ở nước ngoài chúng tôi được quản lý bởi những quy chế có thể nói là “hà khắc”: sinh hoạt phải theo tổ, nhóm, hàng tuần thường điểm danh ở đơn vị đoàn, đội để họp hoặc đọc báo, không được đi xem phim tư bản, không uống cà phê ngoài phố hoặc đi nhảy. Không được yêu đương trong thời gian học, đặc biệt yêu người nước ngoài, học kém sẽ phải đưa về nước. Sinh viên các khoá 1964, 1965 không có nữ sinh viên VN sang Ba Lan. Từ 1966 bắt đầu có nữ sinh viên nhưng số lượng rất ít. Vì thế mỗi kỳ nghỉ hè lại rộn lên những cuộc hẹn hò, thăm viếng, chúng tôi thường chạm trán nhau trên tầu, nhà ga và ký túc xá. Có người viết thơ như mơ: “Nằm ngửa nhớ Thanh, nằm nghiêng nhớ Ngọc, bâng khuâng ngồi dạy nhớ em Hằng…” Nhiều thanh niên nam nữ phá rào đến với tình yêu “vụng trộn” và đó là kết quả của nhiều mối tình đẹp còn giữ được đến hôm nay như: Sinh+Châu, Châu+Luân, Linh+Lục, Viêng+Thuận, Tuyến+Chắt... từng hiện hữu giữa chúng ta ở Ba Lan. Không ít người chấp nhận kỷ luật để đến với tình yêu “trái đắng” (mắt xanh, da trắng, tóc vàng, bỏ đi thì tiếc, thử càng đắng ...) như anh V, anh H....Nếu nhà nước Việt Nam coi yêu đương trong thời gian học là vi phạm kỷ luật thì nhà nước Ba Lan lại tìm cách che chở cho họ. Chính sách, cơ chế quản lý con người của Nhà nước nhìn chung không theo kịp sự biến đổi của thời cuộc. Những quy chế về LHS ở nước ngoài có từ những năm 60 vẫn tiếp tục thi hành đến tận những năm 80 (kể cả sau khi Việt Nam thống nhất). Đấy cũng là lý do sau này rất nhiều LHS VN ở lại Ba Lan lấy vợ lấy chồng người nước ngoài và phải hoàn trả kinh phí đào tạo cho Nhà nước (nhưng lại không nhất quán và chỉ mang tính chất tượng trưng).

Sinh viên, NCS, thực tập sinh học tập ở nước ngoài là những “nhà ngoại giao” nhân dân. Chúng tôi thường xuyên đi tham dự các cuộc mít minh, biểu tình phản đối chiến tranh phi nghĩa của Mỹ. Có những nơi tổ chức mít tinh ủng hộ Việt Nam ở cách xa chúng tôi học đến hàng trăm km, có những đêm tuyết rơi phủ trắng đường đi, gió rét, mọi người vẫn kiên trì chờ chúng tôi đến hàng tiếng đồng hồ để được gặp những con người từ chiến tranh, khói lửa. Cuộc gặp mặt nào cũng đông người tham gia và rất xúc động. Có những bà mẹ, cô gái Ba Lan thấy chúng tôi lạnh cóng, họ đem chăn, áo len cho mặc, mời chúng tôi ngủ lại (và gợi ý về gia đình nghỉ), nhưng đều phải từ chối. Có sống qua những ngày như thế mới thấy hết ý nghĩa của tình đoàn kết quốc tế và sự giúp đỡ của nhân Ba Lan cho Việt Nam. Học bổng sinh viên những năm đó là 1000 oty, tiền ăn mất 300 , tiền nộp chống Mỹ cứu nước 260, hầu như chúng tôi không còn tiền tiết kiệm. Kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là trại hè 1967 tại Jegelonki, Warszawa với gần 500 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam toàn Ba Lan vui chơi trong 2 tuần. Người Việt Nam lần đầu tiên từ nhiều thành phố ở Ba Lan có cơ hội gặp nhau, giao lưu và trở nên quen thân. Một kỷ niệm khó quên đối với tôi còn là chuyến nghỉ hè quốc tế Lenigrad- Kiew- Odessa 1970 do Hội sinh viên quốc tế tổ chức (nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Lênin). Đoàn Ba Lan có 10 người tham gia. Chuyến đi được bao tiền ăn ở. Lần đầu tiên biết thế nào là đêm trắng, được ngắm bộ sưu tập những tác phẩm nghệ thuật lớn của nhiều danh họa thế giới tại bảo tàng quốc gia Ermitaż nổi tiếng của Nga, Vườn Thiếu Nhi (dziecki sad), Vòi phun nước (Fontany), chiến hạm Rạng Đông... - những đặc trưng của thành phố Leningrad chỉ có ở đây. Sau những ngày lao động tượng trưng ở Leningrad chúng tôi có thêm tiền tiêu giúp cho chuyến thăm quan Kiew, Odessa và có cơ hội gặp lại người thân ở đó.

