2015-02-08 17:23:36

Chuyện"Cái Nghề"


       Nhân dịp sắp Tết cổ truyền, tôi muốn kể về chuyện một"cái Nghề". Bởi rằng nó đầy rẫy trong xã hội, nó góp phần không nhỏ và ảnh hưởng không ít đến đạo đức, cách sống của xã hội loài người.  Nhiều người biết về nó, ông to biết, bà lớn biết, sách báo biết... Cả những người làm luật cũng biết vậy mà chẳng thấy ai đặt cho nó cái tên, hay gọi cái tên gì đó cho chuẩn để hễ nhắc đến là hình dung được về nó. Vì vậy tôi chỉ dám gọi nó bằng cách của riêng mình, cái tên nghe lạ, có vẻ là danh từ chung, nhưng nó lại mang ý nghĩa riêng. Tên nó là:"Cái Nghề". 

       Tôi muốn"vòng vo tam quốc"một chút, vì câu chuyện về"Cái Nghề", nó cũng có nguồn gốc . Vốn tôi là người xa quê hương đã lâu, vì vậy hàng năm cứ có dịp về nước, tôi rất thích tìm hiểu xem cuộc sống hàng ngày của những người  dân bình thường thế nào. Bởi nhiều khi tôi hay nghi hoặc những câu chuyện đài, báo, ti vi nói đến. Tôi muốn nghe từ chính người trong cuộc kể, và thật thú vị, không ngờ tôi đâm"nghiện"cái món"tai nghe, mắt thấy"này!  

       Ngay khu chung cư tôi ở, có hiệu làm tóc và sửa sang sắc đẹp, với biển quảng cáo" Ngân Anh Salon". Cách đây mấy năm nó chỉ đề khiêm tốn"Ngân Anh gội đầu". Cô chủ nhỏ vẫn vậy, nước da trắng, với lúm đồng tiền rất duyên, cách nói chuyện lễ phép gây cảm tình lớn với tôi. Ngay buổi đầu tôi vào tiệm gội và sấy tóc, ấn tượng về cô bé thật dễ chịu. Qua chuyện trò được biết cháu ở Thường Tín (Hà Tây cũ), học hết trung học, cháu bén duyên với nghề cắt tóc gội đầu và thuê căn phòng chừng gần 20 mét vuông, tầng trệt nhà cao tầng để kiếm sống. Rồi lấy chồng, sinh con, giống như bao cô gái khác. Nếu chỉ có vậy, chắc tôi cũng chẳng để tâm làm gì, nhưng cái sự lạ là chỉ sau 5 năm, cuộc sống của cháu đã hoàn toàn thay đổi. Bảng hiệu được đổi tên có vẻ sang hơn, nhưng thực chất bên trong vẫn vậy, với hai cái bàn nằm gội đầu, hai dãy ghế cho khách ngồi chờ và ba cái ghế xoay khi khách cắt, sấy, hay uốn tóc. Lần nào cũng vậy, tôi tự huyên thuyên rằng mình ở trong Nam, thi thoảng dịp Tết hay nghỉ hè lại ra Bắc chơi. Cô cháu vì vậy chuyện trò cởi mở, tôi trở thành khách ruột của tiệm này, dù rằng xung quanh có tới gần chục cái tiệm như thế. Lần gần đây nhất, sau gần 20h vừa bay, vừa chờ tranzit. Sau khi về đến nhà, tôi vội cất hành lý, tắm gội rồi xuống quán ăn bát phở cho tỉnh táo, xong xuôi thế nào cũng có tiết mục vào tiệm Ngân Anh để mát xa mặt, xoa đầu, sau đấy là phần tỉa tóc và làm đẹp. Hình như đã là thói quen nên chẳng lần nào tôi làm sai quy trình. Vì vậy quả là dễ chịu sau hàng hơn chục ngàn cây số bay, được nằm lim dim mắt nghe cô thợ khéo tay vừa chuyện trò vừa xoa bóp! 

     Ảnh minh họa. 

 - Cô chào cháu! Khoẻ không, chồng con thế nào, công việc tốt không? Tôi lúc nào cũng nhanh nhẩu hơn, vì cháu đang bận phục vụ khách, hơn nữa cái cảm giác được nói chuyện với người ở nhà một cách cởi mở, thân thiện là sở thích của tôi. 

        - Ôi, cô mới ra ạ! Cháu mong mãi, cứ nghĩ hay cô để dành Tết ra luôn thể( chẳng là cuối hè tôi hay về vì việc của bà già).  

         - Cô có chút chuyện nên ra mấy ngày thôi. Nhìn cháu dạo này trẻ hơn, da dẻ đẹp hơn là sao vậy?  

