2015-02-22 09:46:34

Tình quê nơi xa xứ

Những ngày bản lề giữa năm cũ Giáp Ngọ và năm mới Ất Mùi với bao nhiêu bộn bề công việc, cộng đồng người Việt tại Ba Lan được đón đoàn ca múa nhạc từ trong nước sang biểu diễn.

Không đặt nặng tiêu chí kinh doanh nên thành phần đoàn thật gọn nhẹ gồm ba ca sĩ, ba vũ công, một phụ trách âm thanh và một trưởng đoàn. Xác định phục vụ là nhiệm vụ chính nên đoàn lên chương trình biểu diễn có sự phối hợp chặt chẽ với văn nghệ "cây nhà lá vườn" của cộng đồng. Nhưng kết quả đạt được trên hết vẫn là những bài ca, điệu múa chất lượng cùng tình cảm sâu đậm mà đoàn đã gieo vào lòng công chúng người Việt tại Ba Lan. Được nghe, được xem, được giao lưu với đoàn trong buổi cộng đồng gặp mặt đón năm mới Ất Mùi diễn ra vào đêm 10/2/2015 tức ngày 22 tháng Chạp năm Giáp Ngọ tại nhà hàng Thiên Trường cũ, các khán giả đều cảm nhận rõ tình cảm ấm ấp của quê hương được các nghệ sĩ mang sang và truyền cho mà tôi may mắn là một trong những người đón nhận được nhiều nhất.

Ca sĩ Tấn Phương biểu diễn ở Warszawa đêm 10/2/2015

Thật tình cờ, tôi được mời dự bữa cơm thân mật trước giờ biểu diễn và vì vậy được tham gia cuộc chuyện trò giữa các thành viên của đoàn nghệ thuật với các nhà tổ chức và tài trợ của cộng đồng.

- Trong chương trình biểu diễn tối nay, đoàn có tiết mục hát quan họ không anh? - Một doanh nhân Việt Kiều xốt xắng quay sang hỏi trưởng đoàn.

- Không anh ạ!

- Vậy trong đoàn có ai là người Bắc Ninh không anh? - Vẫn doanh nhân Việt Kiều chắc quê Bắc Ninh tò mò. - Không anh ạ! Cô này người Thanh Hóa, cô này với cô này, cả cô này nữa người Hà Nội... - Chỉ vào từng thành viên, trưởng đoàn lần lượt giới thiệu.

Đến lượt người ngồi cạnh tôi, anh hồ hởi:

- Cô này là người Hà Nam.

Nhìn hai cái răng khểnh lộ ra trong nụ cười duyên của cô gái ngồi bên trái, bỗng linh cảm thấy điều gì đó, tôi vội sờ tay lên hai cái răng nanh trên hàm răng khấp khểnh của mình, rồi quay sang bắt chuyện:

- Em ở Hà Nam à, huyện gì vậy?

- Dạ, huyện Lý Nhân anh ạ!

- Anh cũng Lý Nhân. Thế em ở xã nào?

- Dạ, xã Hòa Hậu anh ạ!

- Ô! Vậy à? Anh cũng Hòa Hậu đây. Thế em ở làng nào?

- Dạ, làng Đại Hoàng anh ạ!

- Trời đất ơi! Anh cũng làng Đại Hoàng đây. Cả làng đó họ Trần, chắc em cũng họ Trần phải không?

- Vâng! Em cũng họ Trần. Trần Tân Phương.

Ối a! Thế là ở tận phương trời xa vạn dặm, hai đứa cháu chắc cùng cụ tổ làng Vũ Đại tình cờ được gặp nhau trong một bữa cơm thân mật, được gặp nhau trong một cuộc vui mà một người là ca sĩ, một người là khán giả. Ở Việt Nam ít có làng nào được nhiều người biết tới như làng Vũ Đại trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao mà ngoài đời chính là làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Làng tôi bên dòng Châu Giang êm đềm, xanh mướt là điểm tận cùng của huyện Lý Nhân, cũng là điểm tận cùng của tỉnh Hà Nam. Thuộc tỉnh Hà Nam nhưng làng tôi chỉ cách thành phố Nam Định 6 km trong khi cách tỉnh lị Phủ Lý hơn 20 km. Nói không ngoa, con gà trống gáy ở cánh đồng làng tôi thì người cả ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình đều nghe tiếng.

Nguyên mẫu nhà Bá Kiến, làng Đại Hoàng.

Theo gia phả dòng họ, hơn ba thế kỉ trước sông Châu Giang bỗng đổi dòng. Cụ tổ họ Trần trước ở Phủ Thiên Trường (Nam Định) bên bờ lở di cư sang bờ bồi bên này khai khẩn lập nên làng Đại Hoàng. Thế là bỏ mặc những người khác bên bàn ăn, hai anh em cùng làng "xoắn lấy nhau" chuyện trò, nhận…họ hàng. Em nói em sinh ra ở làng, thoát li lên Hà Nội học và công tác 14 năm nay. Anh bảo anh sinh ra ở Hà Nội nhưng bố anh là dân làng xịn, đến năm tham gia hoạt động Việt Minh bí mật mới thoát li. Thế rồi anh nịnh "Con gái làng mình hơn nửa làm nghề dệt vải nên trắng trẻo và xinh xắn lắm" Em bẽn lẽn lảng sang chuyện khác "Làng mình không những nổi tiếng trong văn học mà còn có nhiều đặc sản khác nữa" Anh tranh lời khoe luôn "Ừ, đúng vậy! Cá trắm đen kho của làng Vũ Đại không những là thương hiệu đắt giá trên thị trường nội địa, mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài nữa, nhất là cho Việt Kiều trong dịp tết nguyên đán." Em cười bí hiểm "À! Em đố anh, làng mình có quả gì và củ gì là đặc sản nữa nào?" Anh nói giọng đầy tự tin "Chuối ngự tiến vua và củ ấu thả dưới ao! Ai đời lại đố cháu cụ Bá Kiến."

Đặc sản cá trắm đen kho và chuối ngự tiến vua làng Đại Hoàng.

Mấy chục năm trước ai cũng tranh nhau nhận cháu Chí Phèo mà chẳng người nào „dại mặt” nhận cháu cụ Bá, vậy mà bên thềm năm mới Ất Mùi có một gã xa quê dám nhận (xằng) với cô ca sĩ họ Trần làng Vũ Đại từng đoạt giải nhất giọng hát hay Hà Nội năm 2006, top 10 Sao Mai 2007, giảng viên trường đại học Nghệ thuật Trung ương một điều từng cấm kị trong và sau cải cách ruộng đất suốt bao nhiêu năm ròng. 

Cảm xúc cuộc gặp gỡ tình cờ thật ngọt ngào, ấm áp trong những ngày lạnh giá phải đón tết xa nhà, xa quê."


Warszawa 20-2-2015

Trần Quốc Quân.

Sửa lần cuối 2015-02-22 13:47:16

Bình luận

Bình luận qua Facebook