2015-03-03 11:09:24

Mùa xuân Ba Lan


Khai bút ngày xuân, ngồi ngắm ánh nắng vàng nhẹ đang xua tan những sương mờ cuối đông lại muốn viết về xã hội mình đang học tập, những cảm nhận về cuộc sống nơi này. Có lẽ chính việc đi học ở đất khách quê người vừa tham gia và tìm hiểu đời sống xã hội, vừa có “khoảng cách nhất định” lại dễ dàng hơn trong dòng suy tư, đánh giá. Ngồi nghe bản concerto Mùa xuân đầy tình trầm, náo nức của Antonio Vivaldi như có nền âm nhạc, chất kết nối để những ý nghĩ nhảy múa lộn xộn khi tham gia vào đời sống xã hội được kết dính lại với nhau trong tiếng xuân về với cả tâm hồn và mảnh đất sáng hồng thèm tiếc này.

Số phận hẩm hiu hay may mắn đã đặt đất nước Ba Lan bị kẹp giữa hai cường quốc đầy tham vọng của thế giới: Đức và Nga. Nhưng cách đất nước này ứng xử với các nước lân bang thật đáng để suy nghĩ, khâm phục. Đặc biệt là cách họ quan hệ với anh hàng xóm “siêu cường trung bình khá” phía đông luôn khuỳnh khoàng khoe ngực to, bắp chắc, thỉnh thoảng lại vứt lá bài dân tộc chủ nghĩa ra với những tuyên bố đầy lố bịch như “làng này không ai được phép giỏi võ hơn tao” hay “nếu tao muốn, chỉ vài giờ là quân tao giẫm choét thủ đô nhà mày”.... Trong bối cảnh nguyên tắc số một của quan hệ quốc tế là tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của nước khác bị vi phạm khi đất nước Ukraina bị bom đạn chia năm xẻ bảy thì Ba Lan luôn giữ được độc lập ổn định và phát triển nhanh. Họ đã vượt qua cơn khủng hoảng chính trị xã hội đầu những năm 90 của thế kỷ XX trong hòa bình, không đổ máu thù hằn. Họ đã nhanh chóng hội nhập với xu thế toàn cầu hóa, gia nhập EU và là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ việc trở thành thành viên của khối này.
Thế kỷ 20 qua đi và Ba Lan cũng phải chịu đựng những cuộc chiến tàn phá khủng khiếp trong nửa đầu thế kỷ. Ở đây vẫn còn những khu tưởng niệm, tượng đài ghi lại dấu ấn một thời bom đạn, diệt chủng như những vết thương bầm tím nhức đau. Trên bàn cờ chính trị của các nước lớn, Ba Lan luôn là một trong những nạn nhân lớn nhất. Đệ nhị thế chiến mở đầu bằng việc Hít-le xua xe tăng thọc sâu vào “trái tim Châu Âu” (1/9/1939). 
Mỗi khi đi ngang qua các tượng đài, công trình tưởng niệm, những suy nghĩ liên tưởng về đất nước thân yêu của mình lại chợt đến: Không có đất nước nào thế kỷ vừa qua lại phải chịu đựng những cuộc chiến tranh khủng khiếp như đất nước chúng ta với sự can dự, dính líu của cả 5 siêu cường là 5 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Và chắc chắn người ngây thơ nhất cũng thấy, dù là kẻ thù hay đồng minh thì sự can dự đó đều xuất phát từ lợi ích của chính họ. Nếu cứ để người Việt “tự xử” thì có lẽ cùng lắm các bễ lò rèn lấp ló sau lũy tre làng cũng chỉ đúc được những khẩu thần công theo cách mô tả của cụ Nguyễn Đình Chiểu là “hỏa mai đánh bằng rơm con cúi” mà thôi!