        - Hơ hơ...! Cô lại quá lời, cháu lúc nào chả thế. Công việc luôn tay, giờ lại là gái hai con nên làm gì trẻ và đẹp hả cô? Mà cô dạo này có bận không? Lúc nào rỗi cháu gọi cô xuống tiệm cháu hàn huyên chuyện"Cái Nghề"cô nhé. Giờ cháu hơi bận chốc cô quay lại cháu phục vụ cô. Vừa nói chuyện, cô chủ tiệm làm đầu vừa thao tác cắt tỉa móng tay cho khách hàng. 

         Đại loại là vậy, nếu tôi không sốt ruột, cứ ngồi ở dãy ghế, vớ lấy cuốn tạp chí, vừa đọc, vừa lắng nghe các câu chuyện của mấy bà, mấy chị và cả mấy cô gái trẻ đang có mặt trong tiệm chuyện trò rôm rả. Có khi trong gần hai tiếng chợ đợi đến lượt, tôi được nghe đủ thứ chuyện trên đời. Bỗng chốc cảm giác như mình chưa hề đi xa, như mình vẫn hàng ngày có mặt trong các ngõ ngách đời thường của người ở nhà. Tính tò mò, nhưng lại chuyện đâu để đấy, không ngồi lê đôi co, không buôn chuyện, không thêu dệt nói xấu người khác, tôi trở thành người để cô chủ nhỏ kể rất nhiều chuyện mà chẳng cần ý tứ, che đậy trước sau (thật ra cháu đâu có biết tôi chẳng có ai gọi là người quen, hay bạn bè để có thể buôn chuyện người khác vì hàng năm tôi mới xuất hiện vài lần rồi lại bay vào Nam). Có lần khi bà khách cỡ hơn 50 tuổi, ăn mặc, nói năng biết ngay là kẻ lắm tiền, khi nói chuyện điện thoại với ai đó, tôi hình dung ra người này đang bực tức chuyện gia đình. Tôi nhìn sang cô cháu, cháu khẽ nháy mắt, rồi cười tủm tỉm ra ý bảo: Cô cứ biết vậy, lúc khác cháu kể cô nghe!.. Chuyện từ hiệu làm tóc của cháu, đã làm tôi hình dung ra được trong xã hội Việt Nam bây giờ đang có rất nhiều người, thậm chí hình như nó đã liên kết với nhau thành một mạng lưới, tuy không"danh chính ngôn thuận" nhưng lại khăng khít, hiệu quả và"ăn nên làm ra"! Vợ chồng cháu cũng là một trong những mắt xích nhỏ, vì vậy chỉ chưa đầy 5 năm, từ chỗ lấy nhau hai bàn tay trắng, chồng kỹ sư, vợ làm nghề"cắt gội, sửa sang sắc đẹp", cháu nay đã có nhà riêng 5 tầng, có người giúp việc, mỗi năm cả nhà đi nghỉ ở các điểm du lịch nổi tiếng trong nước và nụ cười thành tiếng đầy viên mãn"hơ hơ..."luôn thường trực trên môi!. Cuộc đổi đời khi chồng cháu có thêm nghề mới do bạn bè dìu dắt, và cháu cũng không biết gọi tên là gì, bởi bất kỳ việc gì "Cái Nghề"của chồng cháu đều giải quyết được hết cô ạ. Đấy là nguyên văn câu khi tôi thắc mắc tên nghề mới của chồng Ngân Anh đang làm và câu trả lời từ cháu.         Cũng từ các câu chuyện tôi hình dung cái nghề không tên cũng rất bận rộn, nào là cần thăng chức, nào là muốn kiện hàng xóm về tranh chấp đất đai, nào kiện tụng quyền thừa kế, nào là muốn giành quyền đấu thầu xây dựng.v.v.v... Rồi ty tỷ thứ nhỏ, to khác nữa! Mà giỏi hơn nữa là cái nghề này không có chỉ giới, nghĩa là đang ngồi ở Thủ Đô, chỉ cú điện thoại là sự việc từ tận các tỉnh phía Bắc, đến tận các tỉnh phía Nam đều có thể giải quyết. Vấn đề quan trọng là tiền, càng nặng"đô", công việc càng nhanh, càng hiệu quả! Càng nghe kể chuyện, tôi càng ngỡ ngàng. Ừ nhỉ,"Cái Nghề"này quả là chẳng cần phải học đến mờ cả mắt, mòn cả đũng quần. Lại cũng chẳng phải lo vốn liếng gì cả, theo như cháu bảo chủ yếu là"nhiều mối quan hệ"và khách hàng mình nhận lời phải là dạng"tử tế",tức là tiền nong phải sòng phẳng. Với lại mỗi người lo một khâu, ít khi cầm tiền của khách hàng trao trực tiếp cho người có thẩm quền, nên cũng không lo bị "tóm"đâu cô ạ! 

