2014-12-08 13:10:40

"Bà ơi! Cháu đọc cho bà nghe chuyện cổ tích Việt Nam, bà nhé!"

     Nghe tin vợ chồng người bạn thân vừa từ Việt Nam sang với các con, tôi vội thu xếp thời gian qua chơi. Vừa vào đến nhà, đứa cháu ngoại của bạn tầm 6 tuổi, từ phòng bên chạy ra, trên tay cầm quyển sách mỏng. Cháu ngập ngừng, chắc xấu hổ vì bà ít đến chơi, nhưng lại quen tên vì bố mẹ cháu vẫn hay nhắc đến. Cháu nhìn tôi, con mắt như muốn nói điều gì. Miệng lý nhí:- Cháu chào bà ạ! Phát âm rất chuẩn, câu chữ rõ ràng, tôi thật bất ngờ, vội chạy lại ôm chầm cháu vào lòng và bảo:- Ôi! Vicki đã lớn thế này rồi sao? Gần hai năm bà không gặp mà chẳng nhận ra. Cháu vội sửa lại:- Cháu tên là Vân, Hà Vân bà ạ. Tên Việt Nam của cháu đấy. Cháu còn viết được cả tên cháu nữa, và cháu lấy bút viết lên tờ giấy để ở góc bàn: Lê Hà Vân, thật rõ ràng, ngay ngắn và đầy đủ cả dấu trong từng chữ.  

    Nhớ lại những ngày bố mẹ Hà Vân mới sinh con. Do bận công việc nên khi cháu còn bé, mẹ cháu đã phải thuê bà tây từ tỉnh khác đến ở và trông cháu khi cháu mới 5 tháng tuổi. Cháu ở nhà, ăn, ngủ, chơi đùa với bà tây của mình, gắn bó như hình với bóng. Vì vậy bố mẹ cháu hay phàn nàn cháu tiếng Balan thạo hơn tiếng Việt. Cháu hiểu hết các câu chuyện trong nhà khi bố mẹ dùng tiếng Việt với nhau, nhưng cháu không thể nói được nhiều bởi lẽ cháu không quen nói loại ngôn ngữ ấy hàng ngày với bà tây của mình.  

    Cháu được bố mẹ cho đi nhà trẻ, đi mẫu giáo, ở trường cháu có nhiều bạn chơi, cháu nói chuyện nhiều hơn, cháu học được nhiều thứ hơn qua các giờ dạy của cô giáo. Về nhà, cháu cũng chỉ lắng nghe và làm theo lời người lớn, nhưng ít trả lời, có chăng những câu phát ra đa phần là tiếng Balan. Đến đơn giản như tiếng gọi Bố, Mẹ, cháu cũng không thích gọi, cứ luôn mồm: Tata, Mama! 

   Điều đáng lo nhất của những người làm cha, làm mẹ là con cái mình sẽ không yêu quê hương mình, nơi có ông bà nội, ngoại và biết bao người thân ruột thịt đang sống. Mối lo này càng ngày càng rõ hơn, khi con mình chỉ thích ngồi trong phòng với các đồ chơi của nó, khi là chú gấu Misa, khi là chú chuột Micki, lúc lại là em búp bê có hai túm tóc buộc hai bên tên gọi Êva. Cháu chỉ thích nói chuyện thì thầm, như nói chuyện với các bạn bè, là: ja(tôi), ty( bạn), my(chúng mình)...cứ vậy cháu thích dùng ngôn ngữ cháu yêu để nói chuyện với các bạn đồ chơi.  