Thời gian học 5,5 năm ở Bách khoa đã dài, lại thêm 2 năm học tiếng, ở lại Sứ quán làm phiên dịch (Đại Sứ Quán Mặt Trận GPMNVN) - thế là tròn 8 năm học đại học, chúng tôi mong về Việt Nam để được đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, nhưng ở Việt Nam vẫn thiếu nơi sử dụng kỹ thuật đã được đào tạo. Rất nhiều người chuyển công tác sang ngoại giao, thương nghiệp, dạy hoc... Một chuyện có thật là khi về nước LHS phải trả lại chiếc áo Paltô đã được phát cách đấy 8 năm mới có được quyết định phân công công tác.

Ở Việt Nam công tác, tôi rất nhớ Ba Lan: nhớ những buổi đi hái táo, lê, mận trên rừng, nhớ bạn bè một thời cùng ở Ký túc xá, muốn gặp lại thầy cô đã dạy, được nói lại tiếng Ba Lan....Rất may mắn, tôi có dịp đi lại Ba Lan nhiều lần. Lần cuối, sau nhiều đắn đo suy nghĩ tôi quyết định đưa gia đình sang Ba Lan sinh sống. Việt Nam đầu những năm 90 có nhiều chính sách đổi mới, nhờ thế nhiều người Việt Nam ở nước ngoài tìm cho mình cuộc sống theo nghĩa “tự cứu mình trước khi nhà nước cứu”. Ba Lan lúc đó cũng trải qua thời kỳ chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, nhiều mặt hàng thiết yếu bán theo chế độ tem phiếu. Thật khó nói rằng quyết đinh như thế nào là đúng? Tôi làm theo số đông, và tin rằng số phận đã được định sẵn. Gần 40 năm gắn bó với mảnh đất này – Tổ quốc thứ 2 của mình, thật không thể nói hết tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc. Nay nghỉ hưu, sống bình an, con cháu quây quần, bạn bè thân thiết. Tôi hàm ơn tất cả: Nhà nước, gia đình, bạn bè và đặc biệt tôi biết ơn đất nước Ba Lan thân thiện, con người Ba Lan nhân ái. Tình bạn, tình yêu, tình người đã giúp tôi vượt qua những khó khăn, trở ngại để có cuộc sống hôm nay.

Cuộc gặp lần này của những cựu LHS Việt Nam tại Ba Lan - một kỷ niệm quý. Đó là cuộc gặp mặt của những con người gắn bó nhiều nhất với xứ sở “nghĩa nặng, tình sâu”.

Thế hệ chúng tôi có quyền tự hào về sự đóng góp của mình cho đất nước, cho xã hội, cho cộng đồng và cho gia đình. Rất nhiều người trong số LHS được đào tạo ở Ba Lan trưởng thành ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ cũng đã góp phần xây dựng nên tình hữu nghị Việt Nam- Ba Lan đơm hoa kết trái.

Một Ban tổ chức đã hình thành, có sự chuẩn bị mọi mặt cho cuộc gặp gỡ đặc biệt này. Mong rằng sẽ có nhiều LHS khoá 1964-1974 ở Ba Lan, từ các nước khác, từ Việt Nam sẽ tham dự buổi gặp mặt này. Các anh chị các khoá trước và sau, LHS VN học ở các nước khác cùng thời rất hân hạnh được đón tiếp vì chẳng có gì là trở ngại và hạn chế? Nếu thuận, cần đăng ký sớm để BTC có sự bố trí sắp xếp. Ban tổ chức chờ đợi sự tài trợ của những người hảo tâm.

Một số hình ảnh về lưu học sinh :

LHS nước ngoài học tiếng Ba Lan 1964 tại Łódź.

Diễu hành nhân dịp ngày Quốc tế Lao động 01.05


LHS VN sang BL khoá 1964 gặp nhau tại Hà Nội 2013 

Chúc cho cuộc gặp mặt các cựu LHS Việt Nam thành công và mở ra cơ hội cho những cuộc giao lưu tiếp.


Trà Lý


Sửa lần cuối 2014-09-27 11:05:21
  • Nam Việt Nam Việt Bài viết nói về thế hệ LHS một thời "gian khổ,đầy thử thách" nhưng đáng tự hào. Có nhiều ngọt ngào, không ít luyến tiếc, lắm trăn trở không của riêng ai. Quá khứ không bao giờ lặp lại, nhưng vẫn là vòng xoắn ở cung bậc khác. Phải biết chắt lọc để biết có ngày hôm nay từ đâu? và cần thay đổi quá khứ từ những bài học được trả giá. Hiện tại là quan trọng nhất, tương lai do thế sau định đoạt, đừng quá bận tâm rằng con cháu không theo kịp cha ông? 2014-09-28 13:55:16

Bình luận

Bình luận qua Facebook