       - À! Vậy"Cái Nghề"này là"Nghề Chỉ Trỏ", hay" Nghề Buôn Nước Bọt"!

       - Không hẳn thế cô ạ, vì nếu như vậy mình chỉ là giới thiệu cho khách đến anh A, anh B. Đằng này chồng cháu có  lần cả nhà cháu đang đi nghỉ ở tận Nha Trang. Bỗng có cú điện thoại gọi về gấp vì việc lên chức của vị khách có trục trặc, vậy là bay ra ngay, mẹ con cháu phải về sau theo lịch nghỉ.

       Tôi gật đầu ra chiều thông cảm, đang vui vẻ với vợ con mà phải bay về một mình kể cũng tội! Được đà tôi hỏi:  

        - Cháu sướng thế, giờ tiền chồng làm ra tiêu chẳng hết, sao còn đi làm cái nghề cắt gội chi cho mệt. Lại còn mùi hoá chất của thuốc nhuộm tóc, thuốc làm đầu với thuốc bôi móng tay móng chân. Sao không ở nhà chăm con và lo việc nhà? Nhiều việc thế, mấy cô bé phụ việc đâu cả rồi, sao tự lo tất cả vậy? 

        - Hơ hơ...!Cô nói giống mẹ cháu và mọi người thế. Cháu ở nhà mất vài năm đầu khi sinh đứa lớn, tự nhiên ngửa tay xin tiền chồng và phụ thuộc nhà chồng. "Con ở"không ra con ở, vì "con ở"còn có thời gian ngủ ban đêm. Đằng này đêm cháu còn phải phục vụ chồng, con. Ban ngày lại lo chợ búa, tắm giặt cho con đã đành, lại luôn lo sợ bố mẹ chồng xét nét. Cháu chẳng dại, cho đứa lớn đi trẻ ( nhờ luôn bố mẹ chồng đưa đón), đứa bé có cô giúp việc, việc chợ búa cơm nước có bà cô ruột của chồng ở quê lên. Vậy là cháu đi làm với cái nghề của cháu. Cô tính có sướng hơn không? 

       - Ừ cũng phải, mới chưa đến 30 tuổi, cũng nên đi làm. Nhưng sao cháu thạo cái Nghề của chồng thế? 

         - Nói nhỏ cô hay, cháu góp phần không nhỏ vào công việc của chồng cháu đấy nhé. Cháu mới là "Chi cho mêk"cô à. Cô biết tiệm cháu rất nhiều các bà sồn sồn và sống sung túc rồi đấy. Họ là khách ruột của cháu cả. Cháu chẳng cần đông khách quá, vì nếu cháu thuê thêm người phụ việc càng rách việc hơn. Bọn nó nghe tai nọ, xọ tai kia, lại hay đưa chuyện. Khách cháu không thích và cháu cũng không thích. Cô còn nhớ cái bà nói chuyện oang oang, lại còn văng tục và chửi bậy loạn xạ hôm trước không? Khách cháu đấy, à mà cháu cũng là khách của bà ta. Cô không biết bà ấy có bốn, năm cái nhà toàn mặt phố Hà Nội cho thuê đâu. Tiền gửi Ngân hàng không kể hết. Vậy mà bà ấy lại mua hai cái chung cư khu mình, rồi đục thông thành một cái căn hộ, tiện nghi như khách sạn. Cả nhà vào đây, vì khu mình tiện chợ búa, lại tiện đi lại, hơn nữa bình dân không ai để ý. Bà ấy vợ ông"cốp"đấy cô ạ. Bà ấy giỏi lắm, việc gì qua tay bà ấy cũng xong hết. Chẳng thế có khi bọn cháu còn phải nhờ vả nếu gặp vụ khó gặm. Ngược lại có vụ nếu thấy không yên tâm bà ấy giới thiệu cho cháu. Thế gọi ai là khách của ai hả cô?  

        - Cô hỏi thật, bọn cháu không sợ bị truy tố sao? Hình như trong bộ luật hình sự có điều khoản luận tội về hành vi này đấy! 