    Vậy mà giờ đây, Vicki ngày nào đã nói tiếng Việt rất thành thạo, cháu còn biết hát và múa các bài hát truyền thống trẻ con như: Trống cơm, các bài hát về hình ảnh quả khế, quả bóng, quả na, quả đất...Không tin nổi cháu thay đổi nhanh như thế, giờ đây trông cháu chẳng ai nghĩ cháu được sinh ra và lớn lên ở bên tây. Hỏi chuyện bố mẹ cháu, tôi được biết từ lúc cháu 5 tuổi, bố mẹ đã cho cháu đi học trường tiếng Việt Lạc Long Quân tại Vacsava. Thứ 7 hàng tuần, sau giờ làm việc bố hoạc mẹ đưa Vicki đến trường tiếng Việt, cháu có nhiều bạn bè mới tuy nói với nhau bằng tiếng Balan nhưng giống nhau ở mái tóc đen nhánh, hai mắt đen và biết ăn các món ăn Châu á của mình. Ở trường cháu được các thầy giáo, cô giáo uốn nắn từng tý về phát âm cho đúng, về chữ viết không sai chính tả. Cứ vậy cháu tiến bộ dần, chữ cháu yêu thích là viết đúng tên mình, đúng tên bố, mẹ và những người thân yêu xung quanh cháu. Điều thú vị nhất khi đã đọc thông viết thạo, là được đọc và hiểu các câu chuyện cổ tích Việt Nam. Dù rằng thi thoảng trước khi đi ngủ mẹ hoặc bố vẫn kể cho nghe, nhưng với cháu khi tự đọc, cảm thụ và trí tưởng tượng phong phú hơn nhiều. Vì vậy cháu rất thích đọc và cùng mơ màng với bạn bè trong thế giới trẻ thơ.

    Sau phút làm quen, cháu đề nghị:- Bà ơi! Cháu đọc bà nghe chuyện cổ tích Việt Nam, Bà nhé! Tôi ôm cháu vào lòng, cháu đọc rõ ràng, chậm rãi lên xuống trầm bổng theo ngữ cảnh của câu chuyện. Lần lượt, thế giới cổ tích được mở rộng trong trí óc của hai bà cháu. Các câu chuyện"Cây khế","Thạch sanh"," Tấm Cám".v.v.v... hấp dẫn đến lạ lùng. Tôi biết khi câu mở đầu cất lên:"Ngày xửa, ngày xưa, ở một làng nọ...", cháu đã đắm mình trong đấy, nơi thế giới huyền thoại chỉ có một quả khế từ người tốt bụng, đã được đổi cả túi"ba gang"đầy vàng, cháu muốn sờ xem quả khế và túi đựng vàng trong đấy. Cháu đang muốn xem tận nơi cái"niêu đất"kỳ lạ, ăn hết lại đầy cơm. Cháu lại cũng muốn biết làm sao cô Tấm nết na xinh đẹp có thể từ quả thị chui ra?... Rất, rất nhiều thứ người lớn không cần biết, nhưng cháu đang muốn tự mình cảm thụ cái tốt trong từng câu chuyện để tự hoàn thiện mình!

     Ngắm nhìn Vicki, tôi giờ đã hiểu vì sao cháu thích gọi cháu là Hà Vân, vì cháu đã biết yêu tiếng Việt của cháu. Tôi thầm cảm ơn thầy cô trường tiếng Việt Lạc Long Quân, với 15 năm qua đã dạy giỗ được rất nhiều các cháu như Hà Vân  đọc thông, viết thạo. Cảm ơn bố mẹ cháu đã biết quan tâm và cho cháu những hiểu biết về ngôn ngữ của quê hương mình. Hà Vân thật đáng yêu với các câu chuyện ngày xửa, ngày xưa!  


         Vacsava 08/12/2014 

          Nguyễn Mai Lê

Sửa lần cuối 2014-12-08 12:10:40
  • Đức Nguyễn Đức Nguyễn Cảm ơn tác giá, bài rất hay và bổ ích. Tôi thấy viết liền Balan là hướng phát triển của từ phiên âm VN. Có một lỗi; 15 năm qua đã dạy "giỗ" -tôi nghĩ là "dỗ" thì đúng hơn. 2014-12-08 18:48:18

Bình luận

Bình luận qua Facebook