Quay trở lại, với đất nước Ba Lan vài thập niên trước, các bậc tiền bối đã từng là lưu học sinh những năm đó kể lại xã hội Ba Lan từng trải qua nhiều khó khăn thiếu thốn. Những lưu học sinh, công nhân của Việt Nam chỉ cần kiếm được một ba lô hàng tiêu dùng, quần áo, trải cái áo mưa ra đường phố để bán là người dân sẽ tập trung mua hết veo. Người bán có thể kiếm được cả trăm USD. Họ chấp nhận mua những cái áo khoác giá rẻ của mình bán, mai gặp lại trên tàu điện họ chỉ vào dưới tay áo đã rách lòi cả rơm nhét phía trong áo ra mà chửi!
Thế nhưng giờ đây đất nước này đã khác. Và điều đáng quý nhất, người dân của họ luôn được thụ hưởng và hài lòng với những kết quả đó. Hơn một năm trước, tôi đã thực sự ấn tượng với việc bộ trưởng giao thông Ba Lan phải từ chức chỉ vì nhận đồng hồ vài ngàn USD. Ở đâu cũng có những điều chưa đẹp, nhưng rõ ràng nhìn vào cách người ta sống mình không khỏi mơ ước. Đến bao giờ cái nhà không còn là nỗi nhục của kẻ sĩ? Đến bao giờ cái xe ô tô không còn là niềm mơ ước xa xỉ của người dân? Chỉ một tháng học bổng là có thể mua được một cái xe có thể chạy tương đối tốt. Cái xe đó nếu có ở Việt Nam thì chỉ nhà giàu mới có và sẽ được giữ gìn bóng lộn như những xế hộp được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” mà ta vẫn thấy.
Có một lần tôi vào bệnh viện thăm người thân bị ốm, tôi đã khá bất ngờ vì không hề có sự đông đúc vật vờ của bệnh nhân và người chăm sóc, không hề có sự nhếch nhác và thứ “mùi bệnh viện” bủa vây. Người già ốm đau nơi đây có hệ thống bảo hiểm chi trả, họ không phải trả tiền điều trị. Học sinh sinh viên đi học không phải đóng học phí và sinh viên xa nhà còn được cấp tiền ăn ở, sinh hoạt. Cũng vì vậy mà sự bon chen tích cóp từng đồng phòng khi già cả ốm đau; cố gắng làm lụng, vay mượn, nhịn ăn nhịn mặc nuôi con học đại học không hề tồn tại.

Người ta nghĩ lớn sao được khi suốt ngày còn phải quần quật tích cóp từng đồng tẹp nhẹp. Người ta nhìn xa sao được khi phải cắm mặt cả ngày xuống bùn ao bắt từng con tép con cua. Người ta giáo dục trẻ em tình yêu, lối sống gần gũi với thiên nhiên sao được khi thấy quả táo, cành hoa đẹp là vặt lấy thưởng thức món “không có hóa chất bảo quản”; thấy đàn thiên nga, vịt giời ngoài công viên hay con nai, con nhím ngoài đồng là muốn biến thành đặc sản thú rừng!

Một mùa xuân lại về, lòng người như nhạy cảm hơn đón chờ cái nắng trong xanh của bầu trời. Mùa xuân của lòng người khiến cho làn da cô gái Ba Lan như căng hồng phẳng mịn hơn, làn môi như mềm ướt hơn đón chào xuân đến. Tạo hóa như ông nhạc trưởng tài hoa đang kìm nén tình xuân tha thiết trong tim, chỉ khẽ khàng vung que chỉ huy dàn nhạc thật thánh thót đầu tiên qua những bông hoa cỏ, qua tiếng chim lảnh lót trong buổi bình minh để rồi tất cả bừng lên một sức sống bất diệt dưới tâm hồn tha thiết.

Xã hội Ba Lan, xã hội của những dòng dõi quý tộc Châu Âu (Nobility) nhưng đồng thời cũng là xã hội của những con người uống rượu như nước lã (Alcolholism). Thông thường, những người đã học ở đâu thường có tình cảm, yêu mến đất nước đó, thậm chí coi như quê hương thứ hai của mình. Đó cũng là lẽ thường tình là nét đẹp trong tình cảm của con người. Tuy vậy, việc giữ được sự khách quan là cần thiết để nhìn ra đâu là cái tốt và cái chưa tốt mà chắt lọc, tiếp thu. Kết thúc bài viết, xin kể một câu chuyện tôi được biết, vừa vui vui vừa là một cách nghĩ cách sống. Một cậu người Ba Lan khi đã nhận lương thì không đi làm nữa. Ông bạn người Việt hỏi: Sao mày không đi làm nữa? Đáp: Tao đi làm là để có tiền, bây giờ tao có tiền rồi thì tao đi làm làm gì nữa?!

Mai Văn Hải
Tết Ất Mùi 2015.

Sửa lần cuối 2015-03-03 10:09:24

Bình luận

Bình luận qua Facebook