        - Hơ hơ... Cô ơi là cô! Có mà"Con kiến kiện củ khoai", túm bọn cháu có mà lộ tẩy hết cả hả cô! Vì trước hết họ có nhu cầu, có tiền muốn đạt mục đích của mình, bọn cháu chỉ là người biết cách đi như thế nào, vào cửa nào cho được việc. Với lại cũng vì có người khi thấy tiền, chỉ cần ký và cộp dấu là có khoản lợi lớn, chẳng mất gì của họ, vậy là hợp cả đôi bên. Phần còn lại chia chác thế nào ai biết hả cô. Hơn nữa tất cả công việc chẳng có giấy tờ bằng chứng gì."Cái Nghề", vì thế không thất truyền mà ngày càng lớn mạnh cô à.  

        Câu chuyện của hai cô cháu lần nào cũng vui vẻ và sôi nổi, phần vì tôi hay chọn vào những lúc vắng khách nên cháu rất cởi mở. Phần nữa cháu cũng khôn khéo không tiết lộ bất cứ thông tin gì cụ thể về vụ việc và tên khách hàng. Phía tôi cũng vậy, thi thoảng đáp lại bằng các câu hỏi thường tình và cũng không tò mò khai thác sâu vào đời tư và công việc riêng của cháu. Sau cùng tôi đùa:  

       - Không ngờ bọn cháu giỏi thế, tý tuổi đầu mà đã biết kiếm tiền vừa nhẹ nhàng, vừa hiệu quả. Chẳng bù cho cô vất vả cả đời. Mà nói thực có cho cô làm cô cũng sợ. 

        - Chẳng sợ đâu cô ạ. Làm rồi nó quen, mà cháu thấy cũng lạ, sao thiên hạ lắm kẻ muốn thăng quan tiến chức thế, lắm kẻ giàu nứt đố đổ vách vẫn muốn chen chân vào mong hốt bạc. Mà đã có lòng tham như thế tức là phải đấu đá, cạnh tranh. Cũng vì thế"Cái Nghề"này họ rất cần, bọn cháu mới có việc làm chứ. Vậy xét về tội thì ai nặng hơn ai cô nhỉ? Có chăng đơn giản bọn cháu chỉ là người cầm hộ tiền người nọ chuyển cho người kia thôi... 

     - À mà thôi! Cụ thể ai nặng tội, ai nhẹ tội cô chịu. Có điều nếu khi làm việc gì thấy có hại cho dân, cho nước, thì cũng cần suy nghĩ nhé. Đùng vì đồng tiền rồi ăn năn suốt đời là được, nhớ nhé cháu!...

      - Vâng, lần này cô và cháu lại vẫn không đặt cho nó được cái tên cho chuẩn. Thôi lần sau cô ra, cháu còn có chuyện kể cho cô nghe nữa. Biết đâu lúc đấy cô cháu mình sẽ nghĩ ra cái tên hay cho nó. Hẹn Tết này cô ra Bắc cô nhé, chắc cháu chưa chuyển đi chỗ khác đâu... 

      Tôi ra về, lòng dạ vẫn còn vướng vất về các phi vụ mà chồng Ngân Anh đã giải quyết. Các phi vụ không tên, khi được việc người thực thi sẽ có những khoản tiền xứng đáng. Thực lòng tôi rất muốn không phải nghĩ ra cái tên cho nó, mà chỉ muốn nó vĩnh viễn biến mất. Bởi vì chính mạng lưới vô hình của nghề này, đã góp phần làm cho xã hội suy đồi và nhiễu loạn thêm. 

     Tết nay, cô thất hứa không về Hà Nội, cô không có dịp vào tiệm của Ngân Anh, để được cháu phục vụ, không được nghe cháu kể về các chiến tích"Cái Nghề"mang lại.  

Nhưng cô lại rất mong khi gặp cháu, nụ cười vẫn như xưa, khi chồng cháu chưa có thêm nghề mới. Có thể tiếng cười "Hơ, hơ..."của cháu sẽ không còn, và hy vọng cô cháu mình không phải nghĩ đặt cho"Cái Nghề"một cái tên thật chính xác...

         (Tên nhân vật đã được thay đổi)    

Vacsava ngày 08/02/2015 (Tức20 tháng Chạp)

              Nguyễn Lê Mai

Sửa lần cuối 2015-02-08 17:15:06
  • Nam Việt Nam Việt Bài viết rất nhân văn, hiện thực nóng bỏng ở VN. Người đứng ngoài cho đó là tệ nạn xã hội do cơ chế quản lý kiểu VN. Nhiều người có vụ việc lại không có lối thoát, ai là cứu cánh lucs này? Chính họ là ân nhân cho những kẻ thân cô, thế cô. Chỉ có thay đổi từ gốc mới biết đúng sai, tốt xấu? 2015-02-18 11:17:36

Bình luận

Bình luận qua Facebook